Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân (dàn ý và bài làm chi tiết)


Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Dàn ý chi tiết

I, Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, phạm vi phân tích

1, Tác giả: Nguyễn Tuân là người nghệ sĩ dành cả cuộc đời để đi tìm và tôn thờ cái Đẹp.

2, Tác phẩm: được trích trong tập “ Vang bóng một thời” (1940)

3, Phạm vi phân tích: cảnh cho chữ là cảnh tượng đặc biệt, hội tụ ý nghĩ của tác phẩm và phong cách nghệ thuật của tác giả

II, Thân bài:

1, Khái quát:

a, Hoàn cảnh sáng tác: In lần đầu trên tạp chí Tao Đàn (1939) với nhan đề “Dòng chữ cuối cùng”, sau đó được Nguyễn Tuân đổi tên và in trong “Vang bóng một thời” (1940).

b, Tình huống truyện:

 – Là một tình huống éo le xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục

+ Bình diện xã hội: là kẻ thù bởi Huấn Cao là người cầm đầu cuộc phản loạn chống phá triều đình, còn viên quản ngục lại là đại diện cho công cụ trấn áp, bảo vệ bộ máy chính quyền đương thời. 

+ Bình diện nghệ thuật: họ là tri âm, tri kỉ của nhau. Huấn Cao là hiện thân của sự sáng tạo cái Đẹp. Còn quản ngục lại là người ngưỡng mộ, tôn thờ cái Đẹp với sở thích chơi chữ.

+ Cuộc gặp gỡ diễn ra vào những giờ khắc cuối cùng trong cuộc đời Huấn Cao.

=> Đây là tình huống éo le, dồn nén, kịch tính. Quản ngục phải đứng giữa sự lựa chọn. Nếu muốn xin được chữ của Huấn Cao tức là làm trái với bổn phận, chức trách của kẻ giữ tù. Còn nếu làm đúng trách nhiệm của mình, ông sẽ phải chà đạp lên người anh hùng, người nghệ sĩ tài hoa mà ông kính trọng. Từ đó, cảnh cho chữ ra đời, thể hiện sâu sắc tư tưởng, chủ đề và lý tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Tuân.

2, Phân tích:

a, Hoàn cảnh: vô cùng đặc biệt

-Ông Huấn cho chữ vào đêm hôm khuya khoắt, trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời nơi ngục tù tối tăm

b, Nguyên nhân cho chữ:

– Huấn Cao đã nhận ra quản ngục không phải kẻ tiểu nhân vô lại mà là thanh âm trong trẻo giữa chốn ngục tù tối tăm nên ông đã đồng ý cho chữ.

– Đó là hành động của một tấm lòng đáp lại một tấm lòng cao đẹp.

c, Sự hoán vị trong tư thế của người cho chữ và kẻ xin chữ:

-Người tử tù dù cái chết đang kề sát cổ nhưng vẫn ung dung, đĩnh đạc.

– Viên quản ngục và thầy thơ lại thì “khúm núm cất những đồng tiền kẽm” và “tay run run bưng chậu mực”.

=>Kẻ tử tù bỗng chốc trở thành người làm chủ tình huống còn những người đại diện cho trật tự xã hội lại khúm núm, sợ hãi. Cuộc gặp gỡ kì lạ đã trở thành cuộc hạnh ngộ trong tình yêu cái Đẹp.

>> Xem thêm:  Bàn luận về việc tự học.

d, Người tử tù đi vào cõi bất tử:

-Sáng mai, sinh mệnh của Huấn Cao sẽ kết thúc nhưng những nét chữ “vuông tươi tắn” ấy sẽ còn mãi.

– Cùng với đó là lời di huấn mà ông giành cho viên quản ngục. Giây phút ấy ông không hề nghĩ đến cái chết của bản thân mà chỉ trăn trở về cái Đẹp, từ đó khuyên quản ngục thay đổi chỗ ở, bỏ nghề dơ bẩn, giữ thiên lương cho lành vững rồi hẵng nghĩ đến việc chơi chữ.

– Lời di huấn giúp người tử tù hoàn thành sứ mệnh của một người nghệ sĩ chân chính

3, Đánh giá:

a, Nghệ thuật:

-Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc

– Tình huống truyện độc đáo

– Sử dụng bút pháp lý tưởng hóa, nghệ thuật đối lập, hệ thống từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng, cổ kính

b, Nội dung:

-Cảnh cho chữ là bệ phóng làm nổi hình nổi sắc nhân vật

– Khẳng định quan điểm của nhà văn về cái Đẹp

 + Cái Đẹp gắn với cái thiện. Người say mê cái Đẹp là người có thiên lương lành vững.

 + Cái Đẹp có sức mạnh cảm hóa, cứu rỗi nhân thế.

III, Kết bài:

– Khái quát lại nội dung

– Nêu cảm xúc cá nhân

phan tich canh cho chu - Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân (dàn ý và bài làm chi tiết)

Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù

Bài làm tham khảo

Nguyễn Tuân được coi là “ Cây đại thụ của rừng đầu nguồn Việt Nam thế kỉ XX”. Với phong cách nghệ thuật độc đáo, tài hoa, uyên bác, người nghệ sĩ ấy đã dành cả cuộc đời mình để đi tìm và tôn thờ cái Đẹp. Truyện ngắn “Chữ người tử tù” được trích trong tập “ Vang bóng một thời” (1940) là một trong những tác phẩm như thế. Đến với “Chữ người tử tù”, ta không thể nào quên một cảnh tượng “Xưa nay chưa từng có”- cảnh cho chữ. Đây là đoạn văn xuất thần, hội tụ những  giá trị đặc sắc về mặt tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm cũng như tài năng văn chương của Nguyễn Tuân.

Tác phẩm “Chữ người tử tù” được in lần đầu trên tạp chí Tao Đàn (1939) với nhan đề “Dòng chữ cuối cùng”, sau đó được Nguyễn Tuân đổi tên và in trong “Vang bóng một thời” (1940). Và cảnh tượng cho chữ đã được xây dựng trong một tình huống truyện vô cùng độc đáo. Đó là một tình huống éo le xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục. Trước hết, về bình diện xã hội, họ là kẻ thù của nhau. Huấn Cao là người cầm đầu cuộc phản loạn chống phá triều đình, còn viên quản ngục lại là đại diện cho công cụ trấn áp, bảo vệ bộ máy chính quyền đương thời. Còn về bình diện nghệ thuật, họ lại là tri âm, tri kỉ của nhau. Huấn Cao là hiện thân của sự sáng tạo cái Đẹp. Còn quản ngục lại là người ngưỡng mộ, tôn thờ cái Đẹp với sở thích chơi chữ. Cuộc gặp gỡ ấy diễn ra tại ngục tù, nơi nhơ bẩn, xấu xa. Đó không phải nơi cái Đẹp được sinh ra và càng không phi nơi diễn ra cảnh cho chữ thiêng liêng. Cuối cùng, đây là cuộc gặp gỡ éo le bởi nó diễn ra vào những giờ khắc cuối cùng trong cuộc đời người tử tù. Đây là tình huống éo le, dồn nén, kịch tính. Quản ngục phải đứng giữa sự lựa chọn khó khăn. Nếu muốn xin được chữ của Huấn Cao tức là ông phải làm trái với bổn phận, chức trách của kẻ giữ tù, thậm chí phải đối mặt với cái chết. Còn nếu làm đúng trách nhiệm của mình, ông sẽ phải chà đạp lên người anh hùng, người nghệ sĩ tài hoa mà ông kính trọng. Từ đó, cảnh cho chữ ra đời, thể hiện sâu sắc tư tưởng, chủ đề và lý tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Tuân.

>> Xem thêm:  Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu

Trước hết, cảnh cho chữ được diễn ra trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Xưa nay, thư pháp là thú chơi tao nhã của những bậc tao nhân mặc khách. Bởi vậy khi viết chữ họ sẽ chọn những nơi yên tĩnh, trăng thanh gió mát. Nhưng ở đây, ông Huấn lại cho chữ vào đêm hôm khuya khoắt, trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Màn đêm bao phủ không gian, và ta bắt gặp một cảnh tượng mang tính chất điện ảnh. Trên nền đất của nhà tù “bừa bãi những phân gián, phân chuột”, “tường đầy mạng nhện”. Chỉ có duy nhất “một ngọn đuốc cháy rực”, đối lập với bóng tối xung quanh. Khi bóng tối của thiên nhiên hòa lẫn với màn đêm đê hèn, tàn nhẫn thì ánh sáng của bó đuốc gợi lên ánh sáng của lương tri trước cường quyền. Tiếp đến, điều khiến cho cảnh tượng cho chữ trở thành điểm sáng của tác phẩm còn nằm ở nguyên nhân cho chữ. Bản thân việc Huấn Cao đồng ý cho chữ đã là việc xưa nay hiếm thấy. Bởi con người “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” ấy chưa bao giờ bị tiền bạc hay cường quyền làm lung lạc ý chí. Nhưng khi nhận ra viên quản ngục không giống như những kẻ tiếu nhân vô lại khác, mà là một thanh âm trong trẻo giữa chốn xô bồ, ông đã quyết định cho chữ. Đó là hành động của một tấm lòng đáp lại một tấm lòng cao đẹp. Trong cảnh cho chữ, ta thấy một sự hoán vị đổi ngôi kì diệu giữa tư thế của người cho chữ và kẻ xin chữ. Người tử tù dù cái chết đang kề sát cổ nhưng vẫn ung dung, đĩnh đạc, “dậm tô từng nét chữ trên tấm lụa trắng tinh”. Còn viên quản ngục và thầy thơ lại “khúm núm cất những đồng tiền kẽm” và “tay run run bưng chậu mực”. Kẻ tử tù bỗng chốc trở thành người làm chủ tình huống còn những người đại diện cho trật tự xã hội lại khúm núm, sợ hãi. Rõ ràng, cái Đẹp, cái thiện, đã ngự trị, áp đảo cái xấu, cái ác. Cuộc gặp gỡ kì lạ đã trở thành cuộc hạnh ngộ trong tình yêu cái Đẹp. Cuối cùng, giữa những trang viết về những con người của một thời vang bóng, người tử tù ấy đã đi vào cõi bất tử. Chỉ sáng mai thôi, sinh mệnh của Huấn Cao sẽ kết thúc nhưng “những nét chữ vuông tươi tắn, nói lên hoài bão tung hoành của cả một đời người” sẽ còn mãi. Cùng với đó là lời di huấn mà ông giành cho viên quản ngục. Giây phút ấy ông không hề nghĩ đến cái chết của bản thân mà chỉ trăn trở về cái Đẹp, từ đó khuyên quản ngục thay đổi chỗ ở, bỏ nghề dơ bẩn, giữ thiên lương cho lành vững rồi hẵng nghĩ đến việc chơi chữ. Lời di huấn ấy giúp người tử tù hoàn thành sứ mệnh của một người nghệ sĩ chân chính. Đó là đem cái Đẹp cảm hóa, thức tỉnh thiên lương trong con người.

>> Xem thêm:  Bài tập trắc nghiệm Địa lý lớp 11 Bài 11: Khu vực Đông Nam Á (tiết 2)

Cảnh cho chữ khép lại thiên truyện đồng thời cũng là cảnh hội tụ đầy đủ bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Tác giả đã xây dựng thành công chân dung nhân vật Huấn Cao với tài năng, thiên lương trong sáng, nhân vật viên quản ngục biết trân trọng và ngưỡng mộ cái Đẹp. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng bút pháp lý tưởng hóa, nghệ thuật đối lập, hệ thống từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng, cổ kính. Về nội dung, cảnh cho chữ chính là bệ phóng hoàn hảo làm nổi hình, nổi sắc nhân vật. Đặc biệt, qua đây, tác giả còn gửi gắm quan niệm của mình về cái Đẹp. Cái Đẹp có thể được sinh ra ở vùng đất của xấu xa, dơ bẩn, nhưng không thể sống chung cùng cái xấu, cái ác. Cái Đẹp phải gắn với cái thiện, người say mê cái Đẹp phải có một thiên lương lành vững, sáng trong. Và cái Đẹp có sức mạnh cảm hóa, cứu rỗi nhân thế.

Cảnh cho chữ quả đúng là cảnh tượng “Xưa nay chưa từng có”. Nguyễn Tuân đã thể hiện rất rõ phong cách nghệ thuật của mình để từ đó nói lên quan niệm rất đúng về cái Đẹp. Và cho đến ngày nay, có lẽ quan niệm đó vẫn luôn đúng bởi con người chỉ cảm nhận được cái Đẹp khi tâm hồn họ trong sạch và thanh thản. Cũng qua cảnh tượng chưa từng có này, nhà văn đã làm sống lại những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, từ đó kín đáo bộc lộ lòng yêu nước chân thành, tha thiết.Cảnh cho chữ nói riêng, tác phẩm “Chữ người tử tù”nói chung sẽ mãi là hòn ngọc quý trong kho tàng văn học dân tộc.

Phạm Ngọc Khuê

Lớp 11S3 – Trường THPT Kim Liên, Hà Nội

Bài viết liên quan