Phân tích bài thơ Thương Vợ của Tú Xương


Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương.

Bài làm

Bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương là một trong số ít những tác phẩm tiêu biểu viết về người phụ nữ phong kiến trên cương vị của người chồng. Ông Tú viết về chính người vợ của mình – bà Tú với tình cảm ngợi ca và nỗi hổ thẹn bằng nét bút vô cùng tài hoa. Do vậy, bài thơ “Thương vợ” luôn có một chỗ đứng rất đặc biệt:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên, hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng, mười mưa, dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không!”

Tú Xương (1870-1907) là một trí thức có tài song con đường công danh gặp nhiều trắc trở. Do vậy, bà Tú là người gồng gánh cả gia đình, vừa nuôi dạy con, vừa làm lụng vất vả để “nuôi” thêm ông Tú thi cử. Tám lần ứng thí chỉ đỗ Tú tài, Tú Xương đành về quê dạy học và sáng tác thơ ca.

Bài thơ “Thương vợ” nói lên tình thương yêu nồng hậu đối với người đảm đang, hiền thảo, giàu đức hi sinh. Qua đó, Tú Xương triết lí về thế sự.

Bốn câu thơ đầu tiên là khái quát hoàn cảnh sống của bà Tú:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Từ “quanh năm” đã mở ra một quãng thời gian dài dằng dặc, lặp lại như một vòng tuần hoàn. Cứ năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác. Tình cảnh này có khác nào nàng Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Cũng tương tự, ngày này qua tháng khác, Mị chìm nghỉm trong guồng quay công việc đến mức trơ lì xúc cảm. Hết đi gánh nước, chẻ củi, cho ngựa ăn rồi lại lên nương làm rẫy, tra ngô, bẻ bắp đến mùa thì lại hái bông, nhổ đay, kéo sợi, dệt vải… cứ như vậy làm việc không ngơi tay, đến mức Mị không rõ ngày tháng nữa. Ở đây, bà Tú cũng rơi vào vòng xoáy công việc: buôn bán. Thậm chí, bà Tú còn vất vả hơn khi mà thân phụ nữ, xuất thân đài các lại phải bon chen nơi hỗn tạp. Chưa hết, không gian làm việc lại là mom sông – vùng đất trồi lên, bốn bề là nước, có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.

>> Xem thêm:  Cảm nhận của em sau khi đọc "Nhà cầm quyền khôi phục uy quyền" trích trong tác phẩm "Những người khốn khổ" của Huy - gô

phan tich bai tho thuong vo cua tu xuong - Phân tích bài thơ Thương Vợ của Tú Xương

Phân tích bài thơ Thương Vợ

Bằng nghề buôn bán, bà Tú gánh trên vai năm miệng ăn là năm đứa con thơ. Nuôi một đứa con đã khó nhọc, nay những năm đứa. Chưa hết, bà Tú còn nuôi thêm “một chồng”. Thông qua từ “với”, Tú Xương tự đặt bản thân lên bàn cân để so sánh nuôi bản thân còn khó nhọc tương đương cả năm đứa con. Ấy vậy mà bà Tú vẫn “nuôi đủ”, không thừa, không thiếu. Qua các từ chỉ số lượng “năm” và “một”, Tú Xương còn bày tỏ sự mỉa mai, châm biếm. Có ai lại đi đếm chồng? Có lẽ, đằng sau đó là sự hổ thẹn của Tú Xương.

Tú Xương làm rõ hơn hoàn cảnh sống của bà Tú bằng cách ví von với “thân cò”. Hình ảnh này gợi về trong người đọc những câu ca dao xưa:

“Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”

“Con cò mày đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”

Mỗi khi nhắc tới con cò, chúng ta luôn nhớ về những người nông dân “chân lấm tay bùn”, cần mẫn làm việc bất kể đêm ngày để mưu sinh. Trong bài thơ, nét đặc biệt ở chỗ Tú Xương gọi là “thân cò”, nó gợi lên nhiều hơn về thân phận con người nhỏ bé, bèo bọt. Hơn nữa, cách đảo “lặn lội” lên đầu câu nhấn mạnh vào trạng thái hoạt động. Từ “lặn lội” và “quãng vắng” gợi tả những bước chân bì bõm, quanh quẩn trong một không gian tù túng, đầy rẫy bất trắc.

>> Xem thêm:  Anh (chị) hãy bình giảng bài thơ "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu

Câu thơ thứ hai tiếp tục dùng phép đảo âm thanh “eo sèo” lên trước để tạo ấn tượng về một không gian mặt nước cồn cào, chấp chới, sôi sục, hiểm ác tung bọt trắng như giăng bẫy những kẻ đang lênh đênh trên thuyền. Mặt khác, âm thanh này cũng gợi lên sự nhộn nhạo, những tiếng cãi cọ chợ búa, tiếng than, tiếng nhiếc… của đủ mọi loại người. Phối hợp với nó là “buổi đò đông”. Đò là nơi đưa người ta cập bến đợi, về với gia đình, với những gì bình dị, an yên nhất. Nhưng bà Tú vẫn cứ phải bon chen, co kéo trên chuyến đò dang dở ấy. Đến bao giờ mới cập bến an toàn đây khi mà xung quanh đều toàn sự hiểm ác.    

Trong đoạn thơ sau của tác phẩm, Tú Xương ngợi ca đức hạnh của bà Tú:

“Một duyên hai nợ, âu đành phận

Năm nắng mười mưa, dám quản công”

Tú Xương đã vận dụng linh hoạt chất liệu của văn học dân gian để làm nên hai câu thơ vừa quen vừa lạ. Những từ như “duyên – nợ”, “phận”, “mưa – nắng”, “quản công” đều tạo liên tưởng về những câu ca dao, tục ngữ. Tuy nhiên, Tú Xương lại đặt các cặp quan hệ này trong số từ “một” – “hai”, “năm” – “mười”. Cái nợ gấp đôi cái duyên, dầm mưa gấp hai lần dãi nắng. Nhưng bà Tú vẫn nhận nhịn “âu đành” và không tính tám “dám quản”.

>> Xem thêm:  Cảm nghĩ về bài thơ Sông Lấp của Tế Xương.

Nỗi vất vả bà Tú chịu đựng đổ cả cho “thói đời” chăng?

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không!”

Là thói đời bạc bẽo quá nên bà Tú mới khổ thế này? Là vì ông chồng hờ nên bà Tú mới vất vả thế này? Đây không phải lời nhiếc móc của bà Tú mà chính là lời nhiếc móc của Tú Xương với chính mình. Ngoài ra, chữ “thói đời” đã nâng chuyện gia đình ông Tú thành chuyện thế sự. Xã hội loạn lạc, triều đình hèn kém đã đẩy con người vào con đường tha hóa, bất đắc dĩ phải trở nên xấu xa, tàn ác với nhau.

Tóm lại, bài thơ “Thương vợ” tuy theo thể thất ngôn bát cú Đường luật song ngôn từ lại gần gũi, thân thuộc với đời sống người dân. Cách vận dụng từ vựng sáng tạo, mới mẻ, linh hoạt đã tạo nên nét sắc thái riêng cho bài thơ. Qua đây, phong cách văn chương cũng như tấm lòng nhân nghĩa, nhân đạo, nhân ái của Tú Xương càng được khẳng định.

Hoài Lê

Bài viết liên quan