MS553 – Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng, đượm buồn rất Huế


Đề bài: Về bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” có ý kiến cho rằng: “Đây thôn Vĩ Dạ” là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng, đượm buồn rất Huế. Ý kiến khác lại khẳng định: Bài thơ chất chứa nỗi buồn, cô đơn về một mối tình đơn phương.

Bằng cảm nhận về tác phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử), anh /chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về các ý kiến trên.

Bài làm

“Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa, rực rỡ của mình”, đó là lời của Chế Lan Viên khi nói về Hàn Mặc Tử – một trong những nhà thơ lớn của phong trào Thơ mới, Là thi sĩ hoạn nạn nơi trần thế nhưng ông là một tài năng có sức sáng tạo mãnh liệt nhất trong phong trào Thơ mới, một vì sao tuy ngắn ngủi mà lóe sáng. Ông làm thơ từ năm 14 – 15 tuổi với các bút danh: Minh Duệ Thi, Phong Trần, Lệ Thanh, đến năm 1963 mới đổi bút danh là Hàn Mặc Tử; bắt đầu bằng thơ Đường luật, sau chuyển sang sáng tác theo khuynh hướng thơ mới lãng mạn. Chỉ vẻn vẹn hơn 10 năm sáng tác, thi sĩ đã để lại cho đời nhiều thi phẩm có giá trị, trong đó, “Đây thôn Vĩ Dạ” được xem là một kiệt tác. Có ý kiến cho rằng: “Đây thôn Vĩ Dạ” là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng, đượm buồn rất Huế nhưng có người lại khẳng định: bài thơ chất chứa nỗi buồn, cô đơn về một mối tình đơn phương. Quả thật, “Đây thôn Vĩ Dạ” là dòng hoài niệm về vẻ đẹp thiên nhiên, con người xứ Huế và tấm lòng khát yêu, khát sống của thi nhân.

“Đây thôn Vĩ Dạ” lúc đầu có tên “Ở đây thôn Vĩ Dạ” sáng tác năm 1938, in trong tập “Thơ điên”, là một tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ Hàn Mặc Tử và cũng là một trong những thi phẩm xuất sắc của thơ Việt Nam hiện đại. Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc tử với một cô gái tên là Hoàng Thị Kim Cúc quê ở Vĩ Dạ, một thôn nhỏ bên dòng sông Hương nơi xứ Huế thơ mộng và trữ tình. Sau hai năm vào Sài gòn làm báo, Hàn Mặc Tử trở lại Quy Nhơn thì Hoàng Cúc đã theo gia đình về ở Vĩ Dạ. Một buổi kia, do sự gợi ý của người em thúc bá, cô gái Huế gửi vào cho nhà thơ một tấm ảnh chụp phong cảnh sông nước có thuyền và bến kèm theo mấy lời thăm hỏi để an ủi nhà thơ lúc này đã mắc căn bệnh hiểm nghèo. Sau đó, Hoàng Thị Kim Cúc nhận được bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” do Hàn Mặc Tử tặng và kèm theo đó là mấy dòng cảm tạ chân thành. Như vậy, “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là một bức tranh nhuốm màu tâm trạng – tâm trạng cô đơn, u sầu,lo lắng nhưng không hề suy sụp trong hoàn cảnh éo le, bất hạnh của tác giả bởi ông là điển hình cho một tâm hồn ham sống, khát khao hòa nhập với cuộc sống.

ms553 day thon vi da la buc tranh thien nhien tuoi dep tho mong duom buon r - MS553 - Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng, đượm buồn rất Huế

Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng, đượm buồn rất Huế

Đúng như vậy, “Đây thôn Vĩ Dạ” vừa là bức tranh ngoại cảnh vừa là bức tranh tâm cảnh. Lê Quý Đôn từng khẳng định: “Thơ phát khởi tự trong lòng người ta”. Mỗi bài thơ đều là tấm gương phản chiếu tấm lòng, tình cảm của nhà thơ với con người, với cuộc đời. Rung cảm càng tinh tế, tình cảm càng nồng nàn, lời thơ càng có sức chinh phục. “Đây thôn Vĩ Dạ” hẳn cũng là sự “phát khởi” tự trong lòng Hàn Mặc Tử. Mỗi nét cảnh trong bức tranh thôn Vĩ đều cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống nơi xứ Huế của thi nhân. Đi vào thế giới nghệ thuật của bài thơ ta sẽ cảm nhận sâu sắc điều đó.

  Trước hết, không thể phủ nhận rằng “Đây thôn Vĩ Dạ” là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng nhưng ẩn sau đó là bức tranh tâm cảnh đầy u buồn, lo lắng. Nỗi buồn ấy dường như đã được hé mở bằng một câu mở đầu chứa nhiều sắc thái: vừa hỏi, vừa nhắc nhở, vừa mời mọc, vừa trách móc”

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

Đọc câu thơ đầu, sức nặng như dồn vào hai chữ “không về”. Ở đây phải là “không về” chứ không phải “chưa về”. Hai chứ “không về” thể hiện rõ tâm trạng sầu khổ của Hàn Mặc Tử . Hố sâu ngăn cách giữa Hàn Mặc Tử và mọi người chính là căn bệnh hiểm nghèo khiến cho nhà thơ vô cùng cô đơn, tuyệt vọng. Hơn nữa, hai chữ “không về” còn thể hiện rõ được tình cảm một phía của Hàn Mặc Tử với Hoàng Cúc. Đó là dòng sông một bờ mà phía bờ đó lại xuất phát từ Hàn Mặc Tử:

>> Xem thêm:  MS542 - Nếu như cảm hứng nhân bản nghiêng về đồng cảm với những khát vọng rất người của con người, cảm hứng nhân văn thiên về ngợi ca vẻ đẹp của của con người thì cảm hứng nhân đạo là cảm hứng bao trùm.

“Có một dòng sông mang tên em

Dòng sông anh tự đặt

Xin mùa thu chiếc lá làm thuyền

Có một dòng sông trôi vào lãng quên

Nước trong như nước mắt

Điều chưa thấy mà sao đã mất

Có một sòng sông chỉ có một bờ

Phía bờ kia quay mặt

Dòng sông anh không qua được bao giờ”

Khi một con người yêu mảnh đất, yêu thiên nhiên, con người nơi ấy giờ đây lại không thể trở về mảnh đất mình yêu quý, Hàn Mặc Tử giờ đây chỉ có thể về lại thôn Vĩ qua tâm tưởng của mình. Vì thế, thôn Vĩ hiện lên trong thơ Hàn Mặc Tử vô cùng trong trẻo, tuyệt đẹp, thơ mộng qua bút pháp lí tưởng hóa:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Bước chân vào mảnh vườn thôn Vĩ, ta bắt gặp màu nắng đặc biệt – “nắng hàng cau”. Thơ mới thường đem đến cho người đọc những cấu tứ mới, thi liệu mới. Ta bắt gặp trên diễn đàn thơ mới nhiều màu nắng lạ. Đó là cái nắng chang chang trong bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử:

“Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”

Ta bắt gặp “nắng trở chiều” trong thơ Xuân Diệu:

“Con đường nhỏ nhỏ nắng xiêu xiêu

Lả lả cành hoang nắng trở chiều”

Còn ở đây ta lại bắt gặp hình ảnh “nắng hàng cau”. “Nắng hàng cau nắng mới lên”, nó rất sáng, rất tươi bởi vì sương vẫn còn đọng đẫm trên lá cau, thân cau của thôn Vĩ Dạ. Lại là cây cao trong vườn nên cau là cây đầu tiên được đón ánh nắng hồng ban mai mới lên của một ngày. Nhưng đây cũng là ánh nắng buổi đầu đời của tuổi thanh xuân nên nó lưu lại trong tâm hồn thi sĩ một kỉ niệm không thể nhạt phai. Phải chăng đó là cái nắng rất tinh khôi, tinh khiết. Nắng kỉ niệm được nhắc tới tận hai lần làm bừng sáng cả câu thơ và nghe như tiếng reo vui. Vườn cây thôn Vĩ trong “nắng mới”, trong kí ức và kỉ niệm cũng đẹp như tiên cảnh với lá ngọc cành vàng:

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Hai từ “mướt quá” làm cho câu thơ như một tiếng reo vui, thích thú. Ở đây, không thể dùng chữ nào khác ngoài chữ “mướt” để thể hiện sức sống tươi trẻ của khu vườn, khu vườn non tơ đến mỡ màng, căng tràn sức sống. Giờ đây, Hàn Mặc Tử lại so sánh như một viên ngọc. Nghệ thuật so sánh này đã làm cho thôn Vĩ vốn bình dị, quê kiểng bỗng trở nên cao sang lạ thường vì ngọc vừa có màu vừa có ánh.Nó lan tỏa màu xanh rồi lại ánh lên sắc xanh. Nói về vẻ đẹp ngôn từ không thể bỏ qua được chứ “quá” và chữ “ai”, hai chữ này tuy không gây được ấn tượng mạnh như chữ “nước” và “ngọc” nhưng rõ ràng đây cũng là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Trước hết là chữ “quá”. “Quá” là một phó từ chỉ mức độ tương đồng với từ “rất” và “lắm” nhưng ở đây không thể thay thế từ “quá” với những từ trên bởi nó đã đạt đến tính chính xác của văn chương. Tính chính xác của văn học là những ngôn từ mô tả đúng tình, đúng cảnh, đúng người. Để có những từ “đắt” như vậy đòi hỏi người nghệ sĩ phải lao động cực nhọc trên từng trang viết. Nói như Tố Hữu: “Nhà thơ là con ong hút nhụy từ những bông hoa của cuộc đời. Nếu không có sự cần mẫn của những con ong thì nhụy hoa không thể thành mật ngọt”. Còn chữ “ai” là một từ phiếm chỉ. Từ “ai” khiến cho mảnh vườn kia trở nên không xác định, chơi vơi, trống vắng. Nó làm sáng tỏ câu thơ đầu tiên là lời tự an ủi lòng mình của Hàn Mặc Tử. Đồng thời, chữ “ai” trong câu thơ còn thể hiện nỗi đau của Hàn Mặc Tử – một con người yêu trần thế, yêu cảnh vật thiên nhiên nhưng lại có nguy cơ phải chia lìa tất cả.

Nếu ba câu thơ đầu nhà thơ vẽ lên hình ảnh khu vườn thôn Vĩ ở tầm khái quát: ngước lên ta bắt gặp “nắng hàng cau” – thứ nắng tinh khôi, tinh khiết, nhìn xuống ta lại bắt gặp một khu vườn non tơ đến mỡ màng, căng tràn sức sống thì câu thơ thứ tư khép lại là một chi tiết đặc tả. Cả khu vườn giờ đây chỉ còn thu lại vào khuôn mặt chữ điền ẩn hiện đằng sau cành lá trúc – một nét vẽ tạo hình đậm chất cổ điển, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người thôn Vĩ:

>> Xem thêm:  Bình giảng bài “Tát nước đầu đình”

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Cũng có thế đó là gương mặt người trở về thăm thôn Vĩ, đứng bên ngoài vịn cành lá trúc mà say ngắm vẻ đẹp thần tiên của khu vườn. Chiếc lá trúc che ngang làm cho khuôn mặt chữ điền phúc hậu, hiền hòa trở nên dễ mến, dễ thương. Nói bức tranh thôn vĩ đượm buồn là bởi cảnh vườn thôn Vĩ cũng là hình ảnh cuộc đời,  như một thiên đường trần gian, một ao ước ngoài tầm với, một hạnh phúc ngoài tầm tay.

Khu vườn thôn Vĩ đẹp là thế nhưng mọi chi tiết, phong cảnh trở thành nét vẽ của tâm trạng cô đơn, u sầu trong những phút đắm say bỗng trở lại với thực tại bi thương, nó không còn đơn thuần là một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, mỡ màng:

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng kịp về tối nay ?”

Đó chính là những dự cảm u buồn, những mặc cảm chia lìa. “Nắng hàng cau” vừa bùng sáng bỗng vụt tắt, nhường chỗ cho những hình ảnh chia lìa tan tác, buồn thương hiu hắt. Khổ thơ thấm đượm dư vị xót xa. Kỉ niệm xưa về tình người càng đẹp bao nhiêu thì thực tại càng đau đớn buồn bã bấy nhiêu. Thi sĩ là người hay mơ mộng “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió – Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”(Xuân Diệu). Xưa nay, gió và mây luôn đi liền với nhau, gió cuốn, mây bay nhưng trong thơ của Hàn Mặc Tử, gió mây lại đôi ngả đôi đường. Sự chia li thật phũ phàng. Thôn Vĩ Dạ đối diện với Cồn Hến, một doi đất nổi lên giữa dòng sông Hương, trên đó người dân trồng nhiều bắp. Dòng nước sông Hương trôi lững lờ, gió trên sông Hương nhẹ lay động hoa bắp, gợi lên cảm giác buồn hiu hắt. Cái buồn của cảnh vật hòa vào nỗi buồn xa vắng của lòng người. Trong nỗi tuyệt vọng, “trăng” chính là người bạn tri kỉ, một niềm tin cậy, một vị cứu tinh. Trăng với thi nhân muôn thuở đã chia sẻ với nhau bao nhiêu nỗi niềm. “Sông trăng”, “thuyền trăng” là những hình ảnh đầy chất thơ,huyền ảo như cõi mộng. Trong nỗi đau đớn, tuyệt vọng, thi sĩ cất lời gọi ai đó đem con thuyền chở trăng về với mình. Đây không chỉ là dòng sông của nước nữa mà còn là dòng sông ánh sáng, lấp lánh ánh trăng vàng. Chữ “đó” cuối câu ba bắt vần với chữ “có” đầu câu bốn, âm điệu thơ cất lên như một tiếng khẽ hỏi thầm:

“Có chở trăng về kịp tối nay”

Sao phải là “kịp” và phải là “tối nay” Có phải nếu không “kịp” thì tất cả sẽ trở thành muộn màng ? Phải trăng thi sĩ đã dự cảm về một cái kết thúc đau thương của mình ? Chữ “kịp” thật bình thường mà chất chứa bi kịch tâm hồn, nó hé mở một mặc cảm về thực tại xa vời, hiện tại ngắn ngủi và sự tồn tại mong manh. Hàn Mặc Tử sống là chạy đua với thời gian giống Xuân Diệu nhưng ở Xuân Diệu là để tận hưởng tối đa hạnh phúc nơi trần thế bởi đời người qua ngắn ngủi còn Hàn Mặc Tử chỉ mong được sống là hạnh phúc lắm rồi bởi cái chết đang cận kề với ông. Quỹ thời gian đang vơi đi từng giờ, từng khắc, cuộc chia lìa vĩnh viễn đã sát gần.

“Bài thơ chất chứa nỗi buồn, cô đơn về một mối tình đơn phương” nói như vậy quả là không sai bởi ngay từ hoàn cảnh sáng tác của bài thơ ta đã biết rằng bài thơ được lấy cảm hững từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử. Thế nhưng, nói như vậy thì sẽ không bộc lộ được hết ý nghĩa của bài thơ vì tác giả không chỉ khát yêu mà còn khát sống, yêu thiên nhiên, khát khao được hòa nhập với mọi người. Nếu khổ thơ thứ hai mở ra không gian thôn Vĩ bên dòng sông Hương cùng với hình ảnh gió, mây, sông nước chất chứa nỗi niềm, tâm trạng của nhà thơ trước thực tại phũ phàng thì đến đây “bến sông trăng” và “thuyền trăng” đã đưa thi nhân vào mộng ảo:

>> Xem thêm:  Kể về một con người đáng yêu, đáng kính mà em biết

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà ?”

Nhà thơ đang mơ ở trong cõi đau thương của riêng mình. Vườn đẹp, trăng đẹp và bây giờ đến hình bóng đẹp của “khách đường xa”. “Em” là người của cõi đời, giờ đã thành xa xôi quá ! Ba chữ “khách đường xa” được lặp lại hai lần đã nhấn mạnh sự xa xôi ấy. Nhiều người cho rằng “áo trắng quá nhìn không ra” là bởi lẫn vào sương khói. Không phải thế. “Áo em trắng quá nhìn không ra” chính là một cách cực tả sắc trắng ở mức độ tuyệt đối, tột cùng. Trong thơ Hàn Mặc Tử, ta vẫn thường gặp lối nói giàu ấn tượng như vậy:

“Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”

Màu trắng đã trở thành một ám ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử. Vẻ đẹp của sắc áo trắng thanh khiết, tinh khôi và rực rỡ như một vẻ đẹp đáng tôn thờ và mơ ước. Hình ảnh người con gái nơi xứ Huế càng đẹp, càng tinh khiết, càng xa vời.Không chỉ “áo em trắng”, sương trắng, khói trắng mà hình ảnh con người cũng mờ ảo, nhạt nhòa bởi thi nhân cảm nhận bằng nỗi niềm tâm trạng hoài nghi, vừa hy vọng vừa như trách móc lại vừa thoáng một nỗi buồn xa vắng, cô đơn:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà ?”

“Nhân ảnh” là chỉ bóng người, bóng hình người con gái ấy giờ đây đã trở nên mờ nhạt trong sương khói của đất trời. “Ở đây” có thể là Huế vì Huế được biết đến là một vùng đất của khói sương và sương khói ấy đã làm cho hình bóng của “em” trở nên mờ nhạt. Còn nếu “ở đây” là Quy Nhơn thì sương khói ấy chính là sương khói cuộc đời đang giăng kín khiến nhà thơ cảm thấy đầy mặc cảm trước những cách trở, chia lìa của số phận. Không chỉ là “sương khói” của thời gian, “sương khói” của không gian mà còn là “sương khói” của mối tình vô vọng đã làm mờ “nhân ảnh” khiến mọi khoảng cách về mối tình đời của nhà thơ xa vời. Con người nhà thơ đang mờ dần , sắp tan biến vào cõi hư vô. Hàn Mặc Tử đã rời khỏi thôn Vĩ trong tưởng tượng để trở về với thế giới bất hạnh của riêng mình, mịt mờ sương khói và đầy băn khoăn, nghi ngại. Câu hỏi tu từ ở cuối bài với hai chữ “ai” thật xa vời đã khép lại bài thơ trong một nỗi ngậm ngùi bởi tình người quá mong manh, xa vời giữa sương khói của vùng đau thương, tuyệt vọng. Câu thơ là tiếng than trước thân phận bi thương và duyên phận lỡ là, ngang trái của thi sĩ tài hoa bạc mệnh và cũng là lời tỏ tình với cuộc đời của một tình yêu tuyệt vọng.

Như vậy, Hàn Mặc Tử chính là hiện thân của một tâm hồn yêu thiên nhiên, con người xứ Huế, tha thiết yêu đời, khao khát tình người, tình đời. Người ta thương nói “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Và Hàn Mặc Tử là một người như thế! Tác giả đã sử dụng dạng liên kết vừa đứt đoạn, vừa nhất quán theo diễn biến tâm trạng của thi nhân, “cái vi mạch ngầm của tác phẩm”. Từ ngữ đến hình ảnh thơ đều gợi cảm, ngôn ngữ thơ trong sáng, đa nghĩa, nhịp điệu thơ êm ái, chất chứa nỗi buồn, các biện pháp tu từ được sử dụng rất thành công.

Là một thi sĩ hoạn nạn nơi trần thế nhưng ở Hàn Mặc Tử luôn tồn tại một nghị lực sống đáng học hỏi. Ngay cả khi tuyệt vọng nhất, ngay cả khi cận kề với tử thần, trải qua những đau đơn nhưng ông không hề tuyệt vọng mà luôn khát khao được sống. Có lẽ, đây cũng chính là giá trị nhân văn cao đẹp mà thi nhân muốn gửi gắm đến chúng ta. Cuộc sống có rất nhiều điều chúng ta không thể lường trước được, dẫu có gặp khó khăn chúng ta hãy vừng vàng bước tiếp, hãy sống trọn vẹn với cuộc đời của mình để dù ngày mai có ra sao chúng ta không phải hối tiếc về những tháng ngày sống uổng phí. Có thể nói “Đây thôn Vĩ Dạ” như một bông hoa rực rỡ giữa rừng hoa văn học nước nhà, nổi bật trong đó là tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Nguyễn Linh Chi

Bài viết liên quan