Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật Phương Định


Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật Phương Định

Bài làm

Trong những năm tháng dất mẹ đau thương ngập ngụa trong nỗi đau chiến tranh, nước nhà chia cắt, đã có biết bao thanh thiếu niên sẵn sàng rời ghế nhà trường, cống hiến sức khỏe và tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Nhà văn nữ Lê Minh Khuê cũng nằm trong số đó. Cô là nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn đỏ lửa. Có lẽ chính vì thế mà tác phẩm “Những nhôi sao xa xôi” của cô vô cùng chân thực, khiến cho vẻ đẹp của ba cô gái trong tổ trinh sát mặt đường chói sáng hơn bao giờ hết. Nổi bật nhất là Phương Định, người con gái Hà Nội trẻ trung với vẻ đẹp tâm hồn và tiêu biểu cho những phẩm chất của thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ.

Được chắp bút vào năm 1971- thời kì khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến, “Những ngôi sao xa xôi” được viết nên bằng tình cảm, bằng trải nghiệm của chính tác giả ở nơi Trường Sơn núi rừng khô khốc, nơi bom đạn cày xới đất, nơi tiếng bom gào rú, nơi phản lực rít ngay trên đầu và cái chết luôn rinhg rập. Nhân vật Phương Định tỏa sáng tại khoảnh khắc đó, tại thời điểm đó, như ngôi sao vụt sáng lên trên nền đen chiến tranh, mãi mãi.

Như bao thanh niên khác, trước khi nghe theo tiếng gọi Tổ quốc mà bước lên con đường đấu tranh, con đường cách mạng, Phương Định là một cô gái Hà Nội mộng mơ, sống với mẹ và có những kỉ niệm vô cùng đẹp đẽ về tuổi trẻ, về cuộc sống êm đềm. Cô thích hát và thích bịa lời để hát. Tiếng hát yêu đời của cô xua tan những sợ hãi, gầm gừ của bom đạn. Định đẹp và ý thức được điều đó. Cô có “cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa kèn,đôi mắt màu nâu, hay nheo lại như chói nắng. “Và các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”. Thật dễ hiểu khi Định nữ tính như bao cô gái khác. Và cô đẹp kín đáo. Khi nói chuyện với một anh bộ đội nói giỏi nào đấy, cô không săn sóc vồn vã mà đứng xa ra, khoanh tay trước ngực trông rất điệu. Đấy là nét kiêu kì riêng của người con gái Hà Thanh. Nhưng thực tình, trong suy nghĩ của Định, “những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”.Suy nghĩ của cô vô cùng trong trẻo, thơ ngây. Ta thấy ở Định có một tâm hồn thiếu nữ trong sáng, mộng mơ như những cô gái Việt Nam khác: duyên dáng mà tế nhị, kín đáo, yêu đời- sự yêu đời của cô thổi vào hiện thực tàn khốc của câu chuyện một làn gió man mát, xoa dịu đi nỗi đau trong lòng người.

Nữ tính là thế nhưng trong công việc, Phương Định vô cùng dũng cảm, có tránh nhiệm. Cô sống trong hang dưới chân một cao điểm cùng với hai đồng đội của mình là Nho và chị Thao. Công việc của họ là đo lượng đất lấp hố bom, đếm bom chưa nổ và khi cần thì phá bom. Phải chạy trên cao điểm cả ngày, đùa giỡn với Thần chết – gã không thích đùa nấp trong ruột những quả bom, nhưng các cô bình tĩnh đến lạ. Kể về một lần phá bom, Phương Định kể với một thái độ vô cùng nhẹ nhàng, thoải mái khiến ta đôi khi tự hỏi đây có phải là lời kể của cô nữ sinh mới ra trường hay không. Định tìm kiếm một điểm tựa tâm lí, đó là ánh mắt của các anh chiến sĩ dõi theo, là lòng tin đồng đội đặt vào các cô gái bé nhỏ và kiên cường. Cô đi thẳng, vì như cô thú nhận, cô biết đồng đội mình không thích kiểu đi khom khi có thể cứ đường hoàng mà bước tới. Cô đối mặt với tử thần như mọi cô gái dũng cảm đối mặt với tất cả những hiểm nguy mà không hề nao núng. Cô tin tưởng đồng đội của mình và trên hết lòng tự trọng kiến cô ngẩng cao đầu, tin tưởng vào bản thân. Khi tiếng xẻng cứa vào vỏ bom, một thứ âm thanh sắc lẹm, dội vào tai, có lẽ lòng người ai cũng run sợ trước khoảnh khắc đó, khoảnh khắc mà chỉ cần một sơ sẩy nhỏ thôi, tử thần sẽ đưa bạn qua thế giới bên kia một cách hờ hững, nhanh chóng, tựa như cách hắn đã làm với bao người khác. Bom nổ và Định chạy vào hang nấp. Cô đã thành công.Mùi thuốc bom buồn nôn và cảm giác choáng váng không ngăn cô được khỏi sự vui vẻ. Công việc phá bom đối với cô là một trách nhiệm nặng nề khiến cô dồn cả tâm sức vào đó, đến nỗi coi mạng sống của mình nhẹ như không. Cuộc sống ở chiến trường là thế: cái chết là một điều quá đổi tự nhiên. Định kể: “Quen rồi- ngày nào chúng tôi cũng phá bom năm lần. Ngày nào ít, ba lần”. Giọng điệu bình thản của Định khi kể về cái chết, về bom đạn, về chiến tranh không những vẽ ra trước mắt ta một hiện thực chiến tranh,phũ phàng khốc liệt mà hơn tất cả, nó còn vẽ nên một Phương Định can trường, bất khuất, một Phương Định với tâm hồn mộng mơ mà rất đỗi hiên ngang, một cô gái yêu đời thích hát luôn ngẩng cao đầu trước bom đạn chiến tranh. Một cô gái không bị cái gì đe dọa, ngoài trách nhiệm và đôc lập dân tộc, kể cả cái chết. Trong “Đất nước” Nguyễn Khoa Điềm đã viết:

>> Xem thêm:  Tưởng tượng hai mươi năm sau, vào một ngày hè, em về thăm lại trường cũ. Hãy viết thư cho một bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động

“Họ đã sống rồi chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt, đặt tên

Nhưng họ đã làm nên đất nước”

Phương Định là một người như vậy. Và đất nước cần những con người như cô. Những nam nữ thanh niên xung phong với tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng dưới một tuổi trẻ là tình yêu nước thắm thiết, dưới một sự sôi nổi là lòng căm thù giặc sục sôi, dưới một tâm hồn là trách nhiệm, là ý chí, là lời thề son sắt với non sông gấm vóc.

Những người trẻ đó luôn có tình đồng đội gắn bó sâu sắc. Phương Định cũng thế. Nho bị thương, máu rỉ cả ra đất. Hiện thực chiến tranh đã thế rồi, phải tập làm quen với nó nếu muốn tồn tại và hoàn hành nhiệm vụ được giao. Cô rửa cho Nho, tiêm và cho Nho uống sữa. Đứa em út mà cô thương nhất, đứa em út luôn đòi cô kẹo ngay cả khi bị thương. Phương Định chăm sóc Nho như một người mẹ, người chị mà trên tất cả là một người đồng chí. Văn học Việt Nam thời kì Cách mạng luôn là những dòng chảy sáng tác về tình cảm đồng đội. Đó là “Đồng chí” của Chính Hữu là “Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật”. Tình đồng đội ở Phương Định lúc này cũng tràn đầy như thế, là động lực giúp cô và đồng đội vượt qua những khó khăn, ác liệt trong đời sống chiến tranh.

>> Xem thêm:  MS553 - Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng, đượm buồn rất Huế

Với cách kể chuyện linh hoạt, tự nhiên, ngôn ngữ trẻ trung, giàu nữ tính , Lê Minh Khuê đã vẽ nên một bức tranh chiến trường vô cùng khắc nghiệt nhưng nổi bật trên đó là những tâm hồn đẹp đẽ, những trái tim tuổi trẻ yêu nước từ những vùng miền khác nhau. Đặc bệt là Phương Định, một cô gái mộng mơ, yêu đời, tinh trần trách nhiệm cao với công việc, dũng cảm, can trường và yêu thương đồng đội tha thiết. Đó chính là vẻ đẹp tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ.

“Những ngôi sao xa xôi” không chỉ khiến ta thấm tháp vẻ đẹp của những tâm hồn trẻ trong chiến tranh hay hiện thực của nó, tác phẩm còn là một lời nhắn nhủ tới chúng ta –thế hệ trẻ hôm nay của đất nước dù trong thời bình cũng phải tiếp tục cố gắng, ra sức rèn luyện, bảo vệ Tổ quốc. Bởi, đất nước Việt Nam hôm nay được làm nên từ những hy sinh và cống hiến lớn lao bao thế hệ cha anh đi trước.

Bài viết liên quan