Phân tích hình tượng nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao


Đọc xong truyện Lão Hạc của Nam Cao, ấn tượng sâu sắc để lại trong em là hình ảnh một lão nông cùng cực và tội nghiệp, nhưng chính con người ấy lại sáng lên những phẩm chất rất đẹp.

Mở bài: Giới thiệu về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao

Người nông dân trước Cách mạng tháng Tám đã đi vào những trang sách của Ngô Tất Tố (Tắt đèn), Nguyễn Công Hoan (Bước đường cùng)…. Nam Cao đã có những đóng góp xuất sắc vào thành tựu chung của dòng văn học hiện thực phê phán, Chí Phèo trở thành bất tử và Lão Hạc cũng là một điểm son trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao.

Thân bài: Phân tích hình tượng nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao

Số phận người nông dân luôn luôn là điều trăn trở với Nam Cao. Lão Hạc thật đáng thương, vợ chết để lại một đứa con và một mảnh vườn. Tất cả tình thương và hi vọng của lão Hạc đều dành cho đứa con. Khi con khôn lớn, lão tính chuyện cưới vợ cho con, mừng là “hai đứa mê nhau lắm” nhưng vì nghèo quá, mà người ta lại thách cưới nặng quá: “nguyên tiền mặt phải một trăm đồng bạc, lại còn cau, còn rượu…. cả cưới nữa thì mất đến cứng hai trăm bạc…”. Thất vọng, đau buồn đứa con của lão bỏ nhà ra đi làm phu đồn điền ở Nam Kì. Khi chia tay, nó nói với lão: “Con đi chuyến này cố chí làm ăn bao giờ có bạc trăm con mới về, không có tiền sống khổ sống sở ở cái làng này nhục lắm”.

>> Xem thêm:  Suy nghĩ về câu “Giấy rách phải giữ lấy lề”

Khi con đi rồi, còn lại mảnh vườn ba sào, lão tự bảo: “Cái vườn là của con ta… của mẹ nó tậu thì nó được hưởng”. Lão nghĩ thế và làm đúng như thế, dù có đói khổ đến cùng cực, lão vẫn không chịu bán mảnh vườn, tất cả hoa lợi thu được lão bán để dành dụm riêng ra chờ ngày con trở về làng cưới Vợ: “cho vợ chồng nó có chút vốn mà làm ăn…”. Tội nghiệp cho ông lão, “lão chắc mẩm thế nào đến lúc con lão về cũng có được trăm đồng bạc”. Nhưng khốn nạn thay, lão bị một trận ốm đúng hai tháng mười tám ngày, bao nhiêu vốn liếng dành dụm được đều hết nhẵn. Sau trận ốm, người lão yếu hẳn đi, không làm được việc nặng, việc nhẹ thì người ta tranh hết, lão phải cầm hơi qua ngày bằng củ chuối, rau má, củ ráy, con trai, con ốc..

Và đến những ngày cuối cùng, khi cảm thấy sức tàn lực kiệt không thể sống được nữa, lão tính đến chuyện kết thúc cuộc đời và trước khi “ra đi” lão vẫn nghĩ đến hạnh phúc của đứa con. Tác giả đã kể lại lão muốn nhờ tôi cho lão gửi ba sào vườn của thằng con lão, lão viết văn tự nhượng cho tôi để không ai còn tơ tưởng dòm ngó đến; khi nào con lão về thì nó sẽ nhận vườn làm….”. Cảm động biết bao về tấm lòng yêu thương bao la và đức hi sinh cao cả của một người khốn khổ!

Lão sống cô đơn buồn tủi, trong những ngày xa con chỉ có “cậu Vàng” làm bạn với lão. Vàng là kỉ niệm của con để lại, càng thương nhớ con lão càng quý mến Vàng. Lão âu yếm gọi “cậu Vàng” như một bà “hiếm hoi gọi đứa con cầu tự”, lão chăm sóc nó như một đứa con, “lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu”. Lão âu yếm trò chuyện với nó: “Cậu có nhớ bô” cậu không, hả cậu Vàng? Bố cậu lâu lắm không có thư về,..”. Yêu thương Vàng đến như thế nhưng bị dồn vào bước đường cùng lão đành làm một việc nhẫn tâm là phải bán nó đi. Kể lại với ông giáo, lão đau đớn xót xa tột cùng: “mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép ra nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…” – Lão khóc như một người có tội, một người già bằng này tuổi đầu còn đánh lừa một con chó! Một con người lương tâm bị dày vò vì không thủy chung với một con chó, con người đó có một tấm lòng đôn hậu và cao cả biết nhường nào!

Lão Hạc bề ngoài trông có vẻ lẩm cẩm, gàn dở nhưng lại là con người luôn tỉnh táo để toan tính thu xếp mọi việc, con người giàu lòng tự trọng. Lão không muốn phiền lụy ai khi sống và cả khi chết. Lão từ chối mọi sự thương hại kẻ khác, cho đó là sự CƯU mang chân tình.

>> Xem thêm:  Giới thiệu danh lam thắng cảnh ở quê

Ngay cả với ông giáo, người hàng xóm gần gũi và tin tưởng nhất lão cũng từ chối sự giúp đỡ và có khi lão từ chối một cách gần như hách dịch. Lão tính đến cái chết, khi nằm xuống không gây phiền hà cho hàng xóm, nếu không “thì chết cũng không nhắm mắt”. Nhịn ăn, tích góp được 25 đồng với năm đồng tiền bán chó, lão gửi ông giáo nhờ làm ma cho lão.

Kết bài: Suy nghĩ về hình tượng nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao

Lão Hạc đã chết! Cái chết của lão thê thảm quá. Ta nhớ lại cái làng Vũ Đại ngày ấy, Chí Phèo đã tự kết liễu đời mình bằng một mũi dao. Chí chết vì muốn lương thiện mà xã hội không cho làm người lương thiện. Lão Hạc chết vì muốn gửi trọn nhân cách phẩm giá. Lão mượn miếng bả chó để tự kết liễu. Tội nghiệp cho lão, lão vật vã trên giường, đầu óc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra…”. Chỉ có ông giáo và Binh Tư mới biết rõ nguyên do cái chết đau đớn, dữ dội của lão. Cái chết bi thương của lão càng làm sáng tỏ thêm phẩm chất cao đẹp của một nông dân lương thiện. Hình ảnh lão Hạc trong những giây phút cuối cùng gợi lên trong lòng ta niềm thương xót ngậm ngùi về số phận bi thảm của những người nông dân trong xã hội cũ.

Bài viết liên quan