Phân tích khổ thơ đầu của bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính


“Nắng mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” là những câu thơ tình nổi tiếng trong bài Tương tư của Nguyễn Bính. Anh chị hãy phân tích khổ thơ đầu của bài thơ Tương tư.

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

 Giới thiệu khổ thơ đầu của bài thơ Tương tư: Xuyên suốt bài thơ là tâm trạng nhớ mong, chờ đợi của nhân vật trữ tình trong tình yêu đôi lứa, ngay ở khổ đầu bài thơ, tác giả đã cho ta thấy tâm trạng và nỗi nhớ của nhân vật trữ tình lộ ra rất chân thành, mộc mạc.

2. Thân bài

-Nỗi nhớ mộc mạc của chàng trai: Ở đây có thể hiểu là người ở thôn Đoài nhớ người ở thôn Đông, hay chính chàng trai ở thôn Đoài đang nhớ người con gái mình yêu thương ở thôn Đông. Nỗi nhớ ở đây dường như nhẹ nhàng nhưng cũng mạnh mẽ lắm, bởi nó đã lan tỏa ra không gian, thấm vào cảnh vật

-Sự mong đợi và ngóng trông của chàng trai: Đến đây thì nỗi nhớ của chàng trai quê chất phác kia không đơn thuần là nhớ nữa mà còn là sự mong đợi, ngóng trông, nhớ đến nỗi đứng ngồi không yên. Có thể nói đó là một tình yêu đằm thắm, tha thiết nhưng nhà thơ thể hiện thật ý nhị, kín đáo và sâu sắc

-Tâm trạng tương tư của chàng trai: Tác giả đã có một cách ví von thật độc đáo, ví nắng mưa là “bệnh” của trời, cách ví von vừa chân thật lại có sự hóm hỉnh trong tình yêu, mượn hình ảnh nắng mưa của thiên nhiên để nói lên tính tất nhiên của bênh tương tư khi yêu. Trạng thái tương tư rất đặc biệt, nó không chỉ đơn giản là nhớ mong mà còn là sự mơ tưởng, mong ước lứa đôi.

-Nghệ thuật của khổ thơ: Xuyên suốt bài thơ là những hình ảnh chân quê bình dị “thôn Đoài”, “thôn Đông”, “nắng mưa”, chính chàng trai nhân vật trữ tình cũng là một chàng trai quê chân thành, chất phác. Cách sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ, thành ngữ, nhà thơ đã mang vào từng câu thơ chất chứa đầy nỗi nhớ nhung, tương tư

>> Xem thêm:  Viết đoạn văn phân tích về chủ đề: hai căn bệnh tự ti và tự phụ

3. Kết bài

Ý nghĩa khổ thơ đầu của bài thơ: Chỉ với bốn câu thơ, nhà thơ đã thể hiện một cách tinh tế, kín đáo lại nhẹ nhàng và hài hước về sự nhớ nhung, tương tư của tình yêu đôi lứa. Khổ thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã thể hiện một tình yêu mộc mạc, chân thành, mang đậm sắc thái hồn quê.

II. Bài tham khảo

Nhà thơ Nguyễn Bính nổi tiếng là một trong những cây bút tài năng trong phong trào thơ mới của Việt Nam. Phong cách thơ mới của Nguyễn Bính thường mang đậm nét truyền thống, chân quê với những hình ảnh mộc mạc, lời thơ dung dị, bài thơ “Tương tư” chính là một điển hình cho phong cách thơ ấy. Xuyên suốt bài thơ là tâm trạng nhớ mong, chờ đợi của nhân vật trữ tình trong tình yêu đôi lứa, ngay ở khổ đầu bài thơ, tác giả đã cho ta thấ tâm trạng và nỗi nhớ của nhân vật trữ tình lộ ra rất chân thành, mộc mạc.

Trong tình yêu, đặc biệt là một tình yêu chớm nở còn e ấp, ngài ngùng chưa dám tỏ bày, làm sao tránh khỏi trạng thái nhớ mong, và trong khổ đầu bài thơ, tác giả đã nhắc đến nỗi nhớ ấy của một chàng trai về người mình yêu:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông…

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

phan tich kho tho dau cua bai tho tuong tu cua nguyen binh - Phân tích khổ thơ đầu của bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính
Phân tích khổ thơ đầu của bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

Trong câu thơ “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông”, tác giả đã rấ tinh tế khi sử dụng hình ảnh hoán dụ “thôn Đoài”, “thôn Đông” để nói về nỗi nhớ của hai con người. Nguyễn Bính không nhắc đến con người cụ thể như Chế Lan Viên “Anh nhớ em như đông về nhớ rét”, hay như Xuân Diệu “Anh nhớ em! Nhớ lắm em ôi”. Tác giả dùng cái tên của hai thôn thay thế cho hai cá thể con người kia một cách vừa khái quát, vừa kín đáo lại nhẹ nhàng.

>> Xem thêm:  Hãy viết đoạn văn từ 8 đến 10 câu theo kiểu diễn dịch để nêu cảm nhận của em về khổ thơ trên. Trong đoạn văn, em hãy sử dụng ít nhất hai phép liên kết câu (gạch dưới những từ ngữ này)

Ở đây có thể hiểu là người ở thôn Đoài nhớ người ở thôn Đông, hay chính chàng trai ở thôn Đoài đang nhớ người con gái mình yêu thương ở thôn Đông. Nỗi nhớ ở đây dường như nhẹ nhàng nhưng cũng mạnh mẽ lắm, bởi nó đã lan tỏa ra không gian, thấm vào cảnh vật. Khi người ta yêu nhau thì người ta yêu thương cả cái không gian bao trùm nơi người mình thương, có chăng là nỗi nhớ cũng là nỗi nhớ của không gian có anh và không gian có em. Bằng cách đong đếm nỗi nhớ mong, tác giả đã thể hiện nỗi nhớ của chàng trai một cách tinh tế, cụ thể hơn: “Một người chín nhớ mười mong một người”.

Điệp từ “một người” ở đầu và cuối câu thơ vẫn là đại diện cho hai cá thể, một người nhớ và một người được nhớ. Nằm giữa hai con người ấy là thành ngữ “chín nhớ mười mong”, nó góp phần thể hiện niềm mong nhớ vô cùng của chàng trai kia. Đồng thời, nỗi nhớ mong ấy vừa là cầu nối lại là ngăn cách giữa tình cảm của hai con người. Đến đây thì nỗi nhớ của chàng trai quê chất phác kia không đơn thuần là nhớ nữa mà còn là sự mong đợi, ngóng trông, nhớ đến nỗi đứng ngồi không yên. Có thể nói đó là một tình yêu đằm thắm, tha thiết nhưng nhà thơ thể hiện thật ý nhị, kín đáo và sâu sắc.

>> Xem thêm:  Phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam

Bên cạnh nỗi nhớ mong, những con người đã và đang muốn dấn thân vào thứ tình yêu vừa ngọt ngào vừa đau khổ sẽ khó mà tránh khỏi căn bệnh tương tư, đó là một căn bệnh điển hình trong khi yêu:

“Nắng mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Tác giả đã có một cách ví von thật độc đáo, ví nắng mưa là “bệnh” của trời, cách ví von vừa chân thật lại có sự hóm hỉnh trong tình yêu, mượn hình ảnh nắng mưa của thiên nhiên để nói lên tính tất nhiên của bênh tương tư khi yêu. Trạng thái tương tư rất đặc biệt, nó không chỉ đơn giản là nhớ mong mà còn là sự mơ tưởng, mong ước lứa đôi. Nhà thơ đã cảm nhận rất rõ, thấu hiểu rằng khi yêu có ai mà không tương tư, không nhung nhớ người yêu. Để cho yêu và tương tư đến phát bênh thì phải nói, sự tương tư ấy đã luôn thường trực trong tâm trí của kẻ si tình, tương tư từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối, từ ngày này qua ngày khác, cách thể hiện tương tư của nhà thơ vừa hài hước lại đáng yêu. Xuyên suốt bài thơ là những hình ảnh chân quê bình dị “thôn Đoài”, “thôn Đông”, “nắng mưa”, chính chàng trai nhân vật trữ tình cũng là một chàng trai quê chân thành, chất phác. Cách sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ, thành ngữ, nhà thơ đã mang vào từng câu thơ chất chứa đầy nỗi nhớ nhung, tương tư.

Chỉ với bốn câu thơ, nhà thơ đã thể hiện một cách tinh tế, kín đáo lại nhẹ nhàng và hài hước về sự nhớ nhung, tương tư của tình yêu đôi lứa. Khổ thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã thể hiện một tình yêu mộc mạc, chân thành, mang đậm sắc thái hồn quê.

Bài viết liên quan