[Văn mẫu học trò] Phân tích nhân cách nhà nho chân chính trong bài thơ Bài ca ngắn đi trên cát của Cao Bá Quát


[Văn mẫu học trò] Phân tích nhân cách nhà nho chân chính trong bài thơ Bài ca ngắn đi trên cát của Cao Bá Quát

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

Dẫn dắt giới thiệu tác giả, tác phẩm: Bài thơ “ Bài ca ngắn đi trên bãi cát” đã bộc lộ nhân cách nhà nho chân chính qua sự chán ghét con đường danh lợi tầm thường cùng khát vọng thay đổi cuộc sống của Cao Bá Quát.

2. Thân bài:

2.1. Tác giả, tác phẩm:

– Cao Bá Quát là người tài năng, đức độ.

– Từng ra làm quan cho triều đình rồi từ quan và tham gia lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên chống lại triều đình mục rỗng, bất công.

– Nhân cách nhà nho chân chính không chịu khuất phục trước danh lợi và những thứ đê hèn. Trong tác phẩm “ Bài ca ngắn đi trên bãi cát”, nhân cách cao đẹp ấy đã được thể hiện rõ ở nỗi niềm day dứt về một hành trình đi tìm lí tưởng sống cho riêng mình và niềm mong muốn được thay đổi cuộc sống của nhà thơ.

2.2 Nhân cách nhà nho chân chính:

– Tìm kiếm công danh để xứng với chí nam nhi:

+ “ Trường sa phục trường sa

Nhất bộ nhất hồi khước

Nhật nhập hành vị dĩ

Khách tử lệ giao lạc.”

Con đường công danh gian nan, vất vả nhưng nhân vật “ khách” vẫn tất tả đi, khao khát “ học được tiên ông phép ngủ” để đạt được công danh bởi, công danh quyến rũ như rượu ngon đầy cám dỗ, không ai có thể cầm lòng trước hương rượu thơm.

=> Quan niệm đúng muôn đời: con người luôn không ngừng đua chen để đạt lấy danh lợi.

-Nhận thức được con đường công danh là bãi cát dài mênh mông, mờ mịt trong bế tắc, tuyệt vọng:

“ Trường sa, trường sa nại cự hà?

Thản lộ mang mang úy lộ đa

Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca

Bắc sơn chi bắc sơn vạn điệp

Nam sơn chi nam ba vạn cấp

Quân hồ vi hồ sa thượng lập?”

+ Phân vân, bế tắc trong tuyệt vọng khi con đường danh lợi đầy những ghê sợ, tăm tối.

Qua hình tượng “ khách”, Cao Bá Quát đã bộc lộ tâm sự của cái tôi cá nhân cá thể, điều còn ít thấy trong văn học trung đại. Nhà thơ cũng đã rất dụng công khi lựa chọn thể thơ phóng khoáng, giàu nhịp điệu, không bị gò bó số câu, số chữ, niêm luật,…của thể tự do với nhiều hình ảnh, từ ngữ giàu sức gợi mà hàm súc, cô đọng để từ đó kín đáo gửi gắm nỗi niềm thay đổi cuộc sống và xã hội đương thời. Cuối cùng, thi nhân cũng tìm ra con đường riêng cho mình là cùng nhân dân đứng lên chống lại cường quyền, quan tham để xứng đáng với nhân cách một nhà nho chân chính.

>> Xem thêm:  Anh (chị) hãy viết một bài văn ngắn bàn về vấn đề: Thanh niên, học sinh cần làm gì để giảm thiểu tai nạn giao thông

3. Kết bài:

“ Bài ca ngắn đi trên bãi cát” ra đời trong thời gian Cao Bá Quát còn luẩn quẩn trong vòng danh lợi rối ren, bất trắc. Nhưng rồi bằng nhân cách một nhà nho chân chính, ông đã kiên quyết đứng ra khỏi vòng danh lợi tầm thường để đứng lên cùng nhân dân chống lại triều đình xấu xa. Tuy phải trả giá bằng án tru di tam tộc oan nghiệt nhưng nhân cách cao đẹp của Cao Bá Quát vẫn còn sống mãi đến ngày hôm nay để mỗi người dân Việt Nam mãi trân trọng, tôn kính.

nha cach nha nho chan chinh - [Văn mẫu học trò] Phân tích nhân cách nhà nho chân chính trong bài thơ Bài ca ngắn đi trên cát của Cao Bá Quát

Phân tích nhân cách nhà nho chân chính

Bài văn tham khảo

Cao Bá Quát tuy tài năng xuất chúng, nhân cách cứng cỏi nhưng lại sinh lầm thời nên cuộc đời ông trở thành một chuỗi những lận đận, bế tắc. Cuộc đời đầy chông gai và bất trắc ấy trở thành nỗi niềm trĩu nặng trong tác phẩm “ Bài ca ngắn đi trên bãi cát”. Bài thơ đã bộc lộ nhân cách nhà nho chân chính qua sự chán ghét con đường danh lợi tầm thường “ mảnh giấy làm nên thân giáp bảng” cùng khát vọng thay đổi cuộc sống của người trí thức “ nhất sinh đê thủ bái mai hoa”.

Cao Bá Quát là người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình nhà nho danh tiếng, ông đã sớm nổi tiếng là người tài năng, đức độ. Từng ra làm quan cho triều đình nhà Nguyễn nhưng vốn tài đức vẹn toàn, nhân cách cứng cỏi, cương trực, ông bị đẩy ra khỏi kinh đô rồi từ quan và tham gia lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên chống lại triều đình mục rỗng, bất công chỉ lo ăn chơi sa đọa. Con người liêm chính, trong sạch của ông được mọi người biết đến và trân trọng qua hai câu thơ:

“ Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.”

( Mười năm rong ruổi tìm kiếm báu

Một đời chỉ cúi lạy hoa mai.)

Cúi lạy hoa mai nghĩa là chỉ cúi đầu khuất phục trước cái đẹp, cái cao cả, cái thanh sạch. Cái cúi đầu ấy của Cao Bá Quát không làm cho người ta xem thường mà là cái cúi đầu khiến người ta thêm trân trọng một nhân cách nhà nho chân chính không chịu khuất phục trước danh lợi và những thứ đê hèn. Trong tác phẩm “ Bài ca ngắn đi trên bãi cát”, nhân cách cao đẹp ấy đã được thể hiện rõ ở nỗi niềm day dứt về một hành trình đi tìm lí tưởng sống cho riêng mình và niềm mong muốn được thay đổi cuộc sống của nhà thơ.

>> Xem thêm:  Soạn bài: Tuần 19 - Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học

Mở đầu tác phẩm, người đọc dễ dàng nhận ra một hình tượng nhân vật trữ tình – một con người cô đơn, lẻ loi như người bộ hành lạc lõng giữa sa mạc nắng cháy:

“ Trường sa phục trường sa

Nhất bộ nhất hồi khước

Nhật nhập hành vị dĩ

Khách tử lệ giao lạc.”

Bao trùm toàn bài thơ là tâm trạng bế tắc không lối thoát được thể hiện bằng hình ảnh bãi cát và con đường có ý nghĩa biểu tượng cao. Hình ảnh “ bãi cát dài” nối tiếp “ bãi cát dài” là tượng trưng cho con đường công danh, đường đời đầy khó khăn, gian khổ. Con người đi giữa bãi cát dài nhỏ nhoi, mệt mỏi chẳng khác gì một người bộ hành lạc giữa sa mạc. Càng đưa tay kiếm tìm nguồn nước, con người càng thất vọng khi nhận ra đó chỉ là ảo ảnh, chỉ là con đường mãi mãi không có lối ra. Bởi vậy, con người nước mắt lã chả tuôn rơi, mỗi bước tiến về phía trước mà như lùi lại phía sau.

Tuy con đường gian nan, vất vả là thế, nhân vật “ khách” vẫn tất tả đi, vẫn khao khát “ học được tiên ông phép ngủ” để gạt bỏ bon chen mà cất bước cho thanh thản. Nhưng, không thể học tiên ông phép ngủ, người khách chẳng thể nguôi đi nỗi đời. Dẫu vậy, anh vẫn cứ đi dầu vất vả, cứ đi dầu bế tắc bởi lẽ, công danh quyến rũ như rượu ngon đầy cám dỗ, không ai có thể cầm lòng trước hương rượu thơm:

“ Phong tiền tửu điếm hữu mĩ tửu

Tỉnh gỉa thường thiểu túy giả đồng.”

Câu thơ đã khái quát lên một quan niệm đúng đắn cho muôn đời: con người luôn không ngừng đua chen để đạt lấy danh lợi. Danh lợi như rượu ngon đầy quyến rũ, chỉ cần gửi thấy hương rượu thơm bao kẻ đã say và không thể cầm lòng. Do vậy, kẻ say danh lợi là vô kể còn người tỉnh thì chẳng bao nhiêu. Cũng do say danh lợi, con người vẫn cứ bước đi trên bãi cát dài mênh mông, mờ mịt trong bế tắc, tuyệt vọng:

>> Xem thêm:  Hãy chứng minh câu tục ngữ: Hợp quần gây sức mạnh

“ Trường sa, trường sa nại cự hà?

Thản lộ mang mang úy lộ đa

Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca

Bắc sơn chi bắc sơn vạn điệp

Nam sơn chi nam ba vạn cấp

Quân hồ vi hồ sa thượng lập?”

Con người phân vân, bế tắc trong tuyệt vọng khi con đường danh lợi đầy những ghê sợ, tăm tối. “ Trường sa, trường sa nại cự hà?”, bãi cát dài lại bãi cát dài nối tiếp nhau không ngừng nghỉ. Bốn bề đều bao phủ, mịt mùng trong biển cát. Người khách bước đến phía Bắc, phía Nam để tìm lối ra nhưng càng tìm càng bế tắc. Anh bước đến phía Bắc là núi Bắc muôn trùng không lối thoát. Anh bước đến phía Nam là núi Nam bủa vây bởi sóng nước muôn đợt. Nhân vật “ khách” đi trên đường đời như lạc lõng giữa bãi cát miên man trải dài đến vô tận, không lối thoát. Nhân vật “ khách” hay cũng chính là Cao Bá Quát đã từng loay hoay trong vòng danh lợi của chế độ khoa cử, đã từng băn khoăn khi đi trên con đường quen thuộc “ tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của các bậc trượng phu.

Qua hình tượng “ khách”, Cao Bá Quát đã bộc lộ tâm sự của cái tôi cá nhân cá thể, điều còn ít thấy trong văn học trung đại. Nhà thơ cũng đã rất dụng công khi lựa chọn thể thơ phóng khoáng, giàu nhịp điệu, không bị gò bó số câu, số chữ, niêm luật,…của thể tự do với nhiều hình ảnh, từ ngữ giàu sức gợi mà hàm súc, cô đọng để từ đó kín đáo gửi gắm nỗi niềm thay đổi cuộc sống và xã hội đương thời. Cuối cùng, thi nhân cũng tìm ra con đường riêng cho mình là cùng nhân dân đứng lên chống lại cường quyền, quan tham để xứng đáng với nhân cách một nhà nho chân chính.

Bài thơ “ Bài ca ngắn đi trên bãi cát” được ra đời trong thời gian Cao Bá Quát còn luẩn quẩn vướng bận trong vòng danh lợi rối ren, bất trắc. Nhưng rồi bằng nhân cách một nhà nho chân chính có đầy đủ tài và đức, ông đã kiên quyết đứng ra khỏi vòng danh lợi tầm thường để đứng lên cùng nhân dân chống lại triều đình xấu xa. Tuy phải trả giá bằng án tru di tam tộc oan nghiệt nhưng nhân cách cao đẹp của Cao Bá Quát vẫn còn sống mãi đến ngày hôm nay để mỗi người dân Việt Nam mãi trân trọng, tôn kính.

Bùi Thị Chung

Bài viết liên quan