Phân tích bài thơ Vội Vàng của nhà thơ Xuân Diệu


Đề bài: Phân tích bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu.

Bài làm

Thơ Mới lãng mạn 1930-1945 được ví như một dàn hợp xướng của những cái tôi Huy Cận “ảo não”, Nguyễn Bính “quê mùa”, Lưu Trọng Lư “mơ màng”, Phạm Huy Thông “hùng tráng”, Nguyễn Nhược Pháp “trong sáng” và có thêm một Xuân Diệu “thiết tha, rạo rực”. Trong số đó, không ở đâu trong các thời kì văn học tôi bắt gặp một ngọn bút đa sắc thái như Xuân Diệu. “Vội vàng” là tác phẩm điển hình của sự nghiệp thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám.  

Đọc thơ Xuân Diệu vừa thú vị vừa giàu triết lí. Người đọc khi bắt gặp một tâm hồn hết mình giao cảm với đời, lúc tại thấy một kiếp người hữu hạn trước quy luật thời gian “băng hoại”, thi thoảng có bóng dáng của một người đang yêu say men tình giữa thiên nhiên tạo vật.

Bởi lẽ đó, ta bắt gặp ngay từ đầu bài thơ một ham muốn phi thường:

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió laị

Cho hương đừng bay đi”

Đề từ “Tặng Vũ Đình Liên” song Xuân Diệu bắt đầu từ một giọng thơ chẳng “ông Đồ” chút nào. Bốn câu thơ ngũ ngôn nhịp nhanh, mạnh tạo ấn tượng về một ham muốn lạ lùng: sống gấp gáp, yêu bồng bột và khao khát vô biên.

Điệp từ “tôi muốn” như lời tuyên ngôn, thách thức cả thời kì văn học trung đại trước đó không bao giờ đề cập tới chữ “tôi” và ham thú cá nhân. Cái tôi trữ tình táo bạo tới mức lần đầu tiên trong lịch sử văn học ở mỗi một câu lẻ dám công khai tư tưởng truất quyền năng thần thánh để “tắt nắng” và “buộc gió”. Đặc biệt, động từ mạnh “tắt” và “buộc” thể hiện sự tuyệt đối hóa không gian, thời gian và quy luật thiên nhiên để núi giữ, ngưng đọng mọi thứ vĩnh hằng, ở độ đẹp tươi, trong trong nhất.

phan tich bai tho voi vang cua nha tho xuan dieu - Phân tích bài thơ Vội Vàng của nhà thơ Xuân Diệu

Phân tích bài thơ Vội Vàng

Niềm khao khát còn mãnh liệt hơn nữa, cháy bỏng hơn nữa chảy trôi trong hồn thơ Xuân Diệu, ấy chính là yêu đương:

>> Xem thêm:  Phân tích ý nghĩa cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,

Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Ong bướm đang no say tình tứ của những ngày hưởng tuần trăng mật. Hoa lá đạt độ xanh thắm nhất, phảng phất “hương đồng gió nội”. Trên cành cao, lộc lá non tơ phất phơ trong nắng sớm, bóng mướt một khoảng không. Loài yến anh uốn lượn bộ lông vũ, trao đời tiếng hót quyến rũ bạn tình. Rồi con người xuất hiện một cách kì ảo. Không nói cô gái nhưng ta lại thấy cô gái. Không nói người đẹp nhưng ta như bắt gặp nàng xuân trẻ trung, tươi tắn. Nàng đang chiêm ngưỡng cảnh sắc bằng đôi mi long lanh. Nắng mới tinh nghịch chạy nhảy trên hàng mi như thứ ánh sáng thần kì. Nó khiến tác giả nghĩ về những vị thần xa xưa, đó là thần Vui – vị thần luôn gõ cửa mỗi sớm và ban phát hạnh phúc cho mọi người. Và tất cả sự hạnh phúc, tình tứ, say mê, óng mướt, tròn đầy ấy hội tụ cả trên “cặp môi” tháng giêng. Tháng giêng tựa như đôi môi căng, tròn, thơm, mịn, bóng của người thiếu nữ kề gần. Có thể nói, Xuân Diệu đã phô hết mọi giác quan để thụ hưởng. Lối so sánh, nhân hóa, biến cái vô hình “tháng giêng” thành cái hữu hình “cặp môi gần” của Xuân Diệu thực sự khiến chúng ta kinh ngạc.

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”

Xuân Diệu dùng một dấu châm giữa câu thơ vừa độc đáo, mới lạ vừa như bày tỏ sự ngỡ ngàng đến bàng hoàng khi ngay trong phút giây hạnh phúc nhất lại bắt gặp một mùa hạ khi xuân vừa về.

>> Xem thêm:  Phân tích bài thơ Thu vịnh của Nguyễn Khuyến

Cái bước chân “vội vàng một nửa” như vừa gọi về một nỗi sợ hãi vô biên: thời gian một đi không trở lại. Xuân Diệu giải thích rõ hơn quan niệm của mình ở những câu thơ tiếp:

“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lạị

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời

Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,

Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt….

Con gió xinh thì thào trong lá biếc,

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?

Chẳng bao giờ. Ôi! Chẳng bao giờ nữa…”

Điểm đặc biệt trong đoạn thơ này là cách Xuân Diệu đặt các yếu tố trong sự tương quan. Đó là mùa xuân tuổi trẻ – mùa xuân đất trời. Ai cũng biết thời gian là vĩnh hằng, xuân này qua đi, xuân khác rồi sẽ lại về. Nhưng xuân “non” hay xuân “già” kia lại nhắc về tuổi xuân của đời người. Một mùa xuân qua đi, con người lại gần hơn tới cái chết một bước. Thế nên, Xuân Diệu như ấm ức lắm, bởi “lòng tôi rộng” nhưng “lượng trời cứ chật”, bởi “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, bởi người “tiếc” quá!

Thậm chí, Xuân Diệu đã thấy cái chết ngay khi sự sống vừa đến độ tuyệt mĩ nhất. Trong khúc ca tình tứ yến oanh đã có khúc hót li biệt. Trong tiếng cây lá rì rào đầy nhựa sống có tiếng “chia phôi”. Hai chữ “sắp sửa” như khiến mọi thứ trở nên gấp gáp quá, khẩn cấp quá. Nhà thơ giục giã mọi người:

“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm”

>> Xem thêm:  Phân tích bài thơ Tôi yêu em của Puskin để thấy được những cảm xúc phức tạp của tình yêu đơn phương

Vì sợ sự hữu hạn của đời người mà Xuân Diệu phải sống thật “vội vàng”. Vì nuối tiếc thời gian, tuổi trẻ, vậy nên Xuân Diệu phải hưởng thụ “gấp gáp” hơn:

“Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi

– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Xuân Diệu tiếp tục sử dụng những hình ảnh sóng đôi như “sự sống” – “mơn mởn”, “cánh bướm” – “tình yêu”, “non nước” – “cây” – “cỏ rạng”, “thanh sắc” – “thời tươi”… để bày ra cho người đọc những gì đẹp nhất, giá trị nhất, xứng đáng để hưởng thụ nhất.

Mặt khác, nhiều động từ mạnh được sử dụng với sắc thái đa dạng và tính chất tăng dần: “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, “chếnh choáng”, “đã đầy”, “non nê” và “cắn”. Cả một nền văn học trung đại trước đó chưa bao giờ thấy và chưa ai dám dùng những ngôn từ táo bạo, cường liệt như thế. Đó là gì nếu không phải xuất phát từ một cõi lòng ham sống, yêu đời thiết tha, hết mình tận hưởng thiên nhiên đẹp đẽ này.

Tóm lại, bài thơ “Vội vàng” với thể thơ tự do tạo điều kiện cho cảm xúc tuôn trào và sự độc đáo, mới mẻ trong cách sử dụng ngôn từ, bút pháp nghệ thuật… đã khẳng định phong cách “mới nhất” trong thơ Mới và một con người giàu lòng ham sống, yêu thiên nhiên, đất nước.

Xuân Diệu không phải người đi tìm chốn “bồng lai”, “tiên cảnh” ở tận đâu đâu mà phát hiện ra ngay trong thực tại những tầm thường luôn ẩn chứa mĩ cảnh. Qua bài thơ “Vội vàng” Xuân Diệu muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta: hãy sống và giao cảm hết mình với cuộc đời.

Hoài Lê

Bài viết liên quan