[Văn mẫu học trò] Hãy phân tích tác hại của căn bệnh thiếu trung thực trong thi cử. Theo anh chị phải làm thế nào để khắc phục được thái độ đó?


[Văn mẫu học trò] Hãy phân tích tác hại của căn bệnh thiếu trung thực trong thi cử. Theo anh chị phải làm thế nào để khắc phục được thái độ đó?

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

Hành vi thiếu trung thực trong thi cử ngày càng phổ biến và đang trở thành một vấn nạn gây xôn xao dư luận.

2. Thân bài:

a. Giải thích:

Thiếu trung thực trong thi cử là hiện tượng học sinh gian lận, quay cóp, giở tài liệu, xem bài của nhau,… trong giờ kiểm tra, thi cử.

=>  Một trong những biểu hiện của hiện tượng tiêu cực trong nền giáo dục, trở thành một phần không thể thiếu đang ăn sâu, lan rộng vào tiềm thức của học sinh hiện nay.

b. Tác hại:

– Khiến bản thân người học sinh thiếu hụt kiến thức trầm trọng.

– Là hành vi vi phạm nguyên tắc đạo đức của người đi học, là mầm mống ăn mòn nhân cách con người và đời sống xã hội.

c. Biểu hiện:

– Giở tài liệu, nhìn bài, nhắc bài,…

– Copy tài liệu vào điện thoại, máy tính cá nhân, máy ghi âm, sử dụng tai nghe bluetooth có dạng khuyên tai,…

d. Nguyên nhân:

– Học sinh đi học nhưng không xác định đúng đắn mục đích và mục tiêu của việc học là để làm gì.

– Có những học sinh ham muốn điểm số, chạy theo thành tích, mong muốn một bảng điểm hoàn hảo để đối phó với những kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, nhà trường dành cho mình.

– Do những ham muốn dẫn đầu, những áp đặt của cha mẹ, thầy cô, do những người đứng đầu cứ mãi loay hoay với những vấn đề học phí, cải cách nên vô tình đặt lên vai con em mình một áp lực không hề nhỏ khiến nhiều bạn cảm thấy mệt mỏi và đánh cược mình trong trò chơi gian lận.

e. Cách khắc phục:

– Đòi hỏi ở người học sinh sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, phải xác định đúng đắn mục đích học tập của mình để từ đó tìm ra phương pháp học tập hiệu quả nhất.

– Những vị lãnh đạo, các thầy cô giáo, cha mẹ cũng hãy cùng nỗ lực với các bạn học sinh, đưa ra những chiến lược, mục đích đúng đắn và trước hết, phải truyền cho học sinh tinh thần học tập, mục đích của học tập là tích lũy tri thức để có thể tồn tại, phát triển và tự khẳng định bản thân.

>> Xem thêm:  Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu từng viết: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương’’ (truyện Lục Vân Tiên). Anh (chị) hiểu ý thơ trên như thế nào? Hãy viết bài văn bàn về “lẽ ghét thương” trong cuộc sống hàng ngày

3. Kết bài:

Thi cử là cơ hội để mỗi người được kiểm nghiệm thực chất năng lực bản thân và là tiêu chí để chọn ra những người có thực tài, thực tâm để đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Do vậy, một hành vi thiếu trung thực cũng đủ đánh đổ tất cả. Vì thế, cả cộng đồng hãy cùng chung tay nói không với gian lận trong thi cử.

phan tich tac hai benh thieu trung thuc trong thi cu - [Văn mẫu học trò] Hãy phân tích tác hại của căn bệnh thiếu trung thực trong thi cử. Theo anh chị phải làm thế nào để khắc phục được thái độ đó?

Hãy phân tích tác hại của căn bệnh thiếu trung thực trong thi cử

Bài văn tham khảo

“Học như bơi thuyền ngược nước, không tiến sẽ phải lùi” nhưng không ai muốn “ lùi” mà xét về năng lực thì không thể “ tiến” nên rất nhiều bạn học sinh ngày nay chọn cách “tiến” dễ dàng hơn là có hành vi thiếu trung thực trong thi cử. Hành vi này ngày càng phổ biến và đang trở thành một vấn nạn gây xôn xao dư luận.

 Thiếu trung thực trong thi cử là hiện tượng học sinh gian lận, quay cóp, giở tài liệu, xem bài của nhau,… trong giờ kiểm tra, thi cử. Đây có thể xem là một trong những biểu hiện của hiện tượng tiêu cực trong nền giáo dục, trở thành một phần không thể thiếu đang ăn sâu, lan rộng vào tiềm thức của học sinh hiện nay.

Thiếu trung thực trong thi cử một phần nào đó mang đến cho học sinh những lợi ích nhất thời. Lợi ích đó là những con điểm chín, điểm mười, những danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi,… Nhưng nó cũng mang đến cho chính các bạn, cả gia đình, xã hội, thậm chí là cả đất nước những hậu quả lâu dài và đặc biệt nghiêm trọng. Gian lận, bạn có thể đạt điểm chín, điểm mười, nhưng dù vậy, đó chỉ là những con số ảo mà bạn đang đánh lừa chính mình, đánh lừa sự tin tưởng, niềm hi vọng của cha mẹ, thầy cô, những người luôn mong muốn bạn thành công, đỗ đạt. Gian lận trong thi cử, có lẽ chính bạn cũng nhận ra bản thân mình thiếu hụt kiến thức trầm trọng nhưng bạn có nghĩ đến việc sau này khi rời ghế nhà trường, bạn sẽ hoà nhập và đi kịp tiến trình phát triển của xã hội bằng cách nào hay không?

>> Xem thêm:  Phân tích giá trị của câu hỏi tu từ trong đoạn thơ sau: “Mơ khách đương xa, khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra/ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà?” (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mạc Tử)

Đôi lúc chúng ta chủ quan cho rằng, gian lận một chút cũng chẳng sao mà nào biết, đó là hành vi vi phạm nguyên tắc đạo đức của người đi học, là mầm mống ăn mòn nhân cách con người và đời sống xã hội. Thói quen bắt đầu từ hành vi. Tính cách gieo mầm từ thói quen. Và số phận lại hình thành từ tính cách. Cho nên, từ một hành động nhỏ là thiếu trung thực trong một vài giờ kiểm tra có thể dẫn tới hình thành thói dối trá, giả tạo, làm đảo lộn giá trị xã hội, kìm hãm sự phát triển của cộng đồng. Hãy thử nghĩ một nền giáo dục đào tạo ra một thế hệ trẻ chỉ biết gian lận thì chắc chắn những người trẻ ấy sẽ mang theo cái đầu rỗng tuếch và suy nghĩ dối trá đi vào đời khiến đất nước sẽ mãi chìm trong sự lạc hậu, suy yếu, thậm chí là diệt vong.

 Tất nhiên, thiếu trung thực trong thi cử khiến không ít thí sinh bị đình chỉ thi, bị kỉ luật,… Thế nhưng vấn nạn này vẫn phổ biến và ngày càng có thêm những thủ thuật tinh vi. Không đơn giản là giở tài liệu, nhìn bài, nhắc bài,…gian lận thi cử đi theo sự phát triển của thời đại công nghệ hiện đại giúp học sinh có thêm những hành vi tinh vi khó phát hiện. Các bạn có thể copy tài liệu vào điện thoại, máy tính cá nhân, máy ghi âm, sử dụng tai nghe bluetooth có dạng khuyên tai,… một cách thoải mái mà không bị thầy cô, giám thị phát hiện. Vấn đề đặt ra cho chúng ta, tại sao những hành vi gian lận ấy ngày càng bị phát hiện nhiều, xử phạt nặng nhưng học sinh vẫn “ hưởng ứng” một cách tích cực và rầm rộ?

Có lẽ bởi học sinh đi học nhưng không xác định đúng đắn mục đích và mục tiêu của việc học là để làm gì, học như thế nào nên dẫn đến lười nhác, ỷ lại và dẫn đến hành động thiếu trung thực trong thi cử. Một phần cũng bởi có những học sinh ham muốn điểm số, chạy theo thành tích, mong muốn một bảng điểm hoàn hảo để trước nhất đánh lừa mình và sau đó là đối phó với những kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, nhà trường dành cho mình. Nhưng chưa hết, chính những ham muốn dẫn đầu, những áp đặt của cha mẹ, những thầy cô chỉ quan tâm đến tỉ lệ lên lớp, tỉ lệ tốt nghiệp,…do những người đứng đầu cứ mãi loay hoay với những vấn đề học phí, cải cách sách giáo khoa, cải cách quy chế vô tình đặt lên vai con em mình một áp lực không hề nhỏ khiến nhiều bạn cảm thấy mệt mỏi và đánh cược mình trong trò chơi gian lận. Cũng từ đó, vấn nạn thiếu trung thực của học sinh ngày càng lan rộng.

>> Xem thêm:  Phân tích bài ”Chiều hôm nhớ nhà” của Bà Huyện Thanh Quan

Để giải quyết vấn nạn này, đòi hỏi rất nhiều ở người học sinh sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ. Năng lực của mỗi người có hạn nhưng thành công lại đến từ sự cố gắng. Quan trọng là các bạn phải xác định đúng đắn mục đích học tập của mình để từ đó tìm ra phương pháp học tập hiệu quả nhất. Trước một bài văn, bài toán khó không được phép nản chí, các bạn hãy để lòng tự trọng của bản thân lên tiếng trước những biểu hiện tiêu cực trong học tập, thi cử. Chúng ta luôn phải nhớ rằng, đừng bao giờ học vì thành tích, hãy học vì đam mê bạn mới có thể lĩnh hội thế giới mênh mông của tri thức. Những vị lãnh đạo, các thầy cô giáo, cha mẹ cũng hãy cùng nỗ lực với các bạn học sinh, đưa ra những chiến lược, mục đích đúng đắn và trước hết, phải truyền cho học sinh tinh thần học tập, mục đích của học tập là tích lũy tri thức để có thể tồn tại, phát triển và tự khẳng định bản thân.

Thi cử là cơ hội để mỗi người được kiểm nghiệm thực chất năng lực bản thân và là tiêu chí để chọn ra những người có thực tài, thực tâm để đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Do vậy, một hành vi thiếu trung thực cũng đủ đánh đổ tất cả. Vì thế, cả cộng đồng hãy cùng chung tay nói không với gian lận trong thi cử.

Bùi Thị Chung

Bài viết liên quan