[Văn mẫu học trò] Phân tích nhân vật Chí Phèo qua truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao


[Văn mẫu học trò] Phân tích nhân vật Chí Phèo qua truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

Dẫn dắt giới thiệu nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao: Chí Phèo là đại diện cho tầng lớp nhân dân trong xã hội Việt Nam những năm trước cách mạng bị chà đạp dẫn đến tha hóa cả nhân hình lẫn nhân tính.

2. Thân bài

2.1. Giới thiệu quan niệm văn chương và phong cách nghệ thuật của nhà văn.

– Quan niệm văn chương: nghệ thuật là sự thật ở đời, thể hiện giá trị nhân đạo và đòi hỏi người nghệ sĩ phải có thực tài, thực tâm.

– Phong cách: biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật, viết đề tài nhỏ nhưng ẩn chứa nhiều triết lý, giọng điệu dửng dưng lạnh lùng nhưng đằm thắm yêu thương.

2.2. Giới thiệu đôi nét về tác phẩm:

– Là tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Nam Cao.

– Xây dựng thành công nhân vật Chí Phèo đã đưa Nam Cao bước vào văn đàn và ngang hàng với các tên tuổi đàn anh như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… Bởi nhà văn đã khai thác Chí là đỉnh cao của nạn nhân bị tha hóa cả nhân hình và nhân tính. Qua đó tố cáo và tìm lại giá trị tốt đẹp trong nhân phẩm con người.

2.3. Phân tích nhân vật Chí Phèo:

“ Con số không đã bao trùm lên lá số tử vi của Chí Phèo”:

– Bị bỏ rơi, bị truyền tay, bị bóc lột sức lao động, bị chà đạp nhân phẩm, bị đẩy vào tù.

=>  Dự báo cuộc đời cô đơn, bất hạnh.

Chí Phèo tha hoá:

– Tha hoá nhân hình: Điệu bộ, hình dạng của một tên đầu bò chính cống.

– Tha hoá nhân tính:

+ Từ một thanh niên hiền như đất trở thành một tên lưu manh.(say, đánh nhau với Lý Cường, đập chai, lăn lộn, la làng, lấy mảnh chai cào vào mặt)

+ Từ thằng lưu manh đến con quỉ dữ của làng Vũ Đại:

  • Trở thành công cụ giết người, tay sai cho Bá Kiến
  • Triền miên trong cơn say
  • Mặt Chí không còn là mặt người, mà là mặt của một con vật lạ… Chí chính thức trở thành con quỉ dữ của làng Vũ Đại, bị cả làng cự tuyệt quyền làm người.

Quá trình hồi sinh:

– Tỉnh rượu

– Tỉnh ngộ:

+ Nhớ về quá khứ, nghĩ đến hiện tại và tương lai

+ Từ ngạc nhiên xúc động đến khát khao hoàn lương và mong ước hạnh phúc (khi Thị Nở xuất hiện với nồi cháo hành còn nóng)

+ Chí cảm nhận được tình yêu của Thị Nở, thấy thị có duyên

=>  Tình yêu dành cho Thị Nở không đơn thuần là tình yêu dành cho một tình phụ nữ mà còn là tình yêu dành cho cuộc đời, cho con người và khát khao được hoàn lương.

Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người:

– Thị Nở đem tất cả lời bà cô trút vào mặt Chí: thâý thú vị, lắc lư đầu cười -> ngẩn người -> gọi lại -> bị Thị gạt ra, dúi cho một cái

– Thị Nở đi:

+ Chí uống rượu rồi ôm mặt khóc rưng rức

+ Phẫn uất, tuyệt vọng. Chí xách dao định đâm chết bà cô Thị Nở nhưng bước chân lại đưa Chí đến nhà Bá Kiến -> Chí đâm chết Bá Kiến rồi tự sát.

+ Hành động đâm chết Bá Kiến rồi tự sát là một quy luật tất yếu. Qua đó tố cáo xã hội mạnh mẽ và thể hiện mối xung đột giai cấp của nông thôn Việt Nam trước cách mạng với quy luật tất yếu “ tức nước vỡ bờ”

>> Xem thêm:  Cảm nhận của Anh/Chị về chi tiết “bát cháo hành" mà nhân vật Thị Nở mang cho Chí Phèo (“Chí Phèo" - Nam Cao) và chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm" mà nhân vật Từ dành sẵn cho Hộ (“Đời thừa" - Nam Cao)

3. Kết bài:

Văn học, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết

=>  nhân vật Chí Phèo, tác phẩm “Chí Phèo” là minh chứng cho sự bất tử đó.

phan tich nhan vat chi pheo - [Văn mẫu học trò] Phân tích nhân vật Chí Phèo qua truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao

Phân tích nhân vật Chí Phèo

Bài văn tham khảo

Con người đến với văn chương từ muôn vạn nẻo đường, trên mọi cung bậc cảm xúc nhưng tiêu điểm mà con người hướng đến vẫn là con người. Một tác phẩm trác việt thực sự chính là viết về con người, làm bất hủ sự sống nhân vật. Tác phẩm “ Chí Phèo” của Nam Cao đã trở thành tác phẩm trác việt khi làm sống mãi trong lòng người đọc hình ảnh nhân vật Chí Phèo là đại diện cho tầng lớp nhân dân trong xã hội Việt Nam những năm trước cách mạng bị chà đạp dẫn đến tha hóa cả nhân hình lẫn nhân tính.

Với Nam Cao, văn học chân chính bao giờ cũng là sự thật ở đời, đòi hỏi người nghệ sĩ dùng thực tài, thực tâm thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc để hướng đến con người, vì con người mà lên tiếng. Bởi lẽ, “nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”.

Chính quan niệm sáng tác mới mẻ đã giúp Nam Cao có chân cảm và hướng ngòi bút vào những con người ở tầng lớp dân nghèo. Ông thường viết về những cái xoàng xĩnh, nhỏ nhặt nhưng đằng sau đó là những triết lý nhân sinh sâu sắc. Viết về con người, ông đi sâu vào khám phá thế giới “ con người bên trong con người” theo kết cấu, mạch tự sự đảo lộn không gian, thời gian bằng một giọng văn dửng dưng, lạnh lùng nhưng chân chứa yêu thương, đằm thắm tình cảm. Tác phẩm “ Chí Phèo” chính là tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật này của Nam Cao.

“Chí Phèo” là tác phẩm viết về đề tài người nông dân, một đề tài cũ của dòng văn hiện thực phê phán trước cách mạng. Trước Nam Cao, đã có Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan,… là những đại diện tiêu biểu viết về người nông dân là đại diện cho mọi khổ đau của con người, là nạn nhân bất lực của xã hội. Nhưng, Chí Phèo vẫn sống vì nhà văn đã khai thác đến đỉnh cao của nạn nhân: bị tha hóa cả nhân hình và nhân tính. Qua đó, nhà văn sâu cay tố cáo xã hội tàn nhẫn và mong muốn tìm lại giá trị tốt đẹp trong phẩm chất người nông dân.

Ngay từ khi mới sinh ra, “ con số không đã bao trùm lên lá số tử vi của Chí Phèo” ( Nguyễn Đăng Suyền). Hắn sinh ra đã bị bỏ rơi, như một món hàng truyền tay từ kẻ này sang kẻ khác, từ tay anh đi thả ống lươn, bà goá mù, bác phó cối đến tay gia đình Bá Kiến rồi lại vào tù vì cơn ghen vu vơ của cụ Bá. Xã hội bất công đã cướp đi của Chí một người mẹ, một người cha, bỏ hắn lại bên cái lò gạch cũ, mở ra một số phận bi kịch không chỉ bị bóc lột về sức lao động mà còn bị chà đạp về nhân phẩm khi bà Ba gọi lên bóp chân mà cứ bắt bóp lên nữa… Có lẽ vì vậy, nhà văn gợi mở về quá khứ Chí Phèo bằng đầu tiên toàn từ “ một”: “ một anh đi thả ống lươn”, “ một buổi sáng tinh sương”, “ một cái váy đụp”, “ một bà goá mù” như dự báo một cuộc đời đầy cô đơn, bất hạnh.

>> Xem thêm:  Cảnh vườn quê hiện lên thật đẹp nhưng lại thấm đượm nỗi buồn da diết bâng khuâng trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Phân tích bài thơ để chứng tỏ điều đó

Bảy, tám năm sau Chí trở về làng ngật ngưỡng bước đi như một tên lưu manh, một tên đầu bò chính cống. Hắn “ đặc như một thằng săng đá”. Cái răng cạo trắng hớn, ngực chạm trổ rồng phượng và một ông tướng cầm chùy, mặt cơng cơng, mắt gườm gườm trông gớm chết.

Mới về hôm trước, hôm sau người ta đã thấy Chí ngồi uống rượu với thịt chó từ trưa đến xế chiều rồi xách chai đến nhà Bá Kiến trả thù. Hắn chửi cả nhà cụ Bá, đánh nhau với Lý Cường rồi bất ngờ đập chai vào cột cổng, rạch mặt, lăn lóc ăn vạ. Nhưng rồi, hắn bị Bá Kiến dụ dỗ và trở thành tay sai đắc lực trong tay cụ Bá. Hắn triền miên trong cơn say, ăn trong lúc say,ngủ trong lúc say, thức dậy hãy còn say để rồi say nữa, say vô tận. Hắn làm mọi việc trong lúc say và làm bất cứ thứ gì người ta sai hắn. Hắn ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại những người dân lương thiện, “ hắn phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của biết bao người dân lương thiện”. Cái mặt hắn vàng vàng mà muốn xạm mầu gio, đó không còn là mặt người mà là mặt một con quỉ dữ vằn dọc ngang không biết bao nhiêu là sẹo…

Chí Phèo đã chính thức trở thành con quỉ dữ của làng Vũ Đại. Hắn không chỉ bán đi bộ mặt mà giờ đây, hắn còn bán cả linh hồn cho quỉ dữ. Hắn bị tất cả mọi người xa lánh, bị cả xã hội cự tuyệt quyền làm người. Hắn chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại nhưng chẳng ai chửi lại với hắn, đáp lại chỉ là những tiếng chó sủa. Hắn đành chửi đứa nào sinh ra hắn cũng là chửi chính bản thân mình. Nỗi đau thân phận, nỗi cô đơn tột cùng được dồn nén trong tiếng chửi như một nỗi niềm khắc khoải khao khát được giao tiếp. Nhưng cả làng Vũ Đại không ai cho hắn làm người. Hắn bước đi lảo đảo thảm hại dưới trăng – một biểu hiện của sự mất thăng bằng toàn diện và dữ dội. Tâm hồn Chí như cơn lắc đơn trong thời kì dao động mạnh mẽ nhất của tâm, sinh lí trong các thái cực đối nghịch nhau. Sợi dây cuộc đời mỏng manh, hai vực sáng tối nhập nhoè trong cơn say, cái ác như con thú dữ há ngoác miệng sẵn sàng nuốt cả con người Chí.

Bước chân lảo đảo thảm hại dưới trăng đưa Chí đến gặp Thị Nở và mở ra một chương mới cho cuộc đời tăm tối của Chí. Người đàn bà gàn dở ấy đã giúp Chí tỉnh rượu, tỉnh ngộ và khao khát trở về làm người lương thiện. Lần đầu tiên trong cuộc đời, hắn nhận ra cái lều ẩm thấp của mình. Lần đầu tiên hắn cảm nhận được thanh âm của cuộc sống, tiếng chim hót, tiếng người nói, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Lần đầu tiên hắn nhận thức được quá khứ, hiện tại, tương lai của hắn. Quá khứ là mơ ước có một gia đình nhỏ, chồng cuốc mướn, vợ dệt vải. Hiện tại là ốm đau, bệnh tật. Và tương lai là cô độc… Hắn thấy sợ. Hắn mong muốn được trở về làm người lương thiện. Hắn muốn sống trọn vẹn là một con người trong khoảng còn lại của cái dốc bên kia cuộc đời.

Thị Nở vào với một nồi cháo hành còn nóng nguyên khiến Chí ngạc nhiên, xúc động rồi ăn năn mong muốn được lương thiện. Lần đầu tiên hắn được cho mà không phải doạ nạt hay cướp giật, lần đầu tiên hắn được chăm sóc bởi tay một người đàn bà và cũng là lần đầu tiên, hắn được nếm thử cháo hành để nhận ra cháo hành ăn rất ngon. Hắn cảm động, hắn muốn làm hòa với mọi người, hắn thấy lòng mình thành trẻ con và muốn làm nũng với thị như với mẹ. Hắn thấy yêu thị, cảm thấy thị có duyên. Tình yêu của Chí không đơn thuần là tình yêu dành cho một người phụ nữ mà còn là tình đời, tình người. Thị Nở là chiếc cầu nối để Chí trở về với xã hội loài người.

>> Xem thêm:  Tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh được sáng tác trong hoàn cảnh nào? Hãy trình bày ngắn gọn những nội dung chính của tác phẩm này

Thị Nở là vị thiên sứ mà Nam Cao đã phái tới để đánh thức cuộc đời Chí Phèo. Thị cùng tình yêu của thị gửi gắm trong bát cháo hành như một liều thuốc kháng sinh mạnh trong một ca phẫu thuật ghê người, như chiếc tháng từ bi cứu vớ cuộc đời Chí khỏi vực thẳm, như một bản lề khẽ xoay ngang mở ra một quyết định mới của cuộc đời tuy cứu được một tâm hồn nhưng không thay đổi được số phận.

Thị Nở vốn dở hơi. Ở với Chí năm hôm đến hôm thứ sáu thị bỗng nhớ rằng mình có một người cô ở đời. Thị nghĩ “ hãy dừng yêu để hỏi cô thị đã”. Bà cô hoảng hốt. Bà uất ức. Bà chua xót. “ Ai lại đi lấy thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ.” “ Ai lại đi lấy thằng Chí Phèo!”. Thế rồi, Thị Nở đến và mang tất cả lời bà cô chửi vào mặt Chí. Ban đầu, hắn thấy thú vị quá, lắc lư cái đầu cười. Nhưng rồi hiểu ra, hắn ngẩn người, chạy tới níu tay thị nhưng bị gạt ra, Chí đau đớn tìm đến rượu để khoả lấp nỗi buồn. Nhưng càng uống càng tỉnh. Tỉnh, chao ôi buồn. Hắn ôm mặt ngồi khóc rưng rức như một đứa trẻ bị cướp giật là tột cùng của nỗi đau thân phận không thể kìm nén.

Phẫn uất, tuyệt vọng, Chí xách dao đến định đâm chết bà cô Thị Nở nhưng tiềm thức sâu xa nhận ra kẻ gây ra mọi bi kịch là Bá Kiến, Chí đến, đâm chết Bá Kiến rồi tự tử. Chí Phèo, từ một kẻ mất trí, là tay sai đắc lực của bọn thống trị giờ đây trở thành người nô lệ thức tỉnh, là một đầu óc sáng suốt nhất của làng Vũ Đại khi đặt ra những câu hỏi có tầm khái quát cao vượt ra khỏi sự gian xảo của Bá Kiến: “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào để mất hết những mảnh chai trên mặt này? Tao không thể trở thành người lương thiện nữa…”

Hành động giết Bá Kiến rồi tự sát là một quy luật tất yếu. Đó là tột cùng của nỗi bế tắc, tuyệt vọng, là lối giải thoát duy nhất cho cuộc đời Chí. Ngòi bút tỉnh táo, sắc lạnh của nhà văn đã báo hiệu cho hắn biết kẻ thù bây giờ của hắn là cả một xã hội vô nhân tính và cái chết là sự lựa chọn duy nhất. Qua đó, Nam Cao mạnh mẽ tố cáo chế độ xã hội bất công và thể hiện mối xung đột giai cấp gay gắt của nông thôn Việt Nam trước cách mạng với quy luật tất yếu “ tức nước vỡ bờ”.

Sêđrin từng khẳng định: “ Văn học, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.” Tác phẩm “ Chí Phèo” với hình tượng nhân vật Chí Phèo chính là một biểu hiện của sự bất tử của nền văn học Việt Nam.

Bùi Thị Chung

Bài viết liên quan