Phân tích bài thơ Viếng Lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương


Đề bài: Phân tích bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương.

Bài làm

Mai Văn Tạo từng nhận xét “Thơ Viễn Phương dễ nhớ, giàu cảm xúc, nhưng không bị lụy, cường điệu nỗi đau…”. Nét đặc trưng này được biểu hiện rõ ràng qua bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương. Bài thơ là khúc ca đưa tiễn vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc đồng thời là tiếng lòng yêu nước thiết tha của tác giả.

Viễn Phương (1928-2005) là nhà thơ, nhà chính trị Việt Nam. Cuộc đời Viễn Phương là một cuộc đời của cống hiến và sáng tạo. Từ những ngày kháng chiến chống Pháp, Viễn Phương đã hăng hái tham gia cách mạng. Hòa bình lập lại, Viễn Phương kiếm sống bằng nghề dạy học và sáng tác thơ ca.

Bài thơ “Viếng lăng Bác” ra đời trong hoàn cảnh Viễn Phương cùng hàng triệu đồng bào miền Nam ra Bắc viếng thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được khánh thành năm 1976. Bài thơ kể lại hành trình đầy cảm xúc của những người con Việt Nam về viếng thăm, dâng hoa tưởng niệm vị Cha già vĩ đại của dân tộc.

Khổ thơ đầu tiên là cảm xúc chân thật về cảnh bên ngoài lăng với trung tâm là hình ảnh hàng tre xanh:

 “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”

Tre vốn là loài cây quen thuộc, không chỉ có vai trò trong thực tế cuộc sống và cuộc chiến đấu chống ngoại xâm mà nó còn hóa thân cho phẩm chất và cốt cách con người Việt Nam.

Thép Mới có những câu văn thật hay về tre: “Dưới bóng tre xanh, Việt Nam gìn giữ một nền văn hoá lâu đời, tre xanh giúp người dân làm nhà dựng cửa, vỡ ruộng khai hoang, tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp… Rặng tre xanh là chiến luỹ bảo vệ làng mạc, xóm thôn…”. Trong thơ Nguyễn Duy, tre mang phẩm chất người nông dân Việt Nam:

>> Xem thêm:  Điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam

“Rễ siêng không ngại đất nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”

Đến “Viếng lăng Bác”, Viễn Phương một lần nữa lại ngợi ca cây tre Việt Nam như người lính can trường, vững vàng trước “bão táp” và “mưa sa”.

Trên hành trình đặc biệt “về thăm” vị Cha già dân tộc, Viễn Phương bắt gặp hàng tre xanh đầu tiên. Nhờ nội dung này mà bài thơ không còn u uất như khúc mặc niệm mà trở nên gần gũi, thân thương.

Nhà thơ cũng chỉ là một đứa con xa quê lâu ngày về thăm Cha, ngôi nhà ấm áp có vị Cha vĩ đại vẫn rợp bóng lũy tre xanh. Đến gần hơn ngôi nhà ấy, Viễn Phương bắt gặp hai mặt trời kì lạ:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”

Khổ thơ là cảm xúc của tác giả khi chứng kiến đoàn người đến viếng lăng.

phan tich bai tho vieng lang bac cua nha tho vien phuong - Phân tích bài thơ Viếng Lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương

Phân tích bài thơ Viếng Lăng Bác

Ở đây, hai thực thể “mặt trời” bên ngoài lăng và “mặt trời” bên trong lăng mang ý nghĩa biểu tượng khác nhau. Một là mặt trời của vũ trụ, là nguồn sống cho muôn loài, là ánh sáng soi tỏ thế gian. Một mặt trời thứ hai chính là Hồ Chí Minh – một con người khai mở lối đi tươi sáng cho dân tộc, mang đến lí tưởng về cách mạng và nhân nghĩa sống đến với mọi người dân Việt Nam. Đặt hai mặt trời giữa hai câu thơ khác nhau, Viễn Phương muốn ngầm so sánh giá trị của nó. Và kết luận của nhà thơ là mặt trời thứ hai “rất đỏ”. Phải chăng, với nhà thơ, Bác còn là điểm khởi tạo nguồn sống mãnh liệt hơn cả ánh dương tạo hóa?

>> Xem thêm:  Thuyết minh kết hợp với miêu tả về ngôi trường của em

Mặt khác trên lăng có hoạt động mọc rồi lặn “ngày ngày” của mặt trời, còn dưới lăng cũng có bước chân đi “ngày ngày” của người đến viếng. Như vậy, một lần nữa Viễn Phương lại so sánh quy luật vĩnh cửu của tạo hóa với tình thương yêu vĩnh cửu của con người Việt Nam với Hồ Chí Minh. Kết hợp với điệp từ láy “ngày ngày” là từ “tràng hoa” đã khắc họa bức tranh thực tại: người dân đến viếng lăng đông đảo, liên tục như một chuỗi hoa dài tiến vào lăng không thấy điểm kết. Tình thương yêu của con người cũng cứ mãi như dòng hoa trôi chảy về chín suối tưởng niệm công ơn vị anh hùng dân tộc.

Không gian trở nên linh thiêng hơn khi đoàn người đứng trước linh cữu Hồ Chủ tịch:

“Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim”

Tác giả dùng biện pháp nghệ thuật nói giảm, nói tránh để cảm xúc thơ không trở nên bi thương. Người nằm đó là người của thế giới bên kia từ rất lâu rồi nhưng Viễn Phương miêu tả Người chỉ như đang ngủ, thậm chí là ngủ rất yên bình. Từ “nằm” đã góp phần tạo nên vẻ gần gũi, thân thương của mọi người với một nhà lãnh đạo kiệt xuất.

Không còn là “mặt trời”, đến giờ, Viễn Phương thấy một “vầng trăng” trong lăng. Sinh thời, trăng luôn là người bạn tri âm tri kỉ của Bác:

>> Xem thêm:  Hướng dẫn soạn văn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

(“Ngắm trăng” – Hồ Chí Minh)

Đến khi mất đi, Bác lại được trở về bên vầng trăng thơ mộng.

Nhưng dù có thế nào, thì sự thật vẫn là Bác đã ra đi mãi mãi. Viễn Phương đủ tỉnh táo để ý thức được thực tại. Vậy nên, nhà thơ vẫn thấy “nhói”. Đó là nỗi đau thắt gan thắt ruột, nỗi đau trực trào cuộn sóng dâng lên trong lòng con người. Nỗi đau bất lên thành tiếng. Cuối cùng, cảm xúc thực tế vẫn không thể dùng bất cứ lời lẽ nào mà giảm được, tránh được.

Viễn Phương chọn kết thúc bài thơ bằng khát vọng:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”

Nỗi đau từ trong lòng nay trào dâng thành “nước mắt” khi phải rời xa Bác để trở về. Niềm “thương trào nước mắt” chân thành, bộc trực, dạt dào biết mấy.

Khổ thơ với nhịp điệu dàn trải cùng với cách sử dụng đa phần là thanh bằng đã tạo nên giọng điệu thiết tha. Điệp từ “muốn làm” ở mỗi đầu câu thơ đã nhấn mạnh ước muốn của tác giả: trở thành những thứ bình dị, thân thuộc nhất nơi đây để bầu bạn, làm đẹp hơn không gian quanh Bác.

Tóm lại, bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương thành công trong việc sử dụng hình ảnh giàu sức biểu tượng; ngôn từ phong phú, gần gũi… cũng như phản ánh nội dung của một chuyến viếng lăng đầy cảm xúc. Những tình cảm mà Viễn Phương bộc lộ cũng là tiếng lòng chung của bao thế hệ người dân Việt Nam.

Hoài Lê

Bài viết liên quan