Phân tích hình tượng nhân vật Quang Trung trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí


Phân tích hình tượng nhân vật Quang Trung trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí

Bài làm

Đọc tác phẩm “ Hoàng Lê nhất thống chí ” hồi thứ 14, ta vừa thấy được sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và vua tôi Lê Chiêu Thống nhưng đồng thời là hình tượng, vẻ đẹp, khí phách hào hùng của người anh hùng áo vải Quang Trung.

Đầu tiên là hành động mạnh mẽ, quyết đoán của Vua Quang Trung. Ngay khi nghe được tin quân Thanh chiếm Thăng Long, mất cả một vùng đất đai rộng lớn, ông không hề nao núng, định thân chinh cầm quân đi ngay. Nhưng nghe các tướng sĩ nói, ông lấy làm phải, xuất quân sau. Và trong vòng 1 tháng, Bắc Bình Vương đã làm được nhiều việc: tế cáo trời đất , lên ngôi hoàng đế,… để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng dân. Bên cạnh đó, ông còn  dành thời gian để gặp Nguyễn Thiếp, gặp Nguyễn Thiếp không chỉ đơn thuần là hỏi việc binh đao mà quan trọng hơn cả là ông tranh thủ sự ủng hộ của tầng lớp sĩ phu, của danh sĩ đất Bắc Hà, quan trọng hơn cả là ủng hộ cố khối đoàn kết toàn dân. Không chỉ có vậy, vua Quang Trung còn tuyển hơn một vạn tinh binh, mở cuộc duyệt binh và ra lời phủ dụ quân lính. Ta thấy đó chính là tính quyết đoán trước biến cố của người cầm quân đại tài.

Thứ hai là trí tuệ sáng suốt và nhạy bén của người anh hùng này. Cái sáng suốt mà ta phải nói tới trước hết đó là sáng suốt trong việc lên ngôi hoàng đế. Ngay khi mấy chục vạn quân Thanh hùng hổ kéo vào bờ cõi nước ta, thế giặc mạnh, vận mệnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế để thống nhất nội bộ, hội tụ anh tài. Tiếp theo đó là sáng suốt trong việc nhận định tình hình giữa ta và địch, được thể hiện qua lời phủ dụ quân lính. Lời phủ dụ đó đã khẳng định chủ quyền dân tộc ta, lên án những hành động xâm lăng phi nghĩa và tội ác của giặc, nhắc lại truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta và kêu gọi quân lính đồng tâm hiệp lực, ra kỉ luật nghiêm. Lời phủ dụ đó giống như một bài hịch ngắn gọn mà ý tứ xâu xa, nó tác động đến lòng yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc. Cuối cùng là sáng suốt trong việc xét đoán bề tôi. Quang Trung hiểu tình thế buộc phải rút quân của hai tướng Sở và Lân, đáng ra “quân thua chém tướng” nhưng ông hiểu sức mình ít, không thể địch nổi với đội quân hùng hổ của nhà Thanh nên phải lui về Tam Điệp. Việc làm đó giúp ta bảo toàn lực lượng, chờ đợi thời cơ. Đối với Ngô Thì Nhậm, ông xem như một vị quân sư “túc chí đa mưu”, đánh giá rất cao. Việc Sở và Lân rút chạy cũng là do Ngô Thì Nhậm chủ mưu. Ông đã tính đến việc dùng Ngô Thì Nhậm là người khéo lời lẽ để dẹp việc binh đao. Cách xử trí của vua Quang Trung vừa có lý, vừa có tình, ông hiểu tướng sĩ, khen chê đúng người, đúng việc.

>> Xem thêm:  Thuyết minh về cây sơ ri

Tiếp theo, người anh hùng áo vải Quang Trung còn có tầm nhìn xa trông rộng. Ông luôn tin ở mình, tin ở chính nghĩa của dân tộc. Mới khởi binh đánh giặc mà ông đã có kế hoạch tiến đánh nhà Thanh và khẳng định không quá mười ngày có thể đuổi được nhà Thanh ra khỏi bờ cõi. Không chỉ vậy, đang ngồi trên lưng ngựa, ông đã bàn kế sách cai trị đất nước tận mười năm sau: nhà vua thấy được cái khó khăn của nghĩa quân Tây Sơn, không chỉ phải đối mặt với hơn hai mươi vạn đại binh của nhà Thanh lúc bấy giờ mà ông còn nhìn thấy đây là một cuộc chiến lâu dài với một đất nước phong kiến luôn có mưu đồ thôn tính nước ta, ông cũng dự tính được việc quân Thanh thua trận sẽ báo thù “ Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào mà làm như vậy”. Qua đó, ta thấy vua Quang Trung hiểu rõ tình hình dân tộc, thấy được cái khó khăn của nhân dân, của Đại Việt lúc bấy giờ và ông chỉ ra con đường tốt nhất  để giữ vững nền hòa bình, độc lập dân tộc. Mọi việ làm của ông đều vì dân, vì sự phát triển của dân tộc, vì cuộc sống ấm no của nhân dân.

Và cuối cùng, vua Quang Trung là một vị tướng có tài thao lược hơn người. Thứ nhất là tài cầm quân. Vừa nghe tin quân Thanh vào Thăng Long, ngay lập tức nhà vua tổ chức một đội quân chỉnh tề, tổ chức cuôc hành quân thần tốc có một không hai trong lịch sử: ngày 25 tháng Chạp năm 1788 bắt đầu xuất quân ở Phú Xuân, một tuần sau đến Ninh Bình. Đêm 30 tháng Chạp lên đường, mà tất cả đều là đi bộ. Từ Tam Điệp trở ra Thăng Long, khoảng 150 km vừa hành quân vừa đánh giặc,dự định mùng 7 ăn tết ở Thăng Long, thực tế đã vượt mức hai ngày. Và còn nữa, lính của vua Quang Trung không  phải lính thiện chiến, lại vừa trải qua cuộc hành quân thần tốc không có thời gian nghỉ ngơi thế mà dưới sự lãnh đạo tài tình của vị tổng chỉ huy đã chiến thắng áp đảo kẻ thù. Thứ hai là tài đánh trận, ông vận dụng linh hoạt các trận đánh: cho bắt hết quân do thám, dùng loa, vây kín làng Hà Hồi, ghép ba tấm ván làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kin, tất cả hai mươi bức, vây kín đánh đồn Ngọc Hồi, dùng voi cho giày đạp chết quân Thanh, quả là một hình tượng chiến trận hào hùng.

>> Xem thêm:  Giới thiệu tác phẩm Tiếng nói văn nghệ của Nguyễn Đình Thi

Chỉ huy một trận chiến lớn như thế, gấp gáp như thế mà vua Quang Trung không hề nao núng, vẫn tỉnh táo, oai phong lẫm liệt, và vua Quang Trung đã trở thành hình tượng đẹp về người anh hùng trong chiến trận, để người đời sau soi vào đó mà học tập theo.

Bài viết liên quan