Phân tích bài thơ Nói Với Con của nhà thơ Y Phương


Đề bài: Phân tích bài thơ “Nói với con” của Y Phương.

Bài làm

Y Phương là người phát lời tuyên ngôn về vẻ đẹp văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc tày bằng thơ ca. Tiếng lòng chân thật, thiết tha của Y Phương được thể hiện sâu sắc thông qua các tác phẩm của mình. Trong đó, bài thơ “Nói với con” đã mượn lời người cha để Y Phương nhắc đến cội nguồn dân tộc cũng như niềm tự hào về người Tày.

Đoạn thơ đầu nhắc đến mối quan hệ giữa đứa con với tình yêu thương của cha mẹ:

“Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười”

Tác giả đã nhắc lại một chân lí hiển nhiên: đứa con là do sự kết hợp của cha và mẹ tạo ra đồng thời do cha mẹ nuôi dưỡng trưởng thành. Những từ như “chân phải”, “chân trái”, “tiếng nói”, “tiếng cười” đều muốn nhắc đến giai đoạn đầu đời của những đứa trẻ khi chúng bắt đầu học đi, học nói, học cách thể hiện cảm xúc. Ở đó, vai trò của cha mẹ đó là cổ vũ, nâng đỡ và chỉ đường. Mỗi một từ “bước tới” vang lên tựa như đứa trẻ lại trưởng thành hơn một chút. Qua đó, nhà thơ đề cập tới nỗi vất vả của cha mẹ cũng như sự chăm sóc từng li từng tí với đứa con thơ.

>> Xem thêm:  Thuyết minh chiếc quạt nan lớp 9

Tiếp tới, Y Phương mở rộng hơn không gian sống của đứa trẻ từ vòng tay cha mẹ đến “đồng mình”:

“Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”

Cách cảm thán “yêu lắm con ơi” khiến giọng thơ trài dài ngân nga thành điệu nhạc. Y Phương nhắc đến “người đồng mình” đầy tự hào, yêu thương khi ngợi ca phẩm chất của họ. Những hình ảnh quen thuộc như “đan”, “cài” gợi lên bóng dáng con người lao động vừa chăm chỉ, cần cù vừa giàu tình nghĩa yêu thương. Đó là lí do “ngày cưới” – ngày tình yêu của cha mẹ kết trái – đã trở thành ngày đẹp nhất trên đời. Vậy nên, đoạn thơ đã khẳng định quê hương và tình nghĩa quê hương chính là nguồn cội tạo ra đứa con và nuôi lớn đứa con ấy.

Từ tình cảm gia đình, nhìn rộng hơn thành tình cảm quê hương để cuối cùng Y Phương biến nó trở thành lẽ sống lớn và khát vọng lớn. Nhà thơ tiếp tục vang khúc ngợi ca “người đồng mình”:

“Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

>> Xem thêm:  Nêu cảm nghĩ của em sau khi học bài thơ Tiểu đội xe không kính tác giả Phạm Tiến Duật

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc”

Đâu chỉ cần cù, chăm chỉ, con người dân tộc Tày còn có lí tưởng sống lớn lao. Những từ “cao”, “xa” gợi lên tâm hồn phóng khoáng và chân dung những con người đứng giữa núi ngàn mà nhìn nhận cuộc đời. Lí tưởng ấy chính là “không chê”, “không lo”. Đất đai, núi non này dù có “gập ghềnh” hay “nghèo đói” nhưng phải biết thích nghi với nó, biết hòa nhập và cống hiến sức mình cho quê hương. Đây là triết lí hiến dâng gắn với trách nhiệm công dân của tác giả.

phan tich bai tho noi voi con cua nha tho y phuong - Phân tích bài thơ Nói Với Con của nhà thơ Y Phương

Phân tích bài thơ Nói Với Con

Cuối cùng, tác giả một lần nữa thể hiện lòng tự hào với con người và truyền thống quê hương để nhắc nhở đứa con phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc:

“Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.”

Tác giả đã lấy hai hình ảnh đối lập “thô sơ da thịt” với “đục đá” để làm nổi bật lên sức mạnh tinh thần của con người. Tác giả đã dùng sự nhỏ bé của tầm vóc con người thực tế làm đòn bẩy cho tầm vóc tâm hồn. Cách phủ định “chẳng mấy ai”, “không bao giờ” thể hiện niềm tin mãnh liệt của người cha trước phẩm chất và tâm hồn người Tày.

>> Xem thêm:  Bạn hãy thuyết minh về chiếc áo dài

Bài thơ “Nói với con” của Y Phương có nhiều đặc sắc trong bút pháp nghệ thuật. Tác giả sử dụng nhiều từ ngữ địa phương và hình ảnh quen thuộc như “đan lờ”, “cài nan”, “ken”, “thung”, “đồng mình”… tạo nên sự gần gũi, chân thành cho tác phẩm. Mặt khác, khổ thơ theo thể tự do, câu ngắn nhất có hai từ, câu dài nhất có 10 từ kết hợp với nhiều thán từ “ơi”, “yêu lắm”… khiến bài thơ tựa như khúc nhạc trầm bổng, thiết tha về quê hương, xứ sở.

Bài thơ không chỉ dừng lại ở chuyện “nói với con” mà còn là lời nhắn nhủ với nhiều thế hệ hãy giữ gìn truyền thống tốt đẹp và tự tin phát huy những truyền thống ấy. Điều đó thể hiện tình yêu quê hương sâu nặng của Y Phương.

Hoài Lê

Bài viết liên quan