Cảm nhận nhân vật Đăm Săn trong đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây lớp 10


Cảm nhận nhân vật Đăm Săn trong đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây lớp 10

Hướng dẫn

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 CẢM NHẬN NHÂN VẬT ĐĂM SĂN TRONG ĐOẠN TRÍCH “CHIẾN THẮNG MTAO MXÂY”

Một nhà nghiên cứu người Nga nhận xét: “Trong sử thi, con người biến thành những nhân vật trác việt, lập được nhiều chiến công vĩ đại mà con người trong đời thường không thể lập được. Vì vậy k thể thuật lại mà chỉ có thể ca hát về những chiến công đó”. Đăm Săn là một trong những tác phẩm sử thi tiêu biểu nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, được sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú, bay bổng, lãng mạn của đồng bào Ê- đê Tây Nguyên thời cổ đại. Đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây” đã dựng lên một bức chân dung khá trọn vẹn về người anh hùng sử thi Đăm Săn với sức mạnh, tài năng và vẻ đẹp phi thường, tiêu biểu cho tinh thần, ý chí, khát vọng của cả cộng đồng.

Nguyên nhân xảy ra cuộc chiến là do Mtao Mxây đã cướp Hơ Nhị, vợ của Đăm Săn. Đối với người Ê-đê theo chế độ mẫu hệ, việc bị kẻ thù cướp mất vợ là một nỗi sỉ nhục lớn đối với cả cộng đồng. Đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây” là lần thứ hai Đăm Săn phải chiến đấu để giành lại vợ, chứng tỏ bản lĩnh của mình. Vẻ đẹp của Đăm Săn được thể hiện rõ ngay từ khi chàng bước chân vào lãnh địa của Mtao Mxây. Chàng gọi hắn xuống thách đấu, hành động lộc lộ rõ sự quả cảm của chàng. Khi nghe lời khiêu khích của Mtao Mxây, Đăm Săn rất mạnh mẽ đáp trả lại: “Ngươi không xuống ư? Ta sẽ lấy cái sàn hiên nhà người ta bẻ đôi,ta lấy cái cầu thang nhà ngươi chẻ ra kéo lửa, ta hun cái nhà của ngươi cho mà xem”. Trước thái độ đó, Mtao Mxây tỏ vẻ ngần ngại, lo sợ, thấy thế Đăm Săn tỏ ra khinh miệt, coi hắn không bằng con lợn nái: “Đến con lợn nái của nhà ngươi dưới đất ta cũng không thèm đâm nữa là. Đến con trâu của nhà ngươi trong chuồng ta cũng không thèm đâm nữa là”. Ở đây ta thấy Đăm Săn tỏ rõ tinh thần thượng võ, không đánh kẻ thù khi hắn chưa chuẩn bị tinh thần giao chiến. Tuy chưa vào cuộc chiến nhưng Đăm Săn đã để lại ấn tượng là một người anh hùng tự tin, bản lĩnh, dũng cảm, chủ động từ trong suy nghĩ đến hành động, một phẩm chất đẹp đẽ hơn hẳn kẻ thù.

Trong tình cảm tôn vinh người anh hùng của buôn làng, mọi cử chỉ, ngôn ngữ, hành động của Đăm Săn đều nổi bật, vượt trội hơn kẻ thù. Dù hừng hực khí thế nhưng Đăm Săn vẫn nhường Mtao Mxây múa khiên trước. Khi Mtao Mxây múa khiên, Đăm Săn không hề nhúc nhích mà vẫn bình tĩnh, thản nhiên, thậm chí chế giễu hắn. Bằng cách ấy, tác giả dân gian đã làm nổi bật vẻ đẹp oai hùng của người anh hùng sử thi. Và thế là Đăm Săn đã dập tắt nhuệ khí của kẻ thù bằng màn múa khiên độc đáo: “Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô”. Biện pháp nghệ thuật trùng điệp, phóng đại, tác giả dân gian đã khắc họa một màn múa khiên thật đẹp, thật hào hùng. Không gian như mở ra đến vô cùng càng nhân lên kích thước của người anh hùng. Khi được Hơ Nhị ném cho miếng trầu, sức mạnh của Đăm Săn càng tăng lên gấp bội: “Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc. Chòi lẫm đổ lăn lóc. Cây cối chết rụi. Khi chàng múa dưới thấp, vang lên tiếng đĩa khiên đồng. Khi chàng múa trên cao, vang lên tiếng đĩa khiên kênh. Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung”. Đồng thời, chàng còn được sự trợ giúp của ông trời. Trời đã giúp chàng đánh rơi áo giáp của Mtao Mxây. Tuy nhiên, ông Trời chỉ đóng vai trò hỗ trợ Đăm Săn, còn chính chàng mới là người kết liễu kẻ thù, đòi lại danh dự, cướp lại người vợ. Giết Mtao Mxây, chính nghĩa thuộc về Đăm Săn. Chiến thắng được tôn vinh cùng với việc Đăm Săn được sở hữu tất cả tài sản, dân làng, tôi tớ của hắn. Quyền sở hữu này là đặc trưng gắn với thời kì chuyển từ công xã thị tộc sang chiếm hữu nô lệ, làm nên vinh quang của người anh hùng. Bởi thế hình ảnh trong sử thi được mô tả với quy mô hoành tráng: mọi người tình nguyện theo Đăm Săn đông như bầy hươu nai, lố nhố như đàn kiến cánh, như bầy kiến đen, như đàn mối trắng. Chàng thêm quyền uy, thêm nhiều chiêng núm, chiêng bằng – của cải trở thành biểu tượng sức mạnh tuyệt đối của người anh hùng.

>> Xem thêm:  Soạn bài tính chuẩn xác hấp dẫn của văn bản thuyết minh

Sau chiến thắng, Đăm Săn không quên sai tôi tớ làm lễ cảm tạ tổ tiên và thần linh đã giúp đỡ chàng, thể hiện nếp sống văn hóa “Uống nước nhớ nguồn” của đồng bào Ê-đê, cũng là của cộng đồng người Việt Nam. “Ơ các con, ơ các con, hãy đi lấy rượu bắt trâu! Rượu năm ché, trâu dâng một con để cúng thần, cáo tổ tiên, cầu sức khỏe cho ta mới đi đánh kẻ thù, bắt tù binh, xéo nát đất đai một tù trưởng nhà giàu về. Rượu bảy ché, trâu bảy con để dâng thần, rượu bảy ché, lợn thiến bảy con để dâng thần, cầu cho ta được bình yên vô sự, tai qua nạn khỏi, lớn lên như sông nước, cao lên như cây rừng, không ai bì kịp”. Đến sự lễ ăn mừng của chàng có đầy đủ chàng trai, cô gái, các tù trưởng cũng từ nơi khác đến và cả sự góp mặt của thiên nhiên Tây Nguyên. Nổi bật giữa đám đông hoan hỉ ấy tất yếu phải là người anh hùng Đăm Săn – tù trưởng hùng mạnh ít ai sánh kịp: “Ngực quấn chéo một tấm mềm chiến, tai đeo nụ, sát bên mình nghênh ngang đủ giáo gươm, đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch ăn hoa tre. Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bừng ống bễ, sức chàng ngang sức voi, hơi thở của hàng ầm ầm tựa sấm dậy". Sức mạnh của chàng được so sánh với những gì đẹp nhất, mạnh nhất của thiên nhiên. Vốn ngang tàn từ trong bụng mẹ, trải qua bao cuộc chiến, chàng lớn lên trở thành chiến thần. Không chỉ có sức mạnh phi thường, chàng còn có vẻ đẹp lãng mạn: “Chàng nằm trên võng, tóc thả trên sàn, hứng tóc chàng ở dưới đất là một cái nan hoa”. Đăm Săn là biểu tượng cho sự hài hòa giữa cái đẹp dữ dội của núi rừng, vũ trụ với cái đẹp êm ả, lãng mạn của tâm hồn người Tây Nguyên.

Đoạn trích đã đem lại cho ta những cách nhìn độc đáo về người anh hùng Đăm Săn trong chiến công bảo vệ buôn làng, đem lại bình yên cho bộ tộc. Lời kể chuyện hấp dẫn cùng ngôn ngữ miêu tả khoa trương tạo được dấu ấn đặc sắc, chứa đựng những giá trị nhân văn đặc trưng của sử thi. Sử thi anh hùng Đăm Săn quả thật đã hình thành ý thức và tình cảm cộng đồng vững bền của dân tộc Ê-Đê, thành di sản quý báu của Tây Nguyên và dân tộc Việt Nam, đánh dấu thời đại sử thi rực rỡ với vẻ đẹp “một đi không trở lại”.

BÀI LÀM VĂN SỐ 2 CẢM NHẬN VỀ NHÂN VẬT ĐĂM SĂN 

Ta đón nhận văn học không đơn thuần chỉ như đón nhận một vật trao tay. Bởi văn học thực sự là một quá trình tìm tòi, phát hiện, tiếp thu và sáng tạo đầy lí thú. Sau mỗi tác phẩm, ta nhận ra một lời nhắn nhủ của mỗi nhà văn. Sử thi "Đăm Săn" là một tác phẩm tiêu biểu như thế. Trong đoạn trích "Chiến thắng Mtao Mxây" đã xây dựng thành công hình tượng Đăm Săn với vẻ đẹp cả về tài năng, sức mạnh và phẩm chất. 

>> Xem thêm:  Văn học trung đại Việt Nam có vị trí gì trong nền văn học dân tộc và đã trải qua những giai đoạn phát triển nào? … Giai đoạn văn học từ thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII

Sử thi ra đời trong xã hội thị tộc khi cá nhân và cộng đồng thị tộc có mối quan hệ chặt chẽ. Từ bối cảnh đó, nội dung của sử thi là những sự kiện có ý nghĩa quan trọng với toàn thể cộng đồng. Sử thi "Đăm Săn" là bộ sử thi nổi tiếng của Tây Nguyên. "Chiến thắng Mtao Mxây" thuộc khúc ca thứ tư, phần giữa của tác phẩm: tù trưởng Mtao Mxây lừa lúc Đăm Săn cùng dân làng làm rẫy đã cướp phá buôn làng, bắt Hơ Nhị về làm vợ. Qua đó, đoạn trích khắc họa thành công hình tượng anh hùng Đăm Săn với vẻ đẹp tầm vóc, trí tuệ phi thường. 

Trước hết, hình tượng Đăm Săn hiện lên với vẻ đẹp cả về tài năng, phẩm chất – một tù trưởng dũng cảm, phi thường. Khi vợ bị Mtao Mxây cướp đi, Đăm Săn xông thẳng vào nhà Mtao Mxây thách đấu để giành lại vợ. Trong chế độ xã hội mẫu hệ xưa, việc bị cướp vợ giống như một sự sỉ nhục đối với cả cả cộng đồng. Vì thế Đăm Săn đã quyết tâm đòi lại vợ từ tay Mtao Mxây. Chàng thúc giục Mtao Mxây xuống dưới nhà: "Xuống, diêng! Xuống, diên! Khi Mtao Mxây sợ sệt: "Ta không xuống đâu. Ta sợ ngươi đâm ta khi ta đang đi xuống lắm" thì Đăm Săn đầy tinh thần thượng võ: "Sao ta lại đâm người khi người đang đi xuống nhỉ?". Khi kẻ thù chưa chuẩn bị sẵn sàng thì Đăm Săn Không hề đánh trước. Chàng chế giễu Mtao Mxây một cách đầy khinh bỉ: "Người xem đến con lợn nái nhà ngươi ta còn không đâm nữa là? Ngươi xem đến con trâu nhà người ta còn không đâm nữa là?". Rõ ràng là Mtao Mxây hèn nhát, trái ngược hoàn toàn với Đăm Săn mạnh mẽ, phi thường. Chàng lên tiếng thách thức: "Ta thách nhà ngươi đánh nhau với ta đấy". Dường như Đăm săn đang hừng hực khí thế với một quyết tâm mãnh liệt. Chàng để Mtao Mxây múa trước. Khiên hắn kêu lạch xạch như quả mướp khô. "Miếng múa ấy ngươi học ở đâu vậy?". Rồi chỉ chờ có thế, Đăm Săn rung khiên múa, lời nói mà như thách thức, đe dọa: "Ngươi hãy xem ta đây".

Đoạn văn miêu tả Đăm Săn múa, sức mạnh chàng phi thường. "Đăm Săn rung khiên múa. Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh, một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ-ô. Chàng chạy vun vút qua phía tây, vun vút qua phía đông. Còn Mtao Mxây thì bước thấp bước cao, chạy hết bãi này sang bãi khác. nhưng mua lấy người. Hắn vung dao chém phập một cái nhưng chỉ vừa trúng cái chão côm trâu." "Đăm Săn lại múa. Chàng múa trên cao, gió như bão, chàng múa dưới thấp, gió như lốc. Chòi lẫm đổ lăn lóc. Cây cối bật rễ tung bay". Những hành động của Đăm Săn mạnh, nhanh, dứt khoát. Lấy hình ảnh thiên nhiên đề cao tầm vóc người anh hùng sánh ngang tầm với vũ trụ. Miêu tả Mtao Mxây để từ đó các tác giả dân gian làm nổi bật sức mạnh phi thường của Đăm Săn. Trong cuộc chiến đấu này có sự giúp đỡ của ông Trời song ông Trời chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, còn kết quả trận đấu vẫn thuộc về người anh hùng quyết định. Từ đó càng làm nổi bật hơn hình ảnh Đăm Săn với tầm vóc và trí tuệ to lớn. 

Sau khi cắt đầu Mtao Mxây đem ra ngoài đường, Đăm Săn gõ vào nhà một người dân, gõ vào tất cả các nhà trong làng, gõ vào từng nhà một: "Ơ ngàn chim sẻ, ơ vạn chim ngói, các ngươi có đi với ta không?". Ba lần hỏi và ba lần được dân chúng đáp lại: "Không đi sao được!". Số ba tượng trưng cho số nhiều. Như vậy cả dân làng đều nghe theo Đăm Săn. Tôi tớ của Mtao Mxây, tôi tớ của kẻ thù song Đăm Săn vẫn coi những người dân làng mình. "Đoàn người đông như bầy ca tong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến, như mối". Một khung cảnh đông vui như lễ hội. Ta có thể tưởng tượng tất cả dân làng Mtao Mxây đồng lòng đi theo Đăm Săn, ấy là mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể cộng đồng gắn kết bền chặt, hai như một. Đăm Săn chiến đấu với mục đích giành lại vợ – đó là do cá nhân song lại có ý nghĩa với cả cộng đồng. Chiến đấu giao tranh kết thúc nhưng không phải là cảnh máu chảy đầu rơi, tan tác kẻ khóc người cười mà đó là một không khí đông vui nhộn nhịp. Đó cũng là khát khao về sự đông đúc, phồn vinh của cả một cộng đồng được nhân dân gửi gắm thông qua hình tượng.

>> Xem thêm:  Giới thiệu về một lễ hội đặc sắc của quê hương (Hội Gióng)

Hình tượng nhân vật Đăm Săn trong cảnh ăn mừng chiến chiến thắng hiện lên là trung tâm với vẻ đẹp hùng tráng – ước mơ được nhân dân gửi gắm và nhân vật. Danh tiếng của Đăm Săn lừng lẫy bốn phương, các tù trưởng gần xa đến chúc tụng. Trong buổi ăn mừng chiến thắng ấy, thiên nhiên cũng như hòa vui cùng con người: "voi đi lại hiên nhà không ngớt, rắn hổ, rắn mai đều bò ra ngoài,…" Tiếng khèn, tiếng trống tưng bừng, nhộn nhịp. Trung tâm của bức tranh tuyệt đẹp ấy là hình ảnh Đăm Săn – một tướng sĩ anh hùng từ trong bụng mẹ. Đăm Săn đầu đội mũ chiến, mặc áo giáp chiến, tay đeo nụ,gương sáng lấp lánh,… Rõ ràng Đăm Săn đang giàu lên, chiêng lắm la nhiều,… Người tù trưởng hùng mạnh là kết tinh vẻ đẹp của toàn thể cộng đồng Ê-đê. Đăm Săn hiện lên như một vị thần, đường hoàng giữa bức tranh nhộn nhịp của cảnh ăn mừng chiến thắng. Đăm Săn – một tù trường chắc chết mười mươi cũng không bại trận – là ước mơ khát vọng của nhân dân gửi gắm về hình tượng nhân vật này. Đăm Sănn mang vẻ đẹp toàn diện từ hình thể hiện tài năng, trí tuệ.

Tác giả dân gian đã lý tưởng hóa vẻ đẹp người anh hùng Đăm Săn để từ đó gửi gắm ước mơ, khát vọng của chính mình bằng cách sử dụng các biện pháp điệp cấu trúc, so sánh – so sánh tương đồng, so sánh tương phản, nghệ thuật phóng đại tạo nên những hình ảnh độc đáo giàu sức gợi, sức cảm. Ngôn ngữ nhân vật kết hợp với ngôn ngữ người kể chuyện. Trong ngôn ngữ kể chuyện có cả ngôn ngữ đối thoại tạo sự gần gũi, thể hiện được sự ngưỡng mộ, suy tôn của tác giả đối với người anh hùng. Giọng điệu hùng tráng, mạnh mẽ tạo nên sức hấp dẫn cho thể loại sử thi. Hình tượng Đăm Săn là đại diện cho vẻ đẹp của cả một cộng đồng. Bởi trong xã hội thị tộc mẫu hệ, khi Nhà nước chưa ra đời thì cá nhân tập thể dường như thống nhất hòa hợp với nhau. Chính vì vậy xây dựng hình tượng Đăm Săn chính là gửi gắm một thông điệp mang khát khao của cả một cộng đồng.

Xây dựng thành công hình tượng anh hùng Đăm Săn với vẻ đẹp tầm vóc, trí tuệ, người đọc có cơ hội hiểu hơn về sử thi. Độc giả muôn đời thêm trân trọng và ngưỡng mộ những giá trị của sử thi Việt Nam nói chung và sử thi Tây Nguyên nói riêng, một thời đại "một đi không trở lại bao giờ".

Bài viết liên quan