Cảm nhận về bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc


Cảm nhận về bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc

Bài làm

Chế Lan Viên đã từng nhận xét rằng “Nhà thơ này sử dụng đôi mắt tinh tường, nhà thơ khác sử dụng bộ óc kì ảo, còn Tố Hữu, anh chỉ sử dụng tình cảm và trái tim trần”. Tình cảm thiết tha, mãnh liệt cùng “trái tim trần” ấy đã được Tố Hữu thể hiện qua bài thơ Việt Bắc- tác phẩm được coi là đỉnh cao của thơ ông. Trong “Việt Bắc”, đoạn thơ được coi là hay nhất, kết tinh những tài hoa nhất của ngòi bút Tố Hữu chính là đoạn thơ về bức tranh tứ bình, một bức tranh tuyệt diệu vừa đậm đà vẻ đẹp truyền thống vừa mang nét tươi mới của vẻ đẹp hiện đại

  • “Ta về mình có nhớ ta
  • Ta về ta nhớ những hoa cùng người
  • Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
  • Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
  • Ngày xuân mơ nở trắng rừng
  • Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
  • Ve kêu rừng phách đổ vàng
  • Nhớ cô em gái hái măng một mình
  • Rừng thu trăng rọi hòa bình
  • Nhớ ai tiếng hát ấn tình thủy chung.

Bài thơ được viết trong hoàn cảnh tháng 10- 1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, những người kháng chiến từ chiến khu Việt Bắc trở về miền xuôi. Trung ương Đảng và Chính phủ từ quê hương cách mạng về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Đó là một cuộc chia tay lịch sử để đưa đất nước tiếp tục đi lên trong giai đoạn mới. Nhân sự kiện có tính lịch sử ấy, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Việt Bắc để gợi về những ân nghĩa, nhắc nhớ sự thủy chung của con người đối với con người và đối với quá khứ, đối với cách mạng nói chung. Nằm trong mạch cảm xúc về nỗi nhớ ấy, bức tranh tứ bình về thiên nhiên, con người Việt Bắc hiện lên thật ấn tượng.
Đoạn thơ là nỗi nhớ của người về miền xuôi nhắn gửi với người ở lại. Đó là nỗi nhớ khôn nguôi da diết được bộc lộ một cách trực tiếp:

  • “Ta về mình có nhớ ta
  • Ta về ta nhớ những hoa cùng người”

Thể thơ lục bát truyền thống được sử dụng linh hoạt khiến câu thơ mềm mại, điệu thơ uyển chuyển, nhịp thơ đều đặn, phối âm trầm bổng, dễ ngâm dễ thuộc. Cách xưng hô “mình-ta” tạo một bầu sinh quyển thấm đẫm không khí tâm tình, đó là cách nói tình tứ của thiếp, của chàng trong ca dao xưa. Nói tình cảm chính trị mà dẫn dắt bằng tình cảm lứa đôi, thơ Tố Hữu chính trị nhưng không khô khan, chính trị mà vẫn đậm đà màu sắc dân tộc. Câu hỏi tu từ ở đầu đoạn thơ kết hợp với phép điệp “ta” và “nhớ” càng khẳng định và nhấn mạnh thêm nỗi nhớ da diết của người về thủ đô. “Hoa” là thiên nhiên, “người” là con người Việt Bắc. Vậy nỗi nhớ của tác giả, hay của những người chiến sĩ về xuôi ấy bao trùm cả người, cả vật, nỗi nhớ về cảnh hay cũng là nỗi nhớ về ân tình cách mạng.
Sau lời mở đầu đầy da diết ấy, Tố Hữu đã vẽ lên bức tranh mùa đông rất chân thực, mang đậm hơi thở của núi rừng trong thời đại mới:

  • “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”
  • Mùa đông trong thơ xưa thường mang vẻ ảm đạm gắn với sương sa tuyết phủ:
  • “Sương như búa bổ mòn gốc liễu”
  • (Chinh phụ ngâm)
>> Xem thêm:  Tả cảnh đẹp mùa xuân của quê em - Văn mẫu lớp 2

Còn mùa đông trong thơ Tố Hữu không tái tê, ảm đạm như thơ xưa mà ấm nóng, tươi tắn sắc màu “rừng xanh”, “hoa chuối đỏ tươi”. Cái màu “đỏ tươi”- gam màu nóng của bông chuối nổi lên giữa màu xanh bát ngát của núi rừng, làm cho thiên nhiên Việt Bắc trở nên tươi sáng, ấm áp và như tiềm ẩn một sức sống, xua đi cái hoang sơ lạnh giá hiu hắt vốn có của núi rừng. Giữa khung cảnh ấy hiện lên hình ảnh người lao động, tuy nhỏ bé nhưng họ không bị chìm lấp đi giữa bạt ngàn xanh mát:
“Đèo cao nắng ánh dao cài thắt lưng”
Chính nắng ánh chiếu lấp lánh trên cao vào con dao người người đi rừng giắt ở thắt lưng đã khiến con người trở thành một điểm sáng di động và là trung tâm của bức tranh. Con người hiện lên không chỉ đẹp trong khung cảnh lao động và còn đẹp ở tư thế chủ động làm chủ thiên nhiên, làm chủ núi rừng ấy. Đó là hình ảnh đẹp về con người lao động mới. Vẻ đẹp ấy sau này sẽ tiếp tục được ngân vang trong thơ Huy Cận (Đoàn thuyền đánh cá), tùy bút của Nguyễn Tuân (Người lái đò sông Đà) và truyện ngắn của Nguyễn Thành Long (Lặng lẽ Sa Pa).

Đông qua, xuân lại tới. Tố Hữu đã góp vào gia tài thi liệu của mùa xuân một sắc riêng của Việt Bắc: đó là hoa mơ trắng với một không gian thoáng rộng, sáng bừng lên một màu tinh khôi thanh khiết:

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng”

Bao rùm lên cảnh vật mùa xuân là màu trắng dịu dàng, trong trẻo, tinh khiết của hoa mơ nở khắp rừng. Từ “trắng rừng” được viết theo phép đảo ngữ và từ “trắng” được dùng như động từ có tác dụng nhấn mạnh vào màu sắc, màu sắc dường như lấn át màu xanh của lá và bừng sáng cả khu rừng trong mơ màng, bâng khuâng, dịu mát của hoa mơ. Và âm điệu của hai chữ “trắng rừng” đã thể hiện được cảm giác ngỡ ngàng, hạnh phúc của nhân vật trữ tình trước vẻ đẹp tràn đầy sức sống của đất trời Việt Bắc. Từ “nở” làm cho sức sống mùa xuân lan tỏa tràn trề nhựa sống. Giữa thiên nhiên tuyệt vời như thế, con người dường như cũng khoan thai hơn:

  • “ Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

Đó vẫn là hình ảnh của con người lao động với dáng vẻ thanh mảnh, dịu dàng, đôi bàn tay khéo léo “chuốt từng sợi giang”. Cái tài của Tố Hữu nằm ở việc sử dụng từ ngữ thật chọn lọc. Chỉ một từ “ chuốt” mà làm hiện lên sự nhẹ nhàng nâng niu, vẻ đẹp tỉ mỉ cần cù cùng sự khéo léo của con người lao động mới. Con người ở đây chính là chủ nhân của mùa xuân đang tô điểm cho sắc xuân của đất trời thêm lộng lẫy.

Trong bốn bức tranh tuyệt vời của thiên nhiên Tây Bắc, có lẽ bức tranh mùa hè là sinh động nhất bởi nó xôn xao tiếng nói của cả màu sắc lẫn âm thanh:

  • “ Ve kêu rừng phách đổ vàng”

Câu thơ độc đáo không phải ở việc chọn lựa âm thanh và sắc màu đặc trưng mà ở sự chuyển giao giữa hai thứ ấy. Tiếng ve kêu không chỉ một hay vài con mà là cả rừng ve đậm đặc. Cái âm thanh vang rền của tiếng ve làm cho màu vàng của rừng phách như rung chuyển, rung lên thành tiếng. Còn âm thanh của rừng phách lại như nhuộm vàng của tiếng ve. Các động từ “kêu”, “đổ” đã thể hiện thật tài tình không khí rạo rực và sắc màu nồng nàn đặc trưng của mùa hạ. Hiện lên trong cái thiên nhiên óng vàng rộn rã ấy, là hình ảnh cô gái áo chàm cần mẫn đi hái búp măng rừng cung cấp cho bộ đội kháng chiến:

  • “Nhớ cô em gái hái măng một mình”

Hái măng một mình mà không gợi lên ấn tượng về sự cô đơn heo hắt như thơ xưa mà trái lại, rất trữ tình, thơ mộng, gần gũi thân thương tha thiết. Hình ảnh thơ cũng gợi lên được vẻ đẹp chịu thương chịu khó của cô gái vùng cao. Đằng sau đó ẩn chứa biết bao niềm cảm thông, trân trọng của tác giả.

>> Xem thêm:  Phân tích nhân vật Bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân

Bức tranh cuối cùng được khắc họa bằng bút pháp chấm điểm tả diện của Tố Hữu là bức tranh mùa thu:

  • “Rừng thu trăng rọi hòa bình”

Không gian bao la tràn ngập ánh trăng, đó là ánh trăng của tự do, của hòa bình rọi sáng niềm vui lên từng ngọn núi, từng bản làng Việt Bắc. “Trăng” là một thi liệu cũ nhưng vẫn được Tố Hữu diễn tả bằng cái nhìn rất nhìn rất mới: cái nhìn tươi tắn, khỏe khoắn của con người cách mạng.

  • “ Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Cảm xúc “nhớ” lại hiện lên lặp lại tronng câu thơ cuối. Tiếng hát ân tình thủy chung của “ai” vang vọng. Đó là tiếng hát trong trẻo của đồng bào dân tộc, là tiếng hát nhắc nhớ lẽ sống thủy chung ân tình. Đây cũng chính là tiếng hát của Việt Bắc của núi rừng của tình cảm mười năm lăm gắn bó thiết tha mặn nồng. Đó cũng chính là chủ thể trữ tình cất lên lời ân tình thủy chung với Việt Bắc, với cách mạng, với quê hương xứ sở này. Ở đây không có tiếng chuông báo thắng trận nhưng lại vang lên tiếng hát say đắm lòng người.

Tác giả đã chọn đặc trưng của bốn mùa để khắc họa khiến thiên nhiên Việt Bắc đẹp và thân thương vô cùng. Từ khi trở thành chiến khu cách mạng, Việt Bắc không u ám xa xôi nữa mà gần gũi, thân thương với mỗi người. Bằng tài năng bậc thầy về thơ ca, bức tranh tứ bình của Tố Hữu không chỉ vẽ lên hình ảnh một quê hương cách mạng tươi sáng, căng tràn sức sống, ấm áp sắc màu mà còn khắc họa được bức chân dung con người mới, con người kháng chiến trong công cuộc dựng xây, kiến thiết đất nước. Đoạn thơ vì thế mà chan chứa niềm tin, niềm tự hào, lạc quan của nhà thơ cách mạng.

Mới mẻ nhưng cũng rất truyền thống. Với kết cấu cổ điển, thể thơ lục bát, đoạn thơ là khúc hát ân tình, ân nghĩa, lời thơ gần gũi, đi vào lòng người muốn thế hệ, trở thành điệu hồn chung của dân tộc.

Bài viết liên quan