Cảm nhận của em về bài thơ Con cò lớp 9 hay nhất


Cảm nhận của em về bài thơ Con cò lớp 9 hay nhất

Hướng dẫn

Chế Lan Viên là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền thơ Việt Nam thế kỉ XX. Trước cách mạng, ông nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới với tập "Điêu tàn". Sau cách mạng, ông là lá cờ đầu của thơ ca hiện đại Việt Nam, được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật. Bài thơ "Con cò" được sáng tác năm 1962 in trong tập "Hoa ngày thường – Chim báo bão". Bài thơ ca ngợi tình mẫu tử và ý nghĩa thiêng liêng của lời ru đối với cuộc sống qua việc khai thác hình tượng con cò trong những khúc hát ru. 
Ở đoạn đầu bài thơ là hình ảnh con cò trong lời hát ru của mẹ bắt đầu đến với tuổi thơ:

  • "Con còn bế trên tay
  • Con chưa biết con cò
  • Nhưng trong lời mẹ hát
  • Có cánh cò đang bay:
  • "Con cò bay la
  • Con cò bay lả
  • Con cò Cổng Phủ
  • Con cò Đồng Đăng…"
  • Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn
  • Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ
  • "Con cò ăn đêm
  • Con cò xa tổ
  • Cò gặp cành mềm
  • Cò sợ xáo măng…"
  • Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ
  • Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng
  • Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
  • Con chưa biết con cò con vạc
  • Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
  • Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân"

Bốn câu thơ đầu là lời mẹ nói với con cũng là cách giới thiệu về hình ảnh con cò. Tiếp đó tác giả gợi lại những câu ca dao xưa để miêu tả khung cảnh quen thuộc của làng quê yên ả, thanh bình đến phố xá sầm uất, đông vui. Đó là một cuộc sống êm ả, thanh bình ít biến động thời xưa. Con cò phải lặn lội một mình kiếm ăn còn con sung sướng hạnh phúc biết bao khi được chìm vào giấc ngủ nồng say trong lời ru của mẹ. Con cò trong câu ca dao phải vất vả kiếm ăn còn con luôn có mẹ ở bên, mẹ là chỗ dựa đáng tin cậy, là lá chắn che chở suốt đời con. Qua những lời ru của mẹ, hình ảnh con cò đến với tuổi thơ một cách vô thức. Đây chính là sự khởi đầu đi vào thế giới tâm hồn của con người, của những lời hát ru, của ca dao dân ca, đó là cả điệu hồn của dân tộc của nhân dân. Ở tuổi ấu thơ, đứa trẻ chưa hiểu được ý nghĩa, nội dung của lời hát ru, chúng chỉ cần được vỗ về trong âm điệu dịu dàng của lời ru để đón nhận bằng trực giác tình yêu thương, sự chở che của người mẹ. Đoạn thơ khép lại bằng những hình ảnh thanh bình của cuộc sống, bằng giấc ngủ nồng say của trẻ thơ. 

>> Xem thêm:  Nghị luận về câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

Sang đến khổ thơ thứ hai, hình ảnh con cò đi vào tiềm thức của tuổi thơ và trở nên gần gũi, theo bước người con trên mỗi chặng đường đời. 

  • "Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên
  • Cho cò trắng đến làm quen
  • Cò đứng ở quanh nôi
  • Rồi cò vào trong tổ
  • Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
  • Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi
  • Mai khôn lớn, con theo cò đi học
  • Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
  • Lớn lên, lớn lên, lớn lên…
  • Con làm gì?
  • Con làm thi sĩ
  • Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
  • Trước hiên nhà
  • Và trong hơi mát câu văn"

Sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú của nhà thơ đã thổi sức sống vào cánh cò đã chắp cánh cho con cò bay từ trong ca dao để xuất hiện trong những khung cảnh mới lạ: bên nôi, với trẻ, đi học cùng bé và sau này cánh cò bay vào câu thơ khi con làm thi sĩ. Hình ảnh thơ lung linh diễn tả một suy tưởng sâu sa. Cánh cò đồng hành cùng con người từ tuổi nằm nôi đến tuổi đi học và cho đến lúc trưởng thành, đã gợi ý những biểu tượng về lòng mẹ, về sự chắt chiu nâng đỡ dịu dàng và bền lâu của người mẹ. Mẹ luôn theo sát con mong con khôn lớn, trưởng thành. Ước mong con làm thi sĩ chỉ là giả định chủ yếu thể hiện ước mơ của mẹ mong con lớn khôn có tâm hồn biết yêu thương, yêu cái đẹp. 

>> Xem thêm:  Nghị luận về nói tục chửi thề lớp 9

Từ hình ảnh con cò tác giả suy ngẫm triết lí về ý nghĩa lời ru và tấm lòng của người mẹ đối với cuộc đời mỗi con người:

  • "Dù ở gần con
  • Dù ở xa con
  • Lên rừng xuống bể
  • Cò sẽ tìm con
  • Cò mãi yêu con
  • Con dù lớn vẫn là con của mẹ
  • Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con
  • À ơi!
  • Một con cò thôi
  • Con cò mẹ hát
  • Cũng là cuộc đời
  • Vỗ cánh qua nôi
  • Ngủ đi, ngủ đi!
  • Cho cánh cò, cánh vạc
  • Cho cả sắc trời
  • Đến hát
  • Quanh nôi"

Năm câu thơ đầu, nhà thơ đã sử dụng điệp ngữ "dù ở", nghệ thuật đối "gần con – xa con", "lên rừng – xuống bể" kết hợp với nhịp thơ dồn dập, đoạn thơ gợi mở ra một không gian bao la, một thời gian không giới hạn. Qua đó tác giả nhấn mạnh cuộc đời dài và rộng có nhiều vất vả trắc trở, nhiều biến động nhưng mẹ vẫn mãi ở bên con, mãi yêu thương con bằng một tình yêu thương vô hạn. Từ sự thấu hiểu tấm lòng người mẹ, nhà thơ đã khái quát đúc kết một quy luật của tình cảm có ý nghĩa bền vững, rộng lớn và sâu sắc:

  • "Con dù lớn vẫn là con của mẹ
  • Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con"

Câu thơ giàu chất trí tuệ, đậm chất triết lí, triết lí của trái tim. Người con dù khôn lớn trưởng thành đến đâu vẫn mãi là một đứa trẻ bé nhỏ luôn cần đến sự quan tâm, tình yêu thương và sự chở che của mẹ. Tình yêu thương của mẹ không có bến bờ và sẽ mãi theo con cho dù một ngày mẹ không còn trên thế gian này nữa. Bởi vậy nhà thơ Nguyễn Duy đã viết:

>> Xem thêm:  Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu

  • "Ta đi trọn kiếp con người
  • Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru"

Mười câu thơ cuối bài thơ với âm điệu ngọt ngào đằm thắm ngân nga, là lời khẳng định lời ru của mẹ thưở còn thơ sẽ theo con suốt cuộc đời và trở thành mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn con, chắp cánh cho con trên những chặng đường dài. 

Bài thơ với thể thơ tự do, nhiều câu thơ mang dáng dấp của thơ tám chữ giúp tác giả thể hiện giai điệu, cảm xúc một cách linh hoạt. Âm điệu bài thơ ngọt ngào, êm ái như âm điệu lời ru. Các khổ thơ mở đầu bằng câu văn ngắn và kết lại bằng câu văn dài khiến bài thơ mang tầm suy nghĩ, triết lí. Nhà thơ đã vận dụng sáng tạo hình ảnh con cò trong ca dao để tạo nên những hình ảnh thơ mới mẻ, độc đáo, bất ngờ.

Bài thơ đã làm mới một đề tài vốn gần gũi và quen thuộc. Qua bài thơ, Chế Lan Viên nhắc nhở chân thành và thấm thía về tình mẹ, về ý nghĩa lời ru đối với mỗi con người. 

Bài viết liên quan