Phân tích bài thơ Tràng Giang của thi sĩ Huy Cận


Đề bài: Phân tích bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận.

Bài làm

Selney từng nói: “Mỗi thi nhân là một con chim hoa mi đậu trong bóng đêm hoan hỉ hót ca nỗi cô đơn của mình bằng những tiếng ngọt ngào”. Câu nói này khiến tôi nhớ nhiều tới “Tràng giang” của Huy Cận. Nỗi sầu muộn, cô đơn của người thi sĩ thơ Mới có nơi đâu lại thấm thía như thơ Huy Cận. Có mối sầu nào sầu thiên thu, vạn cổ như trong “Tràng giang”. Bài thơ để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó phai.

Đúng như Hoài Thanh nhận xét về Huy Cận: “Người đã nói với ta nỗi buồn nơi quán chật đèo cao, nỗi buồn của sông dài trời rộng, nỗi buồn của người nữ thứ trên non, buồn đêm mưa, buồn xa vắng”. Huy Cận là nhà thơ “buồn” nhất trong các nhà thơ Mới thời kì văn học 1930-1945.

Bài thơ “Tràng giang” là đỉnh cao sự nghiệp thơ Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám 1945. Bài thơ được gợi cảm hứng từ những lần Huy Cận còn là cậu sinh viên 20 tuổi hàng ngày đạp xe ra bến sông Chèm dạo chơi. Trước cảnh “trời rộng”, “sông dài”, nhà thơ không giấu nổi tình cảm cô đơn của một tâm hồn nhỏ bé trước không gian. Qua đó, Huy Cận bày tỏ tâm thế lạc lõng và nỗi nhớ nhà da diết.

“Tràng giang” được thi nhân miêu tả bắt đầu từ điểm nhìn mặt nước:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Những hình ảnh quen thuộc như sóng, thuyền, dòng nước… đi qua lăng kính nhạy cảm của Huy Cận trở nên mới lạ, đầy cảm xúc.

phan tich bai tho trang giang cua thi si huy can - Phân tích bài thơ Tràng Giang của thi sĩ Huy Cận

Phân tích bài thơ Tràng Giang

Như người xưa đã nói:

>> Xem thêm:  Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

(“Truyện Kiều” – Nguyễn Du)

Tâm hồn buồn thấm thía Huy Cận đã lây lan, bao trùm lên khắp một vùng không gian bất tận. Huy Cận góp nhặt bao mối buồn để gộp lại thành nỗi “sầu trăm ngả”. Đó là nỗi buồn chất thành ngàn lớp của sóng gợn. Đó là cái buồn phó mặc của một chiếc thuyền xuôi mái. Đó là nỗi buồn tủi của nước khi thuyền chẳng chung dòng. Có thứ gì là đang sống, đang cựa mình ở đây không? Hay chỉ có không gian lặng tờ, hoặc bỏ đi, hoặc buông xuôi cho số phận đưa đẩy?

Những từ láy “tràng giang”, “điệp điệp”, “song song” khiến không gian như mở rộng ra cả ba chiều cao – sâu – rộng. Tuy nhiên, trong không gian ấy chỉ có vài gợn nước, một chiếc thuyền và một cành củi. Huy Cận tự vận mình vào chúng để nói lên tâm trạng cô đơn, lạc lõng giữa kiếp đời.

Vẫn là một không gian mở, song điểm nhìn đã chuyển đổi:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”

Trong một câu thơ mà có tới ba từ chỉ sự ít ỏi “lơ thơ”, “nhỏ”, “đìu hiu” đã tái hiện một không gian hoàn toàn tuyệt mịch. Thậm chí tưởng như là đang có tiếng người lao xao ở chợ nhưng không. Thử phân tích câu thơ thứ hai, từ “đâu” chỉ sự xa xôi, vô định, không rõ ràng. Cũng có thể nghĩ, “đâu” tức là phủ định, không hề có một âm thanh nào. Do vậy, đây là bút pháp lấy động tả tĩnh quen thuộc trong thơ trung đại, lấy âm thanh để miêu tả cái vắng lặng tột cùng.

>> Xem thêm:  Phân tích bi kịch của nhân vật hộ trong tác phẩm Đời thừa của nhà văn Nam Cao

Những vật ít ỏi lại một lần nữa được đặt trong không gian rộng lớn. Cặp quan hệ từ trái ngược “xuống” – “lên” tạo một cảm giác như Huy Cận đang đo khoảng cách giữa bầu trời và mặt đất và kết quả là “sâu chót vót”. Người ta nói “cao chót vót” chứ chẳng ai dùng từ sâu. Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác này tạo nên giá trị mới mẻ cho bài thơ.

Những từ “dài”, “rộng”, “cô liêu” ở câu thơ cuối đoạn đều là những thi liệu Đường thi quen thuộc. Như vậy, sự kết hợp giữa màu sắc hiện đại và cổ điển là nét phong cách nổi bật của Huy Cận trong bài thơ này.

“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”

Trong khổ thơ này, Huy Cận bày tỏ nỗi niềm khát khao được hòa hợp với cuộc đời song càng khát khao càng rơi vào bi kịch cô đơn. Câu hỏi đầu tiên cất lên “về đâu” như một niềm băn khoăn không dứt. Có ai hỏi chuyện tầm phào là bèo trôi về đâu? Không phải, là Huy Cận đang tự vận mình vào kiếp bèo để mà tự vấn: cuộc đời nhỏ bé của mình biết đi về đâu?

Huy Cận khao khát sự thấu hiểu, đồng cảm từ ai đó hay bất kì điều gì đó. Song, bi kịch xảy ra khi mà cả không gian “mênh mông” thế này lại chẳng có nổi một chuyến đò đi ngang. Có sông, có cầu bắc, nhưng chẳng lấy một bóng người. Những từ mang tính phủ định “không cầu”, “không một” để khẳng định tuyệt nhiên không hề có sự giao hòa ở đây.

Giọng thơ trầm xuống ở cuối bài để nỗi lòng thi nhân trực tiếp bộc lộ:

>> Xem thêm:  Phân tích tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia và nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

Tiếp tục là một không gian cao – sâu – rộng bởi mây trời và cánh chim. Nét sáng tạo của thơ Huy Cận là ở từ “đùn”. Ta có cảm giác như mây đang ùn ứ từng lớp, chất đầy, không thể giải tỏa giống như Huy Cận đang cảm xúc quá rồi, đang u uất, bế tắc quá rồi. Nét cổ điển được tái hiện thông qua hình ảnh cánh chim chiều và bóng hoàng hồn. Chỉ có điều, khác với cánh chim trong thơ Bà Huyện Thanh Quan:

“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”

(“Chiều hôm nhớ nhà”)

Cánh chim trong thơ Huy Cận được liên kết đặc biệt với bóng chiều nhờ dấu hai chấm giữa dòng. Khi cánh chim nghiêng mình hạ dần cánh về tổ thì cả một trời chiều cũng theo đó khuất dần. Sức sáng tạo ngôn ngữ của Huy Cận rất đáng nể!

Hai câu thơ cuối bài giàu màu sắc hiện đại. Cũng trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, nỗi nhớ nhà được bộc lộ trong âm thanh:

“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”

Còn ở “Tràng giang”, chẳng cần một chất xúc tác nào, chẳng cần “khói” mà vẫn nhớ nhà, nhớ quê hương. Điều này chứng tỏ đây là nỗi lòng thường trực luôn cuộn trào khôn nguôi trong tâm hồn thi nhân.

Tóm lại, bài thơ “Tràng giang” với ngôn từ đa sắc thái, giàu sức biểu đạt cùng với sự kết hợp tài tình giữa màu sắc cổ điển và tính hiện đại đã khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên thấm buồn và lòng người thi nhân yêu nước.

Hoài Lê

Bài viết liên quan