Cảm nhận về bài thơ Viếng Lăng Bác của tác giả Viễn Phương


Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương

Bài làm

Nói tới Hồ Chí Minh không ai không biết, nghĩ tới sự ra đi của Người không ai không đau! Viễn Phương đã thay hàng triệu người con Việt Nam và nhiều lớp thế hệ người Việt bày tỏ nỗi xót xa trước sự ra đi của người qua bài thơ “Viếng lăng Bác”.

Viễn Phương tên thật là Phan Thanh Viễn (1928-2005), là cây bút nổi bật trên nhiều tờ báo đồng thời hoạt động cách mạng sôi nổi. Mai Văn Tạo đã từng nhận xét: “Thơ Viễn Phương dễ nhớ, giàu cảm xúc, nhưng không bị lụy, cường điệu nỗi đau…”. Bài thơ “Viếng lăng Bác” là đứa con tinh thần quý giá nổi bật trong sự nghiệp sáng tác Viễn Phương cũng như cho thấy phong cách văn chương riêng của nhà thơ.

Bài thơ “Viếng lăng Bác” thực chất là một hành trình viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Lăng được xây xong vào năm 1976. Hòa cùng dòng người đông đúc từ miền Nam ra Bắc thăm lăng viếng Bác, Viễn Phương đã ghi lại chuyến đi đồng thời thể hiện cảm xúc chân thành, kính yêu của nhà thơ nói riêng và hàng triệu người Việt nói chung.

Hành trình viếng lăng được bắt đầu từ điểm nhìn bao quát phía xa:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa xa vẫn thẳng hàng”

Cách xưng hô là “con”, gọi “Bác” tạo cảm giác thân mật, gần gũi, chẳng có chút cảm giác gì của một lễ viếng cả. Mặt khác điều này còn khiến ta hình dung đến cảnh một người con xa quê lâu ngày mới về thăm Cha già kính yêu.

>> Xem thêm:  Giới thiệu bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Cù Huy Cận

cam nhan ve bai tho vieng lang bac cua tac gia vien phuong - Cảm nhận về bài thơ Viếng Lăng Bác của tác giả Viễn Phương

Cảm nhận của em về bài thơ Viếng Lăng Bác

Viễn Phương bắt gặp gì đầu tiên ở quê nhà? Đó là hàng tre. Tre – biểu tượng muôn đời cho sức sống, phẩm chất và ý chí của người Việt ngàn đời. Tre thuở kháng chiến cùng quân ta đánh giặc. Tre thuở thanh bình phủ mát mảnh hồn đất Việt. Tre được nhắc lại 2 lần càng như để nhấn mạnh sự hiện diện của nó. Nếu như Thép Mới thấy được “tre xung phong vào xe tăng đại bác” hay “tre giữ làng giữ nước giữ mái nhà tranh giữ đồng lúa chín…” thì Viễn Phương bắt gặp một “hàng tre xanh xanh” vẫn “đứng thẳng” trong “bão táp mưa sa”. Nào cảnh thực có mưa có bão, mưa bão ấy là biểu tượng của sóng gió, đau thương, biến cố khủng khiếp bao năm tháng trong lịch sử nước Việt. Tre tựa lớp lớp thế hệ người Việt hóa thân thành để ở lại đây, bên Bác.

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

Bước đến trước cửa vào lăng, hình ảnh mặt trời trở thành hình ảnh trung tâm. Ở đây, “mặt trời” trong câu thơ trên là mặt trời thực còn “mặt trời” trong câu thơ dưới là mặt trời biểu tượng cho Bác. “Một mặt trời trong lăng” kia còn có thể là gì ngoài Bác? Hơn nữa, nó còn được miêu tả với tính từ “rất đỏ”, tức là sức sống của nó còn mãnh liệt và chói lòa hơn cả mặt trời của vũ trụ. Mặt khác, mặt trời là nguồn sống của muôn loài. Vậy nên Bác trong tim Viễn Phương cũng là người đem đến tương lai tươi sáng cho cả dân tộc.

>> Xem thêm:  Suy nghĩ về "hôi của"

Một vế đối chiếu tương quan nữa là sự chuyển động của mặt trời vũ trụ và bước đi của dòng người. Mặt trời mọc rồi lặn là chân lí hiển nhiên. Cũng như dòng người khóc thương hay yêu mến Bác sẽ mãi mãi không có điểm kết. Từ láy “ngày ngày” tạo nên cảm giác chuyển dịch đó.

Khoảng cách giữa nhà thơ với Bác thêm gần. Cảm giác hồi hộp khi gặp Bác cũng dâng cao:

“Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Dẫu biết trời xanh sẽ là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim”

Đứng trước Bác, Viễn Phương thấy gì? Đó là một vị Cha già đang “ngủ bình yên”. Với thi nhân, Bác không hề đến cõi vĩnh hằng mà chỉ đang ngủ. Hơn nữa là nằm giữa “vầng trăng sáng”. Vầng trăng có thể là nói tới vầng trăng tri kỉ thường gặp trong thơ Bác:

“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

(“Ngắm trăng”)

Cũng có thể vầng trăng ấy là Bác. Bác – một người dịu hiền và cao quý. Ánh hào quang từ Người khiến lòng ta thanh bình, an yên.

Bác còn được ví với “trời xanh” – một thực thể tồn tại hiển nhiên và vĩnh cửu. Dù có như vậy, sự thật Bác đã không còn vẫn khiến người ta đau xót. Thực tại trở về trước mắt, Viễn Phương thức tỉnh và thấy “đau nhói ở trong tim”. Từ “đau nhói
 vừa diễn tả nỗi đau quặn thắt vừa như bàng hoàng, giật mình.

>> Xem thêm:  Thuyết minh về con trâu có sử dụng yếu tố miêu tả

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm bông hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”

Đến cuối cùng, Viễn Phương lại chia tay Bác trong nỗi đau. Cuộc chia tay giữa tác giả với Bác không lời, không cái nắm tay bịn rịn, không cái ngoảnh đầu lưu luyến, chỉ có nước mắt và niềm thương trực trào tuôn. Nỗi đau vẫn có gì đó thật bàng hoàng.

Khát vọng là lời nhắn gửi sau cùng của thi nhân. Khát vọng ấy là được bên Bác, quanh Bác, cận kề cùng Bác. Đó là khát vọng được hóa thân thành loài chim, loài hoa hay cây tre trung hiếu. Điều này càng thể hiện rõ tình cảm thiết tha mà tác giả dành cho Bác.

“Viếng lăng Bác” tựa trang nhật kí Viễn Phương lưu lại. Tuy giọng điệu chân thành, tình cảm thiết tha, ngôn từ giản dị nhưng tác phẩm đã nêu lên được vấn đề lớn, con người lớn và tình cảm lớn giữa toàn dân tộc với vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Do đó, bài thơ sống mãi với thời gian nhờ tính cảm xúc và tính sự kiện.

Hoài Lê

Bài viết liên quan