Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh (Nguyễn Duy). Em hãy dùng biện pháp nhân hóa để cây tre tự kể chuyện mình
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh (Nguyễn Duy). Em hãy dùng biện pháp nhân hóa để cây tre tự kể chuyện mình
Gợi ý
YÊU CẦU
1. Kiểu bài kể chuyện.
2. Hình thức kể chuyện tự do, nhưng nên dựa vào bài thơ cùa Nguyễn Duy để có những nội dung cho chuyện kể. Câu chuyện có thể đề cập đến hai nội dung chính:
– Đời sống của loài tre: tre có từ rất lâu, tre cần cù, tre đoàn kết, tre yêu thương nhường nhịn, măng tre tiếp tục truyền thống của tre.
– Tre gắn bó với cuộc sống loài người: măng tre làm thức ăn; cây tre làm nhà cửa đồ dùng; gốc tre, ngọn tre làm củi…
3. Cần giới thiệu khéo léo để cây tre tự kể chuyện mình chứ không phải người kể chuyện cây tre.
BÀI LÀM
Cũng như thường lệ, chiều nay tôi lại ra ngồi dưới bóng tre đầu làng hóng mát và nhẩm bài. Giữa làn gió mát rượi và không khí êm ả, yên tĩnh của làng quê, tôi đã ngủ lúc nào không biết. Trong giấc mợ, tôi thấy mình đứng giữa họ hàng nhà tre. Người già nhất sau khi nhận lời chào lễ phép của tôi, hiền từ hỏi:
– Ồ, cô bé, sao cô lại tới được đây?
– Thưa cụ! Hôm qua học bài Tre Việt Nam của Nguyễn Duy, cháu thấy tre rất giống con người nên cháu muốn tìm đến đây để hỏi chuyện ạ!
– Ồ, lão cũng được nghe đọc bài thơ ấy. Nhà thơ viết tự năm 1970 mãi đến 1972 mới xong đấy. Nhà thơ tả chúng tôi giống hệt những con người. Mà cô bé ơi, cô thích hỏi về chuyện gì?
– Thưa cụ, về đời sống của loài tre.
Cụ tre già thong thả kể bằng một giọng trầm trầm:
– Tôi nghe các cụ kể lại thì chúng tôi sống ở mảnh đất này đã lâu lắm rồi. Nhà thơ viết rằng: Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh. Chắc là cô còn nhớ truyện cổ tích Cây tre trăm đốt chứ? Nhờ có cây tre dài đặc biệt do Bụt giúp mà anh Khoai cưới được cô út đấy.
Cuộc sống của chúng tôi gian nan vất vả lắm. Cô có thấy loài tre chúng tôi nhiều rễ không? Rễ nhiều để bám vào đất, chắt mỡ màu nuôi cho cây lá xanh tươi. Bao giờ tre cũng mọc thành bụi, thành gồ, làm nên thành lũy. Đó là tinh thận đoàn kết gắn bó của họ nhà tre đấy.
– Thưa cụ vì thế mà nhà thơ Nguyễn Duy viết về loài tre:
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng…
– Đúng như vậy. Chúng tôi bao giờ cũng lo cho các lứa con cháu mình, cho nên tất cả người lớn đều cởi trần chịu nắng sương, còn manh áo cộc thì nhường cho măng con. Những cây măng bao giờ cũng vươn lên dáng thẳng, hiên ngang như loài tre chúng tôi.
Theo tay chỉ của cụ tre già, tôi nhìn thấy những cây măng tròn, mập mạp, đầu nhọn hoắt như mũi chông trông thật oai phong. Cụ tre già hỏi:
– Cô bé có biết vì sao người ta quý loài tre chúng tôi không?
– Dạ thưa, cháu không biết rõ lắm, nhưng cháu thấy làng nào cũng có tre, tre làm thành bóng mát cho mọi người, tre làm nhà cửa nữa.
– Ồ đúng, nhưng không chỉ có thế. Cô nhìn xem trong nhà chúng tôi làm kèo, làm đòn tay, làm phên. Chúng tôi làm nong nia, giần sàng, rổ rá. Chúng tôi làm thành cái chõng tre, làm đòn gánh… Những cây măng của họ nhà tre còn làm cả thức ăn cho người. Kháng chiến chống thực dân Pháp, ta thiếu vũ khí, tre làm gậy gộc, có chiến sĩ du kích dùng đòn gánh tre đánh giặc. Tre còn được vót làm chông. Tre làm hầm kèo chống bom của giặc. Tre làm chiến sĩ hiên ngang bất khuất giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín… Đến bây giờ, chúng tôi vẫn gắn bó với cuộc sống con người. Chúng tôi vẫn làm nhà cửa, đồ dùng, làm những trang giấy. Trong chúng tôi có bao người đã đi xa, những gốc tre già, những ngọn tre sau khi làm giàn bầu bí còn làm củi đun cho con người nữa… Chúng tôi mãi mãi gắn bó với con người như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết:
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.
Tôi choàng tỉnh giấc. Những cây tre xanh vẫn rì rào như đang hát. Tôi ngắm kĩ từng cây và thấy thêm yêu lũy tre, yêu làng xóm của mình.
Sachtailieu.com