Cảm nghĩ về người cha thân yêu


Cảm nghĩ về người cha thân yêu – Dàn ý

1. Mở bài

–   Trong những quan hệ tình cảm của con người thì tình cha con là tình cảm máu thịt thiêng liêng.

– Công lao to lớn của người cha được nhắc đến rất nhiều trong ca dao – dân ca (dẫn chứng minh họa).

2. Thân bài

–   Vai trò của người cha

+ Người cha đóng vai trò trụ cột, thường quyết định những việc quan trọng trong gia đình; là chỗ dựa về vật chất lẫn tinh thần của gia đình.

+ Cha kèm cặp, dạy dỗ, truyền kinh nghiệm sống và nâng đỡ các con trên bước đường tạo dựng sự nghiệp.

–   Cảm nghĩ của em về người cha thân yêu:

+ Cha em chỉ là một người thợ bình thường, quanh năm vất vả với công việc. Đức tính nổi bật của cha là cần cù, chịu khó, hết lòng vì gia đình.

+ Cách dạy con của cha rất giản dị: Nói ít làm nhiều, lấy lời nói, hành động của mình làm gương cho các con. Thái độ của cha cởi mở, dễ gần, bao dung nhưng cũng rất nghiêm khắc.

– Các con kính yêu, quý mến và tin tưởng ở cha, cố gắng chăm ngoan, học giỏi để cha vui lòng.

3. Kết bài

– Công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ vô cùng to lớn, sánh ngang với núi cao, biển rộng.

– Con cái phải biết ơn và đền đáp công lao cha mẹ bằng lời nói và việc làm hiếu nghĩa hằng ngày.

Cảm nghĩ về người cha thân yêu – Bài 1

Chúng tôi nghe cô giáo tâm sự: Lúc cô nhỏ tuổi, bố cô ở nhà, thì chẳng có chuyện gì xảy ra. Bố vừa đi công tác, tối hôm ấy, bọn trộm đã đến rình rập, làm lũ gà trong chuồng cứ lục đục kêu… Tôi chưa thấm thía câu chuyện của cô giáo tôi về vai trò người cha lắm. Bởi vì cha tôi cứ đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về khi ấy gia đình tôi ấm cúng, hạnh phúc lắm. Thế mà có một lần, cha tôi đã đi công tác xa, ba năm liền, cha tôi mới về. Thời gian ấy, tôi thấy gia đình tôi trống trải vô cùng,…

>> Xem thêm:  Cảm nghĩ về hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương

Ngày cha đi, tôi và thằng em trai tôi cứ sụt sùi mãi. Mặc dù, hằng ngày, cha tôi thường quát hai chị em rất to, nhất là những ngày bị điểm kém và tranh giành, cãi cọ nhau. Cha rất tốt, nhưng lại nóng tính, thấy chị em tôi khóc, cha tôi vẫn quát (như mọi khi): “Cha chỉ đi vắng có vài năm thôi. Rất nhanh. Cha có đi hẳn cả đời đâu mà các con khóc, hả. Đừng làm cha buồn”. Tuy nói vậy, tôi biết cha cũng buồn, đôi mắt cha đã nặng nặng… Thế rồi đoàn tàu chở cha tôi cứ xa dần, xa dần…

Trở về nhà, tôi thấy trên bàn học của tôi có một cuốn sổ “Nhật kí gia đình” và tờ giấy với dòng chữ của cha: “Con “Tinh Tinh” bé bỏng của bố! Con hãy viết tiếp hộ cha trong ba năm nhé, Yêu các con!”. Tôi oà khóc. Cha tôi vẫn gọi tôi là “Tinh Tinh bé bỏng” như thế – những lúc cha âu yếm nhất (vì tên tôi là Hà Linh mà, và vì tôi còn rất nghịch nữa, nghịch hơn con trai).

Cứ thế, ba năm trôi qua, nhật kí gia đình đã phải sang quyển mới I, quyển mới II từ lâu cha mới về. Cha về, ông nội lại mất. Những chuyện vất vả, buồn phiền làm cha gầy hẳn đi, da xạm lại. Và khi hai chị em tôi đặt bàn tay bé bỏng của mình vào hai bàn tay cha, đã sờ thấy nhiều vết chai dày cộm.

>> Xem thêm:  Bài viết về chủ đề cánh chim hoà bình

Các bạn ơi! Các bạn hay nhắc đến mẹ thương yêu. Tôi cũng vậy. Nhưng các bạn đừng quên một người thương yêu nữa luôn cùng mẹ san sẻ trách nhiệm nuôi dạy và yêu quý chúng ta. Tuy bên ngoài cha “lạnh” nhưng lòng cha rực lửa yêu thương – yêu thương hết mình đấy, các bạn ạ!

Cảm nghĩ về người cha thân yêu – Bài 2

Bố tôi là một người nghiêm khắc và ít nói. Vì vậy, trong nhà, tôi sợ bố nhất. Vì một lần tôi hư, bố tôi lại lấy cái roi dài ở khe cửa ra. Và mỗi lần có bài toán khó giảng mãi tôi không hiểu, bố tôi lại nói “Mày ngu thế!”. Mẹ tôi vẫn chê bố bằng cách giả vờ nói đùa: “Bố cu Việt gốc người Bỉ”. Đầu tiên tôi tưởng thật. Về sau mới biết mẹ chê bố nói năng với con thô bỉ.

Nghe tin bô đi thành phố Nha Trang thăm mộ bà nội tôi, tôi rất mừng. Vì ít ra trong tháng này, cái roi sẽ thất nghiệp và tôi sẽ không phải nghe câu nói “Mày ngu thế!” của bố nữa. Song, sự vui mừng của tôi không kéo dài được ba ngày, thì nỗi lo lại đến. Số là sau mỗi bài cô giáo giảng toán trên lớp, về nhà bố thường giảng lại và hướng dẫn tôi làm các bài tập. Hết ngày này qua ngày khác, những chỗ không hiểu cứ dồn lại. Tôi “sĩ điện” không dám hỏi cô, có thể cô chẳng nói câu như bố, nhưng cô sẽ chê cười tôi chăng? Thế là hậu quả đã đến. Tôi đã bị điểm 1 toán kiểm tra một tiết. Những trường hợp bị điểm kém, cô giáo cho bài tập về nhà, để mai lên bảng làm bài tập, gỡ điểm. Tôi ngồi nghĩ mãi không ra cách giải toán. 

>> Xem thêm:  Chứng minh thiên nhiên đem lại cho ta sức khỏe, sự hiểu biết và niềm vui vô tận

Thật sự lúc này tôi thấy bố quan trọng với tôi xiết bao! Tôi bỗng thông cảm với cái roi và câu nói “Mày ngu quá!” của bố. Vì thực sự tôi đáng đánh đòn và ngu si lắm. Cái ngu nhất của tôi là đã hiểu lầm bố. Bố nghiêm khắc cũng chính vì bố thương yêu tôi, muốn tôi nên người. Tôi ngồi khóc thầm… Lúc này mẹ đi làm vắng. Mà về môn Toán, mẹ tôi cũng không thạo, mẹ chỉ giỏi môn xã hội thôi. Vừa lúc ấy thằng Thái – lớp trưởng, rất “cự phách” về Toán – bất ngờ đến. Nó giúp tôi, giảng giải cho tôi hiểu. Hôm sau, tôi lên bảng chữa bài: tôi được điểm 8. Cô giáo khen tôi. Tôi vui sướng đỏ cả mặt. Giờ ra chơi, tôi gặp Thái và bảo: “Trong thời gian bố tớ đi Nha Trang, cậu sang học cùng và giúp tớ môn Toán nhé”. Thái tiết lộ bí mật: “Cô giáo bảo tớ sang giúp cậu đấy!”. Tôi bàng hoàng: hoá ra cô giáo rất hiểu hoàn cảnh và tâm tư của tôi…

Ngày bố đi Nha Trang về, ngay tại sân bay Nội Bài, tôi đã ôm bố và nói: “Bố ơi! Con mong nhớ bố quá! Bố ở nhà với con nhé!”. Bố tôi xúc động xoa đầu tôi.

Bây giờ tôi mới thật sự hiểu câu nói của các cụ xưa: “Yêu thì cho roi, cho vọt”… (Sáng nay, trong tiết mục “Gặp nhau cuối tuần” của Đài Truyền hình Việt Nam, nghệ sĩ Chí Trung đã gây cười bằng biến tấu câu nói này “Yêu thì cho roi, ghét thì cho vọt”). Bố tôi nghiêm khắc cũng vì bố thương tôi. Tôi chỉ muốn nói với bố một câu: Bố ơi, con sẽ cố gắng học giỏi. Mỗi lần bố bảo “Mày ngu thế!” thì con sẽ lại cố gắng hơn lên.

Bài viết liên quan