Phân tích bài thơ Nhàn của tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm


Đề bài: Phân tích bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Bài làm

Khi xưa Tản Đà từng “Muốn làm thằng Cuội”, tìm niềm thanh thản tít nơi cung trăng để mà:

“Có bầu, có bạn, can chi tủi,

Cùng gió, cùng mây, thế mới vui”

Vậy mà, trong nền thơ ca phong kiến lại có một nhân vật trữ tình tìm thấy một cuộc sống nhàn hạ mỗi ngày trong chính thực tại nhiễu nhương – Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cuộc sống thần tiên ấy đã lắng đọng trong bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

“Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Rượu đến gốc cây ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), sống gần trọn trong một thế kỉ đầy biến động thời Lê – Mạc xưng hùng và Trịnh – Nguyễn phân tranh. Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan tám năm rồi xin cáo quan ở ẩn để biểu thị thái độ bất bình trước chế độ. Bài thơ “Nhàn” ra đời trong khoảng thời gian này. Bằng một phong cách rất “ngông”, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã miêu tả chân thực cuộc sống nhàn tản thôn quê đồng thời triết lí về thế sự.

Hai câu thơ đầu tiên là bức tranh cuộc sống thú vị của tác giả:

“Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

>> Xem thêm:  Cảm nhận về nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Với cấu trúc “một… một… một” kết hợp nhịp thơ 2/2/3 đã gợi lên những bước chân thật đều đặn, nhịp nhàng của một lão nông có vẻ như là bận bịu lắm, nhiều việc lắm! Nào là cuốc đất, trồng cây, rẫy cỏ, câu cá… Trái lại, trong tâm hồn con người lại rất mực thư thái, vô lo vô nghĩ thông qua từ “thơ thẩn” và “vui thú”.

Cũng viết về sự nhàn rỗi nhưng trong “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi là “nhàn” cả cơ thể và trạng thái cảm xúc:

“Rồi hóng mát thuở ngày trường”

Còn với Nguyễn Bỉnh Khiêm, dù có nhàn thế nào thì vẫn phải tỏ ra đang bận rộn lắm, nhiều việc lắm, bận làm việc nhà nông, bận sản xuất lương thực, bận kiếm “bữa cơm”… Đó là chất “ngông” riêng có ở nhà thơ.

phan tich bai tho nhan cua tac gia nguyen binh khiem - Phân tích bài thơ Nhàn của tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm

Phân tích bài thơ Nhàn

Hai câu thơ tiếp theo, Nguyễn Bỉnh Khiêm chợt chuyển sang giọng triết lí:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn người đến chốn lao xao”

Câu thơ có chút châm biếm mỉa mai. Tác giả định nghĩa về chữ “dại” và chữ “khôn”. Tại sao nhà thơ tự nhận mình là “dại”, còn khen người đời là “khôn”? “Nơi vắng vẻ” ở đây muốn nói đến đời sống ẩn dật, tránh xa đua chen đời thường. “Chốn lao xao” là ám chỉ cuộc sống chạy đua danh lợi. Cách nói đối nghịch này đã làm vấn đề bị lật ngược. Không phải nhà thơ đang tự chê trách bản thân mà là cái cười mỉa mai những tên quan lại triều đình tham lam, xảo trá, độc đoán khiến triều đình suy đồi, nhân dân lầm than. Đó là lời giải thích hợp lí về một tâm hồn hết sức ngông ngạo.

>> Xem thêm:  Soạn bài Nước Đại Việt ta

Tác giả tiếp tục khắc họa đời sống ẩn dật trong thời gian và không gian khác nhau:

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”

Nguyễn Bỉnh Khiêm gom cuộc sống “nhàn” của cả một năm dài vào trong đúng 2 câu thơ thất ngôn.

Nếu như trong bức tranh tứ bình về tứ mùa trong “Việt Bắc”, Tố Hữu đã gọi tên thiên nhiên và con người hòa hợp lại trong thế “nhớ hoa cùng người” để rồi dàn bốn mùa ra làm tám câu thơ lục bát thì Nguyễn Bỉnh Khiêm dùng chữ “ăn” và “tắm” để thể hiện mối hòa hợp giữa con người với thiên nhiên hết sức dân dã.

Những gì mà nhà thơ kể tên “măng trúc”, “giá”, “hồ sen”, “ao” đều là những điều rất đặc trưng của mỗi mùa, thậm chí còn ẩn chứa dáng dấp thanh cao của người quân tử. Do đó, thi nhân hòa hợp với thiên nhiên theo cách nào đó thật “sang trọng”.

Cuộc sống “nhàn” tuyệt đối lắng đọng lại trong hai câu thơ cuối:

“Rượu đến cội cây, ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”

Từ thực tại, Nguyễn Bỉnh Khiêm dẫn người đọc đến không gian tựa tiên cảnh. Những “rượu”, “cội cây”, “phú quý” chẳng rõ là thực hay ảo, là tác giả đang mơ hay vẫn tỉnh. Tuy nhiên, triết lí phú quý chỉ là một giấc mộng hoang đường, ảo vọng thì là thực. Con người không ai vượt qua được quy luật sinh-lão-bệnh-tử. Khi mất đi, con người mang theo được bao nhiêu tài sản hay rút cục cũng chỉ còn là nắm đất? Dù có đang mộng mị thì nhân quan tỏ tường của Nguyễn Bỉnh Khiêm không hề biến mất. 

>> Xem thêm:  Thời gian: "Thời gian qua kẽ tay... hai giếng nước". (Văn Cao, Lá, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1998) Từ thông điệp mà Văn Cao muốn gửi tới chúng ta qua bài thơ Thời gian đến những suy cảm của anh (chị) vể thời gian và cuộc sống

Tóm lại, bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm thành công nhờ những sáng tạo nghệ thuật độc đáo và triết lí nhân sinh đúng đắn. Một bài thơ thất ngôn bát cú Đường thi với đầy đủ các phần đề -thực-luận-kết, song dường như phần thực và phần luận đã hoán đổi vị trí cho nhau. Ngoài ra, cảm hứng thanh nhàn, tự tại; ngôn từ giản dị mà giàu sắc thái, vừa hiện đại vừa cổ điển; nhịp thơ linh hoạt đã phá vỡ những quy luật rất bản chất của thơ Đường. Qua đó, tác giả mang đến một bức tranh sinh hoạt sống động cũng như đã bộc lộ bản lĩnh sống chân chính. Mặt khác, đặt trong bối cảnh chế độ phong kiến tàn lụi, quan lại lộng hành, các giá trị đạo đức xuống cấp, “Nhàn” còn là cách phê phán thực tại và tự ngợi ca phẩm chất thanh cao, trong sạch của bản thân. Đó là cách mà Nguyễn Bỉnh Khiêm chơi “ngông” với cuộc đời.

Hoài Lê

Bài viết liên quan