Tuần 10 – Hai đứa trẻ


Tuần 10 – Hai đứa trẻ

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Thạch Lam (1910 – 1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh (sau đổi thành Nguyễn Tường Lân), sinh tại Hà Nội trong một gia đình công chức gốc quan lại. Thuở nhỏ, Thạch Lam sống ở quê ngoại (phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) sau ông theo cha chuyển sang tỉnh Thái Bình. Thạch Lam học ở Hà Nội. Sau khi đậu tú tài toàn phần thứ nhất, ông ra làm báo, viết văn. Thạch Lam là người đôn hậu, điềm đạm và rất đỗi tinh tế.

2. Thạch Lam có biệt tài viết truyện ngắn. Truyện của ông thường là nhũng truyện không có chuyện mà chủ yếu đi vào khai thác thế giới nội tâm của nhân vật với những xúc cảm mong manh, mơ hồ. Mỗi truyện của Thạch Lam như là một bài thơ trữ tình, chứa đựng bao tình cảm yêu mến chân thành và sự tinh tế, nhạy cảm của nhà văn trước những biến thái của cảnh vật và lòng người. Văn Thạch Lam trong sáng, giản dị mà thâm trầm, sâu sắc.

3. Hai đứa trẻ là một trong những truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam. Cũng giống như nhiều truyện khác của Thạch Lam, Hai đứa trẻ thuộc kiểu truyện ngắn trữ tình có nhiều chi tiết cứ ngỡ như vụn vặt, vô nghĩa nhưng kì thực đã được chọn lọc và sắp xếp một cách chặt chẽ để diễn tả tâm trạng nhân vật. Qua truyện ngắn này, Thạch Lam thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía niềm xót thương đối với những kiếp người sống cơ cực, quẩn quanh, bế tắc ở phố huyện nghèo trước Cách mạng. Đồng thời, ông cũng thể hiện sự trân trọng đối với những ước mong tuy còn mơ hồ của họ.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Câu chuyện mở đầu bằng những câu văn êm dịu, với những âm thanh và hình ảnh báo hiệu một ngày tàn: "Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời". Trên cái nền cảnh thiên nhiên ngày tàn, đời sống của phố huyện nghèo được diễn tả theo sự thu hẹp dần của không gian: quang cảnh một phố huyện nhỏ bé, một phiên chợ tàn, một góc chợ đơn sơ rồi một quán hàng lụp xụp,…

Sự miêu tả của Thạch Lam là hoàn toàn có chủ ý. Cảnh vật như tô điểm làm sâu sắc hơn cuộc sống tù túng, lụi tàn của những kiếp người sống nghèo đói, quẩn quanh không ánh sáng, không tương lai trong xã hội cũ.

2. Bên cạnh ngày tàn, chợ tàn là những kiếp người tàn. Đầu tiên có lẽ phải kể đến chị Tí. Ngày chị mò cua bắt ốc, tối đến dọn hàng nước chè tươi, thắp một ngọn đèn dầu leo lét. Hàng vắng khách, tuy chiều nào chị cũng dọn từ chập tối cho đến đêm, nhưng cũng "chả kiếm được bao nhiêu". Một cảnh đời khác là gia đình bác xẩm. Bác xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau để trước mặt, "góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu, bật trong yên lặng". Bà cụ Thi điên thì nghiện rượu, có tiếng cười khanh khách, ghê sợ, xiêu vẹo đi vào đêm tối như một bóng ma.

>> Xem thêm:  Tuần 13 - Phong cách ngôn ngữ báo chí (tiếp theo)

Được tác giả dụng công miêu tả kĩ hơn cả có lẽ là chị em Liên. Thầy Liên bị mất việc ở Hà Nội, gia đình chuyển về quê, vì thế mà mẹ Liên mới dọn một cửa hàng tạp hoá nhỏ để hai chị em bán vặt hòng thêm thắt cho cuộc sống gia đình. "Hàng bán chẳng ăn thua gì". Cái cách Liên thương mấy đứa trẻ nghèo và suy nghĩ về gánh phở của bác Siêu như một "món quà xa xỉ" đủ để chúng ta hình dung ra cuộc sống khó khăn, eo hẹp của gia đình Liên.

Như vậy, từ. gia đình chị Tí, gia đình bác xẩm đến cụ Thi điên và cả hai chị em Liên, mỗi người mỗi cảnh nhưng họ đều có chung sự buồn chán và mỏi mòn. Điều đáng nói là, cuộc sống vốn đã buồn tẻ nhưng nó lại cứ lặp đi lặp lại một cách đơn điệu và quẩn quanh mãi. Ngày qua ngày, vẫn bấy nhiêu con người ấy, vẫn những công việc tẻ nhạt ấy. Thật đáng thương xót biết bao.

Song điều đáng nói là dù cuộc sống nhàm chán, nhưng những người dân phố huyện vẫn hi vọng, dù hi vọng đó rất mơ hồ ("một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”). Chính sự mong đợi mơ hồ này dường như càng tô đậm thêm tình cảnh tội nghiệp của những nhân vật trong truyện. Họ sống đấy nhưng đâu biết ngày mai cuộc sống của mình sẽ ra sao và đi về đâu! Một niềm xót thương da diết của Thạch Lam thể hiện kín đáo ngay trong cách dựng người, dựng cảnh và ở cái giọng văn đều đều, chậm buồn của ông.

3. Tâm trạng của hai đứa trẻ trước khung cảnh thiên nhiên và bức tranh đời sống nơi phố huyện được Thạch Lam khéo léo miêu tả một cách tinh tế và sâu sắc.

Ngồi trước cửa hàng, chị em Liên cảm nhận về buổi chiều quê bằng những cảm giác rất riêng, vừa buồn, vừa gắn bó. Có lẽ chính bởi thế mà Liên mới cảm thấy cái "mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc" là "cái mùi riêng của đất, của quê hương này". Hoà hợp, gần gũi với thiên nhiên, hai đứa trẻ đã phát hiện ra bao biến thái tinh vi của nó: "An và Liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông". Tâm hồn của chúng dường như có sự giao cảm, giao hoà với cây cỏ quê hương: "Qua kẽ lá của cành bàng, ngàn sao vẫn lấp lánh; một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa bàng rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một. Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu".

>> Xem thêm:  Phân tích ý nghĩa của câu chuyện Hoa hồng tặng mẹ: "Anh dừng lại tiệm bán hoa... trao tận tay bà bó hoa" (Theo Quà tặng cuộc sống, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2003)

An và Liên lặng lẽ quan sát những gì đang diễn ra ở phố huyện với một cảm giác buồn mênh mang. Chúng xót xa, cảm thông chia sẻ với những kiếp người nhỏ nhoi sống lay lắt trong bóng tối cơ cực, đói nghèo mà kì thực chính cuộc sống của chúng cũng buồn tẻ và vô vị như thế. Liên và An chắc cũng mơ màng nhận ra điều ấy, phải chăng chính vì thế mà đêm nào hai chị em cũng cố thức để đợi chuyến tàu muộn của đêm.

4. Dù đã "buồn ngủ ríu cả mắt", nhưng Liên vẫn cố chờ chuyến tàu đêm. Còn An thì dù đã nằm ngủ vẫn không quên dặn chị gọi dậy khi đoàn tàu đi qua. Hai chị em cố thức không phải để cố bán được hàng mà chỉ vì "muốn được nhìn chuyến tàu, đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya", vì với hai đứa trẻ, con tàu đâu chỉ là con tàu. Nó là cả một thế giới khác – "Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn với các vầng sáng của ngọn đèn chị Tí và ánh lửa của bác Siêu". Có lẽ chính bởi vậy mà chuyến tàu được Thạch Lam tập trung bút lực miêu tả một cách tỉ mỉ, kĩ lưỡng theo trình tự thời gian, qua tâm trạng chờ mong của hai nhân vật An và Liên.

Dấu hiệu đầu tiên của đoàn tàu là người gác ghi. Tiếp theo, Liên trông thấy "ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi", rồi tiếng còi xe lửa "kéo dài ra theo gió". Rồi "hai chị em nghe thấy tiếng dồn dập, xe rít mạnh vào ghi", kèm theo "một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa, tiếp đến tiếng hành khách ồn ào". Thế rồi, "tàu rầm rộ đi tới", "các toa đèn sáng trưng", "những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh". Cuối cùng là cảnh tàu đi vào đêm "để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt", "chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre",…

Đối với chị em Liên và cả với người dân phố huyện nghèo khổ này nữa, chuyến tàu đêm là biểu tượng của sự sống mạnh mẽ, sự giàu sang, rực rỡ và ánh sáng. Nó đối lập với cuộc sống mòn mỏi, nghèo nàn, tối tăm và quẩn quanh của người dân phố huyện. Riêng đối với chị em Liên, chuyến tàu đêm còn gợi nhớ về những kỉ niệm của ngày xưa sung sướng tại Hà Nội, khi thầy chưa mất việc.

>> Xem thêm:  Tuần 8- Thao tác lập luận so sánh

Phố huyện rầm rộ lên trong chốc lát rồi lại chìm sâu vào trong bóng đêm yên tĩnh. Và đáng nói hơn: những người dân phố huyện chỉ chính thức chấm dứt hoạt động khi chuyến tàu đêm đi qua. Qua tâm trạng đợi tàu của Liên, Thạch Lam như muốn lay tỉnh những con người đang buồn chán, đang sống quẩn quanh, lam lũ hãy cố vươn tới điều gì đó tốt đẹp hơn ở tương lai.

5. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả và giọng văn của Thạch Lam trong truyện:

– Đây là một truyện ngắn miêu tả rất tinh tế sự biến thái của cảnh vật và diễn biến tâm trạng của nhân vật (nhất là nhân vật Liên). Cách miêu tả này góp phần quan trọng vào việc tạo nên không khí cho tác phẩm.

– Giọng văn của Thạch Lam nhẹ nhàng, điềm tĩnh, khách quan; lời văn bình dị nhưng luôn ẩn hiện một tình cảm xót thương đối với những con người nghèo khổ, phải sống quanh quẩn, lam lũ, tối tăm. Giọng văn góp phần tích cực vào việc tạo nên một truyện ngắn giàu sắc thái trữ tình và đậm chất thơ.

6. Qua truyện ngắn này, Thạch Lam muốn thể hiện một cách nhẹ nhàng và thấm thía niềm xót thương đối với những kiếp người sống cơ cực, quẩn quanh ở phố huyện nghèo trước Cách mạng. Đồng thời, ông cũng thể hiện sự trân trọng đối với ước mong vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn của họ. Truyện thể hiện một tư tưởng nhân đạo sâu sắc, đáng trân trọng.

III – HƯỚNG DẪN LUỴỆN TẬP

1. Truyện có nhiều nhân vật và chi tiết gợi ấn tượng sâu sắc. Có thể chọn:

– Một trong các nhân vật: chị Tí, Liên, An, bác Siêu, bà cụ Thi,…

– Một trong các chi tiết: đoàn tàu, bóng tối và ánh sáng, âm thanh, hình ảnh Hà Nội xa xăm trong tưởng tượng của Liên,…

Điều quan trọng là đưa ra được những lí giải hợp lí. Lí giải cần gắn với chủ đề tư tưởng của truyện.

2. Hai đứa trẻ là một trong những truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam, điều đó thể hiện ở:

– Những trang viết vừa đậm đà yếu tố hiện thực vừa phảng phất chất lãng mạn, chất thơ.

– Đặc biệt, truyện tiêu biểu cho loại truyện tâm tình của Thạch Lam (cái tình người chân chất nhẹ nhàng thấm sâu khắp thiên truyện; tập trung chú ý tới thế giới nội tâm của nhân vật; lối kể chuyện thủ thỉ như tâm sự với người đọc).

Mai Thu

Bài viết liên quan