Suy nghĩ về văn bản Cô Tô


Suy nghĩ về văn bản Cô Tô

Phải nói ngay rằng nhà văn Nguyễn Tuân đến biển đảo Cô Tô bằng tâm trạng náo nức, hăm hở của một nhà du lịch. Cho nên trông thấy bất cứ cái gì, ông cũng nhìn ngắm và suy nghĩ về nó theo hướng thưởng ngoạn. Trước mắt ông, dẫu là cảnh trời chiều, màu nước biển, cảnh bình minh, con thuyền chạy và những người dân trên biển đều được quy gọn vào một từ: sự sống. Mà đã là sự sống, bên nhau, chúng hoàn toàn bình đẳng. Cho nên viết về bất cứ ai và bất cứ cái gì, ngòi bút nhà văn cũng vẫn đều chăm chút, công phu, kĩ lưỡng tận độ. Vốn liếng ngôn từ của nhà văn cứ thế hào phóng, hăm hở tung ra như chộp lấy hình sắc, chuyển động, hồn vía của đối tượng.

Bắt đầu là hình ảnh không gian đảo Cô Tô sau ngày bão: bầu trời “trong sáng”, cây “thêm xanh mượt”, “nước biển lại lam biếc đậm đà hơn”, “cát lại vàng giòn hơn nữa”, và biển lại hứa hẹn bội thu “lưới càng thêm nặng mẻ cá giã đôi”. Trận bão số 6 đi qua, giờ đây chỉ còn để lại một vài dấu tích không đáng kể, như thể không phải do may mắn, mà là do sức sống dẻo dai, của cây trái và con người xứ đảo này trụ vững. Ở đây ta bắt gặp một cách miêu tả rất Nguyễn Tuân về sóng: “Nó lao từ ngoài mỏm đá, kè đá tạt vào mái ngói mới hợp tác xã, cứ như hoa tuyết lao ngang giữa trời”. Trong cái dữ dội chết người của biển cả, dĩ nhiên sự việc đã qua rồi, nhưng ngòi bút Nguyễn Tuân vẫn cảm nhận được khía cạnh tạo hình của những con sóng dữ này. Câu văn vừa có cái sức mạnh của sự tàn phá, lại vừa có cái đẹp của đựờng nét. Phải ngòi bút Nguyễn Tuân mới dám đưa ra kiểu kết hợp đối nghịch táo bạo, độc đáo như thế.

Nhà văn tập trung bút mực miêu tả hình ảnh màu xanh của nước biển chiều và hình ảnh mặt trời đang lên trên biển. Đến đây, người đọc mới thực sự được chứng kiến cuộc chạy đua của ngôn từ Nguyễn Tuân với tạo hóa. Hay nói cách khác, đây là nhữỉig màn trình diễn ngôn từ nghệ thuật thật náo nhiệt, ngoạn mục của Nguyễn Tuân. Hãy xem tác giả nói về màu xanh, của nước biển chiều: “xanh quá quắt”, “xanh như lá chuối non”, “xanh như lá chuối già”, “xanh như mùa thu ngả cốm làng Vòng”.. Cách ví von của dân gian thường ví sự vật này với sự vật khác có một vài đặc điểm tương đồng. Ba trường hợp trên, Nguyễn Tuân đã đi theo cách này. Song không chỉ dừng lại ở một cách đó, mà ông đã đem ví màu xanh nước biển với những hình ảnh trong vốn liếng văn chương cổ điển: “xanh như cái màu áo Kim Trọng”, “xanh như cái vạt áo nước mắt của ông quan Tư mã”. Đi xa hơn nữa, ông ví nó với “trang sử của loài người, lúc con người còn phải viết vào thân tre”; và với “màu xanh dầu xăng của những người thiếu quê hương”. Những cách tả von này, như tác giả thú nhận: vẫn còn “hơi trừu tượng”. Chúng được huy động từ vốn văn hóa rộng rãi và sự nếm trải của cuộc đời tác giả. Đến đây, người đọc bỗng nhớ những tràng văn trong bút  kí Thiếu quế hương của nhà văn viết những năm trước Cách mạng. Một chàng Nguyễn

>> Xem thêm:  Viết đoạn văn cảm nhận của em về văn bản "Bức tranh của em gái tôi"

Tuân sống xê dịch, sống dài dạc, hoang mang, bế tắc, sống ngay  trong lòng Tổ quốc mà vẫn cảm thấy “thiếu quê hương”. Đó là cái màu xanh ốm yếu, bệnh tật. Nhà văn không ngần ngại nhớ về một mảng đời đã qua,, và như thế dường như để cảm nhận cho sâu hơn cái màu xanh trong trẻo và thuần khiết của nước biển Cô Tô chiều nay. Cách ví von một sự vật cụ thể với một ý tưởng trừu tượng vẫn là cách thường dùng của ngòi bút Nguyễn Tuân và trong nhiều trường hợp, ông đã rất thành công. Cả đoạn văn ở trên, nhà văn không chỉ miêu tả màu nước biển, mà còn miêu tả bản thân quá trình lựa, chọn ngôn từ của chính mình. Một cách ví von vừa được đưa ra, ngay sau đó đã là một sự nghi ngờ, phủ định; rồi tiếp tục lại xuất hiện các cách ví von khác. Qua đoạn văn này, nhà văn đã tiến hành mô tả kép cùng một lúc hai đối tượng: màu xanh nước biển và cuộc săn tìm chữ nghĩa của chính mình. Người đọc thấy được vẻ đẹp trong rất nhiều sắc thái tinh tế của vùng biển Cô Tô, đồng thời thấy một Nguyễn Tuân lao động hết mình trên con chữ. Hai câu văn về cuối được xem như là một sự nhượng bộ dễ thương của nhà văn trong cuộc chạy đua với tạo vật: “Chao ôi, nước biển Cô Tô chiều nay xanh cái màu xanh của ngọc bích. Hoặc là chao ôi, nó xanh như một niềm hi vọng trên cửa bể”. Câu văn hữu tình và hiền lành biết mấy!

>> Xem thêm:  Tả một em bé khoảng 6-7 tuổi đang tập vẽ

Nhất quán trong một bút pháp ví von, Nguyễn Tuân lại tiếp tục mô tả hình ảnh mặt trời. Đây là  đoạn văn miêu tả đẹp nhất của bài kí: “Tròn trĩnh, phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông. Vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại trên mâm bể sáng dần lên cái chất bạc nén. Một con hải âu bay ngang, là là nhịp cánh”. Đây là một đoạn văn kiểu mẫu về bút pháp miêu tả mà người đọc không thể lược bỏ được một câu, một chữ nào. Như một thói quen trong cách hình dung và cảm nhận về ngoại giới, Nguyễn Tuân trở về với “cái nhìn ẩm thực”, văn hóa ẩm thực – một trong những nét đặc sắc của phong cách Nguyễn Tuân. Hình ảnh mâm bạc – trứng hồng được cực tả không chỉ to lớn về kích thước, mà còn như một nghi lễ của bữa đại tiệc mang tầm vóc vũ trụ. Đại cảnh được dựng lên bằng những dường nét miêu tả phóng khoáng, lại được chấm phá bởi những đường chao lượn của mấy chiếc nhạn cùng một chú hải âu. Bức đại cảnh sinh động, có hồn. Người sinh ra chữ nghĩa đang trong tâm trạng phấn chấn, sảng khoái. Tâm hồn ông như tung tỏa, nô giỡn với vẻ đẹp của thiên nhiên. Đây là một cuộc giao cảm lớn giữa tâm hồn thi nhân với biển trời, vũ trụ.

>> Xem thêm:  Tả con đường từ nhà đến trường

Sẽ là thiếu nếu không nói đến cuộc sống của những người dân trên biển. Một anh hùng lao động Châu Hòa Mãn “trẻ tráng”, điều khiển cuống lái con thuyền thành thạo, điệu nghệ. Hình ảnh người anh hùng lao động này thật bình dị, cũng đi quảy nước như mọi người, cũng cùng bốn bạn xã viên đi chung một thuyền đánh cá. Chân dung của anh hòa lẫn vào với không khí lao động náo nức, khẩn trương của mười tám thuyền lớn nhỏ sắp sửa nhất loạt ra khơi đánh cá hồng. Đây là khung cảnh chuẩn bị ra khơi: “Từ đoàn thuyền sắp ra khơi đến cái giếng ngọt, thùng và cong và gánh nối tiếp đi đi về về”. Trong câu văn có nhịp điệu do câu chữ được điệp lại tạo thành. Suy cho cùng, đó chính là nhịp điệu của sự sống con người.

Khép lại trang bút kí là hình ảnh đầy chất thơ về một người mẹ trẻ: “Trông chị Châu Hòa Mãn địu con, thấy nó dịu dàng yên tâm như cái hình ảnh biển cả là mẹ hiền mớm cá cho lũ con lành”. Nguyễn Tuân thưởng ngoạn thật kĩ vẻ đẹp Cô Tô nhưng không phải để giải trí. Trong tâm hồn ông, ấm nồng một tình yêu đối với con người.

Bài viết liên quan