Nghị luận xã hội về lòng biết ơn


Đề bài: Suy nghĩ của em về vấn đề lòng biết ơn.

Bài làm

Trong cuộc sống, con người luôn đặt trong tổng hòa của nhiều mối quan hệ. Mặt khác, không ai có thể tự sinh ra, lớn lê, trưởng thành và thành đạt. Dù ít dù nhiều, chúng ta luôn nhận sự giúp đỡ của mọi người xung quanh và hưởng lợi từ những giá trị mà người đi khác để lại. Đó là lí do tại sao con người phải có lòng biết ơn.

Lòng biết ơn không có một định nghĩa cụ thể nào gắn với cụm từ này. Lòng biết ơn hiểu đơn giản chỉ là sự ghi nhớ công sức, ơn nghĩa của những người đã giúp đỡ mình. Những người đó có thể là cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, tổ tiên… Lòng biết ơn tạo nên một xã hội mà con người luôn biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Đây là một phẩm chất rất nhân văn của con người.

Việt Nam là quốc gia hơn hết coi trọng lòng biết ơn trong xã hội. Trong các câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ dân gian luôn đề cập tới lòng biết ơn như một cách để tổ tiên nhắc nhở nhiều thế hệ sau phải biết biết ơn người khác:

“Uống nước nhớ nguồn”

hay

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng”…

Lòng biết ơn của con người trước hết là dành cho bậc sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng ta nên người. Đó là cha, mẹ, ông, bà, người thân ruột thịt đã từng ngày cho ta bữa cơm no, quần áo mặc, cho ta được sinh ra đời, được nói cười. Đó là là những người thầy cô đã hết lòng bồi dưỡng nhân cách, tri thức cho ta, để ta chinh phục những ước mơ, khát vọng. Lòng biết ơn còn được thể hiện với những người đã giúp đỡ ta lúc hoạn nạn trong mỗi bước đường của cuộc đời. Con người cũng cần có lòng biết ơn với những thế hệ đi trước đã sống và hi sinh để cho thế hệ hôm nay được tự do tìm kiếm hạnh phúc của mình.

>> Xem thêm:  Trình bày cảm nhận về hai khổ thơ đầu bài thơ ánh trăng

Biểu hiện của lòng biết ơn rất phổ biến trong xã hội và tùy theo mỗi người sẽ có cách thể hiện lòng biết ơn của mình. Một số học sinh luôn ngoan ngoãn, lễ phép để cha mẹ vui lòng. Một số bạn luôn nỗ lực học tốt để không phụ công sức dạy dỗ của thầy cô. Có người chọn cách giống như con chim lớn đến ăn khế trong chuyện cổ tích “Cây khế”, họ dùng vật chất to lớn để báo đáp những vị ân nhân đã giúp đỡ họ lúc khó khăn. Có người lại dùng chính tấm lòng thành kính, yêu thương để trả nghĩa giống như Tú Xương biết ơn sự hi sinh của vợ qua bài thơ “Thương vợ” của mình.

nghi luan xa hoi ve long biet on - Nghị luận xã hội về lòng biết ơn

Nghị luận xã hội về lòng biết ơn

Hằng năm, để thể hiện lòng biết ơn mà chúng ta vẫn có những ngày Vu Lan báo hiếu (Rằm tháng 7 âm lịch), ngày thương binh liệt sĩ (27/7), ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3), ngày Quốc khánh (2/9)… đều nhằm ghi nhắc đến công ơn của bộ phận người nào đó đã hi sinh cho lợi ích chung của dân tộc.

Hơn hết, lòng biết ơn, dù bằng cách nào thực hiện, đều đòi hỏi xuất phát từ sự chân thành. Không phải cứ cho ba mẹ nhiều tiền tức là đã trả ơn dưỡng dục. Bạn có thể dùng tiền quy đổi ra bữa cơm, cái áo nhưng không thể đong đếm được tình thương mà cha mẹ đã đặt vào trong mỗi bữa cơm, chiếc áo ấy. Đáng buồn thay, một bộ phận người trẻ ngày nay không suy nghĩ được như vậy.

>> Xem thêm:  Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), từ đó nêu ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm này

Mặt khác, xã hội lại tồn tại những kẻ không những không có lòng biết ơn mà còn vong ơn, bội nghĩa. Họ quên đi nguồn côi, quên đi chính những người đã nuôi dạy, giúp đỡ họ. Họ cứ chạy theo đồng tiền và sẵn sàng quay lưng, bỏ mặc những người thật lòng đối xử với họ. Thậm chí, họ lừa gạt tình thương của mọi người để tư lợi cho bản thân. Đó đều là những hành động đáng lên án, cần phải loại trừ.

Tóm lại, lòng biết ơn là phẩm chất quý báu của con người. Mỗi người, nhất là học sinh chúng ta, bằng cách nào đó mà nên có lòng biết ơn và bày tỏ nó với chính những người thân thiết xung quanh mình. Có như vậy, bạn mới thực sự tạo nên một cuộc sống có giá trị hơn.

Hoài Lê

Bài viết liên quan