Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân


Cảnh cho chữ là một trong những chi tiết đặc sắc, đắt giá nhất trong truyện ngắn Chữ người tử tù. Anh/chị hãy phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân để chứng minh đó là cảnh xưa nay chưa từng thấy.

I. Dàn ý cho đề phân tích cảnh cho chữ

1. Mở bài

Dẫn dắt vấn đề: Chi tiết cho chữ cuối truyện ngắn Chữ người tử tù được coi là tình tiết đặc sắc nhất góp phần phát triển mạch truyện và bộc lộ trọn vẹn vẻ đẹp của Huấn Cao, có nhiều đánh giá cho rằng cảnh cho chữ trong nhà lao là cảnh tượng xưa nay chưa từng thấy.

2. Thân bài

– Cảnh cho chữ được diễn ra trong một không gian và thời gian vô cùng đặc biệt:  không gian u tối, ngột ngạt của ngục tù “ một buồng tối, chật hẹp ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”.

– Thời gian cho chữ  đặc biệt: giữa đêm khuya khoắt, khi bóng tối bao phủ và khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ.

–> Huấn Cao lựa chọn thời điểm đặc biệt như vậy có lẽ là muốn giúp viên quản ngục tránh được những điều tiếng không đáng có.

– Người cho chữ ở đây là Huấn Cao: cổ đeo gông chân vướng xiềng vẽ lên những nét chữ vuông vắn trên giấy trắng.

– Người xin chữ là viên quản ngục – người có đam mê với cái tài mà Huấn Cao sáng tạo ra.

–> vị trí của người cho chữ và kẻ xin chữ lại hoàn toàn đối lập, nếu như Huấn Cao là kẻ tử tù nguy hiểm bị biệt giam thì viên quản ngục lại là người cai quản nhà ngục có trách nhiệm giam giữ những kẻ tử tù nguy hiểm.

>> Xem thêm:  Kết thúc bài thơ Tràng Giang, Huy Cận viết: “Lòng quê dợn dợn vời con nước, Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Ý thơ này Huy Cận đã kế thừa của ai, trong câu thơ nào? Và đâu là sáng tạo của nhà thơ? Phân tích làm rõ cái hay của hai câu thơ cuối

–  vị trí của hai người lại có sự thay đổi hoàn toàn, viên quản ngục từtrở nên khúm núm, phục tùng cho kẻ tử tù khi “tay run run bê chậy mực” thì Huấn Cao kẻ tử tù lại trở thành người nắm thế chủ động.

– Huấn Cao đã khuyên viên quản ngục nên thay đổi môi trường sống để cho thiên lương được trong sáng.

– Quản ngục đã vô cùng xúc động và quỳ lạy Huấn Cao “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

– Khung cảnh cho chữ thật khác biệt, vị trí và quyền lực của những nhân vật trong truyện hoàn toàn bị đảo ngược, nghi thức cho chữ thông thường hoàn toàn bị đổi ngược mang đến những cảm nhận đặc biệt cho độc giả.

3. Kết bài

Cảnh cho chữ của Huấn Cao và viên quản ngục tuy được thực hiện trong khung cảnh tối tăm của ngục tù nhưng bức họa chữ ấy lại đẹp đẽ hơn bao giờ hết bởi nó được chiếu sáng bởi cái tâm, bởi ánh sáng của thiên lương.

II. Bài tham khảo cho đề phân tích cảnh cho chữ

Chữ người tử tù là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất trong tập Vang bóng một thời. Tác phẩm đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Huấn Cao, người nghệ sĩ tài hoa, người nghĩa sĩ bản lĩnh, khí phách hơn người. Chi tiết cho chữ cuối tác phẩm được coi là tình tiết đặc sắc nhất góp phần phát triển mạch truyện và bộc lộ trọn vẹn vẻ đẹp của Huấn Cao, có nhiều đánh giá cho rằng cảnh cho chữ trong nhà lao là cảnh tượng xưa nay chưa từng thấy.

Cảnh cho chữ được diễn ra trong một không gian và thời gian vô cùng đặc biệt, nơi Huấn Cao viết lên những nét chữ “vuông lắm, đẹp lắm” không phải nơi thư phòng sạch sẽ, cũng không phải nơi phong cảnh hữu tình như thường lệ mà lại là không gian u tối, ngột ngạt của ngục tù “ một buồng tối, chật hẹp ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Thời gian cho chữ sao cũng thật đặc biệt, đó không phải ban ngày hay bất cứ thời điểm nào khác trong ngày mà là giữa đêm khuya khoắt, khi bóng tối bao phủ và khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ. Huấn Cao lựa chọn thời điểm đặc biệt như vậy có lẽ là muốn giúp viên quản ngục tránh được những điều tiếng không đáng có. Bởi ngục tù là nơi đầy rẫy những thị phi, những bon chen và những trò hãm hại nhau. Huấn Cao không muốn một con người tốt đẹp như viên quản ngục bị cuốn vào vòng xoáy của sự bon chen xấu xa ấy.

phan tich canh cho chu trong tac pham chu nguoi tu tu cua nguyen tuan - Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Người cho chữ ở đây là Huấn Cao, tuy nhiên khác với hình dáng của những tao nhân mặc khách khi cho chữ, Huấn Cao không được thư thái, tự do về thể xác, uống rượu thưởng trà mà cổ đeo gông chân vướng xiềng vẽ lên những nét chữ vuông vắn trên giấy trắng. Người xin chữ là viên quản ngục – người có đam mê với cái tài mà Huấn Cao sáng tạo ra. Điều đặc biệt ở đây là vị trí của người cho chữ và kẻ xin chữ lại hoàn toàn đối lập, nếu như Huấn Cao là kẻ tử tù nguy hiểm bị biệt giam thì viên quản ngục lại là người cai quản nhà ngục có trách nhiệm giam giữ những kẻ tử tù nguy hiểm.

>> Xem thêm:  Bài tập trắc nghiệm Địa lý lớp 11 Bài 7: Liên minh châu Âu (tiết 1)

Thế nhưng khi cho chữ thì vị trí của hai người lại có sự thay đổi hoàn toàn, viên quản ngục từ một người bề trên, kẻ nắm trong tay quyền lực, nắm trong tay quyền sinh quyền sát trở nên khúm núm, phục tùng cho kẻ tử tù khi “tay run run bê chậy mực” thì Huấn Cao kẻ tử tù lại trở thành người nắm thế chủ động, người tặng chữ và tặng những lời khuyên cho viên quản ngục. Huấn Cao đã khuyên viên quản ngục nên thay đổi môi trường sống để cho thiên lương được trong sáng. Quản ngục đã vô cùng xúc động và quỳ lạy Huấn Cao “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Như vậy, khung cảnh cho chữ thật khác biệt, vị trí và quyền lực của những nhân vật trong truyện hoàn toàn bị đảo ngược, nghi thức cho chữ thông thường hoàn toàn bị đổi ngược mang đến những cảm nhận đặc biệt cho độc giả, đồng thời thể hiện được những tư tưởng, quan niệm sâu sắc của nhà văn Nguyễn Tuân.

Cảnh cho chữ của Huấn Cao và viên quản ngục tuy được thực hiện trong khung cảnh tối tăm của ngục tù nhưng bức họa chữ ấy lại đẹp đẽ hơn bao giờ hết bởi nó được chiếu sáng bởi cái tâm, bởi ánh sáng của thiên lương.

Bài viết liên quan