Giải thích câu nói Học, học nữa, học mãi


Giải thích câu nói Học, học nữa, học mãi

Bài làm

Học tập là quá trình gian nan, bền bỉ kéo dài cả đời người. Trên con đường học vấn, chúng ta phải đối mặt với biết bao gian nan thử thách. Sự học không phải một sớm một chiều là có thể thành tài. Nó đòi hỏi chúng ta phải chăm chỉ rèn luyện phân đấu. Bàn về sự học, Lê- nin có câu nói nổi tiếng: “Học, học nữa, học mãi”.

unnamed file 132 - Giải thích câu nói Học, học nữa, học mãi

Câu nói ấy tuy ngắn gọn nhưng làm bất cứ ai cũng phải suy ngẫm. Học là quá trình tìm hiểu, thu nhận, tích lũy kiến thức, rèn luyện kĩ năng để hoàn thiện và làm phong phú thêm cho bản thân. Học ở đây không chỉ là đến trường mới học. Ngay từ khi còn nhỏ, sống trong vòng tay yêu thương, chở che, bao bọc của gia đình, chúng ta đã được ông bà, cha mẹ dạy những thứ nhỏ nhất như dạy ăn, dạy nói, dạy những bài học ứng xử, cách làm người đầu tiên. Khi đến trường, dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo nhiệt tình của các thầy cô giáo, chúng ta được tiếp cận với nguồn tri thức phong phú, đa dạng, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Không chỉ học ở thầy, ta còn học ở bạn những đức tính tốt đẹp để bù đắp những thiếu sót cho bản thân. Điều ấy đã được ông cha ta đúc kết qua câu tục ngữ: “Học thầy không tày học bạn”. Chúng ta còn có thể học hỏi những nguồn kiến thức đến từ những phương tiện thông tin đại chúng như sách vở, báo chí, truyền hình… Bên cạnh đó, ta phải chú ý học đi đôi với hành, tránh học tủ, học lệch. Còn “học nữa” tức là học từ cấp độ này đến cấp độ khác, từ dễ đến khó. Ở mỗi lứa tuổi, mỗi trình độ, ta lại tiếp thu với nhiều nguồn tri thức đa dạng phong phú hơn. Những kiến thức đó là hành trang vững chắc cho ta bước vào đời, đáp ứng nhu câu của xã hội, có thể nuôi sống bản thân và gia đình, làm đẹp cho xã hội. “Học mãi” là học liên tục, học không ngừng nghỉ, học đến suốt cuộc đời. Có những người không chỉ học lúc học còn trẻ khỏe, đến khi về già, họ vẫn còn niềm khao khát, say mê với học tập. Đối với họ, sự học chỉ chấm dứt khi nào nhắm mắt xuôi tay. Như vậy, bằng cách nhắc lại từ học 3 lần kết hợp với các từ “nữa”, “mãi” mang cấp độ tăng tiến, Lê- nin đã đưa ra một lời khuyên quý giá về việc học: Học là vô tận, học ở mọi lúc, mọi nơi, học không bao giờ ngừng nghỉ.

Tại sao Lê- nin lại khuyên chúng ta như vậy? Ai cũng biết rằng tri thức của nhân loại như đại dương mênh mông vô tận, mà những gì chúng ta biết được chỉ là muối bỏ bể, là hạt cát giữa sa mạc bao la. Muốn chiếm lĩnh được nguồn tri thức rộng lớn, phong phú, đa dạng ấy, chẳng còn cách nào khác, chúng ta phải liên tục, không ngừng học tập để bồi đắp bản thân. Nếu không học, chúng ta sẽ không theo kịp bước tiến của thời đại, sớm sẽ bị đào thải ra ngoài xã hội. Hơn nữa, hiếu học là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Không chăm chỉ học tập là đang đi ngược lại với đạo lí, truyền thống đó của dân tộc.

Có biết bao tấm gương về sự cần cù, chăm chỉ học tập vẫn hiện hữu trong cuộc sống quanh ta. Trạng nguyên Nguyễn Hiền thuở nhỏ nhà nghèo không có tiền đi học thường dùng lá chuối làm giấy, bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn đọc sách. Hay thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí bị liệt hai tay nhưng đã dùng chân để luyện viết chữ. Những con người ấy đã cho ta thấy sự say mê học tập và tinh thần vượt lên số phận đáng khâm phục.

Câu nói của Lê- nin đã cho chúng ta một lời khuyên quý giá trên con đường học tập. Nó sẽ là hành trang theo chúng ta suốt cuộc đời, nhắc nhở ta phải không ngừng cố gắng, nỗ lực trong học tập.

Bài viết liên quan