Từ một số truyện cổ đã học, đã đọc, em hãy miêu tả hình ảnh người dũng sĩ theo tưởng tượng của mình


Từ một số truyện cổ đã học, đã đọc, em hãy miêu tả hình ảnh người dũng sĩ theo tưởng tượng của mình – Dàn ý

1. Mở bài

–    Giới thiệu nhân vật dũng sĩ (cần trả lời các câu hỏi: dũng sĩ trong câu chuyện cổ nào? Điểm đặc biệt nhất ở nhân vật là gì? Cảm xúc của em về nhân vật như thế nào?).

–    Bài viết dưới đây chọn nhân vật Thánh Gióng trong truyền thuyết Thánh Gióng để miêu tả.

2.    Thân bài

–    Thánh Gióng từ lúc mới ra đời cho đến khi gặp sứ giả.

–    Sự ra đời thần kì (bà mẹ ra đồng, ướm chân mình vào dấu chân khổng lồ, về nhà thụ thai, một năm sau sinh ra Thánh Gióng…).

–    Khi gặp sứ giả: bật lên tiếng nói sau ba năm không biết nói cười

+ Sức ăn kì lạ; ngoại hình kì lạ: Vươn vai đứng dậy thành tráng sĩ, vóc dáng cao lớn, mạnh mẽ phi thường.

–    Trang phục đặc biệt: giáp sắt, ngựa sắt, roi sắt

–    Thánh Gióng giết giặc

+ Hành động và chiến công phi thường: tả xung hữu đột giữa trận tiền, khiến kẻ thù thất điên bát đảo,

+ Gậy sắt gãy, nhổ tre làng đuổi giặc, lập chiến công.

–    Thánh Gióng diệt xong lũ giặc và bay về trời:

–    Gióng cởi giáp sắt, nón sắt, cúi lạy quê mẹ, rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời…

3.    Kết bài

–    Có thể nêu cảm xúc của em về nhân vật hoặc kết bài theo lối mở để tạo dư âm.

>> Xem thêm:  Kể về một người bạn mới quen của em

Từ một số truyện cổ đã học, đã đọc, em hãy miêu tả hình ảnh người dũng sĩ theo tưởng tượng của mình – Bài làm

Trong truyền thuyết Thánh Gióng, nhân vật trung tâm có sức hấp dẫn kì lạ với bao thế hệ người Việt là cậu bé làng Gióng

Không phải người phàm trần nên Gióng khác người ngay từ lúc mới ra đời. Bố mẹ Gióng tuổi đã cao nhưng lại hiếm muộn. Ngày đêm, họ ước ao có một đứa con để bế ẵm, vui lúc về già. Một đêm, trời nổi cơn dông tố. Sớm hôm sau, trong vườn cà của ông bà lão xuất hiện một dấu chân khổng lồ.

Kinh ngạc, bà lão đã ướm chân mình lên dấu chân kì lạ ấy. Một năm sau, bà sinh hạ cậu bé có gương mặt thiên thần, vầng trán rộng, đôi mắt sáng long lanh. Gióng là tên của cậu. Lúc Gióng ra đời, hào quang rực trời, mây lành quấn quýt, hương hoa lan toả khắp nhà. Cha mẹ Gióng vui mừng vô kể. Họ đã dành cho con tất cả tình yêu thương và hi vọng. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Gióng đã lên ba tuổi, nhưng chú bé chẳng biết nói cười, đặt đâu nằm đấy, khiến cha mẹ rất buồn phiền.

Năm đó, giặc Ân xâm lược nước ta. Lời hiệu triệu giết giặc của nhà vua truyền đến mọi thôn cùng xóm vắng và vọng đến tai Gióng. Chú bé đột nhiên cất tiếng nói trong sự ngỡ ngàng của cha mẹ:

–    Mẹ ra mời sứ giả vào đây để con thưa chuyện!

>> Xem thêm:  Tóm tắt và ý nghĩa truyện Cây bút thần

Sứ giả kinh ngạc khi thấy đứa trẻ nói với giọng đĩnh đạc:

–    Nhà ngươi hãy về tâu với đức vua đúc cho ta một con ngựa sắt, một chiếc roi sắt, một áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc ngay!

Sửng sốt và vui mừng khôn xiết, sứ giả cấp tốc về kinh đô, tấu trình mọi việc. Đức vua xuống chiếu, cho thu gom sắt trong thiên hạ, vời thợ rèn ngày đêm đúc ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt theo yêu cầu của Gióng.

Từ lúc ấy, như để bù lại quãng thời gian trước đó, Gióng lớn nhanh ngoài sức tưởng tượng. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa may xong đã chật ních. Bố mẹ Gióng không đủ sức nuôi con. Bà con trong xóm, ngoài làng đã góp cơm gạo nuôi Gióng, mong cậu trổ thần lực giết giặc, cứu nước. Câu ca dưới đây đã truyền tụng về sức ăn phi thường của Gióng:

Bảy nong cơm với ba nong cà 

Uống một hớp nước, cạn đà khúc sông…

Kẻ thù đến chân núi Trâu, đốt phá nhà cửa, giết hại dân lành. Người người sục sôi uất hận. Trong tình thế nguy cấp ấy, ngựa sắt, giáp sắt, gậy sắt được đưa đến kịp thời, Gióng vươn vai đứng dậy, tức khắc biến thành một dũng sĩ đẹp tựa thần linh, thân hình rực rỡ hào quang, đôi mắt sáng tựa sao trời, giọng nói sang sảng như tiếng chuông đồng. Ngôi nhà tranh vặn mình răng rắc, mái nhà bị đội lên hệt như cái ô của người khổng lồ. Chớp mắt, Gióng đã cao hơn ngôi nhà của cha mẹ. Bên cạnh chàng, vạn vật vụt thành nhỏ bé. Mọi người xung quanh giông như những người tí hon. Ngôi nhà tranh thân thuộc chỉ nhỏ như chiếc tổ chim. Cây nhãn cổ thụ trước nhà chì cao ngang ngực Gióng. Gióng vỗ lên mình ngựa, ngựa sắt đột nhiên hí vang. Chớp mắt, tráng sĩ bay lên yên ngựa, ra roi. Ngựa sắt phi nhanh như gió, phun lửa đỏ rực một vùng trời. Mỗi vết chân ngựa biến thành đầm ao, những khóm tre nhuộm ánh lửa thần trở nên vàng óng. Ngựa Gióng lướt tới đâu, ngọn lửa thần rừng rực thiêu trụi lều trại của kẻ thù đến đó. Uy nghi lẫm liệt như vị thần chiến thắng, đôi mắt loé lên những tia lửa căm hờn, Gióng tả xung hữu đột giữa chiến trường như ở chốn không người. Lũ giặc trở tay không kịp, kinh hoàng tháo chạy. Kẻ chết thui, đứa vỡ đầu sứt trán, giẫm đạp lên nhau, chết như ngả rạ. Tiếng rên la kêu khóc dậy đất. Đột nhiên, gậy sắt gãy rắc làm đôi. Nhanh như cắt, Gióng vươn tay, nhổ bật khóm tre đằng ngà, giáng xuống với sức mạnh long trời lở đất. Đội hình giặc tan vỡ. Chúng quỳ rạp xuống đất van xin người anh hùng tha mạng.

>> Xem thêm:  Đề 38: Cảm nhận văn bản Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng

Truy kích kẻ thù đến chân núi Sóc Sơn, Gióng một mình một ngựa lên đỉnh núi. Chàng vái lạy quê nhà, bái biệt mẹ cha, cởi bỏ áo giáp, cưỡi ngựa sắt từ từ bay lên trời trong đám mây ngũ sắc rực rỡ.

Bài viết liên quan