[Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Hầu trời của Tản Đà


[Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Hầu trời của Tản Đà

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

Tản Đà được mệnh danh là “ con người của hai thế kỷ” ( Hoài Thanh). Do đó, các tác phẩm thơ văn của Tản Đà có thể xem là gạch nối của hai thời đại văn học với tác phẩm tiêu biểu là bài thơ “ Hầu trời”.

2. Thân bài:

2.1. Sức hấp dẫn của bài thơ Hầu trời

– Cách mở đầu hợp lí, tự nhiên:

“ Đêm qua chẳng biết có hay không

Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng

Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!

Thật được lên trên – sướng lạ lùng.”

+ Tác giả kể cho người đọc câu chuyện về một giấc mơ. Thi sĩ đang tự hỏi mình có hay không, thật hay mơ. Từ câu thơ thứ hai, nhà thơ quyết liệt nghiêng về câu trả lời theo hướng khẳng định “ Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng”. Chưa đủ, ông còn lặp lại từ “ thật” đến bốn lần tạo nên cảm giác thật của cảm xúc và cái thật của khát vọng.

=> Cảm xúc còn rất thời sự, mới chỉ là chuyện của đêm qua. Cách mở đầu như vậy dễ tạo nên sức hấp dẫn, đưa người đọc từ thế giới thực nhập vào giấc mơ với những cảm xúc lãng mạn của Tản Đà.

– Những nhân vật tham gia vào cuộc hầu trời đều hiện lên rõ ràng có thể không tên hoặc có tên. Thời gian nhà trời, không gian và cách bày trí đều được miêu tả bài bản. Các nhân vật của tiên giới cũng bộc lộ cảm xúc một cách rõ nét khi nghe Tản Đà đọc thơ

– quan hệ giữa thi sĩ và các nhân vật trong chuyện ban đầu còn có khoảng cách nhưng khi tiếng thơ bắt đầu cất lên thì chỉ còn quan hệ giữa tác giả và những người đọc nhiệt thành, phấn khích.

=> Bài thơ “ Hầu trời” là một câu chuyện hư cấu thú vị, hấp dẫn, đầu cuối hợp lí cùng với đó là tài kể chuyện tự nhiên, hóm hĩnh, có phần ngông nghênh, tự đắc. Thái độ ngông nghênh dường như được tác giả phóng đại có ý thức. Đây chính là biểu hiện của cái tôi cá nhân trong thơ Tản Đà.

2.2. Cái tôi Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu

– Nhà thơ công khai, đắc ý, có phần ngông nghênh khi viết về cái tài của mình.

– Tác giả tự tôi cái tài của mình qua thái độ trầm trồ, thán phục của các chư tiên để chứng minh cho các vị chư tiên thấy bút lực dồi dào, khả năng sáng tạo nhiều thể loại của mình.

-> Tự khen chính là bản chất, biểu hiện của một nhà thơ ý thức rất rõ tài năng của mình và khẳng định được tài năng của mình với người khác.

– Chính nhà thơ cũng đã ghi dấu ấn con người cá nhân của mình qua cách xưng danh: xưng tên thật chứ không phải tên hiệu, tên chữ, sự hiện diện của nó là ở giữa sông núi của vùng đất nước Nam Việt.

>> Xem thêm:  Phân tích bài thơ “Thề non nước” của thi sĩ Tản Đà

-> thái độ tự tôn dân tộc, một tình cảm non nước rất đáng trọng. Không chỉ vậy, nhà thơ còn ý thức về ý thức về thiên chức của người nghệ sĩ khi tự xưng là trích tiên với xứ mệnh truyền bá thiên lương xuống hạ giới thể hiện quan niệm của tác giả về nghề văn: văn chương trở thành một nghề kiếm sống có người mua kẻ bán, có thị trường tiêu thụ. Nhà văn ý thức được trách nhiệm của người cầm bút chính là có lối sống phong phú, chuyên tâm với nghề, mạch văn dồi dào…

3. Kết bài:

– Tác phẩm bộc lộ tâm tình của Tản Đà về một trần thế tủn mủn đầy những gai góc, những nỗi lo toan không thể giam hãm một hồn thơ bay bổng, phóng khoáng bởi thế, “ Hầu trời” chính là cơ hội để nhà thơ thể hiện tài năng. Thế nhưng, con người ấy chỉ có thể tìm thấy tri âm, tri kỉ ở tận cõi trời cao, bởi vì, ngay giữa cuộc đời, thi sĩ là một người hoàn toàn cô độc. Đây chính là biểu hiện của sự thoát li để mở ra một thời đại mới bùng nổ sau này – phong trào thơ Mới.

phan tich bai tho hau troi tan da - [Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Hầu trời của Tản Đà

Phân tích bài thơ Hầu trời

Làm bài

Tản Đà được mệnh danh là “ con người của hai thế kỷ” ( Hoài Thanh). Được mệnh danh như vậy bởi lẽ, ông xuất thân trong gia đình quan lại phong kiến nhưng lại sống theo phương thức của tầng lớp tiểu tư sản thành thị là “ bán văn buôn chữ kiếm tiền tiêu”. Tuy là một nhà nho nhưng ông ít chịu khép mình trong khuôn phép Nho gia, ông ham học hỏi tinh hoa văn hoá nước ngoài, văn chương theo thể loại cũ nhưng nguồn cảm hứng lại mới mẻ. Do đó, các tác phẩm thơ văn của Tản Đà có thể xem là gạch nối của hai thời đại văn học với tác phẩm tiêu biểu là bài thơ “ Hầu trời”.

Bài thơ “ Hầu trời” được in trong tập “ Còn chơi” xuất bản đầu năm 1921 kể về một câu chuyện hầu trời ảo mộng mà thực đến hấp dẫn. Sức hấp dẫn ấy được thể hiện đầu tiên ở cách mở đầu hợp lí, tự nhiên:

“ Đêm qua chẳng biết có hay không

Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng

Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!

Thật được lên trên – sướng lạ lùng.”

Tác giả kể cho người đọc câu chuyện về một giấc mơ. Cảm giác bâng khuâng bàng hoàng của người đi ra từ trong mộng xuất hiện dấu hiệu nghi vấn ở câu thơ thứ nhất. Thi sĩ đang tự hỏi mình có hay không, thật hay mơ. Từ câu thơ thứ hai, nhà thơ quyết liệt nghiêng về câu trả lời theo hướng khẳng định “ Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng”. Chưa đủ, ông còn lặp lại từ “ thật” đến bốn lần tạo nên cảm giác thật của cảm xúc và cái thật của khát vọng. Cảm xúc ấy còn rất thời sự, mới chỉ là chuyện của đêm qua. Cách mở đầu như vậy dễ tạo nên sức hấp dẫn, đưa người đọc từ thế giới thực nhập vào giấc mơ với những cảm xúc lãng mạn của Tản Đà.

Những nhân vật tham gia vào cuộc hầu trời đều hiện lên rõ ràng có thể không tên hoặc có tên như hai cô tiên, chư tiên, Tâm ,Cơ, Hằng Nga, Chức Nữ, Song Thành, Tiểu Ngọc,… Thời gian nhà trời, không gian và cách bày trí đều được miêu tả bài bản. Các nhân vật của tiên giới cũng bộc lộ cảm xúc một cách rõ nét khi nghe Tản Đà đọc thơ:

“ Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi

Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày

Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng

Đọc xong mỗi bài cùng vỗ tay.”

“ Trời nghe Trời cũng bật buồn cười

Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:

Anh gánh lên đây bán chợ trời!”

Bên cạnh đó, quan hệ giữa thi sĩ và các nhân vật trong chuyện ban đầu còn có khoảng cách nhưng khi tiếng thơ bắt đầu cất lên, hào hứng, say sưa thì chỉ còn quan hệ giữa tác giả và những người đọc nhiệt thành, phấn khích. Họ không ngần ngại gọi thi sĩ là “ anh”, trời không còn quyền uy mà trần tình vỗ về an ủi:

“ Trời rằng: không phải là Trời đày

Trời định sai con một việc này

Là việc thiên lương của nhân vật

Cho con xuống thuật cùng đời hay.”

Bài thơ “ Hầu trời” là một câu chuyện hư cấu thú vị, hấp dẫn, đầu cuối hợp lí cùng với đó là tài kể chuyện tự nhiên, hóm hĩnh, có phần ngông nghênh, tự đắc. Tạo tứ thơ dưới dạng một câu chuyện kể cùng với chất liệu ngôn ngữ gần gũi với đời sống chính là bước chuyển mình giữa thơ trữ tình điệu ngâm trong văn học trung đại sang thơ trữ tình điệu nói của văn học hiện đại. Thái độ ngông nghênh dường như được tác giả phóng đại có ý thức. Đây chính là biểu hiện của cái tôi cá nhân trong thơ Tản Đà.

Cái tôi Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã được thể hiện rõ qua màn hầu trời. Nhà thơ công khai, đắc ý, có phần ngông nghênh khi viết về cái tài của mình:

“ Văn dài hơi tốt ran cung mây!

Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay.”

“ Văn đã giàu thay lại lắm lối

Trời nghe Trời cũng bật buồn cười!”

Tác giả tự tôi cái tài của mình qua thái độ trầm trồ, thán phục của các chư tiên:

“ Trời lại phê cho: Văn thật tuyệt!

Văn trần được thế chắc có ít!

Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!

Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!

Êm như gió thoảng, tinh như sương!

Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!”

để chứng minh cho các vị chư tiên thấy bút lực dồi dào, khả năng sáng tạo nhiều thể loại của mình:

>> Xem thêm:  Nghị luận về học đi đôi với hành.

“ Những áng văn con in cả rồi

Hai quyển Khối tình văn thuyết lí

Hai Khối tình con là văn chơi

Thần tiền, Giấc mộng văn tiểu thuyết

Đài gương, Lên sáu văn vị đời

Quyển Đàn bà Tàu lối văn dịch

Đến quyển lên tám nay là mười.”

Tự khen chính là bản chất, biểu hiện của một nhà thơ ý thức rất rõ tài năng của mình và khẳng định được tài năng của mình với người khác. Đó là “ thái độ khẳng định bản ngã lừng lững phi phong kiến. Cái văn phong ngông ngạo hoàn toàn xa lạ với đức khiêm cung của người quân tử” ( Văn Tâm). Chính nhà thơ cũng đã ghi dấu ấn con người cá nhân của mình qua cách xưng danh:

“ Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn

Quê ở Á châu về Địa cầu

Sông Đà núi Tản nước Nam Việt.”

Nhà thơ xưng tên thật chứ không phải tên hiệu, tên chữ, sự hiện diện của nó là ở giữa sông núi của vùng đất nước Nam Việt. Trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, lòng tự hào kiêu hãnh tự xưng của Tản Đà chính là một thái độ tự tôn dân tộc, một tình cảm non nước rất đáng trọng. Không chỉ vậy, nhà thơ còn ý thức về ý thức về thiên chức của người nghệ sĩ khi tự xưng là trích tiên với xứ mệnh truyền bá thiên lương xuống hạ giới:

“ Trời định sai con một việc này

Là việc thiên lương của nhân loại

Cho con xuống thuật cùng đời hay.”

Việc tự xưng trích tiên với xứ mệnh truyền bá thiên lương của Tản Đà đã thể hiện quan niệm của tác giả về nghề văn: văn chương trở thành một nghề kiếm sống có người mua kẻ bán, có thị trường tiêu thụ. Nhà văn ý thức được trách nhiệm của người cầm bút chính là có lối sống phong phú, chuyên tâm với nghề, mạch văn dồi dào…

Cuộc hầu trời thế giới tưởng tượng của tác giả phần nào bộc lộ tâm tình của Tản Đà về một trần thế tủn mủn đầy những gai góc, những nỗi lo toan không thể giam hãm một hồn thơ bay bổng, phóng khoáng bởi thế, “ Hầu trời” chính là cơ hội để nhà thơ thể hiện tài năng. Thế nhưng, con người ấy chỉ có thể tìm thấy tri âm, tri kỉ ở tận cõi trời cao, bởi vì, ngay giữa cuộc đời, thi sĩ là một người hoàn toàn cô độc. Đây chính là biểu hiện của sự thoát li để mở ra một thời đại mới bùng nổ sau này – phong trào thơ Mới.

Bùi Thị Chung

Bài viết liên quan