Cảm nhận về đoạn trích Trao Duyên trích Truyện Kiều của Nguyễn Du


Đề bài: Cảm nhận của em về đoạn trích “Trao duyên” trong “Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Bài làm

Đoạn trích “Trao duyên” – một trong những đoạn trích bi thiết nhất của “Truyên Kiều” khi Nguyễn Du thành công trong diễn tả nội tâm nhân vật Thúy Kiều trao cho em gái Thúy Vân mối duyên nồng của mình và Kim Trọng.

Đoạn trích “Trao duyên” bao gồm cả thảy 34 câu (từ câu 732 đến câu 756) trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Khác với nguyên tác trong “Kim Vân Kiều truyện” là lời nhờ cậy của Thúy Kiều và vài câu đáp của Thúy Vân thì ở “Trao duyên”, Nguyễn Du để cho Thúy Kiều đưa ra lời thoại một phía bằng những câu thơ dài thê thiết để chứng tỏ sự hệ trọng, áp lực và nỗi lòng giãi bày của Thúy Kiều. Tuy là đối thoại nhưng thực chất đây là đoạn độc thoại nội tâm của Thúy Kiều khi trải qua mối tình tan vỡ và bản thân sắp sa chân vào chốn xô bồ, đua chen.

Cuộc trao duyên bắt đầu bằng hành động đặc biệt của Thúy Kiều:

“Cậy em, em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.”

Kiều đã có những hành động khiến Thúy Vân khó xử: lạy, thưa. Đó là hành động mà thường người bề dưới ứng xử với người bề trên, rất trịnh trọng. Mặt khác những từ “cậy”, “chịu lời” đã tạo ra vị thế đặc biệt của người quỳ dưới đất áp đặt lên người được nhờ đang trịnh trọng ở trên. Lời nhờ cậy “keo loan chắp mối tơ thừa” thật quá hoang đường bởi lẽ có ai lại đi bắt người ta kết đôi với nhau lại còn là “tơ thừa” của mình.

>> Xem thêm:  Thuyết minh về một tác phẩm văn học

Nhưng ẩn sâu trong lời nhờ đó là nỗi trăn trở, cân nhắc, khó xử của Thúy Kiều:

“Kể từ khi gặp chàng Kim,

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.

Sự đâu sóng gió bất kỳ,

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?”

Thúy Kiều kể rõ hoàn cảnh của mình để Thúy Vân thông cảm. Đó là sóng gió bỗng nhiên ập tới khiến cho mối tình đẹp Kim-Kiều tan vỡ, Kiều phải bán mình chuộc cha vì thế không thể tiếp tục đáp lại tình cảm của Kim Trọng. Kiều trình bày nỗi khó xử của mình khi phải vẹn toàn giữa hiếu và tình.

cam nhan ve doan trich trao duyen trich truyen kieu cua nguyen du - Cảm nhận về đoạn trích Trao Duyên trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

Cảm nhận của em về đoạn trích Trao Duyên

Mặt khác, Kiều cũng giải thích lí do tại sao lại chọn Vân làm người giúp mình:

“Ngày xuân em hãy còn dài,

Xót tình máu mủ, thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”

Đó là bởi vì trước hết Kiều và Vân là chị em ruột thịt, nghĩa nặng tình thân và hơn ai hết Vân là người hiểu rõ nhất tình cảnh éo le của Thúy Kiều. Thứ hai, Thúy Vân còn trẻ, cuộc đời còn dài trái ngược với Kiều sắp phải đến chốn mịt mùng không rõ sống được bao lâu, chịu đựng được tới khi nào. Thứ ba, Kiều sẽ mãi mãi mang ơn này, Vân hãy coi như bản thân đang tích đức, làm phúc cho đời, có như vậy Kiều sẽ mang ơn suốt đời.

Sau khi trình bày đủ lí lẽ rất thuyết phục, Kiều tiếp tục đưa vật kỉ niệm tình yêu của mình cho Vân:

>> Xem thêm:  Phân tích đoạn trích Chí khí anh hùng trích Truyện Kiều

“Chiếc thoa với bức tờ mây

Duyên này thì giữ, vật này của chung.”

Trao lại vật duyên cho em, nhưng Kiều vẫn mong muốn giữ lại chút gì đó cho mình. Từ “của chung” ở đây đã thể hiện diễn biến nội tâm rất hợp quy luật logic trong vận động tình cảm. Tình yêu ai chẳng có ít nhiều ích kỉ, nhỏ nhen và Kiều cũng mong sao được có chút ít gì đó cho riêng mình. Điều này cho thấy Kiều vô cùng luyến tiếc và coi trọng mối duyên này.

Từ thực tại, Kiều nghĩ về tương lai của ba người:

“Dù em nên vợ nên chồng,

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên!

Mất người còn chút của tin,

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.”

Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.

Trông ra ngọn cỏ gió cây,

Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về.

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt, khuất lời,

Rảy xin chén nước cho người thác oan.”

Trái với cảnh tượng tương lai hạnh phúc “nên vợ nên chồng” của Vân và Kim Trọng thì Thúy Kiều tự gọi mình là “mệnh bạc”. Thúy Kiều đã tự vẽ ra tương lai của mình bằng những hình ảnh đấy tính chết chóc, thê lương: mất người, lò hương, hiu hiu, nát, đền nghì, cách mặt, khuất lời… Thậm chí, ngay cả khi đã không còn trên đời này nữa, Kiều lại hóa thành âm hồn oan khuất không tài nào siêu thoát mà cứ vấn vương mãi trên cõi trần: nguyền, nặng lời thề, thác oan.

Trong đoạn kết, Thúy Kiều kêu lên tiếng kêu oan trái khi bản thân trở thành kẻ phụ bạc:

>> Xem thêm:  Kể lại đoạn trích Uy-lít-xơ trở về (Trích ô-đi-xê - sử thi Hi Lạp) theo nhân vật Pê-nê-lốp

“Bây giờ trâm gãy bình tan,

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

Phân sao phận bạc như vôi?

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

Chiếc châm cài đã gãy đôi thì không thể kết lại, chiếc bình vỡ làm trăm mảnh không tài nào phục hồi, nước chảy vô tình cuốn cánh hoa trôi đi xa nguồn cội mãi mãi, sự thể đã không thể nào đổi rời… Thúy Kiều vận mình như kiếp vôi bạc, mối tình tựa chiếc châm, chiếc bình, bông hoa trôi khiến mọi thứ “lỡ làng”. Tiếng than thê thiết “Ôi”, “Hỡi”, “thôi thôi”… đẩy nỗi đau đớn, xót xa lên đỉnh điểm. Đúng là “Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi”. Từ nói với Thúy Vân, Kiều quay sang tự nói mình rồi cuối cùng là tự nói với Kim Trọng đã cho thấy cái nắm bắt diễn biến nội tâm rất hợp quy luật logic mà Nguyễn Du thể hiện.

Cả đoạn trích “Trao duyên” tựa trang thơ đẫm lệ mà Nguyễn Du khóc thương cho số phận nàng Kiều cũng như số phận của nhiều người phụ nữ trong chế độ xã hội phong kiến khác. Đồng thơi, giá trị tố cáo phê phán chế độ xã hội cổ hủ lạc hậu đầy rẫy bất công đã làm tan vỡ mối duyên đẹp và đẩy người phụ nữ vào bước đường tương lai mờ mịt. Nguyễn Du quả là một nhà nhân đạo, nhà tư tưởng và có tấm lòng yêu nước thương dân vĩ đại.

Hoài Lê

Bài viết liên quan