Phân tích sự hòa quyện giữa vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh


Phân tích sự hòa quyện giữa vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

Bài làm

Trong trường ca “Theo chân Bác” nhà thơ Tố Hữu có viết:

“Lại thương nỗi đọa đày thân Bác
Mười bốn trăng tê tái gông cùm
Ôi chân yếu, mắt mờ, tóc bạc
Mà thơ bay cánh hạc ung dung.”

Mười bốn tháng bị giam trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ đã sáng tác 134 bài, được in thành tập với nhan đề “Ngục trung nhật kí”(Nhật kí trong tù). Ai đã từng đọc tập thơ này hẳn sẽ bắt gặp một đề tài trở đi trở lại nhiều lần. Đó là đề tài chuyển lao. Có cảnh chuyển lao đi bộ, có cảnh chuyển lao đi thuyền, có cảnh chuyển lao từ rất sớm “Tảo giải”, lại có cảnh chuyển lao lúc “Chiều tối”. Trong tất cả những bài thơ viết về đề tài này, “Chiều tối”(Mộ) được xem là bài hay hơn cả, với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa màu sắc cổ điển và hiện đại.

“ Chiều tối” là bài thơ thứ 31 của tập thơ “Nhật kí trong tù”.Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt – một thể thơ quen thuộc của thơ ca phương Đông. Cảm hứng của bài thơ được gợi lên trên đường chuyển lao của Hồ Chí Minh từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo vào cuối thu năm 1942. Có thể nói “Nhật kí trong tù” chính là tiếng lòng được ngân rung lên từ một trái tim vĩ đại. Dù hoàn cảnh khốc liệt nhất Bác vẫn hướng về cuộc sống, hướng về ánh sáng và tương lai. Bài thơ “Chiều tối” là bài thơ giản dị mà sâu sắc. Bác đã mang một tình cảm lớn lao với nhân loại để viết lên những vần thơ chạm đáy hồn nhân thế để rồi bài thơ “Chiều tối” vẫn còn ngân vang khúc hát của một trái tim đầy ý chí, đầy niềm lạc quan cho đến hôm nay và mai sau. Và một trong những yếu tố tạo nên sự thành công cho tác phẩm chính là sự hòa quyện giữa yếu tố cổ điển và hiện đại.

phan tich su hoa quyen giua ve dep co dien va hien dai trong bai tho chieu - Phân tích sự hòa quyện giữa vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

Phân tích sự hòa quyện giữa vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

Trước hết, vẻ đẹp cổ điển là vẻ đẹp có sự tiếp nối tinh hoa của văn học trung đại về cấu tứ, thi liệu, thi pháp,..Còn vẻ đẹp hiện đại là những sáng tạo độc đáo mà chỉ văn học hiện đại mới có. Và bằng ngòi bút tinh tế, bằng tâm hồn rất đỗi thi sĩ, Hồ Chí Minh đã có sự phối hợp một cách tài tình chất cổ điển và hiện đại trong bài thơ “Chiều tối”. Đi vào thế giới nghệ thuật của bài thơ ta sẽ cẩm nhận sâu sắc điều đó.

Nếu như ta đã từng bắt gặp trên thi đàn văn học lãng mạn những vần thơ nặng trĩu buổi chiều của Huy Cận:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”

thì đến nay cũng trong một buổi chiều nơi đất khách Trung Hoa, một người tù “tay bị trói giật cánh khuỷu, cổ mang vòng xích” đã để cảm xúc trải ra cùng không gian bao la, làm nên những vần thơ tuyệt tác, vừa cổ kính, vừa rất trữ tình, thư thái:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)

Bức tranh thiên nhiên hiện ra với bầu trời cao rộng “độ thiên không”. Một không gian rộng lớn, thanh vắng được mở ra dưới thời khắc cuối cùng của một ngày tàn. Kế thừa vẻ đẹp tao nhã của thơ ca cổ điển phương Đông, bằng bút pháp chấm phá và những nét vẽ chỉ gợi ra cốt để ghi lấy linh hồn của tạo vật, nhà thơ đã sử dụng bút pháp thi liệu quen thuộc trong thơ xưa đến nay: cánh chim – chòm mây lơ lửng giữa bầu trời.Hình ảnh cánh chim bay về tổ, về núi rừng thường mang ý nghĩa biểu tượng cho buổi chiều tà. Hẳn ta không thể nào quên được “Chiều hôm nhớ nhà” của Bà huyện Thanh Quan:

>> Xem thêm:  [Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến

“Ngày mai gió cuốn chim bay mỏi”

Ta cũng không thể nào quên những câu thơ hay trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du:

“Chim hôm thoi thót về rừng
Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành”

hay trong ca dao cổ có viết:

“Chim bay về núi tối rồi”

Hơn nữa, buổi chiều là khoảng thời gian tâm lí, gợi thương gợi nhớ, là thời điểm mà người ta không căng mình ra hương ngoại mà trùng mình xuống hướng nội, nhất là với những lữ khách tha phương thì trong họ luôn thức dậy một nỗi nhớ quê nhà tha thiết. Như vậy, yếu tố cổ điển đã được bộc lộ rõ ngay từ câu thơ đầu. Thế nhưng, trong thơ Bác vẫn có cả sự kết hợp hài hòa của yếu tố hiện đại. Trong thơ xưa cánh chim thường bay về nơi vô định, gợi sự xa xăm, chia lìa, phiêu bạt. Ta sẽ thấy điều nay trong câu thơ của Lí Bạch:

“Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn”

Tất cả những cánh chim này đều bay đến một nơi vô định, đều phi tận, phi tuyệt. Khác hẳn với những cánh chim trong thơ Bác, đó là những cánh chim có phương hướng, có mục đích “quy lâm tầm túc thụ”. Sau một ngày kiếm ăn mệt nhọc, chũng tìm về rừng để nghỉ ngơi.Phải chăng đó cũng chính là khát vọng đoàn tụ khi Bác đang ở nơi đất khách quê người Bác đã đưa cánh chim từ thế giới siêu hình về với thế giới của thực tại. Nếu như cánh chim trong thơ xưa thường được miêu tả ở trạng thái vận động bên ngoài thì trong thơ Bác cánh chim lại được cảm nhận ở trạng thái bên trong “mỏi”. Có lẽ, Bác có cảm nhận như vậy là bởi cánh chim ấy có sự tương đồng với cảnh ngộ của Bác lúc này. Cánh chim mỏi mệt sau một ngày dài kiếm ăn hay cũng chính là sự mỏi mệt của Bác sau một ngày lê bước trên đường trường:

“Năm mươi ba cây số một ngày
Áo mũ dầm mưa, rách hết giày”

Và không chỉ vì đồng cảnh ngộ mà Bác còn còn cảm nhận sự mỏi mệt của cánh chim bằng tình yêu thương vạn vật, bằng một trái tim:

“Nâng niu tất cả chỉ quên mình”

Trái tim ấy đã được nhà thơ Tố Hữu nâng lên thành hình tượng thơ đẹp:

“Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông vạn kiếp người”

Xót xa thay khi cánh chim ấy cũng gợi liên tưởng tương phản với cảnh ngộ của Bác. Cánh chim ấy tuy mỏi mệt nhưng còn được tự do trên trời xanh, còn có nơi để tìm về, để nghỉ ngơi còn Bác thì bị gông cùm xiềng trói và không có một tổ ấm nào để tìm về và nơi chờ đợi Bác phía trước chắc chắn là một nhà lao nào đó.

>> Xem thêm:  Nghị luận câu nói: Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn

Hình ảnh chòm mây trôi lững lờ từ một khoảng không vô cùng này đến một khoảng không vô cùng khác cũng có sự hòa trộn giừa màu sắc cổ điển và hiện đại theo phong cách Hồ Chí Minh. Hình ảnh chòm mây cũng là một thi liệu cổ điển. Ta đã bắt gặp hình ảnh chòm mây trong thơ của Nguyễn Khuyến:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”

hay trong “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu”

“Bạch vân thiên tải không du du”

“Cô vân” là chòm mây cô đơn, lẻ loi. Sự mệt mỏi của cánh chim, sự cô đơn của chòm mây điệp vào hai chữ “mạn mạn”.Chữ “mạn mạn” vừa gợi thần thái của cảnh, vừa cho thấy phong thái ung dung rất đỗi thi sĩ của một người tù khi nhìn ngắm quang cảnh thiên nhiên. Theo từ Hán Việt, “mạn mạn” nghĩa là “chậm chậm” với hai dấu nặng liền kề như những bước đi nặng nề, khó nhọc của Bác. Nhưng tiếc rằng, dịch giả Nam Trân khi dịch thành bài “Chiều tối” đã dịch theo lối thoát từ “Cô vân” thành “Chòm mây”, “mạn mạn” thành “trôi nhẹ” đã không thể hiện được tâm trạng cô đơn và thể trạng mỏi mệt của Bác. Nét hiện đại của hình ảnh chòm mây trong thơ Bác chính là ở chỗ chòm mây ấy gợi cho người đọc liên tưởng đến hoàn cảnh của Bác lúc bấy giờ: cô đơn, lẻ bóng. Bức tranh thiên nhiên trong hai câu thơ đầu vừa cổ điển vừa hiện đại, chúng không đơn thuần là bức tranh ngoại cảnh mà còn là bức tranh tâm cảnh: sự cô đơn mỏi mệt của người tù nhân, tình yêu thiên nhiên của một thi nhân, bản lĩnh kiên cường của một chiến sĩ Cách mạng. Cái dáng vẻ của một người tù nhân càng ngày càng nhòa mờ đi để nhường chỗ cho dáng vẻ của một thi nhân. Hai câu thơ đầu đã đạt đến mức vi diệu của lối tả cảnh ngụ tình.

Trong thơ xưa, thiên nhiên là chủ thể, con người chỉ điểm xuyết cho cảnh:

“Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”

Đến thơ Bác, cảnh chỉ làm nền cho con người, con người mới là chủ thể:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”
(Thiếu nữ xóm núi xay ngô
Ngô xay vừa xong, lò than đã đỏ)

Đây chính là một trong những nét mới mẻ, hiện đại của bài thơ. Cô thiếu nữ hiện lên thật bình dị, mộc mạc mà vẫn vô cùng đẹp đẽ với công việc lao động của mình, vẫn tỏa ra vẻ đẹp của tuổi trẻ. Đặt trong tương quan với thơ xưa, vẻ đẹp lao động này vô cùng đáng quý, đáng trân trọng. Nếu hình ảnh người phụ nữ hiện lên thường được đặt trong bối cảnh không gian là phòng khuê:

“Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai”

gắn liền với các thú vui “cầm kì thi họa” thì người phụ nữ trong thơ Bác gắn liền với công việc lao động rất khỏe khoắn đang xay ngô để chạy đua với thời gian. Nhà phê bình Hoài Thanh đã từng nhận định: “Đó là hình ảnh tuyệt đẹp về cuộc đời lao động vất vả mà vẫn ấm cúng, vấn đáng yêu”.

>> Xem thêm:  Cảm nhận của em về bài thơ "Sa hành đoản ca" của Cao Bá Quát

Với bút pháp cổ điển dùng sáng để nói tối, Bác đã làm bừng sáng bức tranh xóm núi bằng hình ảnh “lò than”:

“Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”

Chính chữ “hồng” đã giúp cho người đọc hình dung ra bóng tối đang buông xuống xóm núi, trời phải rất tối thì người đi mới thấy được ánh sáng rực hồng đến thế. Nhưng ở đây, dịch giả đã làm mất đi sự tài tình này khi đã cho từ “tối” vào trong thơ. Giáo sư, nhà phê bình văn học Lê Trí Viễn đã nhận định: “Đúng là xay ngô tối nhưng đặt chữ tối ở đây thì sớm quá, lộ quá. Nguyên văn không nói đến tối mà tự nhiên nói đến, thời gian trôi dần theo cánh chim và làn mây, theo những vòng quay của cối ngô, quay mãi, ma bao túc..bao túc ma hoàn và đến khi cối xay dừng lại thì lô dĩ hồng, lò đã rực hồng, tức trời tối, trời tối thì lò rực lên”. Nghệ thuật gợi, phép điệp vòng giống vòng quay liên tục của chiếc cối xay và cũng là sự vận động rất tự nhiên của thời gian. Mặt khác, màu “hồng” của lò than không chỉ là ánh sáng làm sáng lên không gian, khuôn mặt người thiếu nữ, tâm hồn nhà thơ mà còn là hơi ấm cho không gian thiên nhiên rừng núi âm u, heo hút và ấm lòng người tù Cách mạng. “Nhãn tự” của bài thơ chính là nằm ở chữ “hồng”. Chữ “hồng” ấy chính là niềm lạc quan, là ý chí, là bản lĩnh kiên cường của người tù Cách mạng Hồ Chí Minh. Một trong những đặc điểm trong thơ Hồ Chí Minh là Bác luôn luôn vận động, hướng vận động trong thơ Người là từ cảnh sắc thiên nhiên đến bức tranh sinh hoạt đời sống,từ tàn lụi đến đầy sinh khí, từ buồn đến vui, từ lạnh lẽo, cô đơn đến ấm áp, từ ngày tàn đến tối mịt, từ bóng tối hướng tới ánh sáng. “Chiều tối” là bài thơ không nằm ngoại lệ.

“Chiều tối” là một bài thơ viết về cảnh chuyển lao của một tù nhân “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” nhưng ta không thấy lời thơ than vãn mà ở đó ta thấy chân dung của một người tù tự do. Điều này đã được thể hiện ngay từ bài thơ đầu tiên tron tập “Nhật kí trong tù”:

“Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao”

Bài thơ tứ tuyệt mang màu sắc vừa cổ điển, vừa hiện đại. Từ ngữ cô đọng, hàm súc, gợi cảm,sử dụng thành công bít pháp tả cảnh ngụ tình, bút pháp chấm phá, thủ pháp tương phản, điệp liên hoàn . Hình tượng cánh chim, chòm mây mang tính ước lệ, đẹp mà thoáng buồn.

Bài thơ chỉ vỏn vẹn bốn câu nhưng cũng đủ để cho ta thấy sự tài hoa của Bác khi kết hợp giữa nét cổ điển và hiện đại để tạo nên vẻ đẹp hài hòa, đặc sắc cho bài thơ. Qua đó, cũng cho ta thấy vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh trong bất cứ tình huống nào cũng luôn hướng tới sự sống và ánh sáng: tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống, bản lĩnh kiên cường, ung dung, tự tại, lạc quan trong mọi hoàn cảnh của Bác.

Bài viết liên quan