Suy nghĩ của em về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay


Suy nghĩ của em về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay

Bài làm

Trong đêm một bàn chân bước

Bé xíu lang thang trên đường

Ánh mắt buồn, mệt nhoài của em

Em rất buồn vì em không biết đi, đi về đâu…

Cuộc sống mưu sinh chỉ làm em qua cơn đói từng ngày

Vì em không cha, vì em đã mất mẹ

Thương đau vẫn là đau thương…

(Bài hát Đứa bé)

Lời bài hát khiến tôi nghẹn ngào nghĩ về những đứa trẻ lang thang ngoài kia. Có những em tôi chứng kiến tận mắt, tôi có thể cho các em một nửa chiếc bánh mì ăn sáng của mình. Nhưng còn biết bao nhiêu em tôi không gặp, các em có được ai chia sẻ cho miếng cơm manh áo không?… Tôi trăn trở và nghĩ về căn bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay. Nếu may mắn gặp được người có lòng tốt, các em ấy sẽ được cho ăn, cho mặc. Còn nếu không, sẽ chỉ là những ánh mắt vô cảm lướt qua và các em vẫn đang phải chống trọi với cơn đói cơn rét từng ngày.

Có những lúc, tôi tự hỏi, vô cảm là gì mà sao lại có thể gọi là “bệnh”? Vô cảm là thờ ơ với mọi người, không quan tâm, không thương yêu và không giúp đỡ mọi người xung quanh. Nhưng đó là vấn đề ở đạo đức của con người, tại sao lại trở thành một căn bệnh được? Và nếu là bệnh thì có thể chữa được không? Hay nó giống như căn bệnh nan y, vô phương cứu chữa và khiến con người ta đi dần vào cõi chết? Điều trớ trêu ở căn bệnh này là nó làm cho cả bệnh nhân lẫn người xung quanh dần đi vào ngõ cụt. Bởi những em bé xấu số kia khi không được giúp đỡ sẽ chết dần chết mòn. Còn người vô cảm sau này rồi cũng sẽ gặp quả báo, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn cũng sẽ không được mọi người giúp đỡ lại, và rồi cũng đi vào cõi chết trong sự cô đơn, thảm thiết.

>> Xem thêm:  Ca dao - dân ca hay nói đến những nỗi vất vả trong lao động, những nỗi đắng cay, buồn tủi vì cuộc sống nghèo khổ, làm không đủ ăn... Đó là đề tài cho hàng loạt những câu hát than thân. Bằng một số bài ca dao cùng đề tài, em hãy chứng minh nhận định trên

Một điều nguy hiểm hơn nữa, là căn bệnh này có tính lây lan từ người này sang người khác nếu như đối phương không có lập trường vững chắc. Tôi đã chứng kiến cảnh một đôi trai gái đang dạo chơi trong công viên, anh thanh niên đã vội rút ví để lấy tiền cho một bà cụ rách rưới ngồi ăn xin bên gốc cây. Nhưng chưa kịp xòe tiền ra, cô gái kia đã vội vàng ngăn anh lại và kéo tay anh đi thật nhanh với vẻ mặt khó chịu. Vậy đấy, giá như lòng tốt của anh thanh niên có sự cứng rắn và quả quyết thì bà cụ đã có được một bữa tối ngon lành và vượt qua được con đói đang hành hạ trong bụng. Không biết cô gái ấy nghĩ gì nhưng thử hỏi nếu như bà cụ ấy là người thân của cô, liệu rằng cô có hành xử như vậy không nhỉ?

Người với người sống để yêu nhau…

Người giàu sang hay kẻ nghèo hèn cũng đều là người, người sung sướng hay kẻ túng quẫn, khổ đau cũng là người. Họ khác nhau ở hoàn cảnh sống, ở nơi xuất phát… nhưng đều có chung một giống nòi, đều là người và đều có trái tim. Chỉ tiếc rằng không phải trái tim nào cũng biết yêu thương. Không phải tâm hồn nào cũng cao thượng và không phải cánh tay nào cũng sẵn sàng rộng mở cứu giúp những người đang gặp bệnh nạn, khó khăn. Ta chỉ đau khi chính bản thân mình bị đau. Và khi đau, ai cũng muốn được người khác quan tâm hỏi han, nhưng chính bản thân mình lại không chịu hỏi han những người khác khi đau. Hãy cho đi để được nhận lại. Có thể bạn không có nhiều tiền để mua cơm, mua gạo cho bất kỳ người nào bạn gặp, nhưng hãy trao cho họ một nụ cười, một ánh mắt cảm thông, hãy giúp họ tìm đến được với người có điều kiện có thể giúp họ về mặt vật chất.

Hãy tránh xa và đẩy lùi căn bệnh vô cảm bằng cách yêu thương thật nhiều, cảm thông và đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh. Ai trong đời mà không một lần gặp phải khó khăn? Hãy giúp người trước, rồi khi mình vấp ngã sẽ được người khác giúp lại.

suy nghi cua em ve “benh vo cam” trong xa hoi hien nay - Suy nghĩ của em về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay

Trong gia đình cũng vậy, hãy yêu thương nhau, trân trọng nhau. Bố mẹ dù có già nua nhưng cũng đã trải qua suốt một thời tuổi trẻ bôn ba để cho ta khôn lớn nên người. Càng vất vả, càng làm nhiều và tuổi già lại đến càng sớm. Đừng cho rằng những lúc bố mẹ mất trí nhớ là những lúc đáng ghét. Bởi bạn biết vì sao mà bố mẹ trở nên như thế không? Hãy nhìn vào những gì bạn có được trong ngày hôm nay. Được ăn, được học, được mặc quần áo mới, tất cả đều do công lao vất vả của bố mẹ. Bố mẹ làm nhiều quá nên giờ mất sức và trở nên đờ đẫn vậy thôi. Trong lúc bạn đang mơ màng với những ước mơ, những hoài bão của mình, thì bố mẹ đã phải bỏ lại tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống để lao mình vào công việc, để chắt chiu kiếm từng đồng cho bạn có bữa ăn ngon, có quần áo đẹp. Đừng vì chúng bạn mà đua đòi, vòi vĩnh bố mẹ phải mua sắm cho hết thứ này đến thứ khác. Bố mẹ yêu con vô điều kiện, nhưng con cũng hãy để tâm tới những gì bố mẹ đã hi sinh. Không có quần áo đẹp thì sao, gọn gàng sạch sẽ là được. Hãy tập trung cố gắng học hành, để sau này kiếm được thật nhiều tiền. Lúc đó bạn sẽ thỏa sức mua sắm quần áo đẹp cho mình, cho bố mẹ.

>> Xem thêm:  Ước mơ, tư tưởng của nhân dân được thể hiện như thế nào trong Tấm Cám 2. Anh (chị) hãy nêu những điểm nổi bật về nghệ thuật kể chuyện của truyện Tấm Cám

Nhưng thực tế, có nhiều bạn khi thành đạt lại bỏ quên mất người đã từng làm bàn đạp bao nhiêu năm tháng cho mình được thành công. Các bạn vô tâm, vô đạo đức lãng quên đi công lao trời biển của đấng sinh thành đã nuôi nấng, đã hi sinh cả cuộc đời cho mình. Ở cái tuổi xế chiều, bố mẹ sẽ buồn biết bao khi chẳng còn được nghe tiếng con cười cười nói nói bên tai nữa.

Hãy sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn. Đừng vô cảm với bất kỳ ai. Nhưng trước hết hãy quan tâm tới bố mẹ mình – là người đã yêu mình bằng tình yêu mãnh liệt nhất, thủy chung nhất. Bố mẹ, gia đình chính là cái nôi cho ta phát triển.

Và khi ra ngoài xã hội, hãy đem lòng yêu thương ấy cứu giúp những mảnh đời bất hạnh. Cho đi là nhận lại. Đừng giữ khư khư trong lòng. Đời vô thường lắm. Hôm nay sung sướng, ngày mai có thể sẽ khó khăn vô cùng. Hôm nay còn chạy nhảy, còn mộng mơ bao điều nhưng ngày mai rất có thể sẽ không còn tồn tại trên cuộc đời này nữa. Vì thế, hãy yêu thương, hãy cho đi thật nhiều và thật lòng. Đừng để cho căn bệnh vô cảm ngấm vào bản thân. Đồng thời, mỗi người hãy trở thành viên thuốc hữu hiệu chữa bệnh cho những người đang mắc phải căn bệnh vô cảm bằng cách động viên, khuyên bảo họ. Và trước hết bản thân mình hãy giúp đỡ họ khi cần để họ cảm nhận được tình yêu thương và trao yêu thương đó cho những người xung quanh.

Bài viết liên quan