Đọc thêm: Lời tiễn dặn (Trích Tiễn dặn người yêu – truyện thơ dân tộc Thái)
Đọc thêm: Lời tiễn dặn (Trích Tiễn dặn người yêu – truyện thơ dân tộc Thái)
Hướng dẫn
Đoạn trích miêu tả tâm trạng chàng trai trên đường tiễn cô gái về nhà chồng và phải chứng kiến cảnh khi ở nhà chồng, cô bị chính người chồng đánh đập. Toàn bộ đoạn trích là lời của chàng trai. Hình ảnh cô gái chỉ hiện lên gián tiếp qua lời của anh, nghĩa là qua cảm nhận và cảm xúc của chàng trai. Có hai phần:
1. Từ câu “Quảy gánh”… đến “… góa bụa về nhà”: Tâm trạng của anh (gián tiếp là tâm trạng của chị qua sự mô tả của anh trên đoạn đường đưa tiễn).
2. Từ “Dậy đi em… đến hết”: Cử chỉ, hành động và tâm trạng của anh lúc ở nhà chồng của chị.
Gợi ý đọc thêm
1.2. Tâm trạng của chàng trai trên đường tiễn người yêu về nhà chồng là một tâm trạng đầy mâu thuẫn. Anh vừa buộc phải chấp nhận sự thật đau xót không thể chối cãi được là chị đã có chồng, lại vừa như muốn níu giữ tình yêu, kéo dài thêm giây phút lứa đôi âu yếm bên nhau.
Anh vẫn gọi chị là “người đẹp anh yêu”, nghĩa là tình yêu trong anh vẫn còn mặn nồng thắm thiết. Nhưng tình cảm đó hoàn toàn mâu thuẫn với sự thật chị đã có chồng, đã có con với chồng và chị đang “cất bước theo chồng”. Anh còn có những cử chỉ, những hành động như thể luôn muốn níu giữ kéo dài ra khoảnh khắc còn được ở bên chị trên đường tiễn và được dặn dò người yêu: Phải được dặn được nhủ cũng chỉ đôi câu anh mới cam lòng quay về. Anh muốn được ngồi lại bên người mình yêu, âu yếm, thương yêu để “ủ lấy hương người”, để mai sau khi chết đi, lửa xác mình vẫn đượm nồng hơi người thân yêu ngày hôm nay; nựng con của chị với chồng mà chẳng khác chi nựng chính con đẻ của mình vậy.
Không chỉ riêng anh như thế, anh còn cảm nhận rằng dường như cả chị cũng muốn níu giữ và kéo dài thêm khoảnh khắc cuối cùng còn được ở bên người yêu là anh. Bởi vậy, chân chị dẫu đã bước đi mà đầu chị còn “ngoảnh lại”, mắt chị còn “ngoái trông” anh, chân chị bước càng xa thì lòng chị lại càng đau đớn. Chính vì thế, hết cánh rừng ớt lại cánh rừng cà, rừng lá ngón, cánh rừng nào đi qua cũng là cái cớ để chị dừng lại chờ đợi người yêu và lòng riêng khắc khoải.
Đó cũng là lòng quyết tâm giữ trọn tình yêu giữa anh với chị. Hai người đang sống trong cùng một cảnh ngộ “tiễn dặn người yêu” với cùng một tâm trạng day dứt, dằn vặt, đau đớn và như cùng quyết tâm giữ trọn tình yêu:
“Đôi ta yêu nhau, đợi tới tháng Năm lau nở,
Đợi mùa nước đỏ cá về,
Đợi chim tăng ló hót gọi hè,
Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông,
Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già…"
Hai câu thơ cuối trên đây vừa khép lại phần đầu vừa như mở ra báo hiệu trước sự đoàn tụ về sau này của đôi lứa ấy. Hai câu thơ vừa miêu tả nội tâm, vừa có tính tự sự là sự chuẩn bị cho mọi diễn biến và kết cục về sau.
3. Lúc ở nhà chồng của chị, chúng kiến cảnh chị bị nhà chồng đánh đập đến ngã lăn ra bên miệng cối gạo, bên “máng lợn vầy”, anh đã chạy lại đỡ chị dậy, ân cần phủi áo chải đầu cho chị, sau đó còn đi chặt tre về làm ống lam thuốc cho chị “uống khỏi đau”. Những cử chỉ, hành động đó bộc lộ niềm xót thương, thông cảm sâu sắc rất mực đối với người yêu. Lúc này, anh như một chỗ dựa tinh thần của chị. Chị cần anh biết bao! Ca dao các dân tộc thiểu số nước ta thường mô tả cảnh cô gái mới về nhà chồng đã bị hành hạ đánh đập thảm hại. Đề tài này khái quát được một sự thật đau lòng trong số phận của người phụ nữ miền núi lạc hậu thời cũ.
Phần thứ hai đoạn trích chủ yếu bộc lộ không chỉ tâm trạng xót xa của anh cho chị mà còn là quyết tâm bằng mọi giá đón chị về đoàn tụ với mình.
Bền chắc như vàng, như đá
Yêu nhau, yêu trọn đời gỗ cứng
Yêu nhau, yêu trọn kiếp đến già,
Ta yêu nhau tàn đời gió, không rung không chuyển,
Người xiểm xui, không ngoảnh không nghe.
4. Đoạn trích đã sử dụng rất nhiều câu thơ có sự trùng điệp từ, hình ảnh kiểu câu (cú pháp), có những từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tất cả nhằm một ý nói lên lòng quyết tâm đoàn tụ không có gì lay chuyển được của đôi lứa này. Đọc lại ta sẽ nhận ra ngay điều này. Đây cũng là lối thể hiện quen thuộc trong ca dao của nhiều dân tộc thiểu số miền Bắc nước ta. Giữa thiên nhiên núi rừng hoành tráng, dân gian miền núi thường thể hiện bằng cách phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần một ý như thế mới thỏa mãn được những cảm xúc đang trào dâng trong lòng những con người hồn nhiên, chất phác mà mãnh liệt.
Mai Thu