Biểu cảm về một loài hoa gắn với tuổi học trò


Biểu cảm về một loài hoa gắn với tuổi học trò – Bài 1

Phượng – loài cây được mệnh danh là hoa học trò, loài cây gắn bó nhiều nhất với tuổi thơ mỗi người. Cứ mỗi lần nhắc đến tên loài cây ấy, cứ mỗi lần vô tình gặp nó, lòng tôi lại trào dâng một cảm xúc khó tả, buồn buồn mà lại vui vui…

Có thể nói trong cuộc đời, tôi đã gặp rất nhiều loài cây đẹp và có ý nghĩa: bằng lăng, hoa sữa, bàng,… Nhưng tất cả những loài cây ấy không thể nào chiếm giữ được tình cảm của tôi như cây phượng. Nhiều khi tôi có cảm giác như phượng có một sức mạnh vô hình nào đó cuốn hút tôi.

Dù nói gì đi chăng nữa, cũng phải công nhận: phượng rất đẹp. Thân cây khoác chiếc áo màu nâu sần sùi lồi lõm. Cành phượng khẳng khiu, gầy guộc tựa như những cánh tay giang ra đón gió trời. Lá phượng nhỏ li ti như hạt cốm, vậy mà chúng đã dệt nên cả một tán cây dày và rộng. Dưới bóng cây, tôi vẫn thường ngồi trên chiếc ghế đá đọc sách và nghỉ ngơi. Có thể là sau một ngày học đầy căng thẳng hay sau những lúc vui, lúc buồn,… phượng luôn chia sẻ và tâm sự với tôi, tán lá xào xạc, du dương như bản nhạc mà chỉ riêng phượng có.

Hoa phượng mỏng manh, mềm mại, mọc thành chùm đỏ tươi, nổi bật trên tán lá xanh mơn mởn. Nhụy vàng ươm, lấp ló e thẹn sau từng cánh hoa. Mỗi lần hoa phượng rơi xuống, đám học trò chúng tôi lại tranh nhau ra nhặt. Những bạn nhặt được nhiều thì hớn hở đi khoe, chia cho mọi người, bạn nào chậm chân, nhặt được ít thì nâng niu hoa trên tay, lặng lẽ đi vào lớp. Chúng tôi dùng nhụy hoa phượng để chơi chọi gà. Những tiếng “tách” ròn rã hoà vào tiếng reo cười của cả lớp. Thật vô tư và sôi nổi biết bao! Còn hoa phượng chúng tôi ép vào giữa cuốn vở hay cuốn sổ nhật kí, gửi vào đó biết bao kỉ niệm đẹp của tuổi thơ…

Nhớ hôm cuối lớp năm, sắp phải xa trường, tôi cùng các bạn rủ nhau ra nhặt hoa phượng, cầm bông hoa trên tay, tôi lặng lẽ khóc. Đối với tôi, bông phượng lúc này vô cùng đẹp, vô cùng thiêng liêng và cao quý. Tôi đã gửi gắm vào nó những kỉ niệm của thưở ấu thơ. Những cánh hoa mỏng manh rời xa nhau như những người học trò phải rời xa mái trường, thầy cô, bè bạn…Chúng tôi ép cánh hoa vào từng cuốn sổ, dòng nhựa ứa ra như dòng nước mắt buồn của học trò khi phải xa những gì mình vô cùng yêu quý. Cầm những bông hoa, chúng tôi nắm tay nhau cùng làm thành một dòng chữ đỏ thắm: Mãi mãi lớp 5B. Chúng tôi đã khóc. Tiếng khóc lặng lẽ, cảm thương, chứa đựng lời chia tay: Dù có thế nào đi chăng nữa, chúng tôi vẫn luôn nhớ đến nhau, nhớ đến những tháng năm đẹp tươi, hạnh phúc… Giờ đây, mỗi lần nhìn thấy phượng rực lên màu hoa đỏ, kỉ niệm trong tôi bỗng ùa về, quanh tôi là hình ảnh của các bạn, thầy cô, mái trường thân yêu…

>> Xem thêm:  Biểu cảm về cây dừa

Tôi rất thích được ngắm nhìn cây phượng. Phượng đẹp riêng theo từng mùa. Mùa đông, phượng trụi lá, từng cánh tay gầy guộc hiện ra, run lên mỗi khi có một đợt gió lạnh thổi tới. Quả phượng dài, nhăn nhăn, đung đưa lủng lẳng rồi cũng từ giã cành cây. Nhìn cây mà lòng tôi xót xa, phượng như một người già yếu đang chống chọi với mùa đông buốt giá.

Đông qua, xuân tới, phượng đâm chồi nảy lộc. Lá phượng xanh mơn mởn, từng chiếc, từng chiếc nhú lên. Cành cây giang ra, đón những làn gió xuân ấm áp. Trông phượng thật trẻ trung, đầy sức sống.

Hạ về. Đây là mùa đẹp nhất và ý nghĩa nhất đối với cây phượng. Từng hàng, từng hàng phượng nở hoa đỏ thắm, rực rỡ dưới ánh nắng chói chang gay gắt của mùa hè. Đi dưới hàng phượng vĩ, tôi thấy lòng mình lâng lâng thoải mái, dễ chịu, xiết bao! Từng làn gió khe khẽ thổi. Tôi nhắm mắt và cảm nhận. Chọn một chiếc ghế đá dưới bóng phượng, tôi lặng lẽ ngồi. Xung quanh, dàn đồng ca mùa hạ vang lên. Nếu không yêu phượng, nếu không yêu mùa hè, bạn sẽ thấy tiếng ve thật vô vị, nhàm chán, nhưng vì đã “trót yêu” cây, yêu mùa nên tôi thấy vui vui, xao xuyến, âm thanh lúc trầm lúc bổng, lúc mạnh mẽ, lúc du dương, êm ái. Phải công nhận những chú ve này thật tài ba. Chẳng cần nhạc trưởng gì hết, vậy mà chúng hát rất hay, hoà quyện với nhau thành một bản nhạc tuyệt vời vang lên suốt mùa hè. Phải nói, tôi yêu da diết mùa hè, hoa phượng vĩ – hoa học trò – và những tiếng ve kêu lảnh lót.

Cây phượng, loài cây đẹp và ý nghĩa nhất mà tôi yêu. Phượng là bạn tri kỉ của mỗi người học sinh, là cây hoa học trò duy nhất. Phượng góp phần làm đẹp cho thiên nhiên, cho mùa hè, cho trái tim mỗi cô cậu học trò.

Biểu cảm về một loài hoa gắn với tuổi học trò – Bài 2

Mỗi chúng ta, ai cũng trải qua những năm tháng học trò hồn nhiên, ngây thơ mà vô cùng ý nghĩa. Còn tôi, tôi đã trải qua sáu năm học trò đầy buồn, vui bên bạn bè, bên cây phượng đỏ. Tôi yêu cây phượng, yêu những cành cây gầy gò mà dẻo dai, yêu những lá non xanh mơn mởn và đặc biệt yêu nhất những chùm hoa phượng đỏ – hoa học trò – rợp trời. Tình yêu đó không chỉ đơn thuần là tình yêu của một thời học sinh với tôi, ngẫu nhiên nó còn là tình cảm giữa ngày hoa nở và ngày sinh nhật.

Như mọi loài cây khác, mùa xuân là mùa phượng trở lại thuở thanh xuân tươi trẻ, tràn trề sức sống. Không biết tự bao giờ, phượng đã trả lại cho mùa đông chiếc áo già nua xám xịt, thay vào đó là tấm áo xanh biếc. Chiếc áo ấy đang che chở cho bao búp non xanh. Cũng tinh nghịch như các cô cậu học trò, những búp phượng non đang chơi trốn tìm sau vòm lá rậm. Vô vàn những chiếc lá xanh đang xoè ra cho gió đưa đẩy. Lá phượng nhỏ như lá me non, mềm mại, mát rượi. Mùa xuân của phượng là bình minh của một tuổi đời cho loài cây dịu dàng nhưng mạnh mẽ này. Đẹp biết bao mùa xuân phượng vĩ!

>> Xem thêm:  Cảm nhận Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt

Hè về, lấp ló trong vòm lá phượng xanh um là những chùm hoa đỏ rực rỡ. Như một chiếc đồng hồ của thiên nhiên, phượng báo hiệu mùa thi, mùa chia tay và cũng là mùa vui nghỉ của tuổi học trò. Hình như những ngày thi căng thẳng đã làm lũ học sinh chúng tôi chợt quên đi cây phượng. Rồi một ngày giữa năm, tôi chợt nhìn lên cây phượng và ngạc nhiên: “Hoa nở lúc nào mà vội vã vậy?”. Thế là chỉ còn vài ngày nữa chúng tôi sẽ phải xa cây phượng, xa thầy cô, bè bạn. Rồi cũng đến ngày lễ bế giảng. Một nỗi buồn bao trùm lên mỗi cô cậu học trò, kể cả những cô cậu tinh nghịch nhất. Nước mắt chảy dài trên gò má các bạn nữ. Mới hôm qua, tôi còn ngồi dưới gốc phượng. Hoa phượng đỏ rực như sắc lửa, cháy lên trong trái tim học trò. Mới hôm nào, chúng tôi còn tinh nghịch công kênh nhau, vít xuống mấy cành hoa phượng. Hoa phượng mới đẹp làm sao! Mỗi bông hoa có bốn cánh. Cánh hoa mỏng, mềm mại và êm ái lạ thường, xếp sát nhau, ôm lấy nhụy hoa lấm tấm vàng. Chúng tôi chia tay nhau ra về nhưng chân cứ níu lại, không muốn xa nhau và cũng không muốn rời xa phượng. Lòng tôi đầy xao xuyến. Rồi chúng tôi cũng phải ra về chỉ còn phượng buồn bã đứng giữa sân trường. Chúng tôi buồn vì chia tay nhau nhưng còn có những niềm vui khác đang chờ đợi, còn phượng, phượng đâu có niềm vui nào ngoài học sinh. Thỉnh thoảng, những cơn gió hè lướt qua, phượng buồn bã thả những cánh hoa đỏ xuống sân trường. Phải chăng phượng đang nhớ về các bạn học sinh?

Rồi hè qua, thu tới. Học sinh lại trở về với trường lớp, trở về với phượng. Nhưng còn đâu những chùm phượng đỏ. Giờ đây, phượng chỉ còn những chiếc lá vàng, xanh đu đưa trong gió thu. Nhưng phượng vẫn vui, vẫy vẫy những lá tay bé xíu chào mọi người. Phượng đã đi qua thời trai trẻ để bước vào tuổi trung niên, nhưng ở tuổi nào, phượng cũng son sắt, thuỷ chung với lớp lớp học trò. Đôi khi, bắt gặp nhưng chiếc lá mỏng manh nhỏ xíu bay bay theo cơn gió heo may, chúng tôi xoè tay hứng lấy rồi tung trả cho cây, nhưng cây chỉ cười, chúng tôi cũng mỉm cười theo…

>> Xem thêm:  “Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế, văn chương còn sáng tạo ra sự sống”. Dựa vào những tác phẩm đã học và đọc thêm, em hãy chứng minh ý kiến trên của Hoài Thanh

Nụ cười ấy mãi tươi cho đến mùa đông. Mùa đông, cây già nua, cằn cỗi. Cành cây gầy gò, trơ trụi. Thân cây xù xì, xám bạc. Nhưng, ẩn chứa trong sự già nua ấy là một sức sống mạnh mẽ, chống lại mưa gió.

Khắc sâu trong trái tim tôi là màu hoa phượng đỏ. Thời gian trôi, tôi sẽ trưởng thành, sẽ phải chia tay tuổi học trò nhưng tôi sẽ không bao giờ quên phượng, không bao giờ quên màu hoa đỏ ấy, màu hoa tượng trưng cho tuổi học trò.

Biểu cảm về một loài hoa gắn với tuổi học trò – Bài 3

Chiều nay, cơn mưa rào ngắn ngủi mang mùi ngai ngái của đất gợi nhớ kỉ niệm. Sau cơn mưa, cây cối bỗng xanh hơn và cái màu tím ấy càng sáng lấp lánh.

Hoa bằng lăng đẹp, mỏng manh, rung rinh trong gió như những chiếc chuông tím ngân nga khúc hát về thời học trò đầy ắp kỉ niệm đẹp. Tôi còn nhớ một nhà thơ đã viết: Hà Nội vào hè – bằng lăng tím/ Dịu êm như ý nghĩ về em/ Cái màu hoa ấy từ đâu tới/ Để những con đường duyên dáng thêm […]. Có lẽ mùa hoa trên nẻo phố/ Đến giờ mới động tới hồn tôi/ Như tình ai vẫn đang chờ đó! Chỉ riêng mình ai biết thôi?… Bằng lăng mùa này nở dày trên các tuyến phố, len lỏi vào từng ngõ nhỏ, phủ lên mái nhà và tâm hồn trẻ thơ màu tím thuần khiết, duyên dáng. Dưới gốc bằng lăng già một ông cụ đặt chiếc bơm xe và cái bình bán xăng lẻ đợi người khách lỡ độ đường; mấy bác xe ôm vắt chân ngồi đợi khách. Và cũng dưới gốc bằng lăng, một nhóm học sinh ngồi đọc sách, ôn bài, trò chuyện. Bằng lăng tím tô điểm cho mùa hè Hà Nội thêm rực rỡ sắc màu. Bằng lăng vẫy vẫy khách qua đường nở nụ cười chào thân thiện. Bằng lăng tím cài trên mái tóc đen óng ả của các cô thiếu nữ. Bằng lăng thân thiện, vô tư, hồn nhiên như tâm hồn học trò. Nhớ ngày trước, tôi cùng đám bạn nhặt những bông bằng lăng ép vào trang vở, bằng lăng tím nở trong trang vở như một kí ức đẹp đẽ thời cấp I được gìn giữ. Mỗi khi giở lại, lại thấy bồi hồi, xao xuyến. Dưới gốc bằng lăng, tụi học trò chúng tôi chia tay mái trường cấp I đầy mến yêu và gặp lại nhau cũng dưới gốc bằng lăng kỉ niệm ấy khi về thăm lại ngôi trường năm nào. Một cơn gió thoảng qua, những bông bằng lăng xoay tít trên không trung rồi từ từ rơi xuống mặt đất. “Mưa bằng lăng đẹp quá tụi bay lại đây coi”. Tiếng nói của cô bé khiến tôi giật mình quay lại. Tụi nhỏ đang nhặt những cánh bằng lăng rơi, khuôn mặt bừng sáng. Tôi bất giác mỉm cười học trò mà!

Bài viết liên quan