Phân tích lòng yêu nước trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu


Phân tích lòng yêu nước trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Bài làm

Lòng yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các giai đoạn văn học. Những câu ca dao về tình yêu quê hương đất nước, đến những bài hịch, cáo thời trung đại kêu gọi tinh thần trung quân ái quốc. Tới văn học hiện đại thời kháng chiến khói lửa, tư tưởng ấy càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bởi vậy, ta có dịp cảm nhận lòng yêu nước nồng nàn thấm nhuần trong tiếng thơ “ Việt Bắc” dưới ngòi bút trữ tình chính trị- Tố Hữu.

Nhà thơ Tố Hữu “ phải lòng” với những vấn đề chính trị, lịch sử của đất nước nên tiếng thơ từ đó mà chắp thêm cảm hứng. Nhân sự kiện năm 1954, cách mạng miền bắc thắng lợi sau khi hiệp định Gionevo được kí kết, cán bộ trung ương đảng dời căn cứ Việt Bắc về xuôi tiếp quản thủ đô. Giữa những đối thoại trong giờ phút chia tay bịn rịn của kẻ đi, người ở nhà thơ gửi gắm tinh thần yêu nước là nòng cốt gắn kết con người Việt Nam.

Men theo nỗi nhớ của người cất bước, sự vấn vương thiên nhiên- mái ấm, con người Việt Bắc- người thương, khiến người chiến sĩ “ bồn chồn bước đi”. Không gian thân thuộc của núi rừng, hiện lên vẹn nguyên:

  • “ Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”
  • “ Ngày xuân mơ nở trắng rừng”
  • “ Ve kêu rừng phách đổ vàng”
  • “ Rừng thu trăng rọi hòa bình”
>> Xem thêm:  Phân tích nhân vật bà cụ Tứ và người đàn bà hàng chài để thấy được sức mạnh của tình mẫu tử trong tâm hồn của hai người đàn bà này

Bức tranh tứ bình được phối màu hài hòa, với bút pháp chấm phá, hình ảnh giàu sức gợi, nhà thơ khắc họa nét độc đáo của rừng núi. Khi đông tới, nổi bật sắc đỏ tươi, ấm áp của hoa chuối, xuân về ngập trong sắc hoa mơ tinh khôi, hè qua rực rỡ trong sắc nắng vàng cùng bản đàn ve kêu râm ran, cảnh vật tương quan như phép màu qua động từ “ đổ”, thu đến khung cảnh êm đềm dưới vầng trăng sáng. Trong tâm trí người ra đi hiển hiện hình ảnh Việt Bắc, nơi đó cũng không thể thiếu hình bóng nhân dân như người thân luôn chở che cho các chiến sĩ:

  • “ Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”
  • “ Nhớ từng bản khói cùng sương
  • Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”
  • “ Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi
  • Thương nhau chia củ sắn lùi
  • Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
  • …Chày đêm nện cối đều đều suối xa”

Hình ảnh người dân miền núi, lao động mưu sinh nhọc nhằn “ sớm khuya”, vẫn dang tay san sẻ với người lính từ củ sắn, bát cơm đến tấm chăn. Hình ảnh thân thương của người mẹ địu con, tiếng mõ rừng chiều, của người thương trong tư thế bước lên đèo: “ Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”, “ cô em gái hái măng một mình”, “ tiếng hát ân tình”. Gọi về những tình cảm quân dân rất đời, rất thường mà linh thiêng. Cách xưng hô “ mình, ta” khi hai mà một, giúp ta cảm nhận sự đồng cam cộng khổ trở thành thứ lửa thử vàng để tình cá nước thêm bền chặt. Tình yêu nước là chất keo chung gắn kết cách mạng với nhân dân.

Tình yêu nước còn thể hiện qua ý chí căm thù giặc sâu sắc- kẻ gieo giắc bao trái ngang, mất mát và hi sinh:

  • “ Mình về, có nhớ chiến khu
  • Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”
  • “Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh”
  • “ Nhớ khi giặc đên giặc lùng
  • Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây”

Kẻ thù chung lùng bắt nhân dân, giày xéo trên lãnh thổ tổ quốc, là người con đất Việt, “ mình, ta” chịu mối thù chung đâu thể giương mắt làm ngơ. Phải sát cánh bên nhau đuổi sạch quân Nhật, giữ trọn vẹn cuộc sống yên bình, thơ mộng “ trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”.

Tinh thần yêu nước còn được thể hiện qua lòng tự hào, tự tôn dân tộc khi người đi xuôi hồi tưởng hòa khí cuộc chiến oanh hùng của toàn dân tộc:

  • “ Những đường Việt Bắc của ta
  • Đêm đêm rầm rập như là đất rung
  • …Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”

Mọi lực lượng quân dân, chiến sĩ đều hội tụ về Việt Bắc, hang hái ra trận với ý chí quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Bút pháp phóng đại, so sánh cùng một loạt láy từ “ rầm rập như là đất rung”, “ bước chân nát đá” ghi lại hòa khí sục sôi ngọn lửa lý tưởng được thắp sáng bằng ngọn đuốc của lòng yêu nước sâu nặng.

Nhà thơ còn gửi gắm lòng yêu nước của quân dân ta qua cái nhìn đầy tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước:

  • “ Nắng trưa rực rỡ sao vàng”
  • “Ở đâu u ám quân thù
  • Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi
  • Ở đâu đau đớn giống nòi
  • Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”
>> Xem thêm:  Phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn

Trải qua vô vàn gian khó, thắng lợi vẻ vang cũng trở về với dân tộc ta. Hình ảnh ánh sao vàng, cụ Hồ sáng soi gợi trong ta liên tưởng về con đường cách mạng đúng đắn, soi đường chỉ lối cho quân dân ta tìm thấy ánh sáng tự do. Lòng yêu nước là cây cầu vô hình kết nối hi vọng, nhân rộng niềm tin cao đẹp ấy trong tim mỗi người Việt.

Tiếng thơ đề cập tới nội dung chính trị mà Tố Hữu đã mềm hóa tư tưởng bởi giọng điệu tâm tình, tạo nên bởi kết cấu đối đáp thường xuất hiện trong những câu hát huê tình. Lấy cái riêng để nói cái chúng, lớn lao, còn mang đậm màu sắc dân tộc qua thể thơ lục bát, hình ảnh bình dị. Cứ tự nhiên như thế, “ Việt Bắc” mang theo lòng yêu nước thiêng liêng, nghĩa tình cách mạng neo đậu mãi trong lòng độc giả mọi thế hệ.

Bài viết liên quan