Thuyết minh bài thơ Nhớ rừng-Thế Lữ


Thuyết minh bài thơ Nhớ rừng-Thế Lữ

Hướng dẫn

  • Mở bài:

Thế Lữ là một cây đại thụ của phong trào Thơ mới Việt Nam đầu thế kỉ XX. Bài Nhớ rừng là tác phẩm nổi bậc nhất, đã gắn liền với tên tuổi của ông. Nói đến Thế Lữ không thể không nói đến bài thơ Nhớ rừng.

  • Thân bài:

* Hoàn cảnh ra đời bài thơ Nhớ rừng:

Sự xuất hiện của phong trào Thơ mới những năm đầu thế kỉ XX đã tạo ra sự bùng nổ mãnh liệt, một cuộc cách mạng thật sự trong địa hạt văn chương, nhất là đối với bộ phận thơ ca. Những thể thơ cũ (tiêu biểu từ thơ Đường luật) với khuôn khổ cứng nhắc, niêm luật gò bó đã không dung chứa nổi, không còn phù hợp với những tư tưởng, cảm xúc dào dạt, mới mẻ, lúc nào cũng chỉ chực tung phá.

Đổi mới thể thơ, đổi mới hình thức câu thơ, các nhà thơ mới đồng thời đưa vào đó những dòng cảm xúc dạt dào, mạnh mẽ, tựa như những dòng nham thạnh bỏng đang tuôn chảy tràn trề. Nhớ rừng là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho trào lưu mới này.

Sự ảnh hưởng mạnh mẽ các trào lưu phương Tây khơi bùng ý thức tự cường tự chủ của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là tầng lớp thanh niên, tri thức. Bài thơ Nhớ rừng ra đời phản ánh sâu sắc khát vọng tự do và tinh thần yêu nước thầm kín của tầng lớp thanh niên tri thức lúc bấy giờ. Bài thơ được viết theo thể thơ tự do tám chữ, in trong tâp Mấy vần thơ(1935). Đây là giai đoạn đầu trong sự nghiệp sáng tác của Thế Lữ.

* Nội dung chính:

Bài thơ Nhớ rừng mượn lời con hổ trong vườn bách thảo để diễn tả tâm sự của một lớp người đang đau khổ trong cuộc sống “bị nhục nhằn tù hãm”. Họ chán ghét thực tại tầm thường giả dối, nhưng bất lực và chỉ biết chìm đắm vào dĩ vãng oai hùng. Bài thơ thể hiện tư tưởng giải phóng cá nhân và khát vọng tự do mãnh liệt.

>> Xem thêm:  Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học

* Kết cấu:

Về cơ bản bài thơ có 5 đoạn nhưng được cấu trúc theo hai cảnh tượng tương phản: Con hổ trong thực tại và con hổ trong dĩ vãng. Sự đối lập giữa hai bức tranh làm nổi bậc tâm trạng của con hổ vừa khao khát tự do vừa bất lực trước thực tại phũ phàng.

* Giá trị nội dung:

Mượn lời con hổ ở vườn bách thú để nói lên tâm trạng chính mình. Thế Lữ đã dựng lên một khung cảnh vừa rất thực vừa ẩn chứa những điều thầm kín sâu xa. Tất cả hình ảnh đuợc nhắc đến trong bài đều là không gian xoay quanh cuộc sống của con hổ. Chúa sơn lâm đã cảm thấy bất lực bởi chẳng có cách nào thoát khỏi cuộc sống tù túng nên cũng đành ngao ngán nhìn thời gian trôi qua một cách vô ích.

Nhưng cho dù phải ở trong hoàn cảnh nào thì kẻ thuộc “giống hùm thiêng” cũng luôn biết thân phận thực sự của mình là một vị chúa. Nó tỏ ra khinh mạn, coi thường trước những sự thiếu hiểu biết về sức mạnh thật sự của thiên nhiên của những con người “ngạo mạn ngẩn ngơ” chỉ biết “giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm”. Chán nản làm sao cảnh phải chịu sống ngang bầy cùng với “bọn gấu dở hơi”, với “cặp báo chuồng bên vô tư lự”.

Đó là nỗi buồn, nỗi uất hận dồn nén để làm nên những hờn căm chất chứa trong lòng. Mệt mỏi, ngao ngán, bất lực! Trong hoàn cảnh đáng thương ấy, hổ đã nghĩ về cuộc sống quá khứ huy hoàng của mình, một thời đại vàng son rực rỡ mãi mãi không còn nhìn thấy nữa.

Được sống lại với những ký ức tươi đẹp ở chốn núi rừng hùng vĩ, hổ chợt nhận ra sự tầm thường và giả dối của những khung cảnh nơi nó đang sống. Trong cái nhìn ngạo nghễ của hổ là những cảnh “không đời nào thay đổi”, những cảnh đơn điệu nhàm chán do con ngưới sửa sang và cố đòi “bắt chước”

Chúa tể rừng xanh đã tỏ thái độ khinh miệt, chán chường trước những cảnh vật nhỏ bé thấp kém của những sự giả dối nhân tạo. Chán ghét cuộc sống thực tại, ôm niềm uất hận không nguôi, hổ khát khao một cuộc sống tự do mãnh liệt. Tất cả tâm tư tình cảm của hổ đều thuộc về nơi rừng thẳm ngàn năm âm u. Cũng qua đó, chúa sơn lâm đã gởi một lời nhắn tha thiết của mình về núi rừng.

>> Xem thêm:  Từ trích đoạn Nước Đại Việt ta (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi) em có suy nghĩ gì về lòng yêu nước

Dẫu là đang bị sa cơ nhưng hổ đã không giấu được niềm tự hào khi nói đến chốn “nước non hùng vĩ”. Giang sơn ấy là nơi hổ đã có những ngày tháng tươi đẹp, thoả chí vùng vẫy trong không gian riêng biệt thênh thang. Cho dù bây giờ sẽ chẳng bao giờ được sống lại ở những nơi xưa ấy nhưng hổ vẫn không bao giờ thôi nghĩ về “giấc mộng ngàn to lớn”.

Nỗi lòng của hổ là tâm sự của chàng thanh niên Thế Lữ: mơ về cuộc sống tươi đẹp đã qua trong quá khứ. Đó cũng là tinh thần chung của hầu hết các bài thơ của Thế Lữ cũng như trong phong trào Thơ Mới, mang theo khát khao của con người muốn được sống chính là mình.

Nhớ Rừng không thể thoát ra khỏi nỗi buồn, “tâm bệnh của thời đại” bấy giờ. Nhưng bài thơ đặc sắc chính bởi vì tạo nên điểm gặp gỡ giữa sự u uất của người dân mất nước và tâm trạng bất hoà, bất lực trước thực tại của thế hệ thanh niên trí thức tiểu tư sản. Qua đó khơi lên niềm khát khao tự do chính đáng.

* Giá trị nghệ thuật:

Bài thơ tràn đầy cảm hứng lãng mạn: mạch cảm xúc cuồn cuộn, giọng điệu hào hùng, bút pháp cường điệu và sự phù hợp tuyệt vời giữa đối tượng mô tả và nghệ thuật mô tả của tác giả. Đây là đặc điểm tiêu biểu nhất của bút pháp thơ lãng mạn và cũng là một đặc điểm quan trọng của văn biểu cảm.

>> Xem thêm:  Giới thiệu thuyết minh về khèn – một loại nhạc cụ dân tộc

Chọn một biểu tượng rất đắt là con hổ ở vườn bách thú, khai thác triệt để thủ pháp nhân hoá, Thế Lữ đã thể hiện sâu sắc và xúc động chủ đề tác phẩm. Tâm sự của vị chú tể rừng xanh cũng chính là tâm sự của con người, một trang anh hùng sa cơ mang tâm sự u uất, khát khao tự do mãnh liệt, khát khao vươn tới cái cao cả, vĩ đại trong cuộc đời. Hình ảnh thơ giàu chất tạo hình, đầy ấn tượng phù hợp với đối tượng miêu tả và gợi ở người đọc những cảm xúc mãnh liệt.

Ngôn ngữ và nhạc điệu phong phú, giàu sức biểu cảm, giàu tính sáng tạo; câu thơ co duỗi thoải mái… Nhớ rừng đã thể hiện một đặc điểm của thơ mới đương thời là: tạo lại dáng cho câu thơ tiếng Việt. Nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận xét: “Đọc đôi bài, nhất là bài “Nhớ rừng”, ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được”.

  • Kết bài:

Giàu cảm hứng lãng mạn và cảm xúc mãnh liệt, Nhớ Rừng đã lan toả một hồn thơ hối thúc và nhiều hình ảnh thơ đầy ấn tượng miêu tả vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng. Thành công của Thế Lữ là đã thể hiện một trí tuởng tượng phong phú khi mượn hình ảnh con hổ trong vườn bách thú để nói hộ cho những tâm sự kín đáo sâu sắc của mình. Qua đó diễn tả nỗi chán ghét cảnh sống tù túng, đồng thời khơi lên tình cảm yêu nước của người dân thuở ấy.

Nguồn: Vietvanhoctro.com

Bài viết liên quan