Vẻ đẹp của người dân miền núi qua nhân vật A Phủ và nhân vật T nú


Đề bài: Vẻ đẹp của người dân miền núi qua nhân vật A Phủ trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài và nhân vật T nú trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm:

+ “Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Tô Hoài viết về cuộc sống và thân phận của những người lao động nghèo Tây Bắc.

+  “Rừng xà nu” là truyện ngắn mang đậm khuynh hướng sử thi của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Truyện đã dựng lên bức tranh kháng chiến hào hùng mạnh mẽ của con người Tây Nguyên anh hùng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ ở Việt Nam.

2. Thân bài

– Điểm gặp gỡ giữa hai truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” và “Rừng xà nu” là đều hướng đến phản ánh những phẩm chất tốt đẹp, sức sống mạnh mẽ kiên cường của con người.

–> Qua hình ảnh của hai nhân vật A Phủ và T nú hai người đọc còn cảm nhận được vẻ đẹp riêng của những con người miền núi.

– A Phủ trong “Vợ chồng A Phủ”:

+ A Phủ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, từ nhỏ A Phủ đã phải sống khổ cực, thiếu thốn tình thương. Khi trưởng thành A Phủ trở thành chàng trai khỏe mạnh, yêu lao động, chịu khó làm ăn, tính cách  cương trực, thẳng thắn.

+ Hình ảnh của A Phủ điển hình cho những chàng trai miền núi khỏe mạnh, giỏi lao động.

+  A Phủ nổi bật lên trong tác phẩm là con người mạnh mẽ, không sợ cường quyền

+ A Phủ là người có khát vọng sống mãnh liệt

– T nú trong “Rừng xà nu”:

+ T nú mồ côi cha mẹ từ nhỏ và lớn lên bằng tình yêu thương của cụ Mết và người dân làng Xô Man.

+ T nú nổi bật lên với tính cách gan góc, dũng cảm, mưu trí.

+ T nú gắn bó, trung thành tuyệt đối với cách mạng

+ T nú là người có tình yêu nước, tình yêu làng bản sâu sắc và lòng căm thù giặc sục sôi.

–> Những đau thương, mất mát không làm T nú gục ngã mà đã trở thành nguồn sức mạnh lớn lao để T nú chiến đấu và giành những chiến công.

>> Xem thêm:  Cảm nhận khổ 2 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

–> Hình ảnh gan dạ, kiên cường giàu tình thương, lòng yêu nước của T nú điển hình cho hình ảnh những người Tây Nguyên anh hùng, thâm trầm như đá núi nhưng mạnh mẽ như nước đầu nguồn.

3. Kết bài

A Phủ và T Nú đều là những nhân vật nổi bật trong văn học giai đoạn 1945-1975, họ đều mồ côi cha mẹ, lớn lên trong không gian núi rừng tự do, phóng khoáng. Mỗi người đều có những hoàn cảnh riêng bất hạnh, khó khăn nhưng nghị lực và sức sống tinh thần đã giúp họ vượt lên tất cả, đi theo cách mạng để bảo vệ quê hương, đất nước.

II. Bài tham khảo

“Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Tô Hoài viết về cuộc sống và thân phận của những người lao động nghèo Tây Bắc. Truyện không chỉ xây dựng thành công vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mạnh mẽ, tiềm tàng trong con người mà còn hướng đến phản ánh quá trình vùng lên chống áp bức, giải phóng đất đai, đồng bào. “Rừng xà nu” là truyện ngắn mang đậm khuynh hướng sử thi của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Truyện đã dựng lên bức tranh kháng chiến hào hùng mạnh mẽ của con người Tây Nguyên anh hùng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ ở Việt Nam.

Điểm gặp gỡ giữa hai truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” và “Rừng xà nu” là đều hướng đến phản ánh những phẩm chất tốt đẹp, sức sống mạnh mẽ kiên cường của con người. Đặc biệt, qua hình ảnh của hai nhân vật A Phủ và T nú hai người đọc còn cảm nhận được vẻ đẹp riêng của những con người miền núi. Đây cũng là một trong những yếu tố làm nên thành công của hai tác phẩm giúp cho nhân vật trở nên gần gũi, quen thuộc hơn đối với cảm nhận của độc giả.

ve dep cua nguoi dan mien nui qua nhan vat a phu va nhan vat t nu - Vẻ đẹp của người dân miền núi qua nhân vật A Phủ và nhân vật T nú
Vẻ đẹp của người dân miền núi qua nhân vật A Phủ và nhân vật T nú

A Phủ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, từ nhỏ A Phủ đã phải sống khổ cực, thiếu thốn tình thương. Khi trưởng thành A Phủ trở thành chàng trai khỏe mạnh, yêu lao động, chịu khó làm ăn, tính cách  cương trực, thẳng thắn. Hình ảnh của A Phủ điển hình cho những chàng trai miền núi khỏe mạnh, giỏi lao động.

>> Xem thêm:  Soạn văn Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của văn nghệ dân tộc

Vì đánh nhau với A Sử – con trai thống lí Pá Tra mà A Phủ buộc trở thành người ở cho nhà thống lí. A Phủ nổi bật lên trong tác phẩm là con người mạnh mẽ, không sợ cường quyền, dù bị đẩy vào hoàn cảnh nô lệ, sống thân phận như con trâu con ngựa cho gia đình thống lí A Phủ không tỏ ra bi quan hay đau khổ mà vẫn mạnh mẽ sống tốt.

A Phủ là người có khát vọng sống mãnh liệt, khi bị xử ép một cách oan uống, A Phủ vẫn thể hiện khát vọng sống mạnh mẽ khi tự cứu lấy mình bằng cách chấp nhận vay bạc nhà thống lí để bồi thường cho chính kẻ đã đánh mình. Khát vọng sống  của A Phủ còn thể hiện trong chi tiết A Phủ để hổ ăn mất một con bò của thống lí, đối mặt với những hình phạt khốc liệt A Phủ đã xin đi bắt hổ về. Kể cả khi bị trói đứng ở sân đến không cử động được A Phủ vẫn không buông xuôi, từ bỏ hi vọng sống mà vẫn cố gắng cứu lấy mình bằng cách day đứt sợi dây trói. Khi được Mị cắt dây cởi trói, dù thân thể đã kiệt sức, đôi chân không còn lực nhưng A Phủ vẫn cố chạy đi, chạy về nơi có tự do, không có áp bức.

A Phủ cũng là con người giàu lòng yêu thương, nếu nói Mị cứu sống A Phủ thì chính A Phủ cũng đã cứu Mị khỏi cuộc sống nô lệ như con rùa nuôi trong xó cửa ở nhà thống lí. A Phủ đã đưa theo Mị bỏ trốn, sau này họ đã nên duyên vợ chồng và cùng đi theo cách mạng để giải phóng cho đồng bào.

T nú là nhân vật trung tâm của truyện ngắn Rừng xà nu. Cũng giống như A Phủ, T nú mồ côi cha mẹ từ nhỏ và lớn lên bằng tình yêu thương của cụ Mết và người dân làng Xô Man. Ngay từ khi còn nhỏ T nú nổi bật lên với tính cách gan góc, dũng cảm, mưu trí. Không chỉ cùng Mai vào rừng nuôi cán bộ là anh Quyết mà còn dũng cảm làm nhiệm vụ đưa tin cho cán bộ. Khi đi đưa tin, T nú  không chọn những con đường mòn mà xé rừng đi để đảm bảo an toàn cho thông tin, ngay khi bị địch bắt, đứng trước mũi súng của kẻ thù T nú vẫn không hề run sợ mà nuốt mảnh giấy thông tin vào bụng để bảo mật.

>> Xem thêm:  Văn tự sự: Kể lại Chiến thắng Điện Biên Phủ (kết hợp miêu tả và biểu cảm)

T nú gắn bó, trung thành tuyệt đối với cách mạng, T nú luôn ghi nhớ lời dạy của cụ Mết “Đảng còn sông núi này còn”. Trải qua nhiều đau thương trong cuộc đời, chứng kiến cảnh quân địch hủy diệt làng bản, nhiều người dân vô tội bị giết hại, phải tận mắt chứng kiến cảnh vợ con bị giết, bản thân cũng bị đốt cháy mười đầu ngón tay T nú đã được tôi luyện, dần trưởng thành và trở thành người chiến sĩ kiên trung, có tính kỉ luật cao.

T nú là người có tình yêu nước, tình yêu làng bản sâu sắc và lòng căm thù giặc sục sôi. Những đau thương, mất mát không làm T nú gục ngã mà đã trở thành nguồn sức mạnh lớn lao để T nú chiến đấu và giành những chiến công.

Hình ảnh gan dạ, kiên cường giàu tình thương, lòng yêu nước của T nú điển hình cho hình ảnh những người Tây Nguyên anh hùng, thâm trầm như đá núi nhưng mạnh mẽ như nước đầu nguồn.

A Phủ và T Nú đều là những nhân vật nổi bật trong văn học giai đoạn 1945-1975, họ đều mồ côi cha mẹ, lớn lên trong không gian núi rừng tự do, phóng khoáng. Mỗi người đều có những hoàn cảnh riêng bất hạnh, khó khăn nhưng nghị lực và sức sống tinh thần đã giúp họ vượt lên tất cả, đi theo cách mạng để bảo vệ quê hương, đất nước.

Bài viết liên quan