Nghị luận xã hội về phòng chống tệ nạn xã hội trong học đường


Nghị luận xã hội về phòng chống tệ nạn xã hội trong học đường

Bài làm

Ngày nay, khi nền kinh tế của nước ta ngày một phát triển nhờ những chính sách của nhà nước cùng với hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Tuy nhiên, song song với mặt tích cực của hội nhập, của cơ chế thị trường là những mặt tiêu cực. Những “văn hóa”, nếp sống của các nước khác du nhập vào nước ta và bị biến tướng gây nên nhiều hậu quả khôn lường mà người ta gọi chung là những tệ nạn xã hội.

Điều đáng nói ở đây là những tệ nạn xã hội này không chỉ truyền vào các tầng lớp thanh niên mà ngay cả ở những em học sinh nhỏ tuổi khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Biểu hiện của những tệ nạn đó thì có rất nhiều. Trước tiên chính là thực trạng của việc nói tục, chửi thề. Đó không còn là những câu nói quen thuộc giữa bạn bè với nhau nữa mà học sinh còn dùng nó ở mọi nơi, mọi lúc kể cả khi đang có người lớn như ba mẹ, thầy cô. Hễ mở miệng ra là chửi thề, thậm chí không phải đến lúc có xích mích mà là quen đệm thêm từ chửi bậy vào trong câu giao tiếp thông thường. Nhiều em học sinh còn cố tình sáng tạo ra những câu nói, kiểu cách nói xen lẫn câu chửi để tạo ra “nét” cho mình, coi đó là sự sành điệu.

>> Xem thêm:  Phân tích hỉnh tượng nhân vật Đào trong truyện ngắn "Mùa Lạc" của Nguyễn Khải

Không chỉ dừng lại ở mức lời nói mà còn cả ở hành động, cách cư xử của học sinh. Xu hướng giải quyết bằng bạo lực ngày càng gia tăng mỗi khi có mâu thuẫn với nhau. Nhiều học sinh khi tuổi đời còn trẻ nhưng đã phải đứng trước vành móng ngựa chịu án cho sự bồng bột, non trẻ của mình. Thậm chí người lớn không thể tưởng tượng nổi chỉ vì lý do đơn giản, nhỏ nhặt mà lại dẫn tới những vụ ẩu đả có thương vong như: nhìn “đểu”, không cho bạn chép bài, vô tình va vào nhau, hay lý do “thích thì đánh”… của học sinh ngày nay. Có thể thấy bạo lực học đường ngày nay đã trở thành vấn nạn và cần được bài trừ tận gốc.

Rồi đến việc hút thuốc. Nhiều học sinh nam cho rằng hút thuốc là một cách để thể hiện bản lĩnh đàn ông. Không chỉ thuốc lá thường mà ngày nay còn du nhập vào một loại thuốc lá khác mang tên thuốc lá điện tử để có thể cho nhiều khói hơn, tạo hình với làn khói ấy. Mặc dù truyền thông lúc nào cũng cảnh báo về những tác hại của thuốc lá, khói thuốc nhưng vẫn chưa cảnh tỉnh được nhiều người. Thế rồi những tệ nạn trong nhà trường còn cả vấn đề bài bạc. Chúng ta cứ ngỡ vấn nạn bài bạc phải ở người lớn tuổi hơn, tầm từ thanh niên trở lên nhưng không nó có ngay ở tầng lớp mầm non của tổ quốc. Từ học sinh cấp 1, cấp 2 đến cấp ba đều có. Bài bạc dưới nhiều hình thức khác nhau và học sinh thường tận dụng những giờ ra chơi, đi học thật sớm và tận dụng những góc khuất của trường để chơi.

Từ những biểu hiện trên chúng ta có thể thấy đây là vấn đề phổ bến chẳng ở riêng đâu. Thêm vào đó nguyên nhân trực tiếp xuất phát từ chính các em học sinh sống dưới thời đại của công nghệ, của sự hội nhập và phát triển của đất nước. Trước kia thì một nhà 5 người chỉ có một chiếc điện thoại, số lượng máy tính gia đình càng ít. Còn ngày nay thì cả những em học sinh tiểu học đã được sử dụng điện thoại, học sinh cấp hai, cấp ba còn có điện thoại riêng hoặc do bố mẹ mua cho hoặc tự mua nhưng giấu gia đình. Nhà nhà đều sắm sửa máy tính, laptop cho con cái để phục vụ học tập. Tuy nhiên ngoài dùng để học thì các em còn tận dụng để xem phim, chơi điện tử. Nhất là khi an ninh mạng còn lỏng lẻo, chưa thể kiểm soát được những gì đăng tải trên mạng nên có nhiều văn hóa phẩm đồi trụy, những trò chơi mang tính chất bạo lực, những bộ phim ảnh không phù hợp với độ tuổi của học sinh chính vì thế nên các em dễ dàng bị ảnh hưởng dẫn tới vô hình chung đã chi phối đến cách ăn nói, cư xử cũng như hành động của các em.

Những tệ nạn xã hội ở lứa tuổi học sinh gây ra nhiều tác hại rất nghiêm trọng và ảnh hưởng không chỉ đến chính các em mà còn ở gia đình, xã hội về nhiều mặt. Trước tiên là ảnh hưởng đến các mặt như: tư tưởng, đạo đức, tình cảm, sức khỏe và đến kinh tế. Ngoài hút thuốc, nói tục, bài bạc còn là thói gian lận trong thi cử xuất phát từ một căn bệnh chung của xã hội thời nay “Bệnh thành tích”. Từ đó học sinh trở nên lười nhác, ỷ lại, học mang hình thức đối phó. Điều này gây nên hậu quả rất nghiêm trọng đó là các em học sinh sẽ không có mục tiêu trong cuộc sống, không có kiến thức, kỹ năng cũng như sự hiểu biết để bước vào đời. Từ đó dễ bị dụ dỗ vào những tệ nạn khác.

>> Xem thêm:  Phân tích đoạn trích Tức nước vỡ bờ nằm trong chương XVIII của tiếu thuyết Tắt đèn

Qua những phân tích trên có thể thấy tệ nạn xã hội trong học đường là một vấn nạn hết sức nghiêm trọng cần được gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm và phối hợp để ngăn ngừa, bài trừ. Mỗi chúng ta là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường thì hãy nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của mình để chung tay đẩy lùi tệ nạn trong trường học, cố gắng học tập và rèn luyện để trở thành người có ích.

Bài viết liên quan