Phân tích ý nghĩa lời đề từ của tùy bút “Người lái đò sông Đà”


Lời đề từ có ý nghĩa quan trọng trong việc truyền tải nội dung, chủ đề trung tâm của một tác phẩm. Thông qua việc tìm hiểu tùy bút Người lái đò sông đà, anh chị hãy ý nghĩa lời đề từ của tùy bút “Người lái đò sông Đà”.

Bài tham khảo

Người lái đò sông Đà là bài tùy bút đặc sắc kết tinh được cái tài hoa và cái tôi uyên bác đầy cá tính của nhà văn Nguyễn Tuân. Ngay phần lời đề từ, tác giả đã hướng người đọc đến đối tượng trung tâm của tùy bút – sông Đà và thể hiện phần nào vẻ đẹp riêng biệt, không trùng lặp với bất cứ con sông nào.

Nhà văn Nguyễn Tuân đã sử dụng hai câu thơ của Nguyễn Quang Bích làm lời đề từ: “Chúng thủy giai Đông tẩu, Đà giang độc Bắc lưu” ( Dịch: Mọi dòng sông đều chảy về Đông, chỉ có một sông Đà theo hướng Bắc). Lời đề từ ngắn gọn nhưng hàm ẩn nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Trước hết, việc sử dụng những câu thơ chữ Hán nhằm tăng thêm tính trang trọng, đồng thời nhấn mạnh đến sự đặc biệt, khác thường của con sông Đà. Mọi con sông đều chảy về Đông như quy luật của tự nhiên, duy chỉ có con sông Đà chảy về phương Bắc. Từ “độc” được sử dụng vô cùng hiệu quả để thể hiện sự độc nhất, cá tính khác biệt của con sông.

Lời đề từ thể hiện được nét đẹp hoang sơ nhưng không kém phần độc đáo của sông Đà, đồng thời thể hiện sự mạnh mẽ của con sông khi chảy qua một vùng núi non hiểm trở. Lời đề từ không phải của Nguyễn Tuân nhưng lại được sử dụng rất đắt giá trong vị trí lời đề từ của bài tùy bút. Câu thơ  ấy không chỉ bộc lộ được vẻ đẹp độc đáo, dữ dội của sông Đà mà còn vô cùng phù hợp với phong cách “ngông” của Nguyễn Tuân, một con người luôn tìm tòi cái mới, sáng tạo ra những gì chưa có bằng tài năng uyên bác, cá tính hơn người của mình.

Con sông Đà hung dữ là nguồn cảm hứng mãnh liệt thôi thúc nhà văn Nguyễn Tuân khám phá, tìm tòi trong giai đoạn xây dựng kinh tế mới ở miền bắc. Sông Đà rộng lớn, hoang sơ ẩn chứa nhiều bí ẩn là mảnh đất màu mỡ để NGuyễn Tuân bộc lộ sở trường và tài năng của mình.

Lời đề từ là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của bài tùy bút. Lời đề từ đã khơi dậy trí tò mò và khích thích bản năng khám phá ở độc giả. Chỉ với lời đề từ này, tác giả Nguyễn Tuân đã khẳng định thành công của tùy bút ngay phần mở đầu tác phẩm.

Bài viết liên quan