Phân tích bài thơ Ông đồ của tác giả Vũ Đình Liên văn mẫu lớp 8


Bằng thể thơ năm chữ cùng hình ảnh thơ giản dị, tác phẩm thể hiện niềm thương cảm sâu sắc đối với một lớp người tri thức bị lãng quên và mang đậm chất hoài cổ, tác giả Vũ Đình Liên đã thể hiện vô cùng thành công qua bài thơ Ông đồ. Bằng những hiểu biết của mình về bài thơ này, anh chị hãy phân tích bài thơ “Ông đồ”của tác giả Vũ Đình Liên.

I. Dàn ý cho đề bài phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

1. Mở bài cho đề phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Bài thơ “Ông đồ” của tác giả Vũ Đình Liên- một trong những gương mặt thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới là một trong những tác phẩm thể hiện sự nuối tiếc đối với quá khứ, cụ thể là đối với truyền thống nay chỉ còn là tàn tích.

2. Thân bài cho đề phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

– Hai khổ thơ đầu đã miêu tả hình ảnh ông đồ xưa trong không gian cũ và trong hoài niệm của tác giả:

+  Ông đồ đã tạo ra những câu đối Tết đem lại niềm vui cho mọi người

+ Tài năng của ông cũng được ngợi ca hết lời

+ Hình ảnh ông đồ xưa hiện lên với nét đẹp tài hoa nghệ sĩ,

– Thời gian qua đi, dù tài năng của ông vẫn còn nhưng thời cuộc lại đổi khác:

+ Con người không còn mặn mà với thú vui chơi câu đối chữ

+ Sự hiện diện của ông đồ trở nên vô nghĩa khi mà không ai chú ý đến ông.

>> Xem thêm:  Kể về ông ngoại của em – Văn mẫu tuyển chọn lớp 3 hay nhất

3. Kết bài cho đề phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Bài thơ Ông Đồ đã khắc họa thành công hình ảnh ông đồ trong sự thay đổi, biến chuyển của thời gian, của văn hóa. Bài thơ còn cho thấy tấm lòng tiếc nuối của tác giả Vũ Đình Liên đối với những nét đẹp xưa cũ của dân tộc.

II. Bài tham khảo cho đề bài  phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Sự vận động không ngừng của thời gian đã dẫn đến nhiều sự thay đổi trong cuộc sống, để rồi đến khi con người nhìn lại, cảm thấy mọi thứ đã chìm sâu vào quá khứ và chỉ còn là hoài niệm. Bài thơ “Ông đồ” của tác giả Vũ Đình Liên- một trong những gương mặt thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới là một trong những tác phẩm thể hiện sự nuối tiếc đối với quá khứ, cụ thể là đối với truyền thống nay chỉ còn là tàn tích. Bằng thể thơ năm chữ cùng hình ảnh thơ giản dị, tác phẩm thể hiện niềm thương cảm sâu sắc đối với một lớp người tri thức bị lãng quên và mang đậm chất hoài cổ.

Bài thơ đã khắc họa hình ảnh ông đồ xưa và hình ảnh ông đồ ở thờ điểm hiện tại. Hai khổ thơ đầu đã miêu tả hình ảnh ông đồ xưa trong không gian cũ và trong hoài niệm của tác giả. Mỗi dịp Tết đến xuân về, ở bên góc phố, cùng với “mực tàu, giấy đỏ”, ông đồ đã tạo ra những câu đối Tết đem lại niềm vui cho mọi người. Đó là thời kì mà những nét chữ của ông, những câu đối của ông trở thành một phần không thể thiếu trong dịp xuân về. Tài năng của ông cũng được ngợi ca hết lời:

“Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay”

Khi việc chơi câu đối chữ còn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc thì tài năng của ông được ngợi khen. Hình ảnh ông đồ xưa hiện lên với nét đẹp tài hoa nghệ sĩ, tạo nên những nét chữ “phượng múa rồng bay” vô cùng có giá trị. Nhưng rồi thời gian qua đi, dù tài năng của ông vẫn còn nhưng thời cuộc lại đổi khác:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu…”

Sự thay đổi thời thế được thể hiện qua sự vận động “mỗi năm mỗi vắng” khi mà con người không còn mặn mà với thú vui chơi câu đối chữ. Câu hỏi tu từ “Người thuê viết nay đâu” đã xoáy sâu vào sự vắng vẻ, hiu hắt. Tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa khiến nỗi buồn thấm vào giấy đỏ, nghiên mực như thấu hiểu được sự thay đổi: giấy đỏ “buồn”, mực “sầu”. Và vẫn là không gian đó nhưng hình ảnh ông đồ lúc bấy giờ đã đổi khác:

“Ông đồ vẫn ngồi đó

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay”

Vẫn là không gian trên phố vào mùa xuân, ông đồ vẫn có mặt nhưng giờ đây, sự hiện diện của ông đồ trở nên vô nghĩa khi mà không ai chú ý đến ông. Hình ảnh “Lá vàng rơi trên giấy” biểu tượng cho sự tàn phai, sự héo úa. Và nỗi buồn càng trở nên hiu hắt hơn khi xuất hiện “mưa bụi bay” gợi lên sự lạnh lẽo và buồn thảm. Để rồi đến một ngày, người ta không còn nhìn thấy hình ảnh ông đồ xuất hiện nữa:

>> Xem thêm:  Soạn văn Đi bộ ngao du chương trình Ngữ văn 8

“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

Sự xuất hiện của ông đồ trong bài thơ được miêu tả theo tần suất giảm dần, mở đầu là hình ảnh ông đồ cùng sự đông vui, tấp nập, sau đó là sự vắng vẻ dần qua từng năm và cuối cùng là sự biến mất. Nét đẹp truyền thống đã thực sự lụi tàn. Câu hỏi tu từ “Hồn ở đâu bây giờ” vang lên như một tiếng thở dài tiếc nuối cho thấy hình ảnh ông đồ đã thật sự lùi xa vào dĩ vãng, vào quá khứ và chỉ còn lại trong hồi ức, trong hoài niệm. Đó còn là dấu chấm hết cho một truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bằng thể thơ năm chữ cùng hình ảnh thơ giản dị, bài thơ đã khắc họa thành công hình ảnh ông đồ trong sự thay đổi, biến chuyển của thời gian, của văn hóa. Bài thơ còn cho thấy tấm lòng tiếc nuối của tác giả Vũ Đình Liên đối với những nét đẹp xưa cũ của dân tộc.

Bài viết liên quan