Thân phận người phụ nữ là một nội dung quan trọng của văn học Việt Nam giữa thế kỉ XVIII đến giữa thề kỷ XIX. Hãy làm rõ nội dung ấy qua mấy bài thơ: “Mời trầu, Tự tình” (Hồ Xuân Hương) và “Độc Tiểu Thanh kí” (Nguyễn Du)


Thân phận người phụ nữ là một nội dung quan trọng của văn học Việt Nam giữa thế kỉ XVIII đến giữa thề kỷ XIX. Hãy làm rõ nội dung ấy qua mấy bài thơ: “Mời trầu, Tự tình” (Hồ Xuân Hương) và “Độc Tiểu Thanh kí” (Nguyễn Du)

Hướng dẫn

Nếu chế độ phong kiến đã từng là nguyên nhân gây bao nỗi khổ của người lao động, thì giữa tất cả những đau khổ đó, người phụ nữ bao giờ cũng chịu nhiều đau khổ nhất. Dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ không được coi trọng nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô! Bởi vậy, ta không ngạc nhiên khi nhận ra lịch sử cuộc đấu tranh chống tư tưởng và lễ giáo phong kiến để đòi quyền sống cho con người đã bắt đầu bằng tiếng nói thương cảm đối với người phụ nữ. Nhiều tác phẩm văn chương đầy tinh thần nhân đạo nổi tiếng từ giữa thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX đã bắt nguồn từ thân phận người phụ nữ và có khi lại chính là tiếng nói do người phụ nữ tự mình cất lên: Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Truyện Kiều cùng hàng loạt bài thơ của thi hào Nguyễn Du, toàn bộ sáng tác của nhà thơ nữ lỗi lạc Hồ Xuân Hương.

Bài viết này giới hạn trong việc tìm hiểu hai bài thơ của Hồ Xuân Hương (Mời trầu, Tự tình) và một bài thơ của Nguyễn Du {Độc Tiểu Thanh kí).

Hồ Xuân Hương là một phụ nữ độc đáo; thơ bà cũng độc đáo và lạ lùng như tâm hồn của bà: vừa khát khao vừa chán nản, vừa tươi tắn vừa bi thương, táo bạo mà tinh tế, than thở nhưng đầy phản kháng. Thơ bà và cả số phận riêng của bà có thể được coi là tiêu biểu cho bao nỗi đấng cay, dằn vặt, bao phản kháng và bất bình, cùng bao khát vọng thường tình nhưng bức thiết của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Mời trầu là lời mời bình thường của một người chủ nhà khi có khách đến chơi: Mời khách ăn trầu, bởi miếng trầu là đầu câu chuyện. Đó là một lời mời thân mật, chân thành lại pha chút tinh nghịch:

>> Xem thêm:  Phân tích đoạn trích Ra-Ma buộc tội (Trích Ra-ma-ya-na – sử thi Ấn Độ)

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương đã quệt rồi

Thường thì ai cũng nói nhún nhường khi mời khách hàng một thức ăn hoặc thức uống nào đó. Nhưng nói nhún nhường đến như bà, với quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi thì lại là đặc biệt. Ý bà muốn nói: trầu và cau đem ra mời khách đây là thứ trầu cau rất bình thường, chẳng có gì đặc biệt, thứ trầu cau của người thường, của người nghèo. Lại vì để kịp mời khách đến nên trầu cũng chưa được têm một cách cẩn thận (quệt vôi, cắt tỉa, cuộn lại cho đẹp) mà chỉ à mới quệt. Miếng trầu bình thường đến vậy, khách có dùng chăng? Ăn trầu hay không, ấy là do lòng của khách. Cho nên:

Có phải duyên nhau thì thắm lại,

Đừng xanh như lá, bạc như vôi.

Trầu thường hay trầu quý, nếu có đủ ba thứ trầu, cau, vôi, khi ăn vào thì đều thắm lại. Nếu khách vì chê miếng trầu thầm thường mà không ăn thì miếng trầu đó, lá trầu vẫn xanh màu lá, vôi vẫn bạc như vôi. Đây là lời mời khách ăn trầu nhưng cũng là một câu hỏi đặt ra với khách: khách thuộc hạng người nào, người trung thực đến đây với thái độ chân tình, vì phải duyên nhau mà đến, hay chỉ là kẻ tầm thường, giả dối, vừa xanh như lá, vừa bạc như vôi, đến đây với một ý đồ không tốt đẹp gì.

Từ bài thơ toát lên một thái độ chua chát của nhà thơ về thân phận người phụ nữ trong xã hội. Xưa nay trong xã hội phong kiến, người phụ nữ chưa hề được chủ động trong hạnh phúc của mình và họ thường là nạn nhân của những người đàn ông bạc bẽo. Người phụ nữ bao giờ cũng mong mỏi được đối xử một cách chân tình. Bởi vậy người phụ nữ, nhất là những người sắc sảo như Xuân Hương dễ dàng nhận ra tim đen của những người đàn ông giả dối.

So với Mời trầu, bài Tự tình không còn có cái vẻ tinh nghịch bên ngoài nữa mà buồn hơn, thống thiết hơn. Đó là tiếng thở than của một người phụ nữ khát khao hạnh phúc mà không hề được hạnh phúc, từng ao ước được sống mà không được sống như ý nguyện của mình. Ngày xuân qua đi, tuổi trẻ tàn phai:

>> Xem thêm:  Cảm nhận 12 câu đầu đoạn trích Trao Duyên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!

Hạnh phúc của người phụ nữ mới nhỏ bé, mong manh tội nghiệp làm sao!

Tuy nhiên, trong bài thơ này, Hồ Xuân Hương không chỉ ngậm ngùi than thở. Nhà thơ biết rằng đau khổ của người phụ nữ trong xã hội là một điều phi lí. Người phụ nữ đáng được sống, đáng được hưởng hạnh phúc. Cuộc sống phải công bằng hơn với người phụ nữ. Sự bất bình trong tâm hồn bà khiến cho cái nhìn của bà vào thiên nhiên sinh động lạ lùng:

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Những từ ngữ xiên ngang, đâm toạc nói lên một cách mạnh mẽ một thái độ không cam chịu. Bằng tâm hồn mạnh mẽ, bằng tài thơ lạ lùng của mình, Hồ Xuân Hương đã chinh phục thời đại của bà. Cho đến hôm nay, thơ Hồ Xuân Hương vẫn là những bài thơ tràn trề sức sống, là những lời than thân trách phận bi thiết, những lời nói mãnh liệt đòi quyền sống cho con người nói chung, cho người phụ nữ nói riêng.

Cũng như Hồ Xuân Hương, thi hào Nguyễn Du đã rất quan tâm đến số phận người phụ nữ. Thuý Kiều, một phụ nữ cực kì tài sắc cũng cực kì đau khổ, là nhân vật chính cho tác phẩm tâm huyết cả một đời của ông. Trong Văn chiêu hoàn, Sở kiến hành, Long Thành cầm giả ca…, ông luôn dành cho người phụ nữ lòng thương cảm đặc biệt. Chính tấm lòng ấy đã khiến nhà thơ xót thương đến cả một người phụ nữ sóng trước ông cả hai ba trăm năm, trên một xứ sở cách xa ông ngàn vạn dặm. Tiểu Thanh là một người con gái đẹp. Nàng là một nhà thơ tài năng. Thế mà cuộc đời đã dành cho nàng được gì? Một thân phận lẽ mọn. Luôn bị hành hạ, dằn vặt, một cuộc sống quá ngắn ngủi, một cái chết đau đớn. Thế mà đã xong đâu, khi chết, nàng còn bị nguyền rủa, thơ của nàng người ta cũng huỷ diệt:

>> Xem thêm:  Phân tích tác phẩm Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành

Son phấn có thần chôn vẫn hận,

Văn chương không mệnh đốt còn vương.

Nhà thơ xót xa cho số phận Tiểu Thanh, ông không làm sao chấp nhận được sự phi lí đó. ông muốn hỏi trời nhưng trời thì cao và câm lặng. Ông chỉ còn biết tự mình mang niềm xót thương và đau đớn:

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

Cái án phong lưu khách tự mang.

Đúng là thiên nan vấn (trời khó hỏi), bởi vì trời có gây ra nỗi oan khuất ấy đâu. Chính con người, chính chế độ phong kiến là nguyên nhân mọi nỗi bất công và đau khổ ấy. Thật hiếm thấy trường hợp một nhà thơ nam giới trong xã hội cũ mà thông cảm với số phận người phụ nữ đến như thế, thông cảm đến độ ông coi số phận ấy cũng như chính là số phận của mình. Nguyễn Du đã tự hỏi:

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Ở đây, hình như nhà thơ đã nhận ra trong chế độ phong kiến, khổ đau vì chế độ phong kiến, không chỉ có người phụ nữ, mà còn có rất nhiều người, nhất là những người có tài, có khát vọng, có tâm hồn, trong đó có ông.

Ba bài thơ trên đây chỉ là ba hạt ngọc trong rất nhiều châu báu mà văn học từ giữa thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX đã để lại cho đời sau. Tuy chưa phải đầy đủ, riêng ba bài thơ ấy cũng cho phép ta khẳng định văn học giai đoạn ấy là văn học nói lên số phận con người, để đấu tranh cho quyền sống của con người. Là người đau khổ nhất trong những con người đau khổ, người khát khao nhiều nhất trong những con người khát khao được sống hạnh phúc, được tôn trọng, phụ nữ với số phận bi đát của họ trong giai đoạn đó đã là nguồn đề tài, nguồn nội dung lớn của văn học thời ấy.

Thu Trang

Bài viết liên quan