Suy nghĩ về văn bản Mùa xuân của tôi


Suy nghĩ về văn bản Mùa xuân của tôi

1. Bố cục của văn bản

Bài văn tái hiện cảnh sắc thiên nhiên và không khí mùa xuân trong tháng giêng ở Hà Nội và miền Bắc qua nỗi nhớ da diết của một người Hà Nội đi xa. Có thể chia đoạn trích làm ba phần với nội dung như sau:

–  Đoạn 1 (từ đầu đến mê luyến mùa xuân): tình cảm của con người với mùa xuân là một quy luật tự nhiên.

–  Đoạn 2 (tiếp theo đến mở hội liên hoan): cảnh sắc và không khí mùa xuân của thiên nhiên đất trời và lòng người.

–  Đoạn 3 (còn lại): cảnh sắc mùa xuân sau rằm tháng giêng.

2. Tình cảm con người trước mùa xuân như một quy luật tự nhiên,

 “Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân” – câu văn mở đầu ngắn gọn khẳng định một quy luật tự nhiên của lòng người trước đất trời, thiên nhiên mùa xuân – mùa đầu tiên của một năm, mùa của tinh khôi lộc nõn, mùa của náo nức búp chồi, mùa của tình yêu, hạnh phúc, mùa của tuổi trẻ, đất trời và lòng người.

Bởi vậy, Vũ Bằng mới viết “Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mè luyến mùa xuân”. Không ai bảo được, cũng chẳng ai cấm được quy luật tất yếu của tự nhiên. Duyên dáng, nhẹ nhàng nhưng không kém phần khúc chiết, mạch lạc, cách diễn đạt trong câu văn mang một nét đằm thắm, rất riêng, dạo lên nét nhạc đầu xao xuyến đầy ấn tượng cho bản hoà tấu ngợi ca mùa xuân.

3. Cảnh sắc mùa xuân của đất trời và lòng người

Sau những dòng văn mở đầu mang tính triết lí ấy, nhà văn hồi tưởng về những nét đặc trưng của không gian đất trời Hà Nội khi xuân sang: “Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội,…”. Câu văn ngân như những tiếng reo vui. “Mùa xuân của tôi”, bốn tiếng ngắn gọn ấy đã chứa bao cảm xúc thật sâu lắng. Trước mùa xuân, nhà văn không chỉ thưởng thức mà còn khao khát được sở hữu tất cả những nét đẹp nhất của đất trời khi vạn vật đang chuyển mình bước vào một năm mới.

>> Xem thêm:  Giới thiệu về tác phẩm hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương

Qua hồi tưởng của nhà văn, cảnh sắc và không khí ngày Tết – mùa xuân Hà Nội – hiện ra thật đẹp và đáng yêu. Tín hiệu báo xuân về là: “Mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có tiếng hát huê tình…”. Mưa riêu riêu là mưa phùn nhỏ, kéo dài mênh mang khắp bầu trời như rây bột, là mưa xuân thúc cho mầm cây trỗi dậy,… Tiếng hát huê tình là tiếng hát giao duyên, tỏ tình của những đôi trai gái yêu nhau. Cảnh mưa phùn, cái lạnh của mùa xuân đất Bắc tất nhiên gợi lên nỗi nhớ da diết nhất, gợi nhiều liên tưởng nhất trong tâm hồn người con xa xứ, đang sống trên vùng đất phương Nam của Tổ quốc chỉ có hai mùa mưa nắng.

Nhà văn Vũ Bằng, một con người đang sống li hương, đã nhớ về những kỉ niệm xưa và bộc bạch qua những lời văn trữ tình, đằm thắm: “Nguời yêu cảnh, vào những lúc đất trời mang mang như vậy, khoác một cái áo lông, ngậm một ống điếu mở cửa đi ra ngoài tự nhiên thấy một cái thú giang hồ êm ái như nhung và không cần uống rượu mạnh cũng như lòng mình say sưa một cái gì đó – có lẽ là sự sống!”. Hay: "Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ li ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh”. Và: “Cùng với mùa xuân trở lại, tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá… Ra ngoài trời, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa”…

Mùa xuân, với sức mạnh thiêng liêng, kì diệu đã khơi dậy sức sống và sinh lực cho vạn vật và lòng người. Trước mùa xuân, nhà văn đã thể lộ một tình yêu nồng thắm, tha thiết đến mức như muốn hoá thân thành muôn loài cây cỏ, chim muông để được hưởng thụ tất cả sức sống tràn trề của trời đất. Tâm hồn nghệ sĩ trong xa nhớ, yêu thương mỗi lúc càng rạo rực, đắm say và càng trở nên ấm áp bởi hình ảnh mùa xuân quê hương đang ùa về, dào dạt trong tâm tưởng.

>> Xem thêm:  Hướng dẫn soạn văn Bài ca nhà tranh bị gió thu phá

Đọng lại trong cảnh sắc mùa xuân Hà Nội và nỗi nhớ quê hương là hình ảnh những gia đình Hà Nội bày cỗ đón xuân, bái vọng tổ tiên: “Nhang trầm, đèn nên, và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, bàn thờ Thánh, bàn thờ tổ tiên làm cho lòng anh ấm lạ ấm lùng…”. Cảnh sắc mùa xuân không chỉ hiện lên qua vẻ đẹp thiên nhiên mà còn hiện lên qua những nét đẹp trong cuộc sống con người. Đó là nét văn hoá tâm linh truyền thống thật đáng trân trọng của con người Hà Nội, đất Bắc, của quê hương Việt Nam. Đó không đơn giản là cảnh sắc xuân, là không gian xuân của miền Bắc mà là văn hoá xuân, con người xuân. Nhớ về mùa xuân cũng tức là nhớ về con người.

Nhà văn đã dành tình yêu đặc biệt cho một khoảng thời gian mãi nhớ trong tâm tưởng – sau ngày rằm tháng giêng, để rồi phát hiện thêm ở mùa xuân vẻ đẹp của sự hồi sinh, cây cỏ trổ lộc, đơm hoa kết trái: “Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. Trên giàn hoa thiên lí, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa. Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột…”.

Những hình ảnh thiên nhiên từ sau ngày rằm tháng giêng không rực rỡ bằng những ngày Tết mà dường như đang tích tụ, chưng cất sức sống của mùa xuân để nối tiếp cuộc tuần hoàn kì diệu của đời sống con người và đất trời, cây cỏ: đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu giêng, nhưng trái lại, lại nức một mùi hương man mác…”. Nhà văn đã lắng lòng trong giây phút để nhớ thương, để khao khát, hoài niệm… Và rồi, hình ảnh “cánh màn điều” và phong tục “hoá vàng” được nhắc tới ở cuối bài như những nốt nhấn về một mùa xuân ấm áp trong kí ức của tác giả. Mùa xuân đâu chỉ còn là mùa xuân, nó còn là một phần của quê hương, mùa xuân là con người, là văn hoá.

>> Xem thêm:  Cảm nghĩ về hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương

4. Đặc sắc về nghệ thuật

Bài văn có kết cấu mạch lạc. Từng phần, được gợi mở và kết thúc tự nhiên, nhịp nhàng theo mạch cảm xúc và dòng hồi tưởng của nhà văn về mùa xuân Bắc Việt, tạo được sự cuốn hút đối với người đọc. Với ngòi bút tài hoa, tinh tế, đầy ngẫu hứng của nhà văn đã tạo một nét riêng độc đáo và đậm đà chất thơ cho bài tuỳ bút. Giọng văn khi duyên dáng, nhẹ nhàng, khi sôi nổi, da diết đã diễn tả một cách trọn vẹn cảm xúc mãnh liệt của một tâm hồn nghệ sĩ đa tình, đắm say trong xa nhớ, yêu thương.

Việc sử dụng thành công thủ pháp liệt kê, điệp cấu trúc với những hình ảnh so sánh mới lạ đã tạo được một sắc xuân đầy ấn tượng của một Hà Nội cổ kính, thanh lịch, hào hoa. Nhà văn vừa miêu tả, vừa tự sự, miêu tả để biểu cảm, tự sự và triết lí cũng để biểu cảm. Tất cả đã giúp “mùa xuân của tôi” hiện lên dưới nhiều góc độ, dáng vẻ, để lại ấn tượng sâu đậm, khó quên trong lòng người.

*  Với tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và ngòi bút tài hoa, nhà văn Vũ Bằng đã tái hiện trong bài tuỳ bút cảnh sắc thiên nhiên, không khí mùa xuân ở Hà Nội và miền Bắc trong nỗi nhớ thương da diết của một người con xa quê. Từ đó nhắn gửi tới người đọc tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước, cuộc đời.

Bài viết liên quan