[Văn mẫu học trò] Suy nghĩ về ý kiến: Hễ làm người thì quý thẳng mà làm thơ thì quý cong


Đề bài: Nhà lí luận văn học Viên Mai (Trung Quốc) cho rằng:

“Hễ làm người thì quý thẳng mà làm thơ thì quý cong.”

Em hiểu như thế nào về ý kiến trên ?

Bằng trải nghiệm văn học, em hãy làm sáng tỏ sức cong của hai bài thơ trong chương trình Ngữ Văn THCS để làm sáng tỏ ý kiến.

(Trích Đề thi Học sinh giỏi Văn 9 Thừa Thiên Huế, năm học 2017-2018, câu 2_12 điểm)

Hướng dẫn viết bài

Yêu cầu về kĩ năng

– Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học, vận dụng tốt các thao tác lập luận;

– Bài viết đảm bảo bố cục ba phần, rõ ràng, mạch lạc; diễn đạt trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể có những cách cảm nhận khác nhau, nhưng phải đảm bảo các ý cơ bản sau:

Giải thích ý kiến

– Hễ làm người thì quý thẳng: có nghĩa đề cao, coi trọng phẩm chất trung thực, ngay thẳng ở con người.

– Làm thơ văn thì quý cong:

+ “Cong” là cách nói hàm ẩn để chỉ  lối bộc lộ gián tiếp, ý tại ngôn ngoại, tính chất hàm súc, đa nghĩa trong văn chương.

+ Nói “làm thơ văn quý  ở cong” có nghĩa là sự lôi cuốn, sức hấp dẫn, giá trị đích thực của thơ văn không nằm lộ ngay trên bề mặt câu chữ mà thể hiện ở cách biểu hiện đầy ẩn ý mang tính nghệ thuật, thẩm mĩ thể hiện được sự hàm súc, chiều sâu  nội dung, tư tưởng, cảm xúc của tác phẩm.

=> Như vậy, ý kiến của Viên Mai đã đề cao vai trò, đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật trong sáng tác văn chương. Sức hấp dẫn, giá trị của thơ văn là cách biểu hiện ý ở ngoài lời, tạo ra dư vị, sự liên tưởng, suy ngẫm sâu xa cho người thưởng thức.

Lí giải ý kiến: Vì sao thơ văn lại quý ở “cong”:

– Đặc trưng của văn thơ là phản ánh hiện thực qua thế giới hình tượng nghệ thuật, qua ngôn ngữ văn chương. Đặc trưng ngôn ngữ thơ văn  là hàm ẩn, hàm súc đa nghĩa. Sức hấp dẫn của thơ văn là ý ở ngoài lời, tạo dư vị, gợi liên tưởng, suy ngẫm sâu sắc cho người đọc.

– Đọc thơ văn là cả quá trình khám phá đầy bất ngờ thú vị.   Vì vậy, thơ văn “ cong” vừa có sức chuyển tải lớn, vừa tạo điều kiện cho người đọc phát huy vai trò chủ động trong cách đọc hiểu.

Trình bày vấn đề qua hai tác phẩm tự chọn :

– Thông qua việc cảm nhận hai tác phẩm thơ trong chương trình THCS, học sinh nói về sức “cong” của hai bài thơ

– Đặc biệt, bài viết cần thể hiện nhận thức về tác động của tác phẩm đối với cá nhân người viết một cách cụ thể, thiết thực, chân thành, sâu sắc.

lam nguoi quy thang lam tho quy cong - [Văn mẫu học trò] Suy nghĩ về ý kiến: Hễ làm người thì quý thẳng mà làm thơ thì quý cong

Hễ làm người thì quý thẳng mà làm thơ thì quý cong

Bài văn tham khảo

Cuộc sống và thơ ca từ xưa đã là hai đường thẳng giao nhau tại một điểm. Thơ ca phản ánh và làm giàu cho cuộc sống, cho tâm hồn con người. Tuy nhiên, giữa thơ ca và cuộc sống cũng có vài nét khác biệt. Con người quý sự ngay thẳng, rõ ràng trong khi thơ ca lại chuộng phong cách mềm mại, đa tình đa nghĩa. Hiểu rõ điều đó, nhà lí luận văn học Viên Mai khẳng định:

“Hễ làm người thì quý thẳng mà làm thơ thì quý cong.”

Câu nói của Viên Mai hàm chứa một bài học về  “làm người” và “làm thơ”. “Làm người” phải quý thẳng vì con người phải trung thực, đứng đắn, ăn nói đàng hoàng, rõ ràng. Nếu nhìn từ góc độ xã hội thì đây là chuẩn mực đạo đức, mọi người cần noi theo, học tập. Tuy nhiên, “làm thơ” lại “quý cong”, tại sao? “Cong” ở đây là sự mềm mại, uyển chuyển trong diễn đạt, ẩn chứa hàm ý trong nội dung. Có thể nói một bài thơ hay đều có một sức cong nhất định. Bởi lẽ thơ ca chuộng lối nói đã nghĩa, thướt tha. Nhà thơ Xuân Diệu từng khẳng định: “không thể tóm tắt thơ được” cũng vì lẽ đó. Thơ ca có được sức cong nhờ vào ngôn từ bóng bẩy, nội dung trau chuốt, hàm chứa nhiều ý nghĩa. Nó phản ánh cuộc sống nhưng con người không dễ dàng “tóm tắt” hay nắm bắt được. Con người phải suy tư, cảm nhận độ “cong” mĩ miều của từng vần thơ. Như vậy, Viên Mai đã khuyên con người phải sống thật ngay thẳng. Mặt khác, nhà văn cũng mong muốn những bài thơ phải có độ “cong” nhất định. Sự mềm mại, trau chuốt khiến bài thơ để lại ấn tượng đẹp trong lòng độc giả.

>> Xem thêm:  Em giải thích nội dung lời khuyên của Lê-nin: Học! Học nữa! Học mãi!

Thơ ca Việt Nam phát triển từ rất sớm. Nhiều bài thơ ra đời đã để lại mốc son chói lọi trên thi đàn dân tộc. Hậu thế tôn sùng và yêu kính từng bài thơ như vậy. Không thể phủ nhận rằng, chúng đều có những đường “cong” mĩ miều.

Bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương ra đời đã mấy trăm năm nhưng vẫn mãi lưu danh hậu thế. Bài thơ đảm bảo đúng quy cách của thơ Đường luật mà vẫn đa nghĩa đa tình:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”

Mở đầu bài thơ, hai tiếng “Thân em” vang lên nghe thật du dương. Hồ Xuân Hương có ý nhắc đến các câu ca dao xưa mà người người thường truyền miệng:

“Thân em như trái bần trôi

Gió sập sóng dồi biết tấp vào đâu.”

Nhà thơ muốn nhắc đến người phụ nữ nhưng không trực tiếp thổ lộ. Bà mượn ca dao để nhắc đến người thiếu phụ. Con đường “cong” mà bà đi chính là lối mòn mà người đọc theo bước. Người đọc ngẫm nghĩ, liên tưởng và hiểu được ý thơ hay. Cũng như điều đó, xuyên suốt bài thơ, tác giả chỉ nói về các công đoạn làm bánh trôi nước. Hai mươi tám chữ trôi đi, người đọc chưa thấy người con gái nhưng vẫn hình dung ra thân phận người thiếu phụ. Đó là sức “cong”, sức bật của thơ ca trung đại, mượn mây để vẽ trăng.

Sau cụm từ “Thân em”, hai từ “trắng” và “tròn” hiện ra thật độc đáo. Bột bánh trắng tinh, tròn trịa, đầy đặn hay chính là người phụ nữ xưa quá đẹp? Nhà thơ không chỉ rõ cái đẹp của người phụ nữ, chỉ thông qua hình dạng của bánh để gợi tả. Người đọc chạm đến độ “cong” của ngôn từ.

Câu thơ thứ hai vận dụng linh hoạt thành ngữ “Bảy nổi ba chìm”. Bánh trôi nước gần như đạt đến độ hoàn hảo khi có bảy phần nổi, ba phần chìm trong giai đoạn luộc. Nhà thơ hiểu rõ điều đó, sử dụng ngay thành ngữ để diễn tả công đoạn này. Nhưng thành ngữ luôn có điều gì muốn nói, không thuần là luộc bánh. Muốn có độ “cong” của bài thơ, nhiều khi tác giả đưa thành ngữ, điển tích vào thơ để làm ý thơ giàu hình ảnh, ý nghĩa. Hồ Xuân Hương cũng vậy, bà muốn nói về thân phận long đong lận đận của người thiếu phụ. Đó cũng là tiếng nói của hiện thực, của sự cảm thương người phụ nữ, ẩn sâu trong câu thơ của bà.

Bánh có tốt hay không còn nhờ vào người làm bánh. Hai từ “rắn”, “nát” diễn tả sự thật đó mà nghe thật bi thương, ai oán. Tiếp nối câu thơ thứ hai, câu thứ ba cũng nói về thân phận người phụ nữ. Bánh ngon hay dở là do “tay kẻ nặn”, lẽ nào người thiếu phụ cũng y nguyên như thế? Than ôi! Nhà thơ đưa vào hình ảnh nặn bánh để nói đến thân phận long đong, không có quyền hạn của người thiếu phụ. Người đọc thấy mà thương, nghĩ mà buồn. Số phận của người phụ nữ lại phải do người khác quyết định. Quả là người xưa đã nói:

“Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.”

Câu thơ cuối kết thúc với nhãn tự “son”. Đây là sắc đỏ của nhân bánh khi chín. Nhưng nhà thơ không chỉ cho người đọc ngắm nghĩa mà hãy cùng suy nghĩ. Một màu đỏ thắm tượng trưng cho tầm lòng thủy chung, đức hạnh, trinh tiết của người phụ nữ. Một nhãn tự ở cuối bài đã nói lên được phẩm chất cao quý của phụ nữ Việt Nam. Độ “cong” của câu thơ hàm chứa trong phép ẩn dụ ở từ “son”. Sức “cong” khiến người đọc trân quý tiết hạnh của người phụ nữ xưa, nhẹ nhàng mà sinh động.

Bài thơ “Bánh trôi nước” đã mang lại nhiều sức “cong” uyển chuyển, độc đáo. Giọng thơ dí dỏm, hình ản thơ độc đáo đã phần tạo nên một bài thơ đa tình đa nghĩa. Bài thơ không chỉ nói về cách làm bánh trôi nước mà còn nói lên sự thương cảm với thân phận người phụ nữ xưa. Một bài thơ với những nét “cong” mĩ miều.

Thơ ca trung đại phát triển mạnh với những đường “cong” trong nghệ thuật và nội dung. Trong kháng chiến chống Pháp, các chiến sĩ cũng tạo ra những đường “cong” ấy trên chiến  trường. Một trong những chiến sĩ tiên phong trong nền thơ chống Pháp là nhà thơ Chính Hữu. Bài thơ “Đồng chí” của ông vừa mang nét hiện thực vừa mang nét lãng mạn. Điều đó tạo ra sức “cong” đầy lí tưởng.

Những dòng thơ đầu tiên, tác giả bồi hồi nói về khởi nguyên của tình đồng chí:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ

Đồng chí!”

Hai hình ảnh sóng đôi chợt hiện ra “nước mặn đồng chua” và “đất cày lên sỏi đá” ở những dòng chữ đầu tiên. Hình ản giản dị, mộc mạc mà bi thương ấy là hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của quê hương người lính. Họ đến bên nhau, chẳng hẹn mà cũng chẳng quen. Tuy nhiên, hình ảnh “súng” và “đầu” nối tiếp nhau hiện ra khiến người đọc ngỡ ngàng, xúc động. Người lính đến với nhau thật tình cảm, đẹp đẽ. Họ đến bên nhau vì cùng chung hoàn cảnh khó khăn, vì cùng chung lí tưởng cứu nước. Cùng nhau trải qua gian khổ (“Đêm rét chung chăn”), họ đã “thành đôi tri kỉ”. Đang nói về khởi nguyên của tình đồng chí, Chính Hữu đã xúc động gọi “Đồng chí!”. Từ đây, tình đồng chí, đôi tri kỉ đã được xác lập. Họ cùng chung lí tưởng chiến đấu, sẽ cùng nhau trải qua khó khăn, hi sinh vì sự nghiệp của đất nước. Giọng thơ tha thiết, tình cảm khiến người đọc cũng bồi hồi, rung cảm. Âm thanh “Đồng chí!” cứ ngân rung lên tình cảm gắn bó, sâu sắc của người lính. Sức “cong” của đoạn thơ là giọng thơ tình cảm, là tiếng nói của tình đồng chí trong lòng nhân vật trữ tình. Ta thấy rõ độ mềm mại và tình cảm của lời thơ. Sức “cong” kì diệu làm người đọc cảm nhận được không khí của tình đồng chí trong chốn rừng núi xa xôi, heo hút. Tiếng gọi “Đồng chí!” như giai điệu trữ tình ngân vang trong lòng người với những nốt nhạc trầm mà cong.

>> Xem thêm:  Nghị luận về lòng khoan dung độ lượng trong cuộc sống lớp 9

Những dòng thơ tiếp theo, Chính Hữu viết về hoàn cảnh khó khăn của đôi đồng chí. Họ tạm thời quên đi việc nhà để lo cho việc nước. Ở chiến trường, họ cùng nhau chống chọi với sự cay nghiệt của thời tiết (“biết từng cơn ớn lạnh”), của bệnh tật (“sốt run người”),… Họ chịu đựng những gì thiếu thốn (“rách vai”, “vài mảnh vá”…). Tuy nhiên, hình ảnh của hai con người vẫn đẹp mãi ở cuối đoạn thơ:

“Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”

Biết bao khó khăn cũng bị lấn át bởi tình đồng chí cao cả. Họ vẫn mỉm cười trước gian khổ vì trong “anh” có “tôi”, trong “tôi” có “anh”. Họ không cô đơn. Hình ảnh “tay nắm lấy bàn tay” vừa là biểu hiện vừa là sức mạnh của tình đồng chí. Đó là sợi dây đồng cảm, đồng khổ không gì phá hủy được. Sức “cong” của đoạn thơ là chất liệu hiện thực của cuộc sống chiến trường, là hình ảnh hiện thực của tình đồng chí. Chính Hữu tìm thấy cái đẹp giữa sự hỗn mang đau khổ của chiến tranh để lồng ghép vào thơ. Và đó là những đường “cong” tuyệt đẹp, hiện thực nhưng quý hiếm.

Ba câu thơ cuối khẳng định sức mạnh của tình đồng chí một cách vừa hiện thực vừa lãng mạn:

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”

Họ cùng phục kích giặc giữa cái lạnh lẽo của đại ngàn. Trăng lại xuất hiện trong thơ Cách mạng. Như bao bài thơ cùng thời có sự góp mặt của trăng, bài thơ này cũng vì vậy mà có được những đường “cong” mĩ miều. “Đầu súng trăng treo” là hình ảnh mà người lính thấy được vào những đêm phục kích giặc. Qua lời thơ, hình ảnh ấy lại vô cùng lãng mạn. Súng là chiến sĩ, trăng là thi sĩ. Súng là chiến tranh, trăng là hòa bình. Súng là chất chiến đấu, trăng là chất trữ tình. Hình ảnh thơ vừa nói lên tâm hồn thi sĩ của người lính vừa thể hiện khát vọng hòa bình của mọi người. Đoạn thơ tạo ra được “sức cong”thông qua hình ảnh lãng mạn, đa nghĩa, giàu cảm xúc. Đây có thể là lí do mà Chính Hữu đã lấy hình ảnh “Đầu súng trăng treo” đặt tên cho tập thơ đầu tay.

Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu là lời nói tình cảm của người lính về tình đồng chí. Tình đồng chí xuất phát từ những khó khăn, thiếu thốn nhưng vượt qua những gian nan, thử thách để hoàn thành sự nghiệp vĩ đại. Bài thơ giản dị, đằm thắm, sâu sắc trong nội dung và lời thơ, điều đã tạo nên sức “cong” kì diệu.

Một nhà văn đã nói: “Các tác phẩm văn học nằm ngoài định luật của băng hoại. Chỉ có chúng là không thừa nhận cái chết.”. Thật vậy, các bài thơ không bao giờ “chết”. Điều đó phụ thuộc không ít vào sức “cong” mà Viên Mai đề cập. Qua hai bài thơ rất hay, ta cảm nhận sâu sắc hơn về sức “cong” của thi ca. Trong thời đại hôm nay, thi ca cần phát triển theo định hướng của Viên Mai để làm phong phú tâm tư và nhận thức con người. Thơ là tiếng nói của tâm hồn và sức “cong” biến nó thành sợi dây đàn biết chơi nhạc.

Nguyễn Đức Minh

Bài viết liên quan