Cảm nhận vẻ đẹp người lính Tây Tiến trong khổ thơ 3


Cảm nhận vẻ đẹp người lính Tây Tiến trong khổ thơ 3

Bài làm

Quang Dũng là một trong những nhà thơ chiến sĩ tiêu biểu của thời kì kháng chiến chống Pháp. Ông đặc biệt thành công khi viết về đề tài người lính trí thức tiểu tư sản hào hoa, phong nhã. Một trong những bài thơ nổi tiếng viết về người lính là bài thơ “ Tây Tiến”. Bài thơ đã làm khắc hoạ thật ấn tượng bức tượng đài về hình ảnh người chiến sĩ Tây Tiến với vẻ đẹp hào hùng lí tưởng cao cả, sự hi sinh dũng cảm cùng vẻ hào hoa lãng mạn. Điều này đã được nhà thơ thể hiện rõ nét qua đoạn 3.
Trong nền văn học Việt Nam, mọi người nhớ tới Quang Dũng như một nghệ sĩ đa tài. Ông vẽ tranh, sang tác nhạc, viết văn xuôi nhưng trước hết vẫn là một nhà thơ. Sinh ra ở vùng mây trắng xứ Đoài niềm thơ ấy đã tạo nên một tâm hồn hồn hậu hào hoa lãng mạn. Bài thơ Tây Tiến được sáng tác cuối năm 1948 khi nhà thơ đóng quân ở Phù Lưu Chanh, một làng ven bờ sông Đáy, nhớ về đơn vị cũ ông viết lên bài thơ. Bài thơ như một bức tượng đài về những người lính cách mạng trong kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp xâm lược nước ta. Đó là bức tượng đài đã làm cho những người chiến sĩ yêu nước từng ngã xuống trong những năm tháng gian khổ ấy bất tử cùng thời gian

  • “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
  • Quân xanh màu lá dữ oai hùm
  • Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
  • Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Trong kí ức Quang Dũng, Tây Tiến là một “ đoàn binh không mọc tóc”. Nét vẽ ngoại hình này xuất phát từ một hiện thực trong cuộc sống của người lính Tây Tiến. Viết về người lính, ngòi bút Quang Dũng cũng không né tránh hiện thực, hành quân chiến đấu ở núi lạ rừng xa, ở chốn rừng thiêng nước độc, thâm sơn cùng cốc, những người lính đi qua hai cuộc chiến tranh và người lính Tây Tiến nói riêng không ai không nếm trải những trận sốt rét kinh hoàng “ Giọt giọt mồ hôi rơi/ Trên má anh vàng nghệ” hay “ Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh”. Những người lính Tây Tiến họ phải cạo trọc đầu để giảm bớt những bất tiện trong cuộc sống ở rừng hoặc tạo thuận lợi hơn cho đánh cận chiến. Cũng có thể đó là hậu quả của những trận sốt rét liên miên nơi rừng thiêng nước độc. Dù hiểu theo cách nào, đó cũng là hình ảnh gợi lên sự gian khổ, thiếu thốn khắc nghiệt của chiến tranh. Nhưng với cách diễn đạt “ không mọc tóc” câu thơ rắn rỏi, gân guốc, giọng thơ ngang tàng rất lính tâm thế chủ động, tư thế hiên ngang, ngạo nghễ trước khó khăn thử thách.
Chân dung người lính Tây Tiến còn được vẽ tiếp trong nét ngoại hình đặc sắc:

  • “Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
>> Xem thêm:  Giải thích và bình luận câu ca dao Ta về ta tắm ao ta Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn

Có thể hiểu đây là màu xanh áo lính hay màu xanh của lá nguỵ trang khiến cả đoàn quân “ xanh màu lá’. Nhưng theo mạch thơ nên hiểu là câu thơ miêu tả những gương mặt xanh xao gầy ốm vì sốt rét, vì cuộc sống tham khổ ở rừng. Có thể nhận ra cách diễn đạt tinh tế của Quang Dũng khi nhà thơ miêu tả một đoàn quân “ xanh màu lá” chứ không phải là “ xanh xao”, người lính Tây Tiến như hoà với thiên nhiên cây lá, ốm mà không yếu, gầy ốm mà vẫn trẻ trung, tràn đầy sức sống. Có thể thấy “ không mọc tóc” và “ xanh màu lá” là cách diễn tả đẹp và thanh của cảm hứng lãng mạn về một hiện thực thô ráp, nặng nề của chiến tranh. Miêu tả người lính trong gian khổ cùng hậu quả của nó và nghiêng về ca ngợi vẻ đẹp phi thường, lãng mạn, hào hùng đem đến ấn tượng mạnh mẽ về tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường vượt lên khó khăn, chiến thắng khó khăn.
Bức tượng đài chiến sĩ Tây Tiến không chỉ có nét ngang tàng oai phong trong dáng vẻ dữ dội, uy nghi mà còn được thể hiện ở chiều sâu đẹp đẽ trong tâm hồn:

  • “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
  • Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Đôi mắt vốn là cửa sổ tâm hồn, là nơi soi thấu những gì ta suy nghĩ và cảm nhận. Hoạ một con người, Quang Dũng đã khéo léo thu vào cái thần của đôi mắt để thấy hết được chiều sâu. “ Mắt trừng” là ánh mắt mở to, hướng thẳng về phía trước, ánh mắt ngời lên ý chí chiến đấu và khát vọng chiến thắng, khát vọng gửi trong mộng chiến trường cao đẹp của những người trai thời loạn. Đây thực chất là một hình ảnh ước lệ của cảm hứng lãng mạn nhằm tôn thêm sự oai phong lẫm liệt trong dáng vẻ, nét kiêu hùng, ngạo nghễ của một đoàn binh không mọc tóc với gương mặt dữ oai hùm. Câu thơ đã khắc hoạ nét đẹp lãng mạn trong tâm hồn những người lính và khát vọng lớn lao, ra đi vì nghĩa lớn như những tráng sĩ xưa:

  • “Giã nhà đeo bức chiến bào
  • Thét roi cầu vị ào ào gió thu”

Phải chăng ta bắt gặp một tháng rất đời, rất người và cũng rất thị thành của các chiến sĩ “ Dáng kiều thơm” ấy chính là vầng sáng lung linh trong kí ức. Nó đã trở thành điểm tựa nâng đỡ tâm hồn đồng thời là điểm hẹn của niềm khao khát. Có lẽ Quang Dũng đã phải rất hiểu tâm hồn đồng đội, hiểu thấu cái lớn lao của những hi sinh mà bạn bè mình trải qua mới có thể viết nên những câu thơ xót xa mà không bi luỵ, rắn rỏi mà thông cảm sâu xa để thể hiện niềm cảm khái về cái chết:

  • “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
  • Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
  • Áo bào thay chiếu anh về đất
  • Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Hiện thực nghiệt ngã được gợi lên qua những hình ảnh nấm mồ chiến sĩ rải rác nơi rừng hoang biên giới xa xôi, lạnh lẽo một mặt đã được giảm nhẹ đi bởi các từ Hán Việt cổ kính trang trọng “ biên cương, viễn xứ, chiến trường, độc hành,..” , mặt khác chính cái bi thương ấy lại bị mờ đi trước trước lí tưởng quên mình, xả thân vì Tổ Quốc của người lính Tây Tiến “ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” Hình ảnh thơ đậm chất bi tráng, phảng phất hình ảnh những tráng sĩ xưa “ Gieo thái Sơn nhẹ tựa hồng mao” đó là khí phách của những con người dũng cảm, kiên cường , sẵn sang gạt tình riêng, ôm chí lớn “ ra đi không vương thê nhi”. Cách nói “ chẳng tiếc đời xanh” đã tô đậm lí tưởng cao cả và khí phách kiên cường của những người chiến sĩ anh hùng quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh.
Ngẫm nghĩ về cái chết của đồng đội, người ta có thể cao lớn thêm rất nhiều, cũng như thêm trầm tĩnh và mạnh mẽ. “ Áo bào thay chiếu” là hiện thực khắc nghiệt của cuộc kháng chiến. Thế nhưng qua cách nói của Quang Dũng nó lại toát lên cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản. Nhà thơ không gọi nó là cái chết mà là “ về đất” là sự trở về, là hành động tịnh nghĩa của những người lính sau khi đã thực hiện sứ mệnh của mình và hoá thân trọn vẹn vào dáng hình Tổ Quốc. Nếu như ở câu thơ trên con người dường như câm lặng trước nỗi đau thì ở câu dưới thiên nhiên lại dữ dội gầm gào cuộn thét:

  • “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
>> Xem thêm:  Đóng vai người lao động kể lại chuyến ra khơi trong Đoàn thuyền đánh cá

Sông Mã đã từng xuất hiện trong tiếng gọi thiết tha ở đầu bài thơ “ Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi” như một biểu tượng của người miền Tây, của Tây Tiến, của quá khứ, nay sông Mã trở lại với âm thanh dữ dội hào hùng trong cách tiễn đưa sĩ tử. Từ âm thanh của tiếng sóng sông Mã, nghệ thuật nhân hoá trong cụm từ “ gầm lên” đã thể hiện trọn vẹn tính chất dữ dội trong những cung bậc. Cảm xúc mạnh mẽ và sâu sắc nhất với những bi phẫn, xót đau, những tiếc thương cảm phục,.. Sông Mã dã từng gắn bó với anh trong suốt chặng đường hành quân gian khổ qua miền tây, nay sông Mã lại là chứng nhân lịch sử thay lời cho cả thiên nhiên, trời đất, núi sông Mã gầm vang “ khúc độc hành” bi tráng đưa tiễn những người con yêu quý trở về yên nghỉ trong lòng đất.
Với ngòi bút tài hoa của Quang Dũng cùng với việc sử dụng các biện pháp tu từ nhân hoá, các từ Hán Việt, kết hợp hài hoà giưa hai yếu tố bi và tráng, bức tượng đài về người lính Tây Tiến đã được khắc hoạ vừa hào hùng, hào hoa vừa chân thực, lãng mạn. Bài thơ vẫn đi theo dòng chảy chung của văn học dân tộc nhưng không hề mất đi những nét riêng, hấp dẫn, độc đáo.
Đoạn thơ đã thể hiện đầy đủ cốt cách và bút pháp lãng mạn, hồn thơ tài hoa của Quang Dũng. Nếu “ thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” thì Tây Tiến đã cho ta cảm nhận về ấn tượng ấy. “ Tây Tiến” đã mang vẻ đẹp độc đáo của một bài thơ viết về người lính- anh bộ đội cụ Hồ những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

Bài viết liên quan