Phân tích tình cảm của ông giáo đối với lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc


Phân tích tình cảm của ông giáo đối với lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc

Bài làm

Truyện ngắn Lão Hạc tiếp tục là một thành công của Nam Cao khi khai thác đề tài người nông dân đứng trên bờ vực của sự tha hóa. Những mảnh đời, những số phận khác nhau nhưng đều làm cho người đọc phải đau đớn, xót xa. Trong số các nhân vật ấy, hẳn chúng ta cũng không thể nào quên ông giáo- một phân thân của chính tác giả Nam Cao.

Truyện ngắn được kể theo lời của nhân vật “tôi” hay là của chính ông giáo. Việc lựa chọn ngôi kể như vậy giúp nhân vật ông giáo, cũng là tác giả trực tiếp bộc lộ được những suy nghĩ, tình cảm của mình. Trước hết, ta thấy ông giáo là một tri thức nghèo. Nghề giáo cao quý vốn được trọng vọng là thế nhưng trong xã hội xưa cũng không thể thoát khỏi cảnh “áo cơm ghì sát đất”. Mọi ước mơ, lí tưởng dang dở của tuổi trẻ giờ đều phải tạm gác lại. Kể cả những quyển sách quý nhất, ông cũng phải bán đi để lấy tiền chữa bệnh cho con. Do vậy, ông hiểu phần nào nỗi day dứt, khổ sở của lão Hạc khi phải bán con chó Vàng mà lão yêu quý: “”Lão Hạc ơi!Ta có quyền giữ cho ta một tí gì đâu? Lão qúy con chó Vàng của lão đã thấm vào đâu với tôi quý năm quyển sách của tôi!”.

Là một người hàng xóm, một người bạn của lão Hạc, hàng ngày cùng uống nước chè, cùng tâm sự, ông giáo dễ dàng cảm thông với lão. Từ thái độ dửng dưng, hiểu sai về lão, ông dần dần xót xa, ái ngại khi chứng kiến cuộc sống ép xác khổ cực của lão Hạc. Không chỉ an ủi, động viên, ông giáo còn ngấm ngầm giúp đỡ vì biết lão Hạc đã nhiều ngày chỉ ăn khoai, ăn rau, ăn củ ráy trong khi gia cảnh mình cũng chẳng khá khẩm gì. Ông thấy được những phẩm chất cao quý của lão Hạc, tình cha con thiêng liêng, vì vậy, không chỉ cảm thông, đó còn là niềm trân trọng đối với nhân cách cao đẹp của một con người lương thiện. Vì thế, ông đã phải xót xa mà thốt lên rằng: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là nhũng người đáng thương”. Không giống những người khác chỉ nhìn lão Hạc ở vẻ bề ngoài, ông giáo hiểu thấu cả những phần mà lão Hạc không bộc lộ. Đó là những điểm sáng trong nhân phẩm của người nông dân nghèo khổ. Sự chiêm nghiệm vô cùng sâu sắc ấy đến từ một trái tim nhạy cảm, dễ dàng cảm thông và thương yêu người khác.

>> Xem thêm:  Trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, khi biết nguyên nhân cái chết của lão Hạc, ông giáo đã thốt lên rằng: Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác.. Em hiểu câu nói trên như thế nào? Hãy dùng những dữ liệu trong tác phẩm để lảm sáng tỏ nhận định của em.

Vừa kính trọng nhân cách, vừa thương cho một cuộc đời khổ hạnh, ông giáo cảm thấy buồn khi tưởng rằng lão Hạc cũng nối gót Binh Tư, đi bắt trộm chó để kiếm sống. Đến lúc chứng kiến cái chết thảm khốc của lão Hạc vì ăn bả chó, ông giáo mới bàng hoàng nhận ra: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Xót xa làm sao khi những con người có phẩm giá cao quý, nhân cách trong sạch như lão Hạc lại phải tìm đến cái chết để bảo toàn danh dự và nhân phẩm. Đến cuối truyện, ông giáo vẫn là người được lão Hạc gửi gắm toàn bộ hy vọng và tin tưởng: “Lão Hạc ơi! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão… cái vườn mà lão nhất định không chịu bán đi một sào”.

Qua tác phẩm, ta thấy ông giáo là một tri thức nghèo có tấm lòng đáng trọng, biết bao dung và sẵn sàng cảm thông với người khác. Với việc xây dựng hình tượng này, Nam Cao còn thành công khi gửi gắm những suy nghĩ, tình cảm của mình về người nông dân trong xã hội cũ.

Bài viết liên quan