Kể về một lần em mắc lỗi khi còn bé


Đề bài: Kể về một lần em mắc lỗi khi còn bé    

Bài làm

Ai chẳng từng phạm lỗi song lỗi lầm tuổi thơ của mỗi đứa trẻ đôi lúc thật trong sáng và vô tư đến mức nó trở thành kí ức đẹp hơn là nỗi xấu hổ, mặc cảm. Có một lần em đã mắc lỗi, đó là khi em dại dột làm cháy đống rơm nhà bà ngoại. Đến giờ em vẫn nhớ y nguyên khoảnh khắc lúc ấy.

 Tuổi thơ giống như cánh diều liệng chao giữa bầu trời xanh đầy gió, cánh diều có lúc bình lặng, có lúc phần phật trong gió, có khi lảo đảo chấp chới. Và tuổi thơ em đã có những ngày tháng sôi nổi như vậy. Những ngày tháng 6 nắng cháy lưng, thóc lúa khô roong chất đầy bồ và mùi rơm khô vàng bắt đầu được chất đống lớn cũng là những ngày hè rạo rực với lũ học sinh khi không phải đến trường. Mỗi ngày, em cùng lũ bạn thân lang thang khắp ruộng đồng mót thóc, nhặt trứng chim, bắt ốc, đánh tép… không có ngày nào là chịu để đôi chân ngơi nghỉ.

Một buổi chiều nóng nực, em sang nhà bà ngoại chơi. Hôm nay cái Thu bạn thân của em được cùng bố mẹ đi nghỉ mát vậy nên em đành chơi một mình. Em lật đật chạy vào bếp, vào buồng, vào gầm cầu thang lùng tìm xem nhà bà ngoại có gì để chơi không. Em thấy mấy củ khoai lang mới dỡ, em nảy ra ý định nướng khoai ăn. Em chạy ngay vào bếp, bà ngoại đã dùng hết chỗ rơm trong bếp. Em chạy ra chân đống rơm gần đó, đống rơm cao gấp ba lần cơ thể em. “Nướng khoai ngay cạnh đây thì khỏi phải rút rơm mang vào bếp nữa”. Nghĩ thế, em liền đặt khoai xuống và bắt đầu rút rơm khô ra để nướng. Lửa bén rơm khô cháy lùng bùng thích quá. Rơm cháy hết em lại gạt tro, rút rơm rồi cho cháy tiếp. Cứ như thế cho đến một lúc sau không để ý, tro nóng đẩy sát vào chân đống rơm, bén thành ngọn lửa từ lúc nào không hay. Em giật mình nhìn đám cháy và sững người một lúc. “Chết rồi!”. Miệng em chỉ kịp phát ra câu nói ấy. Em lao ra sân giếng múc nước rồi chạy lại tạt lên đống rơm. Đôi tay em run bần bật. Xô nước chòng chành xách ra tới đống rơm thì bị đổ ra ngoài quá nửa. “Phải làm sao đây!”. Em cứ liên tục lẩm bẩm câu đó trong miệng. Khói nghi ngút quanh sân và ngọn lửa đã lan rộng hơn nhiều. Nóng quá, em lùi lại cách đống rơm một đoạn xa. Nước mắt cứ thể chảy ra và em tưởng như có thể bị ngọn lửa thiêu đốt.

>> Xem thêm:  Em hãy tưởng tượng mình là một nhân vật trong cổ tích, tự kể về cuộc đời mình

ke ve mot lan em mac loi khi con be - Kể về một lần em mắc lỗi khi còn bé

Kể về một lần em mắc lỗi khi còn bé

  • Ôi giời ơi, con ơi!

Tiếng bà ngoại gào lên trong bàng hoàng, tiếng ngoại khản đặc và trầm uất. Em quay ra nhìn ngoại và òa khóc. Ngoại lật đật chạy những bước chân khập khiễng. Có lẽ ngoại đang đau chân, cái chân cứ nóng bức hay rét mướt là lại sưng tấy. Ngoại ôm lấy em và kéo em vào trong nhà rồi hô hào:

  • Bà con ơi cháy, làng nước ơi cháy, giúp tôi với, bà con ơi!

Ngoại càng hô hoán, em càng gào khóc to hơn. Em không còn nghe rõ mọi thứ xung quanh mình, chỉ biết chúi vào lòng nội mà khóc. Tiếng người lao xao, tiếng tạt nước, tiếng hô khiến em lao đao trong hố sâu sợ hãi.

  • Có sao không con, không sao rồi, con nhìn ngoại đi con!

Tiếng ngoại khiến em trở về thực tại, em gạt nước mắt và nhìn ra xung quanh. Bác hàng xóm, chị hàng xóm, cô hàng xóm… những gương mặt quen thuộc đang xúm lại nhìn chằm chằm lấy em mà ái ngại. Em nhìn ra phía đống rơm, ngọn lửa đã được dập tắt, chỉ còn một đám khói đen đang tan dần. Ông Tú hàng xóm giơ lên trước mắt em củ khoai lang cháy đen:

  • Ăn khoai nướng đi cháu!

Em và mọi người bật cười. Sau đó, ngoại và mọi người không trách mắng em một câu nào nữa. Họ hỏi han và lo lắng cho em rất nhiều. Em càng yêu quý hơn cũng như thấy có lỗi nhiều hơn.

>> Xem thêm:  Tả một cô (thầy) giáo của em trong một giờ học mà em nhớ nhất

Lỗi lầm tuổi thơ vừa là bài học sâu sắc vừa là kỉ niệm đáng yêu mà em sẽ mang nó đi theo suốt đời. Cũng từ ngày ấy, em luôn dặn mình phải suy nghĩ thật kĩ trước khi làm bất cứ điều gì.

Hoài Lê

Bài viết liên quan