Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ qua bài Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương


Đề bài: Dựa vào văn bản thơ đã học, em hãy phân tích vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ qua bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương.

I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích tâm hồn người phụ nữ qua Bánh trôi nước

1. Mở bài

Giới thiệu bài thơ “Bánh trôi nước” cùng vẻ đẹp của người phụ nữ:

– Nữ sĩ Hồ Xuân Hương- bà Chúa thơ Nôm cũng đã có những vần thơ rất hay để miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ thông qua bài thơ “Bánh trôi nước”. – Người phụ nữ đã hiện lên với vẻ đẹp tâm hồn đẹp đẽ, tấm lòng chung thủy son sắt.

b. Thân bài

– Vẻ đẹp của người phụ nữ đã được khúc xạ thông qua hình ảnh bánh trôi nước.

+ “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”: vẻ đẹp về hình thể.

+ Ba câu thơ tiếp theo làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ.

– Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ hiện lên với sự đẹp đẽ và tấm lòng thủy chung son sắt:

+ Vẻ đẹp tâm hồn đã trải qua hành trình lênh đênh chìm nổi: “Bảy nổi ba chìm với nước non”:

  • Thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” để nói về sự lênh đênh, trôi nổi của kiếp người được vận dụng đầy sáng tạo: “bảy nổi ba chìm”
  • “Nước non” đã được chuyển nghĩa gợi lên hoàn cảnh sống và cuộc đời của người phụ nữ.

+ Người phụ nữ vẫn giữ được vẻ đẹp tâm hồn dù gắn với số phận bị lệ thuộc: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”

+ Mặc dù cuộc đời phải trải qua chìm nổi, bấp bênh, không có tiếng nói riêng nhưng người phụ nữ vẫn giữ trọn vẹn tấm lòng thủy chung, son sắt

– Qua vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ, giá trị nhân đạo của tác phẩm đã được làm nổi bật:

>> Xem thêm:  Soạn bài Vào phủ chúa Trịnh

+ Thể hiện sự đồng cảm của tác giả đối với thân phận người phụ nữ.

+ Thái độ trân trọng, đề cao phẩm giá người phụ nữ.

c. Kết bài

Khái quát vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ: Bằng ngôn từ giản dị, bài thơ “Bánh trôi nước” đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, son sắt thủy chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Thông qua việc vịnh một món ăn dân giã, quen thuộc theo phong tục dân tộc, chúng ta thấy được thái độ trân trọng, đồng cảm đối với thân phận người phụ nữ.

II. Bài tham khảo cho đề phân tích vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ qua Bánh trôi nước

“Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”

Câu ca dao quen thuộc trên đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của hình tượng người phụ nữ dựa trên việc đối lập vẻ đẹp ngoài hình bên ngoài và nhân cách bên trong. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương- bà Chúa thơ Nôm cũng đã có những vần thơ rất hay để miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ thông qua bài thơ “Bánh trôi nước”. Tuy khác với câu ca dao ở điểm Hồ Xuân Hương vừa đề cao vẻ đẹp hình thể lẫn tâm hồn nhưng chúng ta vẫn thấy nổi bật hơn cả là vẻ đẹp về tâm hồn. Người phụ nữ đã hiện lên với vẻ đẹp tâm hồn đẹp đẽ, tấm lòng chung thủy son sắt:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Trong bài thơ, vẻ đẹp của người phụ nữ đã được khúc xạ thông qua hình ảnh bánh trôi nước. Tác giả đã lựa chọn những chi tiết nổi bật nói lên đặc điểm của bánh trôi để gợi nên vẻ đẹp của người phụ nữ. Sau khi làm miêu tả sự hài hòa về hình thể “vừa trắng lại vừa tròn”, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp về tâm hồn của người phụ nữ trong những câu thơ tiếp theo.

>> Xem thêm:  Phát biểu cảm nghĩ của mình về số phận người nông dân trong xã hội phong kiến
phan tich ve dep tam hon cua nguoi phu nu qua bai banh troi nuoc cua ho xu - Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ qua bài Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương
Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ qua bài Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương

Vẻ đẹp đó đã trải qua hành trình lênh đênh chìm nổi: “Bảy nổi ba chìm với nước non”. Thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” để nói về sự lênh đênh, trôi nổi của kiếp người đã được tác giả Hồ Xuân Hương vận dụng một cách sáng tạo thông qua biện pháp đảo ngữ, tạo nên hình ảnh cách nói đầy ấn tượng “Bảy nổi ba chìm”. “Nước non” đã được chuyển nghĩa gợi lên hoàn cảnh sống và cuộc đời của người phụ  nữ. Đó là một cuộc đời truân chuyên, lênh đênh, chìm nổi. Không những thế, người phụ nữ còn phải chịu đựng kiếp sống bị lệ thuộc, không được làm chủ cuộc đời mình: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”. Trong xã hội phong kiến xưa, khi chế độ nam quyền lên ngôi, người phụ nữ không thể có được tiếng nói riêng mà luôn phải tuân thủ những nguyên tắc của lễ giáo phong kiến: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (Ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, nếu chồng mất thì theo con trai). Như vậy, người phụ nữ luôn phải chịu số phận lệ thuộc là không được phép làm chủ cuộc đời mình. Cũng giống như chiếc bánh trôi, bánh rắn hay bánh nát là do người làm bánh khéo hay vụng, số phận của người phụ nữ cũng phải lệ thuộc vào kẻ khác, giống như câu ca dao xưa:

>> Xem thêm:  Trong truyện cổ tích Việt Nam, em thích nhân vật nào nhất? Phát hiểu cảm nghĩ của em về nhân vật đó

“Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Nhưng chính trong những thử thách và bất công đó, vẻ đẹp của người phụ nữ đã được làm nổi bật: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Mặc dù cuộc đời phải trải qua chìm nổi, bấp bênh, không có tiếng nói riêng nhưng người phụ nữ vẫn giữ trọn vẹn tấm lòng thủy chung, son sắt. Câu thơ kết thúc đã để lại một ấn tượng khó phai mờ trong lòng độc giả về một vẻ đẹp hoàn mĩ của người phụ nữ vượt lên những bi kịch của cuộc đời.

Thông qua vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ, tác phẩm “Bánh trôi nước” trở nên thấm đẫm giá trị nhân đạo. Đằng sau vẻ đẹp của người phụ nữ là cái nhìn đồng cảm, xót thương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đối với những thân phận chìm nổi, bấp bênh, đồng thời thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca, đề cao vẻ đẹp tâm hồn son sắt, thủy chung của họ. Đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến với chế độ nam quyền và thiết chế “trọng nam khinh nữ” thì những giá trị này càng có ý nghĩa sâu sắc hơn.

Bằng ngôn từ giản dị, bài thơ “Bánh trôi nước” đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, son sắt thủy chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Thông qua việc vịnh một món ăn dân giã, quen thuộc theo phong tục dân tộc, chúng ta thấy được thái độ trân trọng, đồng cảm đối với thân phận người phụ nữ: “Thiếu một bàn tay, một tâm hồn phụ nữ dân dã như bà, dễ thường như cái bánh trôi chưa vào được văn học” (Trần Đình Sử).

Bài viết liên quan