Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ Chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài


Đề bài: Phân tích nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.

Bài làm

Tô Hoài không chỉ được biết đến là nhà văn của thiếu nhi mà còn từng là nhà văn hiện thực thời kì tiền cách mạng. Tô Hoài với tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” đã phản ánh trung thực bối cảnh xã hội, con người thời kì phong kiến miền núi. Trong đó, nhân vật Mị là nhân vật trung tâm thể hiện điều này.

Nhân vật Mị đã thay Tô Hoài phản ánh hiện thực tăm tối của đời sống người lao động nghèo khổ ở miền núi trong xã hội cũ khi Mị bị chà đạp về cả thể chất và tinh thần dưới không gian Hồng Ngài và nhà thống lí Pá Tra. Mị bị bóc lột sức lao động hết sức tàn nhẫn. Mị làm việc vất vả tới mức “sống lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi”. Mị trở thành cô con dâu gạt nợ, như thứ công cụ biết nói mà không dám nói. Gọi là con dâu gạt nợ bởi cha mẹ Mị có món nợ truyền kiếp với gia đình nhà thống lí. Hồi đó bố mẹ Mị còn trẻ không có tiền cưới nên vay mượn nhà thống lí. Đời cha không trả được “đến khi hai vợ chồng về già rồi vẫn chưa trả được hết nợ”, đến đời Mị phải chịu làm món hàng gán nợ. Mị bị buộc phải làm việc bất kể ngày hay đêm, xuân hay đông, triền miên từ tháng này sang tháng khác. Khi thì hái thuốc phiện, giặt đay, xe đay khi thì bẻ bắp, hái củi, bung ngô lúc lại quay sợi, thái cỏ, dệt vải, chẻ củi, cõng nước… nhưng bao giờ Mị cũng “gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi”. Đồng thời, Mị cũng bị A Sử hành hạ về thể xác bằng cách giam cầm, trói đánh. Đối với mọi người, ngày tết ai cũng được nghỉ ngơi, được đi chơi chợ tết. Đó cũng là nét sinh hoạt mang đặc trưng phong tục miền núi. Thế mà Tết đến, Mị không được đi chơi lại còn bị A Sử trói đứng trong buồng tối. Mị chỉ được cởi trói khi phải hầu hạ A Sử. Lúc bị A Phủ đánh, A Sử bị thương nặng, Mị mới được cởi trói để đi hái lá thuốc xoa vết thương cho A Sử. Mị thiếp đi vì mệt quá liền bị A Sử “đạp chân vào mặt”. Mị cũng chịu nhiều tổn thất về tinh thần khi phải sống ngục tù trong nhà giam tinh thần mà chế độ xã hội dựng lên. Nơi đó là một căn buồng “kín mít, có một chiếc cửa sổ, một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết la sương hay là nắng”. Mị “không biết” đồng nghĩa với việc Mị mất đi khái niệm về thời gian, không gian. Sống trong ngục tù ấy, Mị cứ “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Cuộc đời Mị đã bị những hủ tục phong kiến trói buộc, đè nén áp bức nặng nề trong cái nhà ngục tinh thần nhất. Mị bị “trình ma”. Chính “con ma” vô hình ấy đã trói chặt cuộc đời Mị với nhà thống lí. Mị từng nghĩ “nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi”. Khổ quá, có lúc Mị đã ăn lá ngón để thoát khỏi cuộc đời đau khổ. Nhưng Mị chết rồi thì món nợ của cha mẹ vẫn còn. Là người con hiếu thảo, Mị không thể xử sự theo cách đó. Tuy nhiên, xét theo chiều sâu của tác phẩm, Mị không thể chết còn chứng tỏ Mị vẫn khao khát được sống và sống hạnh phúc hơn.

>> Xem thêm:  Vai trò của nhân vật vợ Tràng trong truyện “Vợ nhặt" của Kim Lân

phan tich nhan vat mi trong tac pham vo chong a phu cua nha van to hoai 1 - Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ Chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài

Phân tích nhân vật Mị

Tô Hoài không chỉ tái hiện lại bức tranh cuộc sống u tối mà còn ca ngợi vẻ đẹp con người lao động thông qua nhân vật Mị với sức sống tiềm tàng ẩn khuất và sức mạnh tự giải phóng. Ngay trong tình thế hiểm nghèo nhất, Mị vẫn bộc lộ sức sống nội tâm. Mị ăn lá ngón tự tử như để lấy cái chết làm con đường giải thoát. Tuy là hành động tiêu cực nhưng nó chứng tỏ Mị không chấp nhận cuộc sống đau khổ hiện tại. Sức sống tiềm tàng được tô đậm trong thời điểm xuân về. Đêm tình mùa xuân, Mị lén lấy rượu uống. Mị đã không được phép uống rượu kể từ khi về làm dâu. Mị “uống ừng ực từng bát”. Mị uống như thể muốn nuốt mọi cay đắng tủi hờn vào trong. “tiếng sáo từ xa vọng lại thiết tha, bổi hổi” trở thành chất xúc tác đánh thức sức sống mùa xuân trong lòng Mị. Mị nhớ về quá khứ tươi đẹp khi Mị còn trẻ, tài hoa. Sắc đẹp và tài thổi sáo của Mị làm say đắm bao chàng trai. Mị thắp đèn cho căn phòng như thể muốn thắp sáng cuộc đời tăm tối của Mị. Mặc dù bị A Sử trói lại, Mị vẫn “vùng bước đi” bởi A Sử không thể trói được sức sống trong tâm hồn Mị. Trong đêm mùa đông khi bắt gặp “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ. Nhìn thấy những dòng nước mắt ấy, Mị chợt nhớ lại quá khứ đau thương của mình. Mị thương A Phủ. Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ. Từ thương người đến thương mình. Mị vùng chạy theo A Phủ để trốn khỏi Hồng Ngài. Cùng một lúc Mị lật đổ cả hai thế lực cường quyền và thần quyền, thoát khỏi thân phận nô lệ, giải phóng mình và tìm lấy tự do, đến tương lai tươi sáng. Sức sống trong Mị cũng chính là vẻ đẹp sức sống của con người lao động nói chung.

>> Xem thêm:  Những nét chính của trích đoạn Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân)

Tóm lại, từ tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, thông qua hình tượng nhân vật Mị điển hình trong những người điển hình cho số phận và vẻ đẹp của những con người lao động bình thường, nhỏ bé trong chế độ phong kiến miền núi. Mị không chỉ là hiện thân cho những đau khổ, áp bức về cả thể xác lẫn tinh thần của con người lao động trước thế lực cường quyền và thần quyền mà còn là hiện thân cho sức sống tiềm tàng, cho sức mạnh vùng lên giải phóng của con người. Giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực ấy đã làm nên sức sống cho tác phẩm.

Hoài Lê

Bài viết liên quan