“Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường”… để bênh vực cho những con người không còn ai để bênh vực


Trong tập tiểu luận Trang giấy trước đèn (NXB Khoa học xã hội, 2002, tr.165) nhà văn Nguyễn Minh Châu viết:

“Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường”… để bênh vực cho những con người không còn ai để bênh vực”.

Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến nêu trên? Hãy là sáng tỏ điều đó bằng việc phân tích một số sáng tác trước Cách mạng của nhà văn Nam Cao.

ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM

I. YÊU CẦU CHUNG:

  • Hiểu đúng ý kiến của Nguyễn Minh Châu và yêu cầu của đề bài.
  • Biết cách làm bài nghị luận văn học; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt tốt; văn viết có cảm xúc.

1. Yêu cầu cụ thể:

Đề bài có hai phần rõ rệt:

  • “Hiểu như thế nào…” thực chất là giải thích và bình luận.
  • Phân tích tác phẩm để chứng minh.

a. Giải thích – bình luận:

Cần đáp ứng được những ý chính sau:

– Hiểu đúng ý kiến của Nguyễn Minh Châu:

  • Đó là vai trò, thiên chức và cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà văn đối với cuộc đời; đồng thời đó cũng là vai trò quan trọng của văn học với con người.
  • Trước hết, nhà văn phải biết làm công việc “nâng giấc” cho những người cùng đường – tức là nhà văn là người an ủi, động viên, chia sẻ, nâng đỡ con người, đặc biệt là những con người đau khổ. (Đau khổ ấy hoặc là do “cái ác”, hoặc là do “số phận đen đủi” mà phải rơi vào cảnh “bước đường cùng”…)
  • Hơn thế, nhà văn còn phải biết “bênh vực” – tức là biết đấu tranh với nhiều cái xấu, cái ác để bảo vệ (quyền sống, nhân phẩm) con người, nhất là những con người không còn được ai che chở.
>> Xem thêm:  Phát biểu cảm nghĩ về những nhận định đánh giá cho truyện ngắn Vợ nhặt

– Biết khẳng định đây là ý kiến đúng, vì:

  • Xuất phát từ mục đích của hoạt động sáng tạo nghệ thuật. (Nhà văn chân chính đến với văn chương là từ nỗi “đau đớn lòng” trước “những điều trông thấy”) trong cuộc đời.
  • Xuất phát từ vai trò, chức năng của văn học đối với con người. (Tác phẩm văn chương đích thực chính là người bạn đồng hành cùng con người trong cuộc sống văn chương có thể chia sẻ những ngọt ngào, mất mát với con người nhưng có thể giúp con người sống mạnh mẽ hơn, nhân ái hơn…)

– Mở rộng – nâng cao:

  • Nhà văn muốn “nâng giấc” cho những người “cùng đường” thì trước hết phải là “nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” (như cách nói của Sê-khốp), trái tim nhà văn phải dễ rung động, nhạy cảm trước nỗi đau của con người…
  • Nhà văn muốn “bênh vực” – thì trước hết cũng cần một trái tim say đắm với lẽ phải, công lí, với những điều tốt đẹp trên đời… hơn nữa cũng cần có một dũng khí để “đứng trong vòng lao khổ” vừa để thấu hiểu nỗi khổ và nguyện ước của con người, vừa nhận rõ được bộ mặt thật của những thế lực tàn bạo.
  • Tóm lại: Thí sinh cần thấy được Nguyễn Minh Châu đã đề cao sứ mệnh cao đẹp của nhà văn (và cũng là của văn chương) đối với cuộc đời, con người. (Thiếu sứ mệnh ấy, “sự tồn tại của nhà văn ở trên đời” là rất ít ý nghĩa).
>> Xem thêm:  Suy nghĩ về vai trò của đồng tiền đối với con người và xã hội

Đồng thời đó cũng là yêu cầu, đòi hỏi của Nguyễn Minh Châu đối với những nhà văn và tác phẩm văn chương chân chính.

2. Phân tích tác phẩm của Nam Cao để chứng minh:

  • Thí sinh nên chọn phân tích từ hai đến ba tác phẩm của Nam Cao trước Cách mạng (Ví dụ: Đời thừa, Một bữa no, Chí Phèo,…).
  • Khi phân tích cần luôn có ý thức bám sát yêu cầu mà đề bài đặt ra. Tức là phải phân tích để thấy được sự “nâng giấc” và “bênh vực” những số phận đau khổ của Nam Cao.

Ví dụ: Khi phân tích Chí Phèo cần nhấn mạnh các ý sau:

+ Nhà văn Nam Cao đã thể hiện sự thông cảm, chia sẻ đối với những số phận bị “cái ác” xô đẩy như Chí Phèo; những số phận đen đủi như Thị Nở, Tư Lãng…

+ Qua việc miêu tả những đau khổ của Chí Phèo, Nam Cao tố cáo gay gắt, mạnh mẽ xã hội phi nhân hình lẫn nhân tính của con người…

– Sau khi phân tích cần:

+ Khẳng định tấm lòng, tâm huyết và tài văn của Nam Cao. Ông thực xứng là nhà văn của những người cùng khổ.

+ Khẳng định lại sứ mệnh cao cả của nhà văn và văn chương chân chính đối với con người và cuộc đời (tức là khẳng định ý kiến của Nguyễn Minh Châu).

Lưu ý: Khi phân tích, thí sinh cần việc nắm vững các tác phẩm của Nam Cao, biết phân tích và làm sáng tỏ những khía cạnh của vấn đề. Tránh lối kể lại tác phẩm một cách sa đà, dễ dãi.

>> Xem thêm:  Nguyên lí tảng băng trôi trong tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-minh-uê

Biểu điểm:

+ Phần giải thích và bình luận: 7 điểm (ý a: 2 điểm, ý b: 2 điểm, ý c: 3 điểm).

+ Phần phân tích – chứng minh: 11 điểm.

+ Chữ viết, trình bày, ý sáng tạo: 2 điểm

+ Tông số toàn bài là 20 điểm.

Các thầy cô giám khảo căn cứ vào biểu điểm trên và bài làm thực tế của học sinh để xác định mức điểm phù hợp. Chú ý những bài diễn đạt tốt, ý sáng tạo.

Bài viết liên quan