Nghị luận xã hội về lòng nhân ái


Đề bài: Suy nghĩ của em về vấn đề lòng nhân ái.

Bài làm

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Bài ca dao xưa đâu chỉ còn là chuyện bầu, chuyện bí mà nó mang những thông điệp hết sức nhân văn về lòng thương người, nhân ái, vị tha. Nhắc đến “lòng nhân ái” – cụm từ mà hằng ngày vẫn luôn xuất hiện bên tai chúng ta, trước mắt chúng ta nhưng có lẽ chưa hẳn ai cũng hiểu một cách thấu đáo về nó. Trong bài viết này, tôi xin đưa ra một vài ý kiến về vấn đề lòng nhân ái.

“Lòng nhân ái” vốn không có lịch sử, vì nó ra đời cùng với sự xuất hiện của sự sống. “Nhân” là người, còn “ái” tức là yêu thương. Như vậy, “nhân ái” là lòng yêu thương con người. Người có lòng nhân ái là người biết yêu thương và bảo vệ những thứ tốt đẹp, quý trọng những người đáng được quý trọng, có sự bao dung, có lòng trắc ẩn, sống vị tha, chan hòa… Nói chung, lòng nhân ái là một đức tính tốt đẹp và phẩm chất cơ bản nhất của con người.

“Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình”, đó phải chăng là một định nghĩa khác về lòng nhân ái của Nam Cao? Có lẽ đúng. Thế nên, ta có thể khẳng định: lòng nhân ái trước hết biểu hiện ở cách “kẻ mạnh” đối xử với những người yếu thế hơn mình. “Kẻ mạnh” là ai? Với tôi, họ là tất cả những con người chí ít sinh ra đã hoàn thiện về hình hài. Nhìn lại văn Nam Cao xem, Thị Nở có lúc là “kẻ mạnh” trước Chí Phèo. Thị Nở nào sung sướng hơn ai? Nhưng, thị đã nâng đỡ, che chở cho một tâm hồn méo mó và một hình hài dị dạng của Chí Phèo bằng tình yêu và tình thương của những kẻ chung số kiếp của tầng lớp bị áp bức. Do đó, người có lòng nhân ái là biết yêu thương đồng loại bất hạnh hơn cả bản thân mình. Điều này tương tự như câu nói “Lá lành đùm lá rách”.

>> Xem thêm:  Nhà văn Vũ Trọng Phụng và tiểu thuyết Số đỏ

nghi luan xa hoi ve long nhan ai - Nghị luận xã hội về lòng nhân ái

Nghị luận xã hội về lòng nhân ái

Người có lòng nhân ái là người biết yêu thương những điều bình dị, nhỏ bé nhất. Một con vật, một loài cây, một đồ vật bất kì nào đó cũng có giá trị riêng của nó và luôn đáng được trân trọng. Và hơn hết, nhân ái cũng là biết yêu thương gia đình, quê hương, đất nước. Nhân ái biểu hiện trong sự cố gắng đền đáp công ơn những người đã giúp đỡ mình, đền đáp công ơn cha mẹ, biết cống hiến và hi sinh cho Tổ quốc để làm nên những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Trong lịch sử dân tộc chống giặc ngoại xâm ở Việt Nam, đã có bao cái tên anh hùng mà đến hôm nay ta vẫn nhắc đến. Đó là những con người xả thân vì Tổ quốc như Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Kim Đồng… cùng bao chiến sĩ cách mạng. Đó là những bà mẹ Việt Nam anh hùng thầm lặng hi sinh để người chồng, người con lên đường chống giặc. Đó là lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh suốt “bảy mươi chín mùa xuân” cuộc đời cống hiến tâm, tài, lực. Họ là dẫn chứng xác đáng nhất về lòng nhân ái cao cả của người Việt Nam.

Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta cũng có thể thấy lòng nhân ái có ở khắp mọi nơi. Một cậu bé giúp một người khiếm thị qua đường. Một anh thanh niên giúp người buôn đồng nát cột lại hàng lên xe khi chiếc xe không may bị đổ. Một doanh nhân tài trợ cho các em học sinh nghèo vượt khó nhiều gói học bổng giá trị. Ngay cả với học sinh chúng ta, hằng năm vẫn có những hoạt động khuyên góp ủng hộ đồng bào chịu thiệt hại của thiên tai, ủng hộ người nghèo vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo… cũng đều là biểu hiện cụ thể của lòng nhân ái.

>> Xem thêm:  Trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của tình bạn và việc chọn bạn

Tuy vậy, lòng nhân ái không đồng nghĩa với sự yêu thương mù quáng. Lấy ví dụ đơn giản về việc cho tiền những người ăn xin. Phải, vì thương đồng loại, có lòng trắc ẩn trước cái khổ đau mà bạn có thể rút ví ra vài tờ bạc lẻ đưa cho những người ăn xin bên vệ đường để chí ít ngày hôm nay họ sẽ không chết đói. Thế nhưng, bạn sẽ làm gì đây khi thực tế họ chỉ là những kẻ “đóng cửa đi ăn mày”, lười lao động, giả nghèo giả khổ xin ăn… Bạn sẵn sàng cho một cố bé ăn xin ít tiền, nhưng ai biết liệu số tiền đấy cô bé có được hưởng hay không? Vì thế, hãy biết đặt lòng nhân ái đúng lúc, đúng chỗ. Hãy tìm một con đường chắc chắn hơn để thể hiện lòng nhân ái của mình.

Nói về lòng nhân ái trong xã hội hiện đại, vấn đề này dường như không được coi trọng ở một bộ phận người dân. Nhiều người chọn lối sống “thân ai người nấy lo” mà quên đi đạo lí “thương người như thể thương thân” mà ông cha ta vẫn thường nhắc nhở. Họ lạnh lùng trước nỗi đau của người khác. Lại có một số kẻ lấy lòng nhân ái giả tạo để tạo danh tiếng tốt đẹp cho mình. Đó đều là những kẻ mắc căn bệnh thời đại mới – bệnh vô cảm. Nếu không chữa trị kịp thời, tâm hồn con người sớm muộn cũng tha hóa, dẫn tới tự hủy hoại bản thân và xã hội.

>> Xem thêm:  Nghị luận xã hội: Tình thương là hạnh phúc con người

Anne Frank có nói “Không ai nghèo túng khi cho đi”. Sự giàu có không hình thành từ số của cải, vật chất mà bạn sở hữu, người giàu có nhất là người biết cho đi tình yêu lớn nhất. Do vậy, lòng nhân ái với mỗi chúng ta đều cần có và cần được bồi đắp mỗi ngày.

Hoài Lê

Bài viết liên quan