[Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu


[Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

Dẫn dắt giới thiệu tác giả Phan Bội Châu, tác phẩm “ Lưu biệt khi xuất dương”.

2. Thân bài

2.1. Giới thiệu tác giả:

– “ Bậc anh hùng, vị thiên sứ được hai mươi triệu đồng bào trong vòng nô lệ tôn sùng” (Nguyễn Ái Quốc)

– Đại diện tiêu biểu cho đội ngũ nhà cách mạng dùng thơ văn như một vũ khí chiến đấu hiệu quả. Cuộc đời ông là minh chứng cho lí tưởng “ chí nam nhi”.

2.2. Giới thiệu đôi nét về tác phẩm:

– Hoàn cảnh lịch sử:

+ Dân tộc rơi vào vòng đô hộ của thực dân Pháp.

+ Phong trào Cần Vương thất bại

+ Ảnh hưởng Tân thư

-> Thế hệ nhà nho đi tìm lí tưởng mới trong đó có phong trào Đông du của Phan Bội Châu.

– Bài thơ ra đời trước lúc nhà thơ lên đường sang Nhật.

– Bài thơ được làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật dưới hình thức cổ điển nhưng tứ thơ, khí thơ và cảm hứng lại rất hiện đại, là sản phẩm của tinh thần nhà nho tiên tiến đầu thế kỷ XX.

2.3. Phân tích bài thơ:

Quan niệm mới về chí làm trai và tầm vóc, tư thế của con người trong vũ trụ: (2 câu đầu)

– Chí làm trai trong quan niệm của các nhà nho xưa: đấng nam nhi phải tung hoành ngang dọc, lập nên công danh, sự nghiệp vững vàng.

– Chí làm trai theo quan niệm của Phan Bội Châu:

+ Làm những điều lớn lao, phi thường

+ Làm chủ lịch sử, làm chủ cuộc đời, làm chủ trời đất.

+ Con người là ngang hàng với vũ trụ

Ý thức, trách nhiệm cá nhân trước thời cuộc (2 câu tiếp):

– Câu thơ thứ 3 dịch chữ “ta” thành tớ làm mất đi sự trịnh trọng, đường hoàng của ý thơ và sự chắc chắn của âm điệu

– “Ta” được đặt ngang hàng với “ khoảng trăm năm” khẳng định trách nhiệm cái tôi với ngày hôm nay của đất nước và ngày mai của lịch sử.

Thái độ quyết liệt trước tình cảnh đất nước và những tín điều xưa cũ (2 câu tiếp):

– Thể hiện quyết tâm và khí tiết của người chiến sĩ: lí tưởng ra đi tìm đường cứu nước, sống với thời cuộc, bỏ thói hiếu danh để rửa nhục cho nước nhà.

– Câu thơ còn thể hiện nỗi xót xa, ngậm ngùi trước cảnh nước mất nhà tan và khinh thường kẻ chỉ biết đọc sách thánh hiền.

Khát vọng hành động và tư thế buổi lên đường ( 2 câu cuối):

– Câu thơ thể hiện sự đổi mới trong hành động: cứu nước bằng cách hướng ngoại, đi Nhật với “ tất cả chí hướng của thế hệ trí thức yêu nước đã nhằm vào một mục tiêu vĩ đại: khôi phục nước nhà.

– Hình ảnh thơ lãng mạn làm rõ chí lớn nhà cách mạng hiên ngang, ngạo nghễ, sánh cùng sóng bạc.

– Bài thơ khép lại trong niềm hứng khởi, lạc quan.

=> Bài thơ có ý nghĩa động viên, khích lệ tầng lớp thanh niên đương thời và là một lẽ sống đẹp, bài học làm người có giá trị.

3. Kết bài:

– Sự thành công trong thể thơ, hình thức chữ Hán cổ điển, ngôn ngữ giàu sức gợi, hình ảnh thơ bay bổng…đã góp phần làm nên sức lôi cuốn mạnh mẽ cho bài thơ.

– Tác phẩm là khúc tráng ca của thời đại đau thương nhưng đáng tự hào của dân tộc Việt Nam tạo nên giá trị bất hủ của “ Lưu biệt khi xuất dương”.

>> Xem thêm:  Tri thức là sức mạnh. Hãy bình luận ý kiến trên

phan tich bai tho luu biet khi xuat duong - [Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu

Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương

Bài văn tham khảo

Trong dòng lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, cái tên Phan Bội Châu gắn liền với phong trào Đông du đã không còn xa lạ với những người con đất Việt. Vì lí tưởng của đấng nam nhi, ông khơi dòng chảy cho hoạt động yêu nước, vận động thanh niên lên đường hướng ngoại để học tập giúp dân, cứu nước. Bài thơ “ Lưu biệt khi xuất dương” được ra đời trong hoàn cảnh ấy khi nhà thơ chia tay lên đường sang Nhật.

Phan Bội Châu, một “bậc anh hùng, vị thiên sứ được hai mươi triệu đồng bào trong vòng nô lệ tôn sùng” (Nguyễn Ái Quốc) là đại diện tiêu biểu cho đội ngũ nhà cách mạng dùng thơ văn như một vũ khí chiến đấu hiệu quả nhất. Cuộc đời ông là minh chứng cho lí tưởng “ chí nam nhi” của các bậc quân tử phương Đông một thời, mạnh mẽ, nhiệt huyết sôi trào và khát vọng giải phóng dân tộc luôn sục sôi. Nói như Lỗ Tấn “ phàm chảy ra từ mạch máu là máu”. Con người Phan Bội Châu chất chứa máu yêu nước nên lời nói ra không tránh được lời yêu nước. Tác phẩm “ Lưu biệt khi xuất dương” như vậy cũng thấm đượm tình yêu nước ngay từ ý thơ đầu tiên.

Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh đất nước chìm trong vòng nô lệ khốn cùng của thực dân Pháp. Phong trào Cần Vương thất bại, đất nước tao loạn, dân chúng lầm than, luân lí đạo đức xã hội bị đảo lộn cùng không khí đổi mới do ảnh hưởng của Tân thư đã đánh thức truyền thống quật cường, thức tỉnh cả một lớp nhà nho nhiệt huyết cùng tập hợp chống Pháp. Họ thoát ly gia đình, xuất dương đi Nhật, đi Tàu. Và trong phong trào ấy, Phan  Bội Châu là người đứng đầu. Trước lúc ra đi, ông làm bài ““ Lưu biệt khi xuất dương” để tỏ chí, tỏ lòng và thôi thúc thế hệ thanh niên lên đường giúp nước.

Tác phẩm được làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật dưới hình thức cổ điển nhưng tứ thơ, khí thơ và cảm hứng lại rất hiện đại, là sản phẩm của tinh thần nhà nho tiên tiến đầu thế kỷ XX. Đó là những con người với quan niệm mới về chí làm trai, về tư thế, tầm vóc của con người trong vũ trụ:

“Sinh vi nam tử yếu hi kì,

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.”

(Làm trai phải lạ ở trên đời

Há để càn khôn tự chuyển dời.)

Mở đầu bài thơ, Phan Bội Châu trực tiếp thể hiện một lí tưởng đẹp, một khát vọng lớn. Đó là lí tưởng nhập thế tích cực, lí tưởng nhân sinh về chí làm trai, về trách nhiệm và sứ mệnh của một đấng nam nhi. Theo quan niệm của người xưa, đã làm trai thì phải tung hoành ngang dọc, đội trời đạp đất, có chí lớn và sức mạnh để lập nên sự nghiệp anh hùng. Lời thơ Nguyễn Công Trứ đã viết hộ cha ông ta về đạo, về chí hướng nam nhi:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông.”

Đến Phan Bội Châu, chí nam nhi đã nâng lên tầm khái quát, tiến bộ hơn. Bởi với ông, trong thời đại dân tộc còn chìm trong vòng nô lệ, chí làm trai chính là chủ động tiến hành sự nghiệp cứu nước. Nhà thơ đặt con người ngang tầm với càn khôn vũ trụ và những con người ngang tầm vũ trụ ấy là người nam tử phải làm nên chuyện lạ, nghĩa là can thiệp vào sự chuyển xoay của trời đất, chủ động chuyển vần thời thế chứ không phải để nó tự chuyển di như Đặng Dung từng chua chát: “ vận khí anh hùng ẩm hận đa” ( vận đã hết thì anh hùng cũng chỉ đành nuốt hận mà thôi). Cái ý chí dám xoay vần thời thế ấy là kết quả của sự tự tin, dám nghĩ dám làm và tinh thần lạc quan của các nhà chí sĩ cách mạng Duy tân.

>> Xem thêm:  Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tương tư của nhà thơ của đồng nội Nguyễn Bính

Chính bởi lí tưởng cao đẹp ấy, Phan Bội Châu lưu biệt, xuất dương đi tìm hướng đi giải phóng cho dân tộc. Lí tưởng được đúc kết thành trách nhiệm, ý thức cá nhân đặt mình bình đẳng với bao cá nhân khác để cùng gánh vác trọng trách với đất nước:

“Ư bách niên trung tư hữu ngã

Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy”

( Trong khoảng trăm năm cần có tớ

Sau này muôn thuở, há không ai?)

Câu thơ “ Trong khoảng trăm năm cần có tớ” dịch từ “ ngã” thành “ tớ” chưa thật sát với ý thơ “Ư bách niên trung tư hữu ngã” mà “ ngã” nghĩa là “ ta”. “ Tớ” tuy trẻ trung, hăm hở nhưng lại làm mất đi sự trịnh trọng đường hoàng về một lời tuyên bố lẽ sống, tư thế vào đời của đấng nam nhi. Dịch “ ta” thành “ tớ” thoạt đọc có vẻ thanh thoát, êm tai nhưng âm điệu chắc chắn của lời tuyên bố lại mất đi phần nào. Nhà thơ tuyên bố ý thức trách nhiệm của cái tôi cá nhân được đặt ngang hàng với “ khoảng trăm năm” khẳng định trách nhiệm bản thân với vận mệnh hôm nay của đất nước và nghĩa vụ với ngày mai của lịch sử.

Ở hai câu thực, Phan Bội Châu khẳng định chí làm trai gắn liền với cái tôi trách nhiệm đáng kính. Không chỉ thể hiện ý thức cá nhân, ông mong muốn những bậc nam tử khác cùng gánh vác sứ mệnh thiêng liêng lâu dài. Ý thức ấy, mong muốn ấy là tư thế của con người có chí lớn, muốn vươn tới đỉnh cao của lịch sử, phóng tầm mắt tới nghìn đời sau. Và tư thế ấy còn được khẳng định hiên ngang hơn nữa ở hai câu luận:

“ Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế

Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si!”

( Non sông đã chết, sống thêm nhục,

Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!)

Với Phan Bội Châu, số phận con người gắn liền với vận mệnh đất nước, cái tôi chung hoà trong cái ta rộng lớn nên ông nguyện cùng sống chết với non sông. Trong thời buổi dân tộc mất tự do, chủ quyền bị xâm hại, dân chúng khổ cực, lầm than thì mọi thứ văn chương cử tử, chữ thánh hiền đều trở nên vô nghĩa. Nước mất nhà tan đồng nghĩa với việc anh hùng chịu nhục nên việc cấp thiết lúc này là từ bỏ nền Nho học cũ kĩ, lạc hậu, từ bỏ sự nghiệp khoa cử để “ Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần… Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ.”

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta mang theo luồng văn hóa phương Tây xa lạ với nhiều điều mới mẻ nhưng không ít đồi bại gây nên sự xáo trộn mạnh mẽ trong nền đạo đức, luân lí xã hội. Bởi vậy, non sông không chỉ bị chà đạp mà mọi giá trị về đạo đức, luân lí xã hội cũng bị đảo lộn. Trước tình cảnh ấy, người chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu không khỏi đau lòng, xót xa đồng thời khinh thường với những kẻ chỉ biết đọc sách thánh hiền trong lúc nước nhà lầm than.

>> Xem thêm:  Chính tả: Nhớ - viết: Ê-mi-li, con - Luyện tập đánh dấu thanh (Các tiếng chứa ươ / ưa)

Trong câu thơ, tác giả nói về mình nhưng cũng là nói cho cả một thế hệ, cả một dân tộc đang chuyển mình theo một lí tưởng cứu nước mới, phù hợp với thời đại mới. Lí tưởng cách tân, mới mẻ, tiến bộ ấy có ý nghĩa tiên phong so với thời đại, là kết tinh của tinh thần dân tộc cao độ, nhiệt huyết cứu nước sục sôi và sự tiếp nhận đúng đắn luồng ý thức mới của những nhà cách mạng. Từ lí tưởng, ý thức quyết liệt trước tình cảnh đất nước, nhà thơ quyết tâm hành động là ra đi tìm đường cứu nước:

“ Nguyện trục trường phong Đông hải khứ

Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.”

( Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.)

Hai câu kết kết thúc bài thơ nhưng mở ra một khát vọng hành động đẹp đẽ và tư thế buổi lên đường mạnh mẽ, hiên ngang của người chí sĩ cách mạng tìm ra con đường đúng đắn để cứu nước giúp dân. Ông hướng về phía Đông, hướng về nước Nhật, ra đi với một quyết tâm cao độ, một khí thế hùng dũng và tràn đầy tự tin. Ta đã từng bắt gặp khí thế ấy, sự hùng dũng ấy trong buổi ra đi của Từ Hải trong kiệt tác “ Truyện Kiều”:

“Dứt lời quyết áo ra đi

Gió mây bằng đã đến kì dặm phơi.”

Phan Bội Châu cũng như Từ Hải, ra đi đầy khí phách, vừa hào hùng vừa lãng mạn trong hình ảnh thơ bay bổng “ trường phong”, “ bạch lãng”. “ Trường phong”, “ bạch lãng” nghĩa là gió dài, sóng bạc – ẩn dụ cho bao khó khăn, nguy hiểm trên con đường hoạt động cách mạng. Thế nhưng, người hào kiệt không sợ sóng gió mà xem chúng là lửa để thử thách ý chí. Con người ra khơi cùng gió, cùng sóng, cùng tư thế hiên ngang, ngạo nghễ được ngàn đợt sóng bạc nâng đỡ, bay lên “nhất tề phi”. Bài thơ kết lại trong niềm hứng khởi vô biên, trong niềm lạc quan phấn khởi trong con người của thời đại mới.

Bài thơ “ Lưu biệt khi xuất dương” là khúc tráng ca đúc kết mọi quan niệm, chí hướng làm trai và hành động cao đẹp vì lí tưởng giải phóng dân tộc của người chí sĩ Phan Bội Châu. Do vậy, tác phẩm còn mang đến một lẽ sống đẹp, bài học làm người giá trị có ý nghĩa động viên, khích lệ tầng lớp thanh niên đương thời sống với lí tưởng cứu nước, chiến đấu với lòng tin và mơ ước về một tương lai tươi sáng.

Bên cạnh khẩu khí của bậc trượng phu đội trời đạp đất, sự thành công trong thể thơ, hình thức chữ Hán cổ điển, ngôn ngữ giàu sức gợi, hình ảnh thơ bay bổng…cũng đã góp phần không nhỏ làm nên sức lôi cuốn mạnh mẽ cho bài thơ. Nội dung ý nghĩa cùng nghệ thuật độc đáo đã làm nên tác phẩm “ Lưu biệt khi xuất dương” là khúc tráng ca của thời đại đau thương nhưng đáng tự hào. Qua đó tạo nên giá trị bất hủ cho tác phẩm và tên tuổi Phan Bội Châu sống mãi với dân tộc.

Bùi Thị Chung

Bài viết liên quan